Phụ Lục
Ngành công nghiệp game được dự tính sẽ tăng lên đến con số 230 tỉ USD trong năm 2022, và trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Thành tích này có được là nhờ sự đóng góp của nhiều mảng game khác nhau, từ những trò chơi truyền thống đến những kẻ đi đầu khai thác những mặt trận mới như cloud, VR, hoặc các tựa game dịch vụ. Hãy cùng Mọt tui nhìn lại tình hình của những mảng game này và dự đoán chút ít về chúng trong năm 2020.
Mọt gọi mảng này là game truyền thống cho ngắn gọn, chứ thật ra nó bao quát rất nhiều thể loại, từ những tựa game theo cốt truyện tuyến tính bình thường, game thế giới mở hoành tráng, game solo, game co-op đến game online. Cũng cần phải nói rằng việc phân chia “game truyền thống” với các trường phái khác thật ra cũng không được rõ ràng, bởi một tựa game vừa có thể chơi đơn vừa xuất hiện trên mây, vừa đi theo cốt truyện lại vừa hỗ trợ thực tế ảo… Ở đây, Mọt xin định nghĩa “game truyền thống” là những phiên bản game (không phải những tựa game) chạy trên console, PC, điện thoại… mà bạn tải, cài đặt và chạy mà không cần đến kính VR.
Đây vẫn là phần chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành công nghiệp game, và không hề thu hẹp mặc dù nhiều thể loại game khác đang xuất hiện. Thật ra phải nói rằng đây là mảng game phát triển nhanh nhất, đến mức chóng mặt bởi trong thời buổi này, sự phổ biến của các công cụ làm game miễn phí và sự phình to của cộng đồng game thủ khiến ngày càng nhiều nhà phát triển bước vào làm game. Sự xuất hiện của các nhà phát triển indie ngược lại giúp ngày càng nhiều người vốn không có hứng thú với game trở thành game thủ, bởi chỉ có indie mới dám khai thác những ý tưởng độc đáo, mới lạ mà những nhà phát triển, phát hành lớn không dám làm trước đây.
Điều đặc biệt của năm 2020 là nó sẽ đóng vai trò bàn đạp cho sự bùng nổ của những tựa game thuộc mảng này, khi các hệ console mới của Microsoft và Sony đến gần ngày ra mắt. Cả hai công ty lẫn các nhà làm game thứ ba đều sẽ “dồn sức, lên gân” cho việc khai thác thị trường mà hai hệ console mới mở ra, và chắc chắn trong đó sẽ không thiếu những tựa game lạ lùng, đột phá như Death Stranding, Control, Innocence,… Bên cạnh đó, công nghệ ray tracing cũng đã đến thời điểm chín muồi, và Crytek cũng đã “khoe hàng” việc làm ray tracing không cần đến card RTX, nên Mọt tin rằng những tựa game mới của 2020 sẽ ngày càng đẹp mắt hơn.
Với CryEngine, bạn có thể tạo ray tracing mà không cần card RTX.
Nôm na là “game dịch vụ” (Game as a Service – những tựa game liên tục được cập nhật sau ngày phát hành), thể loại này không phải là mới. Nhiều tựa game thuộc thể loại này đã xuất hiện trên thị trường trong vài năm trở lại đây, và 2019 cũng không ngoại lệ. Rất nhiều nhà phát hành nhìn thấy tiềm năng hốt bạc của thể loại game này qua thành công của những PUBG, Fortnite, Rainbow Six Siege, và cả… Star Wars Battlefront 2, nên họ vẫn tiếp tục phát triển và phát hành những tựa game dịch vụ mới.
Chỉ có điều là các tựa game dịch vụ của năm 2019 đều… fail sấp mặt, và để lại vị đắng trong lòng game thủ, khiến họ trở nên dị ứng với cụm từ này chẳng khác gì “loot box” vài năm trước đây. Hai thất bại hoành tráng, ngoạn mục nhất trong năm 2019 không gì ngoài Anthem và Ghost Recon: Breakpoint, một khiến danh tiếng của nhà phát triển BioWare tuột dốc không phanh, còn một làm cổ phiếu của nhà phát hành Ubisoft rớt gần 30% sau khi kết quả kinh doanh của họ được công bố.
Khác với game truyền thống, game dịch vụ là một thể loại ngốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, điều mà các công ty indie khó có thể đáp ứng nên khi thua lỗ, thiệt hại mà nhà phát triển / phát hành gánh chịu cũng khổng lồ. Dù vậy, những công ty đủ sức làm game dịch vụ đều rất có tiền, nên những thất bại này không thể làm chùn chân họ trong việc làm ra những tựa game dịch vụ mới. Mọt chỉ hi vọng rằng tấm gương nhãn tiền của Anthem và Ghost Recon: Breakpoint sẽ khiến họ suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trong các công đoạn thiết kế gameplay, phương thức kiếm tiền và phương thức cập nhật nội dung sau ngày phát hành khi tung ra những tựa game dịch vụ mới trong năm 2020.
Chơi game trên “mây” (Cloud streaming) cũng chỉ thực sự “hot” trở lại trong năm 2019 với việc Google công bố Stadia. Trước Stadia, chúng ta có GeForce Now, PlayStation Now, OnLive,… nhưng số thì “chết yểu,” số khác lại đòi hỏi các phần cứng riêng hoặc console nên chúng không thực sự phổ biến. Stadia không đòi hỏi phần cứng riêng biệt (bạn không bắt buộc phải có chiếc tay cầm mà Google bán ra để chơi Stadia) và có lợi thế từ cơ sở hạ tầng rộng khắp của Google, hai yếu tố khiến cả cộng đồng game thủ lẫn báo giới chú ý dõi theo từng động thái của Google với dịch vụ này.
Trong khoảng thời gian đầu ra mắt, dù nền tảng này đã không đạt được những thông số kỹ thuật mà họ hứa hẹn ban đầu (nhiều game không chạy ở 4K mà chỉ render ở độ phân giải thấp hơn rồi upscale, độ trễ cao, game ít buộc Google phải tăng thêm ở phút chót…), sự xuất hiện của Stadia phần nào báo hiệu rằng công nghệ hiện đại đã tiến bộ đủ để streaming game qua internet trở thành một lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, một số vấn đề mà Stadia đang mắc phải có thể không phải do nền tảng của Google, mà do những lý do khác như cơ sở hạ tầng mạng, game chưa được tối ưu hóa…
Sau Stadia, trong năm 2020 và xa hơn nữa, chúng ta sẽ được thấy một số cái tên mới bước vào lĩnh vực stream game qua cloud như Project Atlas của EA, xCloud của Microsoft. Dù các nền tảng này có thành công hay không, nó cho thấy rằng các nhà phát triển thực sự nhìn thấy tương lai của phương thức chơi game mới này, và không sớm thì muộn việc stream game qua cloud cũng sẽ trở thành một phần không thể tách rời của ngành công nghiệp game.
VR, AR có một năm 2019 gần như trầm lặng (dù vẫn có game mới ra đều), nếu như không phải nhờ Valve. Việc công ty của Gabe Newell công bố Half-Life 1.5 Half-Life Alyx đã đem lại niềm vui bất ngờ cho vô vàn game thủ vốn là fan của dòng game kinh điển này, đặc biệt là những ai sở hữu kính thực tế ảo. Đó là còn chưa kể đến việc có tin đồn một phiên bản Left 4 Dead cho VR đang được thực hiện, khiến rất nhiều game thủ vốn chưa từng chú ý đến VR bỗng chuyển sang nghiêm túc cân nhắc việc bước chân vào nền tảng chơi game này. Rất nhiều người trong số họ đã biến suy nghĩ thành hành động khi làm kính Index đắt đỏ của Valve “cháy hàng” ngay trong ngày đầu tiên Half-Life Alyx được công bố, trong khi số khác tìm đến những lựa chọn khác rẻ hơn.
Nhưng bán game hay bán kính VR không phải là mục đích chính của Valve. Điều mà Gabe Newell muốn khi công bố Half-Life Alyx là kéo ánh mắt của cả thế giới vào VR, và ông đã thành công. VR đã trở thành chủ đề bàn tán mới của game thủ khi họ nhận ra rằng giờ đây chúng không còn là thể loại game cao sang mà chỉ các đại gia mới có thể thưởng thức, mà đã trở nên bình dân hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Half-Life Alyx cũng sẽ là phương thức Valve dùng để “tiếp thị” engine Source 2 và bộ công cụ Steam VR của mình, thu hút thêm nhiều nhà phát triển sử dụng các công cụ này để làm game – điều sẽ đem lại lợi ích cho Valve về lâu dài trong tương lai.
Với ngày phát hành của Half-Life Alyx đã được ấn định là tháng 3/2020, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến khởi đầu của một bước ngoặt trong ngành công nghiệp game, khi VR và AR chuyển từ kẻ đứng xem bên lề thành võ sĩ trên sàn đấu trong năm sau.
Ngành game vẫn đang phát triển với tốc độ chóng mặt và thị trường của game vẫn đang không ngừng mở rộng, mặc cho một vài công ty vấp váp ở đâu đó trong cuộc đua này. Vì vậy nên trong năm 2020, chúng ta sẽ lại chứng kiến những tựa game mới, những đột phá công nghệ hình ảnh, âm thanh và những thiết kế gameplay lạ lùng nhưng mới mẻ. 2020 sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mê hồn, nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú, các pha hành động gay cấn và đồ họa mãn nhãn.
2020 sẽ là một năm tuyệt vời nếu bạn là một gamer.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]