Gần 2 thập kỷ đầy thăng trầm và sự xuất hiện của kẻ ngáng đường
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, dòng game thể thao bóng đá của Konami – Pro Evolution Soccer (PES) đến nay đã đi được hành trình gần 2 thập kỷ với phiên bản mới nhất mang tên PES 2018 ra mắt vào giữa tháng 9 vừa qua.
17 năm, một quãng thời gian dài hơi đủ cho một đứa trẻ con ngây dại có thể dần hoàn thiện về thể chất và suy nghĩ. Thế nhưng với PES, 17 năm giống như một bản giao hưởng với đủ nốt nhạc thăng trầm.
Mười năm về trước, đế chế PES của KONAMI đã từng khiến cho cả thế giới phải bùng nổ với sự xuất hiện của PES 2006 – một phiên bản được yêu thích nhất của cả dòng game cho đến tận thời điểm hiện tại. Để rồi sau đó, những PES 2012, PES 2013 được ra mắt với nền tảng engine mới đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của những người hâm mộ dòng game thể thao bóng đá.
Những tưởng với bệ phóng hoàn hảo như vậy, PES sẽ giữ vững ngôi vị thống trị của mình thêm nhiều thập kỷ sau đó. Nhưng “chậm mà chắc”, FIFA của EA từ một cái bóng chỉ dám quanh quẩn khu vực Bắc Mỹ bỗng nổi lên như một kẻ “phản đồ” sẵn sàng lật đổ PES để chiếm ngôi vua về cho mình.
PES 2014 xứng danh thảm họa với những lỗi bug ngớ ngẩn và gameplay xuống cấp so với phiên bản PES 2013
Từ sau phiên bản thảm họa mang tên PES 2014, Konami đã dần bị đối thủ EA bỏ lại quá xa cả về chất lượng cho đến độ phủ trên toàn thế giới. Còn nhớ cách đây 10 năm về trước, các game thủ Châu Á đã từng phát điên về PES đến như nào. Nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, các tín đồ của PES đã “đánh chiếm” hầu hết các hàng Play Station và biến PES trở thành một trong những tựa game được các chủ quán ưa chuộng nhất.
“Không có PES, đừng mong có khách!”
Nhưng rồi thời thế đổi thay, trong khi KONAMI không có nhiều thay đổi để giữ chân người chơi, FIFA của EA dần phủ sóng mạnh hơn vào cộng đồng game thủ tại Việt Nam nhờ những ưu điểm đáng giá của mình. Thậm chí, nhiều “PES thủ” một thời cũng đành phải chẹp lưỡi thừa nhận: “Có lẽ PES giờ chỉ là một tựa game mô phỏng bóng đá, còn FIFA đã mang cả thế giới bóng đá thực tế vào trong game rồi”.
Những hy vọng tái sinh mong manh
Sau thất bại với PES 2014, những người hâm mộ PES đã phần nào khôi phục niềm tin vào Konami sau thành công vang dội của PES 2016 và PES 2017. Mới đây nhất, vào ngày 13/9, PES 2018 cũng chính thức được “lên sàn” với nhiều kỳ vọng của người hâm mộ.
PES 2018 ra mắt mang theo nhiều kỳ vọng của fan hâm mộ
Chỉ sau ít ngày ra mắt, PES 2018 đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ phía cộng đồng game thủ cũng như nhận được số điểm cao từ các trang tin game uy tín như IGN hay Gamespot. Trang tin nổi tiếng IGN nhận định, PES 2018 đã có sự cải thiện rõ rệt so với phiên bản tiền nhiệm là PES 2017.
Đồng tình với IGN, trang tin nổi tiếng Game Informer cũng dành lời khen về mặt lối chơi của PES 2018 với số điểm đánh giá khá cao, 88/100 điểm. Ngoài ra, VideoGamer cho rằng đây là phiên bản nâng cấp khá toàn diện: ”PES 2018 giống như sự pha trộn hoàn hảo giữa những ý tưởng tuyệt vời, kết hợp cùng những thứ cũ được làm tươi mới lại” – trang này nhận định.
PES còn thiếu nhiều điều để trở lại cuộc đua với FIFA
Nghe những lời tán dương như vậy, nhiều fan của PES chắc hẳn tin rằng phiên bản PES 2018 năm nay sẽ giúp dòng game bóng đá của Konami trở lại cuộc đua song mã sau nhiều năm núp bóng FIFA. Tuy nhiên, trên thực tế, qua trải nghiệm, một bộ phận không nhỏ người chơi đều cho rằng PES vẫn còn thiếu rất nhiều điều để trở thành một đối trọng thực sự của FIFA.
Vậy, “ông hoàng” cần làm gì để hồi sinh?
Điểm khuyết đầu tiên so với FIFA, chắc chắn nằm bên bản quyền hình ảnh các giải đấu và cầu thủ. Vấn đề này luôn là điểm trừ nặng nhất của PES, và PES 2018 cũng không phải ngoại lệ, mặc cho Konami đã cố gắng ký hợp đồng với một số đối tác đáng chú ý, như Barcelona, Borussia Dortmund, Liverpool FC…. Nhưng nhìn sang bên FIFA 18, số lượng giải đấu và đội bóng mà PES nắm giữ bản quyền nếu so với FIFA không khác nào muối bỏ bể.
Thay vì những đội bóng tên tuổi, PES lại ký hợp đồng với Fulham??
Nếu như ở FIFA, game thủ hoàn toàn có thể điều khiển những đội bóng mình ưa thích như Chelsea hay Manchester United chinh chiến tại Premier League thì với PES, game thủ chỉ có thể điều khiển những đội bóng với cái tên lạ lẫm như London FC hay Man Red. Rõ ràng điều này đã phần nào khiến cho sản phẩm của KONAMI bị thất thế trước đối thủ EA.
Bên cạnh đó, những giải đấu mà PES nắm giữ bản quyền như giải Vô địch quốc gia Pháp hay giải Vô địch quốc gia Hà Lan nhìn chung khó thể nào so bì với những Premier League hay Bundesliga mà EA nắm giữ bản quyền được. Nếu phiên bản sang năm KONAMI có thể cải thiện được điều này bằng một thỏa thuận trao đổi "ngầm" với EA chẳng hạn, đó có thể sẽ là một bước tiến hoàn hảo cho sự phát triển của dòng game thể thao này.
Giao diện Master League có nhiều cải tiến, nhưng vẫn chưa đủ
Ngoài ra, chế độ chơi chủ đạo của game - Master League có quá ít sự đổi mới so với các “người tiền nhiệm” trước đó cũng là một điểm trừ đáng kể của PES 2018. Được biết, trong phiên bản năm nay, KONAMI chỉ bổ sung thêm một độ khó mới về chuyển nhượng và quản lý đội bóng. Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán hợp đồng, KONAMI còn cho phép người chơi deal mức giá và mức lương để câu kéo cầu thủ về đội hình của mình. Tuy nhiên, nhìn chung những cải tiến nhỏ nhặt này vẫn chưa thực sự làm hài lòng các fan hâm mộ của dòng game thể thao bóng đá.
Nhìn sang đối thủ chính là EA, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chế độ chơi tương tự ở FIFA được hãng game này chăm sóc rất kỹ lưỡng, tất cả đều được mô phỏng hết sức chân thực, đặc biệt là ở phần chuyển nhượng khi yêu cầu người chơi phải thực hiện rất nhiều công đoạn như hỏi mua, trả giá, thương lượng về mức lương với những đoạn cutscene hết sức chân thực.
Đấy là còn chưa kể đến chế độ cốt truyện The Journey đầy hấp dẫn, nếu để đem ra so sánh, chế độ Become a Legend của PES 2018 trở nên cực kỳ lỗi thời khi gần như không có sự đổi mới trong quá nhiều phiên bản gần đây.
Tất tần tật từ A-Z cách cài đặt bản patch cập nhật chuyển nhượng, logo, áo đấu bản quyền dành cho PES 2018 phiên bản PS4.
Bên cạnh đó, về mặt đồ họa, dù PES 2018 đã cải thiện khá tốt về hình ảnh cầu thủ cũng như hiệu ứng mặt sân, nhưng Konami có vẻ như đã vô tình quên đi mất đến những khán đài xung quanh. Theo đánh giá của người viết, những chi tiết trên các khán đài cũng như đường pitch vẫn còn tương đối đơn giản và gồ ghề.
Ngoài ra, âm thanh bình luận và tiếng cổ động của khán giả vẫn còn rập khuôn giống như những phiên bản trước, không thể hiện được sự sôi động trong những trận cầu đỉnh cao.
Những quyết định của trọng tài trong PES vẫn khiến người chơi vô cùng ức chế
Cuối cùng, AI của trọng tài trong PES 2018 đôi khi còn khiến người chơi hết sức bực mình khi vị vua áo đen này thường xuyên đưa ra những quyết định có phần khắt khe cho đội nhà. Trong khi bên phía sân đối diện, các cầu thủ của đối phương dù thường xuyên chơi rắn với những pha xoạc bóng đầy thô bạo cũng chỉ nhận được ánh mắt làm ngơ đến từ “người cầm cân nảy mực”.
Tạm kết
Dù được cộng đồng game thủ và giới truyền thông đánh giá cao, nhưng nếu nhìn nhận khách quan 2 tháng sau khi ra mắt, có thể thấy PES 2018 vẫn chưa thể nào đánh bại được đối thủ chính là FIFA 18 trong năm nay khi mà vẫn còn tồn đọng rất nhiều điểm yếu từ những phiên bản trước đó. Hy vọng ở phiên bản sang năm hoặc ở những bản cập nhật tiếp theo, KONAMI sẽ có những sự bổ sung chất lượng để PES 2018 có thể trở lại cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ truyền kiếp FIFA.