Phụ Lục
Trong nửa đầu năm 2018. Battle Royale chính là xu thế game dẫn đầu toàn bộ ngành công nghiệp trò chơi. Nó có sức ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ các thể loại khác. Các hãng game lớn nhỏ đều không thể thoát khỏi sức hút của thể loại game “chạy bo”. Đến giữa năm 2018, các game độc quyền hấp dẫn phát hành đã giúp cho ngành game tạm thời được bình ổn trở lại.
Game thủ chúng ta chuẩn bị tạm biệt năm 2018 đầy biến động, cùng nhau hướng tới một năm 2019 với những hi vọng vào các sản phẩm mới. Và trong năm tới, ngành công nghiệp game sẽ phải đón nhận và xu thế game 2019 sẽ như thê nào? Liệu đó là một sự bùng nổ trở lại đầy mạnh mẽ của Battle Royale? Hay sẽ là những xu thế game cũ?
Năm 2018 vừa rồi đã chứng kiến rất nhiều tựa game thế giới mở, đến mức nó bắt đầu trở thành một loại “thời trang” không tốt chút nào khi quá bị lạm dụng.
Mọt tui xin phép được đưa ra dự đoán về những xu thế có thể bùng nổ trong năm 2019 tới đây.
Chúng ta không thể không nhắc tới dịch vụ Streaming game. Trên thực tế, xu thế game này đã và đang bùng phát rất mạnh mẽ. Trong năm 2018 vừa qua, ngành game đã được đón nhận rất nhiều thông tin liên quan dịch vụ Phát Game Trực Tuyến này. Nó đem tới nhiều sự tiện lợi như không phải download game về máy, không phải cài đặt, không cần quan tâm tới thiết bị hay phần cứng chơi game, game thủ có thể trải nghiệm trên bất cứ máy nào ở bất kỳ nơi đâu.
Sony, Microsoft hay cả Google đều đã bước chân vào dịch vụ này. Các hãng game lớn như Ubisoft hay EA cũng đang dần xây những viên gạch đầu tiên trong lĩnh vực Streaming Game. Năm 2019 tới hứa hẹn cuộc chiến Dịch vụ Game Trực Tuyến sẽ rất hấp dẫn. Tất cả đều đang hướng tới một mục tiêu là trở thành “Netflix của ngành game”.
Tuy nhiên, tiện lợi là vậy, nhưng xu thế game này vẫn vấp phải những khó khăn về mặt trải nghiệm có liên quan tới tốc độ kết nối internet. Đây không phải vấn đề mà các hãng game có thể tự giải quyết mà phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp viễn thông. Hi vọng năm tới, dịch vụ Streaming Game sẽ có những bước cải thiện rõ rệt hơn.
Còn Live Stream nhiều khả năng vẫn sẽ được đẩy mạnh phát triển trong cộng đồng game thủ. Mặc dù công việc này bị dính rất nhiều phốt nhưng đây vẫn là một món ăn tinh thần đối với rất nhiều game thủ. Bên cạnh đó, nó còn là công việc kiếm ra rất nhiều tiền nữa. Live Stream vẫn sẽ có một chỗ đứng và phát triển mạnh trong năm sau. Không có lý do gì để dịch vụ này bị chững lại cả. Vẫn còn rất nhiều game thủ muốn được xem Live Stream hơn là trực tiếp trải nghiệm trò chơi điện tử.
Twitch vẫn là kênh stream và xem stream hàng đầu trong cộng đồng game thủ. Tổng số giờ mà người dùng đã xem trên Twitch là hơn 9 tỷ giờ, tăng khoảng gần 3 tỷ giờ so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng Live-Stream, các drama của Streamer hay các câu chuyện bên lề giữa những người Stream nổi tiếng với nhau luôn là đề tài nóng hổi đối với game thủ.
Có thể thấy trong năm 2018 vừa qua, các game thực tế ảo vẫn chưa được chú ý nhiều. Lý do là do công nghệ này vẫn còn đắt đỏ, khó tiếp cận được với người dùng đại trà. Thị trường có rất nhiều những trò chơi hấp dẫn nhưng lại không được đón nhận nhiều. Thực tế thì công nghệ này vẫn chưa đủ sức nặng để khiến người dùng phải móc hầu bao ra mua để trải nghiệm thay cho Console.
Tuy nhiên, có thể thấy game VR đã và đang có những bước đầu tiên thay đổi cách chơi game của cộng đồng. Đầu tiên là với các trò chơi bắn súng, nó giúp cho cách trải nghiệm hay tương tác giữa những người chơi thú vị hơn rất nhiều. Đó còn chưa kể tới việc các nhà phát triển có thể thỏa sức sáng tạo cách tương tác với trò chơi.
Trong năm vừa qua, các game thực tế ảo còn vươn tới rất nhiều thể loại khác nhau, từ nhập vai hành động cho tới giải đố. Thậm chí một số trò chơi đã phát triển riêng cho phiên bản VR. Điều đó đủ thể thấy các game thực tế ảo đang ngày càng đa dạng và phong phú hơn, nó hoàn toàn có thể trở thành một xu thế game phổ biến trong cộng đồng game thủ.
Chúng ta có PSVR của Sony hoàn toàn tách biệt với các đối thủ còn lại. Họ đem tới những sản phẩm thực sự đột phá về chất lượng và ý tưởng. Điển hình là Astro Bot: Rescue Mission. Bên cạnh đó thiết bị nhà Sony cũng có giá thành tương đối dễ chịu so với mặt bằng chung của công nghệ thực tế ảo. Các sản phẩm khác trên PC như của HTC hay Oculus tuy có giá thành không hề rẻ nhưng tương lai rất hứa hẹn trong việc tiếp cận đại đa số người dùng.
Có thể từ năm 2019 trở đi. cộng đồng game thủ sẽ dần tiệm cận hơn với cách trải nghiệm game giống như bộ phim bom tấn “Ready Player One”.
Cuộc đua Handheld trong năm 2018 vừa qua là của Nintendo và phần còn lại. Hãng vẫn đang giữ vững phong độ với khả năng sáng tạo cực kỳ phong phú của mình. Nintendo Labo hồi tháng Tư vừa qua là minh chứng cho việc các hệ máy Handheld vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định nếu hãng phát triển cho nó được cải tiến, đổi mới trải nghiệm. Công nghệ này cho phép người chơi có một cách trải nghiệm trò chơi điện tử hoàn toàn mới lạ chỉ với những tấm bìa cứng.
Nintendo Switch đang dần phát triển mạnh mẽ hơn. Tại riêng thị trường Nhật Bản, chiếc Handheld lai Console này đã vượt mặt PS4 về số lượng máy bán ra. Với tình hình tài chính hiện giờ, nhiều khả năng năm 2019 tới sẽ là một năm bùng nổ thực sự của nhà Nintendo.
Và tất nhiên chúng ta cũng không thể không nhắc tới Gaming Phone. Năm 2018 là một năm khái niệm này dần trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng game thủ. Đây chính là thứ mà nhiều người đã dự đoán rằng nó sẽ tiệm cận và dần xóa đi cái định nghĩa Handheld.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, khái niệm về Gaming Phone năm vừa qua vẫn chưa thực sự rõ ràng. Về cơ bản thì cấu hình các máy điện thoại cao cấp bây giờ thừa sức để trải nghiệm tốt tất cả các trò chơi nặng nhất, điển hình là iPhone. Các máy nhà “Táo cắn dở” tuy không gọi là Gaming Phone nhưng vẫn chơi mượt hơn tất cả những dòng điện thoại khác.
Còn về những Gaming Phone thực sự. Thị trường năm vừa qua đón nhận những sản phẩm tới từ các hãng như Razer hay Asus. Điều khiến những sản phẩm này khác biệt với các dòng điện thoại khác nằm ở hệ thống tản nhiệt phức tạp và các phụ kiện hỗ trợ đi kèm. Gaming Phone đem lại những trải nghiệm không khác gì một chiếc Handheld thực sự. May sao, vào đúng thời điểm cuối năm 2018, Asus đã giới thiệu chiếc ROG Phone đầy ấn tượng của mình với hàng loạt thiết kế đặc trưng cho chơi game. Đây có thể coi là một tính hiệu tốt cho thể loại gaming phone trong năm tới.
Năm 2019 là một năm hứa hẹn thị trường đón nhận nhiều sản phẩm Gaming Phone hơn nữa. Mở ra một dòng điện thoại tách biệt hoàn toàn, chuyên dành cho những game thủ với những sự khác biệt dễ nhận biết.
Thị trường game mobile di động phát triển chắc chắn là một miếng mồi ngon cho rất nhiều nhà phát hành game. Điển hình nhất trong năm 2018 vừa rồi là “món quà” Blizzard dành tặng game thủ mang tên Diablo Immortal, một hậu bản dành riêng cho mobile. Thậm chí, Blizzard cũng xác nhận các game như World of Warcraft hay Overwatch cũng đều có kế hoạch đưa lên nền tảng này. Trước đó, các cơn sốt mang tên PUBG hay Fortnite cũng đều có các phiên bản mobile.
Điều này có thể thấy smartphone đang là miếng mồi béo bở dần được các ông lớn từ PC/Console nhảy qua. Phát triển game trên mobile có ưu điểm là cần vốn ít và khả năng hoàn vốn, thu lời lại cao. Chẳng thế mà ngay cả Konami cũng muốn dần chuyển mình sang game mobile.
Một lý do nữa mà các ông lớn muốn chuyển mình làm game mobile là khả năng tích hợp công nghệ AR bằng chính camera của điện thoại. Điều này mở ra một cách trải nghiệm game mới. Pokemon GO là ví dụ. Trò chơi này đã thu về 2 tỷ USD từ hơn 500 triệu người chơi trên toàn thế giới.
Đối với các nhà phát triển, việc rẽ nhánh sang mảng game mobile cho phép họ khai thác tệp khách hàng không có điều kiện hoặc không có ý định trải nghiệm game PC/Console. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể giới thiệu thương hiệu và nhân vật của họ tới hàng triệu khách hàng tiềm năng, hi vọng họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành với nhượng quyền thương mại này trên đa nền tảng về lâu về dài.
Đó là những lý do mà năm 2019 tới hứa hẹn các hãng game lớn sẽ tập trung nhiều hơn trong việc cho ra mắt các sản phẩm game mobile.
Năm 2018 chuẩn bị kết thúc, cộng đồng game thủ năm vừa rồi đã đón nhận được thật nhiều những điều thú vị trong ngành game. Nhưng dù thế nào đi nữa thì năm vừa qua vẫn là một năm sôi động, dù rằng nửa đầu năm ngành game có hơi bị chững lại vì Battle Royale. Tuy nhiên cộng đồng game thủ vẫn được trải nghiệm nhiều công nghệ mới như việc phát game trực tuyến, công nghệ LABO từ nhà Nintendo, hay các Gaming Phone với nhiều công nghệ tích hợp.
Hi vọng rằng trong năm sau, ngành game sẽ nhiều biến động thú vị hơn nữa. Tôi không dám chắc rằng tất cả sẽ đều làm hài lòng game thủ nhưng chí ít, việc các hãng game cho ra đời công nghệ mới, phát triển các công nghệ cũ vẫn sẽ giúp cho toàn bộ ngành game bước sang một trang mới.
Dù bạn là game thủ game mobile hay game PC/Console, hãy chào cảm ơn và chào tạm biệt năm 2018 đã đem lại thật nhiều cảm xúc. Chúng ta hãy cùng nhau đón chờ một năm 2019 mới với điều thú vị để khám phá hơn nữa.