Phụ Lục
Xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng giai đoạn cuối những năm 90 - đầu những năm 2000, Thể thao điện tử - Esports, đã dẫn trở thành một trào lưu “thời thượng” của phần đông giới trẻ Việt qua nhiều thế hệ. Sự thịnh hành của các bộ môn “thể thao trên nền tảng số” này cũng gắn liền với giai đoạn bùng nổ của Internet tại Việt Nam, từ đó trở thành một định nghĩa nhận diện của thời đại 4.0.
Tính tới năm 2022, Esports Việt thấm thoắt đã trải qua hơn 25 năm tồn tại và phát triển. Những thế hệ trẻ đã và đang gắn bó sâu sắc với bộ môn này, cũng đã trải qua những quãng thanh xuân đầy thăng trầm, chứng kiến vô vàn chông gai, khó khăn trong hành trình đưa Thể thao điện tử vươn mình từ bóng tối bước ra ánh sáng sân khấu.
Chính vì lẽ đó, năm 2022 lại càng trở thành cột mốc đầy ý nghĩa đối với những con tim yêu mến Esports tại Việt Nam, bởi đây chính là thời điểm chứng kiến một cú lột xác đầy huy hoàng của bộ môn thể thao đặc biệt này.
“Golden dream comes true” - “Giấc mơ vàng” thành hiện thực, là khái niệm mà giới truyền thông ưu ái để nói về chặng đường 2022 của Thể thao điện tử Việt Nam, khi chúng ta liên tiếp gặt hái hàng loạt thành tích đáng tự hào, nổi bật là những tấm Huy chương Vàng SEA Games 31 - Kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á mà Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức, hay những chiến thắng nổi bật trên đấu trường quốc tế tại GEG 2022, AIC 2022…
Nhìn lại hành trình kéo dài hơn 2 thập kỷ đã qua, Esports Việt đã có một xuất phát điểm đầy khó khăn. Không chỉ là những rào cản về trang thiết bị lạc hậu, về yếu tố kinh tế khiến thể thao điện tử Việt Nam luôn “đi sau” các nước bạn, mà phần lớn nguyên nhân dẫn tới rào cản thực sự khiến thể thao điện tử không thể phát triển, đó chính là định kiến xã hội.
Chắc hẳn, các game thủ 8x, 9x đời đầu đã từng không ít lần nghe tới những cụm từ như “đi chơi net”, “trốn học đánh điện tử”... Đó là những kỷ niệm đầy “giông bão” của tuổi thơ, nhưng đồng thời, cũng là câu chuyện xót xa minh chứng cho những ánh nhìn không mấy thiện cảm của phần lớn xã hội dành cho các bộ môn thi đấu game. Phần lớn các vị phụ huynh chỉ coi việc “chơi game”, “thi đấu game” như một loại hình giải trí độc hại gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của giới trẻ.
Thế nhưng giờ đây, bằng sự nỗ lực, khát khao thể hiện bản thân của những tuyển thủ, những người làm nghề, và với sự hỗ trợ lớn lao của các Tổ chức, Ban ngành liên quan, Esports từ một lĩnh vực “Underground”, đã lột xác hoàn toàn khi được công nhận là một bộ môn thể thao chuyên nghiệp, liên tiếp nằm trong danh sách các bộ môn thi đấu chính thức tranh huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), và tới đây là Á vận hội (ASIAN Games - ASIAD).
Thể thao điện tử cũng dần được công nhận là một ngành nghề chính thống, khi thực tế đã chứng minh, “chơi game” hoàn toàn là một hình thức lao động có thể mang lại ngành nghề, thu nhập ổn định, và thậm chí là cả danh vọng, vinh quang dành cho các vận động viên, hay những người “làm nghề”.
Với những cột mốc đó, chưa bao giờ, Thể thao điện tử lại sở hữu tầm vóc ảnh hưởng mang tính “đại chúng” như thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau chiến dịch “săn vàng” thành công mỹ mãn của Đoàn Esports Việt Nam tại SEA Games 31.
Điều đó không chỉ là động lực, mà còn là thử thách đối với các Nhà phát hành game, các đơn vị tổ chức, và cả bản thân các vận động viên, khi hướng tới mục tiêu phát triển những tựa game thành công hơn nữa, tổ chức thêm nhiều giải đấu - sự kiện chất lượng hơn nữa, và gặt hái nhiều thành tích vang dội hơn nữa… để biến Esports trở thành một môn thể thao “quốc dân”, mang đậm màu sắc văn hóa đại chúng và khắc họa bản sắc của thế hệ trẻ Việt Nam.
Đối với xã hội nói chung, 2022 là một năm ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ. Đây chính là năm đầu tiên cộng đồng bước vào giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 đầy kinh hoàng. Và với riêng Thể thao điện tử Việt Nam, 2022 cũng là một năm của đầy rẫy những thách thức, khó khăn, nhưng cũng không kém phần long trọng.
Việc giành quyền đăng cai SEA Games 31 và đưa Esports vào danh mục bộ môn thi đấu tranh huy chương là một cột mốc đáng tự hào đối với thể thao Việt Nam nói chung và Thể thao điện tử Việt Nam nói riêng.
Bởi lẽ, dù có giành được những giải thưởng quốc tế danh giá đến đâu đi chăng nữa, sở hữu khối tiền thưởng lớn đến mức nào đi chăng nữa, thì trong tâm trí những “game thủ chuyên nghiệp”, có lẽ không có gì danh giá và đáng khát khao hơn một tấm huy chương SEA Games - Một minh chứng cho sự cống hiến vì màu cờ Việt Nam, và minh chứng cho tính “chính thống”, “chuyên nghiệp” và “vẻ vang” của một cái “nghề” từng bị hắt hủi.
Nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của các tuyển thủ; sự hỗ trợ nhiệt tình của Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VH-TT-DL nói chung và Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) nói riêng; không thể không nhắc đến sự đồng hành của truyền thông và tình cảm của người hâm mộ gần xa trong suốt hơn 20 năm qua, Esports Việt Nam không những đã nỗ lực khắc phục được hoàn toàn những rào cản, khó khăn trong giai đoạn đại dịch, mà còn gặt hái được những thành tựu lớn lao, thúc đẩy nền Thể thao điện tử nước nhà vươn lên một tầm cao mới. Esports Việt đã khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và đang từng bước vươn ra thế giới, chạm tay vào những vinh quang mới.
Hãy cùng điểm lại các thành tích đáng tự hào của Esports Việt Nam năm 2022 trong khi chờ đón những thành công mới của Thể thao Điện tử nước nhà ở năm 2023:
SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp sau một thời gian dài bị trì hoãn bởi các ảnh hưởng cả đại dịch COVID-19. Chỉ những người đứng ở phía hậu trường mới thấu hiểu các khó khăn, vất vả của Ban tổ chức kỳ đại hội thể thao này. Áp lực của việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho hàng ngàn vận động viên, thành viên các đội tuyển, sức ép về thời gian… khiến SEA Games 31 càng ấn tượng và đáng nhớ hơn.
Từ lợi thế sân nhà và những nỗ lực không biết mệt, đoàn thể thao Việt Nam thành công ngoài mong đợi khi giành ngôi vị số 1 trên bảng tổng sắp với 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Đoàn Thể thao Điện tử của Việt Nam cũng vinh dự đóng góp vào bảng thành tích chung đó, với việc giành Huy chương ở hầu hết các bộ môn tham dự, bao gồm cả nội dung thi đấu đồng đội lẫn cá nhân.
Cụ thể, chúng ta có 4 tấm huy chương vàng ở các nội dung LMHT (đồng đội nam), LMHT: Tốc chiến (đồng đội nam), Đột Kích, PUBG Mobile (cá nhân) và 3 huy chương bạc ở các nội dung: Liên quân Mobile, PUGB Mobile (đồng đội) và Fifa Online 4. Với thành tích này, đội tuyển Thể thao Điện tử nước nhà đứng ở vị trí cao nhất.
Những tấm huy chương, những màn trình diễn ấn tượng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của các vận động viên, không chỉ mang lại vinh quang cho Tổ quốc, cho khán giả và người hâm mộ, mà còn là niềm tự hào dành cho gia đình, người thân, bạn bè của mỗi tuyển thủ. Và đồng thời, là lời khẳng định về sự thành công tất yếu của khát khao chiến thắng và tinh thần kiên cường theo đuổi giấc mơ của những đứa trẻ “mê game”.
Chỉ ít tháng nữa thôi, các bộ môn PUBG Mobile, LMHT: Tốc Chiến và Đột Kích sẽ là những cái tên góp mặt trong danh sách thi đấu Thể thao Điện tử của SEA Games 32 - Kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Cambodia. Từ bảng thành tích của kỳ Đại hội trước, đội tuyển Esports Việt Nam càng có lý do để tự tin bước vào cuộc chơi mới, với những thử thách và cơ hội mới!
Arena of Valor International Championship 2022 (AIC) là một trong hai giải đấu Liên Quân Mobile quốc tế được Garena và Tencent tổ chức hàng năm từ 2017 đến nay.
Ở giải đấu năm nay, đội tuyển V Gaming của Việt Nam đã chiến thắng áp đảo ONE Team để lên ngôi vô địch Liên Quân Mobile thế giới. Giải thưởng 16 tỷ đồng - con số kỷ lục với bất kỳ nhà vô địch Liên Quân Mobile nào, thêm một lần nữa khẳng định vị thế của V Gaming trên trường quốc tế.
Sau khi giành được tấm HCV tại SEA Games 31, PUBG Mobile Việt Nam một lần nữa chứng tỏ vị trí của Thể thao điện tử Việt Nam trên trường quốc tế. Tấm HCV ở Global Esports Games (GEG) 2022 đã khép lại một năm thành công rạng rỡ của PUBG Mobile nước nhà và tạo nhiều kỳ vọng cho đội tuyển ở kỳ SEA Games sắp được tổ chức tại nước láng giềng Campuchia.
Đội tuyển FIFA Online 4 Việt Nam vốn không phải là cái tên được đánh giá cao khi bước vào giải đấu FIFAe Continental Cup 2022. Nhưng cuối cùng, đội tuyển ProGamer - Đại diện của FO4 Việt Nam, lại bất ngờ tạo nên “đại địa chấn” khi trở thành nhà vô địch và giành được giải thưởng tương đương 2,4 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên một đội tuyển tới từ đất nước hình chữ S chiến thắng ở bộ môn FIFA Online 4 và bước lên đỉnh cao của làng FO4 quốc tế.
PUBG Global Championship (PGC) - đấu danh giá nhất của PUBG Esports. PGC được tổ chức thường niên và trong năm qua, Việt Nam có 2 đội tuyển tham gia Chung kết của sân chơi tầm cỡ này.
Kết thúc giải đấu, Cerberus Esports đã để lại màn trình diễn ấn tượng để cán đích ở vị trí thứ 6. Có lẽ nếu chỉ nhìn vào kết quả, nhiều người sẽ cho rằng Top 6 chỉ là kết quả khiêm tốn nhưng với các game thủ PUBG chuyên nghiệp, và cả những khán giả Việt Nam có niềm đam mê với bộ môn thi đấu này, thì đây chắc chắn là thành tích đáng tự hào nhất từ trước đến nay của Việt Nam tại một sân chơi giàu tính cạnh tranh như PGC.
Sau những chiến tích ở giải vô địch trong nước và SEA Games, Team Flash một lần nữa ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ khi thẳng tiến vào vòng Bán kết giải đấu tranh ngôi vô địch thế giới đầu tiên của LMHT: Tốc Chiến. Đây có thể chưa phải đỉnh cao cuối cùng của LMHT: Tốc Chiến Việt Nam nhưng chắc chắn là cột mốc mà không một người hâm mộ nào có thể quên được.
Bởi lẽ, đây chính là thành tích cao nhất của LMHT: Tốc Chiến Việt Nam kể từ khi tựa game này ra mắt, mà kết quả này còn phản ánh chính xác vị thế của khu vực Việt Nam trên bản đồ Tốc Chiến chuyên nghiệp - Một khu vực giàu tiềm năng phát triển, và hứa hẹn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Mid-Season Invitational 2022 (MSI) là giải đấu thường niên do Riot Games tổ chức dành cho các nhà vô địch mùa xuân của các giải đấu khu vực Liên Minh Huyền Thoại trên toàn thế giới. Tiếp nối chuỗi thành công tại các giải đấu lớn nhỏ, đại diện Việt Nam ở giải này là Saigon Buffalo đã lọt vào Top 6. Thành tích này thực sự khiến fan ruột của LMHT Việt Nam nói chung và Saigon Buffalo nói riêng nở mày, nở mặt!
Trong những ngày cuối năm 2022, nhìn lại những gì đã làm được và đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ SEA Games 32 tại Campuchia, Đại diện VIRESA chia sẻ: "Esports Việt Nam có thành công ngày hôm nay nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đó là thành quả của những nỗ lực và sự nghiêm túc với nghề nghiệp của các vận động viên trong nhiều năm. Song song với đó là sự hậu thuẫn và động viên của Tổng cục Thể dục thể thao, của Bộ VH-TT-DL, của các tổ chức, đơn vị, các cơ quan truyền thông. Và không kém phần quan trọng là tình yêu thương, cổ vũ của khán giả và người hâm mộ. Đây chính là động lực để chúng tôi quyết tâm giành nhiều huy chương, khẳng định vị thế của mình trong SEA Games 32 hay ASIAD Hàng Châu và các giải đấu quốc tế sắp tới] Với những nỗ lực và quyết tâm này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một vị thế hùng mạnh ngang hàng với những cường quốc Esports như Hàn Quốc, Trung Quốc trong tương lai không xa!"
Nguồn: VIRESA