Phụ Lục
Là game thủ, ai trong chúng ta không một lần nghe người khác gièm pha “suốt ngày chơi ba cái game vô bổ”? Để phản bác lại điều này, lớp lớp game thủ đã thi nhau đưa ra những luận điểm bào chữa cho game, từ cải thiện tiếng Anh, biết cách giao tiếp, học hỏi khả năng lãnh đạo, kết bạn cùng người chung sở thích… Những luận điểm và công dụng này đã quá quen thuộc từ nhiều năm qua, nhưng trong thời gian gần đây, Mọt tui bắt đầu nhìn thấy những công dụng mới của game khi nó không còn bị bó hẹp là công cụ giải trí của game thủ.
Vậy thì những công dụng đó là gì? Mọt thấy rằng giờ đây, game còn có thể là…
Far Cry 5 là lần đầu tiên series này đưa game thủ đến với một địa danh có thật trên Trái đất: bang Montana, Mỹ, nơi giáo phái Eden của Joseph Seed đang lộng hành. Trò chơi thể hiện dân bản xứ là một đám điên rồ, cuồng tín sẵn sàng làm theo mệnh lệnh của “đức cha” Joseph, bất kể những mệnh lệnh đó có tàn ác đến đâu. Với game thủ, đây là một tựa game tầm tầm, với phần súng ống thú vị và cảnh quan đẹp mắt trong khi cốt truyện và gameplay không thật sự lôi cuốn, hấp dẫn.
Nhưng chính quyền bang Montana, Mỹ chỉ cần biết rằng Montana trong Far Cry 5 cực kỳ đẹp mắt. Họ lập tức hợp tác cùng Ubisoft để lập nên trang web “Visit Hope County” (ghé thăm hạt Hope) tại địa chỉ visithopecounty.com với lời giới thiệu “hạt Hope có thể là hư cấu, nhưng những sông núi và thiên nhiên mà Ubisoft lấy ý tưởng để làm Far Cry 5 là thật. Những con đường rộng mở và bầu trời bao la đang chờ bạn ở khu vực miền tây nước Mỹ tuyệt vời này.” Đi kèm với lời giới thiệu này là một hình ảnh được chụp từ Far Cry 5:
Theo trang web này, Ubisoft từng lên danh sách một loạt địa điểm có thể trở thành bối cảnh cho Far Cry 5, nhưng sau khi ghé thăm Montana, đội ngũ làm game biết rằng đây là lựa chọn tốt nhất. “Một khi họ gặp gỡ người dân ở đây, nghe lịch sử của nó, đi săn bắn và cắm câu, họ nhận ra mình đã tìm đến đúng chỗ ngay lần đầu tiên. Far Cry sẽ đến với Montana.”
Mot tui đã nhắc đến công dụng này trong một bài viết đăng tải vài ngày trước đây, trong đó quân đội Mỹ đặt hàng một chi nhánh của Bohemia Interactive (ArmA) làm một tựa game để huấn luyện binh lính và sĩ quan của họ vào năm 2001. Sản phẩm này được hoàn tất vào năm 2004 với tên gọi VBS 1. Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã sử dụng những tựa game do Bohemia phát triển riêng cho mình để luyện quân từ đó đến nay. Tuy nhiên Bohemia và USMC không phải là những tổ chức duy nhất sử dụng công dụng này của game.
Thật vậy, khi tìm hiểu thêm về khía cạnh quân sự của các trò chơi kiểu bắn súng hoặc chiến thuật, Mọt tìm được rất nhiều ứng dụng của chúng đang không ngừng được mở rộng trên khắp thế giới. Một trong số đó là tựa game online do Hải quân Mỹ tung ra vào năm 2011. Nó được tung ra nhằm tìm kiếm những chiến thuật mới từ phía game thủ, thay vì nhờ vào những bộ óc quân sự truyền thống. Cái tên của trò chơi này cực kỳ “khó nuốt” với một game thủ bình thường: Massively Multiplayer Online Wargame Leveraging the Internet, hay ngắn gọn là MMOWGLI.
Trong trò chơi này, hải tặc Somalia đã bắt cóc các con tàu dân sự chạy qua eo biển nước này, và trò chơi “được thiết kế để đem lại ý tưởng và giải pháp tiềm năng cho những vấn đề và thử thách gian nan nhất của chúng tôi,” theo lời ông Lawrence Schuette, giám đốc sáng tạo của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ vào thời điểm đó. Kế hoạch phát hành game này gặp trục trặc và phải tạm hoãn 1 tháng bởi có đến hơn 9.000 game thủ đăng ký tham gia, thay vì chỉ khoảng 1.000 như dự kiến của Hải quân Mỹ.
Cho đến lúc này, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển những trò chơi mới để huấn luyện quân đội của mình, dù có thể chúng không được gọi là “game” và cũng không được phát hành rộng rãi cho tất cả mọi người.
Chỉ riêng trong tựa game online World of Warships mình đang cày hàng ngày, tác giả đã thấy hai trường hợp “người thật việc thật” dùng trò chơi điện tử để trị bệnh. Trường hợp đầu tiên là một game thủ có nick Alaska-CB1. Anh là một cựu chiến binh bị thương trong một vụ đánh bom tại Iraq. Vụ đánh bom khiến game thủ này bị chấn thương não bộ, nhiều lần lên cơn co giật trong hơn 4 năm qua và mất dần khả năng vận động cũng như trí nhớ.
Để giảm thiểu tác hại của các triệu chứng đó, bác sĩ yêu cầu anh chơi game ít nhất 4 giờ mỗi ngày. Sau khi chia sẻ về tình trạng của mình cũng như tiết lộ ông nội mình từng phục vụ trên chiếc battlecruiser Alaska, nhà phát hành WarGaming đã tặng chiếc Alaska – một con tàu chưa được phát hành – vào tài khoản cho game thủ này.
Trường hợp thứ 2 vừa mới xuất hiện gần đây, và là lý do khiến Mọt thực hiện bài viết này. Game thủ có nick prckho bị một khối u hiếm gặp và phải cắt bỏ bàn tay phải. Điều này khiến anh không thể chơi những tựa game đòi hỏi cao về khả năng điều khiển như World of Tanks, nhưng World of Warships lại khác. Cùng với bạn bè, game thủ này đã tạo nên một cỗ máy tính và vài dòng mã lệnh có thể giúp anh chơi được trò chơi này.
Đây không phải là một trường hợp “chơi theo lệnh bác sĩ,” nhưng prckho cho biết trò chơi như một bến cảng giúp anh vượt qua những thời điểm giông tố trong những năm qua, chẳng khác gì một biện pháp trị liệu. “(World of Warships) là nơi mà sự tàn tật của tôi không thành vấn đề, và là nơi tôi cảm thấy sự dâng trào của adrenaline khi lao chiếc Fletcher của mình vào một chiếc Musashi và đánh chìm anh ta bằng 5 quả ngư lôi.”
Đó là chỉ riêng những trường hợp mà Mọt tui được biết trong World of Warships. Còn vô số những trường hợp tương tự mà Mọt không biết đến, xảy ra trong những tựa game khác. Đó là còn chưa kể đến nhiều lợi ích tích cực khác của việc chơi game đã được khoa học chứng minh nhiều lần trong hàng chục năm qua .
Với những công dụng mới mẻ trên, một lần nữa chúng ta lại thấy rằng trò chơi điện tử không phải chỉ để chơi, và càng không vô bổ. Nếu còn có công dụng mới lạ nào chưa được nhắc tới trong bài, hãy chia sẻ cùng Mọt trong phần bình luận bên dưới nhé!