Vậy là mặc dù được quảng cáo, được hậu thuẫn bởi danh tiếng của Hideo Kojima và được một số bộ phận game thủ khen ngợi nhiệt liệt, nhưng cuối cùng thật đáng tiếc là Death Stranding vẫn không thể giành lấy giải thưởng danh giá Game of the Year năm nay.
Để tiếp tục đào bới và châm chọc vào nỗi đau này, hôm nay chúng ta hãy so sánh nhân vật chính Sam Porter với các “shipper” ngoài đời thực, để thấy anh ấy thực ra cũng chẳng ghê gớm gì cho cam đâu.
Như ai chơi qua Death Stranding thì đều biết đây là trò giả lập làm shipper, với thường lượng chủ yếu là bạn phải mài mặt ngoài đường nhận các đơn hàng và chuyển chúng về địa điểm cần thiết. Cho tới trước khi lấy được mấy cái xe tải sạc điện có thể chở cả tấn hàng cùng lúc, thì Sam khốn khổ của chúng ta phải cõng mấy chục kí trên lưng và chạy bộ như một cửu vạn chuyên nghiệp chính hiệu.
Khi mới ra mắt thì Death Stranding đã trở thành chuỗi meme với những kiện hàng chất cao như núi vượt cả mắt người, với Sam lặc lè ở dưới như một con la khốn khổ lết từng bước trong đau đớn. Thực tế trong game thì số lượng hàng hóa mà Sam có thể vác được có giới hạn rõ ràng, dưới 30 kg thì mọi thứ vẫn ổn, từ 50 kg trở lên là có dấu hiệu khó khăn tới 75 kg là bắt đầu khổ sở và ngưỡng 100 kg là hoàn toàn bất lực.
Rất may là nếu không dùng xe thì Sam có khá nhiều đồ chơi hỗ trợ, như mấy bộ chi Power Skeleton giúp anh ta vác nặng hơn hay Speed Skeleton để chạy nhanh. Thân hình cơ bắp cuồn cuộn của Sam cũng tạo cảm giác đại hiệp này một shipper lâu năm, nhưng thực ra không phải vậy vì so sánh với dân chuyên nghiệp ngoài đời thì Sam chẳng khác gì trẻ con tập đi.
Thực tế thì ngoài cuộc sống thực có rất nhiều người cũng làm nghề chở hàng giống như trong Death Stranding, nhưng nếu nói đâu là hình ảnh giống như trong game nhất thì có lẽ là những phu vận chuyển tại Nhật Bản. Ở các vùng núi hoang vắng hay những chỗ mà xe cộ bình thường không vào được, sẽ có một đội ngũ vận chuyển chuyên trách xử lý vụ này, tiếng Nhật gọi là bokka (歩荷).
Nếu nhìn vào một Bokka chuyên nghiệp, các bạn sẽ thấy anh ta chở đồ gần như y hệt như Sam, tức là có một cái giá đỡ và để đồ chất đống cao như núi sau lưng vô cùng hoành tráng. Theo như phóng sự của Asahi News phỏng vấn một Bokka có 25 năm kinh nghiệm tên là Masato Hagiwara, thì anh ta thường xuyên chở các loại vật dụng như thực phẩm đóng hộp với trọng lượng vào khoảng gần 100 kg.
Bạn sẽ còn thấy nó ấn tượng hơn khi biết Masato chỉ có cân nặng xấp xỉ 65 kg, nhưng anh ta có thể cõng khối lượng hàng chống đống lên tới gần 2 mét sau lưng mình rồi bắt đầu thồ lên những vùng núi cao với không khí loãng ở cao nguyên Ozegahara. Thực ra nếu xét một cách trung thực thì Sam trong Death Stranding cũng có thể vác được 100 kg mà đi, nhưng bạn sẽ thấy người hùng của chúng ta ba bước thở như trâu một lần, cũng như nốc Monster còn hơn cả nước lã để tăng lực.
Nhưng nếu nói Sam hay Masato về khoản shipper chuyên nghiệp, thì họ vẫn thua vẫn anh em Việt Nam chúng ta nhiều lắm, nhất là trong khoản sức bền và độ chịu đựng. Nếu là một người thích khám phá du lịch thì có lẽ các bạn đã từng ghé qua núi Bà Đen và leo mấy trăm bậc thang trước khi mò lên tới đỉnh, trong quá trình này chắc hẳn sẽ gặp những người phu thồ hàng với công việc chở đồ đạc cho các quán xá trên đó.
Người viết đã từng chứng kiến cảnh một anh trai người săn đét lại như con khô mực, cõng nguyên hai cái bao đồ tổ nái sau lưng, với trọng lượng bảo đảm không dưới 70 kg. Hoặc vài chú giữa trưa nắng làm chuyến thứ hai hoặc chuyến thứ ba vác đồ ăn lên trên núi, theo đúng kiểu là nếu đi mình không vào thời điểm đó người bình thường đã chạy làng từ lâu chứ đừng nói vác nặng.
Cảnh tượng này nó quen thuộc tới mức các loại nguyên liệu như mía, đá cây, gạo, bình gas hay thậm chí là cả một cái tủ lạnh cũng có thể được chuyên chở bằng con đường này. Khác với việc Sam có một đống đồ phụ trợ, thì các phu khuân vác người Việt Nam chúng ta đúng nghĩa chỉ có đôi chân trần và vài miếng đệm trên vai, nhưng so sánh hiệu suất thì là cả một trời một vực.
Bạn có thể để ý vào nửa sau của Death Stranding khi Sam mò lên đỉnh núi tuyết, anh ta đã phải khổ sở thế nào khi vừa leo núi vừa chỉnh đồ, thậm chí là ngã chổng bốn vó lên trời như một thằng ngố. Nếu đổi cái đó lại là mấy bậc đá cao ngất trên núi Bà Đen, nhẽ đâu Sam sẽ bỏ việc lao ra ngoài đường để BTs nó kết liễu cuộc đời luôn cho nhanh.
Và chúng ta còn chưa kể tới một vấn đề cực kỳ quan trọng, khác với thời tiết ôn đới mát mẻ trong Death Stranding thì ở Tây Ninh nóng như cái lò lửa vậy bất kể mùa nào trong năm, nó nóng tới mức mấy đại hiệp đi nghĩa vụ đã phải phổ thơ để kể khổ:
- Tây Ninh có núi Bà Đen – Có anh bộ đội còn đen hơn Bà.
Thực ra cũng chả cần nhìn đâu xa thì bạn cũng thấy người dân Nam Bộ khi phơi nắng nhiều, nước da sẽ chuyển sang màu đỏ sậm hoặc đỏ đồng, người khô tới mức độ cảm giác lấy đá chà lên cũng không chảy máu nổi. Trong cái thời tiết khủng khiếp đó và bạn phải cõng cả tạ hàng trên lưng để leo núi, thì nhẽ đó gọi là chơi Death Stranding ở mức độ Uber Ultra Hard cũng chẳng thể so sánh nổi. Nếu bỏ đi cái đống đồ chơi chất dày đặc trên lưng và chơi solo 1v1, có lẽ anh em shipper ngoài đời phải chấp Sam 1/2 đường cho nó công bằng, vì anh ta sẽ ngất xỉu ngay lập tức trong cái nhiệt độ quay chín cả heo ngoài trời tháng 4 ở Việt Nam.
Sam yêu dấu chỉ chuyển hàng bằng chân (có mang giày đặc dụng) một thời gian ngắn trước khi chuyển qua dùng xe hoặc đồ phụ trợ, chứ các shipper ngoài đời thực thì chỉ có đôi chân trần cùng cơ bắp sắt thép suốt hàng chục năm trong tất cả các thời tiết. Cho nên là đừng nhìn Sam (hoặc Norman Reedus) bảnh bao trong mấy bộ đồ chuyên dụng mà tưởng nhầm, anh ta chẳng khỏe hay giỏi hơn bất kì shipper nào của Việt Nam chúng ta đâu.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]