Mặc dù là phương tiện giải trí, đồng thời là niềm cảm hứng vô tận của game thủ ngày nay nhưng trò chơi điện tử vẫn nhận được vô số cái nhìn thiếu thiện cảm từ xã hội và thường xuyên trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí, truyền thông. Chính những tác động tiêu cực này đã góp phần không nhỏ đến trải nghiệm của lứa game thủ học sinh, sinh viên thậm chí còn gây ra khá nhiều tình huống dở khóc dở cười khi phụ huynh thắt chặt quản lý hoặc tệ hơn là cấm cửa hoàn toàn việc chơi game của game thủ. Biết rằng bố mẹ thì luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái của họ nhưng liệu sự nghiệp của game thủ sẽ lên như diều gặp gió hay rơi xuống tận cùng vực sâu tuyệt vọng nếu không bị ngăn cấm? Hãy cùng Mọt phân tích vấn đề này nhé.
Thực tế không có bậc phụ huynh nào nỡ cấm cản đam mê của con em, thậm chí trong một số trường hợp họ còn đứng về phía con cái để cổ vũ và tiếp thêm nghị lực cho các bạn trẻ. Nhưng đó là khi họ thật sự hiểu được bản chất niềm đam mê của con trẻ, còn game lại không nhận được sự thấu hiểu đó dù hiện nay khá nhiều bạn trẻ xem đây là một nghề để tự lo cho bản thân và nghiêm túc trong công việc.
Dưới con mắt của những bậc trưởng bối thì game chỉ là một trò chơi giải trí và họ muốn game thủ dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập để dễ dàng có cho mình một vị trí quan trọng trong xã hội sau này. Do đó không khó để nhận ra nguyên nhân gia đình cấm cản game thủ sống với đam mê chỉ là do những bậc làm cha làm mẹ quá quan tâm đến bạn và chưa thật sự tin tưởng việc chơi game có thể trở thành một nghề có thu nhập để nuôi thân mà thôi.
Đứng trước chốt chặn cuối cùng là gia đình, khá nhiều game thủ đã chọn cách vượt rào để theo đuổi đam mê nhưng sẽ ra sao nếu con đường đam mê lại là một ngõ cụt. Đặc biệt là với những tựa game yêu cầu kỹ năng và tính cạnh tranh cao thì tỷ lệ thành công của game thủ càng khó hơn gấp trăm lần so với tỷ lệ chọi khi thi Đại Học. Hàn Quốc chính là một ví dụ điển hình nhất khi những câu chuyện cổ tích về các game thủ bình thường cũng có thể trở thành huyền thoại như Faker, Ambition... nhưng câu chuyện của anh chàng Hong Sung Ho lại chẳng đẹp như giấc mơ màu hồng mà thể thao điện tử vẽ nên.
Cũng như bao game thủ khác Hong Sung Ho với kỹ năng trung bình khá nhưng vẫn ôm mộng trở thành game thủ chuyên nghiệp, và sự nghiệp của anh chàng thất bại hoàn toàn trong lần thi đấu quan trọng nhất. Càng muối mặt hơn là anh chàng thất bại trước sự cổ vũ nhiệt tình của bố mẹ (phụ huynh Hong Sung Ho đã bắt xe từ quê đến tận nơi thi đấu để cổ vũ con trai). Chính lần thất bại cay đắng này đã khiến Hong Sung Ho biết được vị trí của bản thân và thấm thía câu "núi cao còn có núi cao hơn". Từ một chàng trai có thành tích đội sổ ở trung học, Hong Sung Ho chuyển hóa toàn bộ đam mê game vào việc học, ngay lập tức anh chàng trở thành thủ khoa của trường và thi đậu vào đại học danh tiếng của Hàn Quốc với học bổng toàn phần 4 năm.
[box background="peach" border="white"]
Theo Mọt Lang Thang: Đọc đến đây sẽ có nhiều bạn phản bác cho rằng anh chàng này kém ý chí và không theo đuổi sự nghiệp đến cùng như những game thủ chuyên nghiệp khác. Nói đi cũng phải nói lại đam mê sẽ theo bạn cả đời nhưng nó cũng cần tiền bạc để nuôi dưỡng. Nếu kiên trì với đam mê bạn sẽ có bao nhiêu phần trăm đạt thành sự nghiệp và cái giá phải trả là gì?
[/box]
"Không ai đánh thuế ước mơ" nhất là giấc mơ được thể hiện bản thân trước hàng nghìn người hâm mộ và chứng minh ngược lại với gia đình rằng chơi game cũng có thể nuôi thân. Cần biết rằng gia đình chưa bao giờ là trở ngại của game thủ, thậm chí gia đình còn là cái nôi tạo điều kiện cho game thủ phát triển toàn bộ đam mê và tiềm năng bản thân. Nhưng game thủ cần phân biệt rõ ranh giới giữa đam mê và sự nghiệp bởi lẽ người ngoài cuộc (nhất là người nhà) luôn có cái nhìn khách quan hơn dựa vào tỷ lệ thành công để cho bạn lời khuyên và cho dù lựa chọn của bạn là gì thì gia đình vẫn luôn bên bạn.
Đôi khi game thủ sẽ phải đứng giữa những lựa chọn khó khăn nếu muốn cháy hết mình và phát triển sự nghiệp, những lúc như thế này thay vì bước đi trong đơn độc họ nên ngồi xuống giải thích rõ với gia đình và đây sẽ là động lực không nhỏ cho thành công sau này. Thậm chí nếu có căn cơ và thành tích tốt đủ để đảm bảo tương lai thì chẳng lý do gì gia đình không đứng về phía bạn cả.
Thay vì nghĩ rằng gia đình là trở ngại để sống với đam mê thì game thủ cũng cần hỏi ngược lại "đam mê có thể nuôi họ như gia đình hay không?" Ngoài ra đam mê vốn không phân biệt tuổi tác vậy thì cớ sao game thủ không tự lo bản thân trước rồi đến khi sự nghiệp vững vàng hãy nuôi đam mê sau. Đặc biệt cùng với sự nghiệp vững vàng và địa vị xã hội game thủ cũng sẽ có tiếng nói và dễ dàng chứng minh với phụ huynh là game vốn không xấu thậm chí nó còn cho họ những bài học sống sâu sắc để ra đời sau này.