Trong tuần vừa qua, các phương tiện truyền thông ở Mỹ và Anh đã trích dẫn nguồn tin từ NASA để cho biết rằng cơ quan này đang triển khai kế hoạch mang tên FLOAT nhằm xây dựng hệ thống đường sắt đầu tiên trên Mặt Trăng và đã tăng cường nguồn tài trợ cho dự án này.
NASA mong muốn xây dựng hệ thống đường sắt đầu tiên trên Mặt Trăng với tên gọi FLOAT. Đây được xem là phương tiện vận chuyển đáng tin cậy, tự động và hiệu quả trên bề mặt Mặt Trăng, theo đại diện của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.
Cơ quan này nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống giao thông đối với các hoạt động hàng ngày tại các căn cứ trên Mặt Trăng. Hệ thống đường ray FLOAT dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thập kỷ tới, với nhiệm vụ vận chuyển vật liệu từ các địa điểm khai thác để phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng.
Nhóm nghiên cứu của NASA đã đưa ra đề xuất dự án FLOAT, sử dụng các robot từ tính di chuyển lơ lửng không tiếp xúc trên các dải đường ray 3 lớp. Nguyên tắc hoạt động này tương tự như tàu đệm từ Maglev trên Trái Đất, sử dụng từ tính để đẩy các toa tàu lơ lửng không tiếp xúc với đường ray.
Các robot có hình dạng và kích thước đa dạng, có khả năng chuyển tải lên đến 33kg/m2, di chuyển với tốc độ trên 2km/h trên Mặt Trăng và tiêu thụ ít hơn 40kW điện mỗi ngày. Hệ thống đường ray này có khả năng chuyên chở tới 100 tấn vật liệu mỗi ngày, theo Daily Mail.
Đường ray được thiết kế để chịu được môi trường khắc nghiệt và bụi bặm trên Mặt Trăng, có thể cuộn lại và di chuyển sang nơi khác trong tương lai mà không cần công trường thi công quy mô lớn.
Hệ thống cũng có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo ra nguồn năng lượng bền vững cho căn cứ trên Mặt Trăng. Theo Telegraph, dự án FLOAT hiện đang bước vào giai đoạn 2 và dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2030 để phục vụ các hoạt động hàng ngày tại căn cứ trên Mặt Trăng.