Phụ Lục
Năm 2019 đang sắp kết thúc, để lại một năm với vô vàn tựa game vô cùng đáng nhớ theo nhiều cách. Giữa những tựa game hay và đáng chơi của năm như Resident Evil 2, Sekiro: Shadows Die Twice hay Star Wars Jedi: Fallen Order thì vẫn có bóng dáng của những cái tên đáng thất vọng và khiến người chơi cảm thấy lãng phí tiền bạc cùng thời gian cho chúng. Và để kết thúc một năm cũ, bên cạnh nhìn lại những tựa game xuất sắc trong 1 năm vừa qua, chúng ta cũng nên nhìn lại cả những tựa game dở tệ hoặc không quá dở nhưng lại đáng thất vọng không xứng đáng với thương hiệu và sự quảng cáo vốn có của nó để rút kinh nghiệm cho năm sau không gặp phải những sản phẩm như vậy.
Dòng game Ghost Recon từng có một quá khứ huy hoàng với những Advanced Warfighter 1 và 2 hay Future Soldier khi nhận được những đánh giá xuất sắc từ chuyên gia và người hâm mộ. Thế nhưng Ghost Recon đã đánh mất chính mình với phiên bản Breakpoint. Vốn thị trường đã không thiếu game looter shooter như Destiny 2, Borderlands 3 hay chính The Division 2 của Ubisoft, Breakpoint cảm giác như một phiên bản thừa.
Bản thân Breakpoint thậm chí còn chả có gì tử tế khi mà nội dung game lặp lại và chắp vá đến phát ngán, AI ngu xuẩn, bug và glitch tràn ngập game thách thức sự kiên nhẫn của người chơi. Đó là chưa kể cái cửa hàng in-game toàn vật phẩm “time-saving” như một nỗ lực hút máu người chơi theo cách thô thiển nhất của Ubisoft. Không biết có ai đủ kiên nhẫn để đợi đến lúc Breakpoint được update đầy đủ rồi chơi 1 cách tử tế không nhưng lời khuyên chân thành đó là hãy cứ tránh xa nó đã.
Còn nhớ dòng game đua xe Burnout lừng danh, nơi mà người chơi thỏa mái va chạm tàn phá những chiếc xe thể thao đắt đỏ chứ. Khá là đáng tiếc khi EA giờ đây tập trung toàn lực vào Need For Speed và dường như lãng quên Burnout ngày nào. Dù vậy, một tia hi vọng cho các fan Burnout được thắp lên khi mà đội ngũ phát triển đứng sau dòng game này tung ra một Dangerous Driving và hứa hẹn đó sẽ là hậu bản tinh thần của Burnout.
Kì vọng lớn vậy để rồi cái thứ các fan nhận được chả thể sánh với 1 góc của Burnout trước đây với hệ thống điều khiển tệ hại, hiệu ứng vật lí trông chán đời cùng âm nhạc trong game và mục chơi multiplayer sẽ “sớm được bổ sung”. Thôi thì Need For Speed Heat năm nay cũng không tồi lắm, đáng để bỏ tiền và thời gian ra hơn.
Xbox vốn đã quá thiếu thốn các game độc quyền chất lượng và cần lắm 1 cái gì đó để có cửa cạnh tranh với dàn game 5 sao của PlayStation. Crackdown 3 có thể nói là cứu cánh khi ấy với lượng fan đông đảo đã mong chờ ngày phần 3 ra mắt đến cả chục năm trời. Vậy nhưng tựa game mà Microsoft mang lại đủ khiến cho các fan Xbox One sẵn sàng bán máy để chuyển sang PS4, nhất là sau những gì được Microsoft quảng cáo và hứa hẹn.
12 năm phát triển khiến cho Crackdown 3 có một gameplay lỗi thời và lặp lại, đồ họa kém ấn tượng, phần multiplayer nhàm chán cùng yếu tố phá hủy môi trường không như những gì được quảng cáo. Thậm chí phần 3 còn bị cho là kém cỏi hơn cả 2 phần được ra mắt chục năm trước đó. Mong sao Microsoft sẽ làm tốt hơn với thế hệ console tiếp theo.
Năm 2019 có thể nói là một năm tuyệt vời đối với các fan dòng game nhâp vai RPG với những The Outer Worlds, GreedFall hay Kingdom Hearts III. Vậy nhưng vẫn không thể tránh khỏi 1 số sản phẩm tồi tệ trong số đó. Đáng phải kể tới nhất trong năm nay đó là Eternity: The Last Unicorn. Sở hữu lối thiết kế và đồ họa đã lỗi thời khiến game như một bản mẫu đời đầu của PS3. Cùng với đó là góc camera tồi tệ, combat cảm giác thiếu lực và tác động trong từng phát đánh với tiếng HA liên tục của nhân vật mỗi lần ra đòn đủ để khiến người chơi phải phát ngán.
Như đã nói ở trên, năm nay không hề thiếu những tựa game nhập vai chất lượng cho nên không có lí do gì mà game thủ phải lựa chọn một sản phẩm như Eternity: The Last Unicorn.
Khi mà tiếng tăm của Bethesda còn đang bị Fallout 76 tiếp tục hủy hoại thì dường nhà phát hành tử tế 1 thời này càng mất điểm trong mắt game thủ. Vẫn với nỗ lực chạy theo trào lưu live-service, giờ đây Bethesda lại tiếp tục “hỏi thăm” loạt game Wolfenstein vốn cũng nổi tiếng với phần chơi đơn chất lượng để biến nó thành 1 game co-op.
Với cốt truyện rối ren, gameplay có quá nhiều bất cập, vô vàn bug glitch cùng với cửa hàng bán đồ in-game microtransaction để hút máu người chơi, Wolfenstein: Youngblood quả thực là một nỗi thất vọng vô cùng lớn với các fan dòng game FPS cổ điển này. Và lúc này khi mà Bethesda còn chưa kết thúc được chuỗi phốt với Fallout 76 thì giờ chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng nhà phát hành này sẽ không “sờ gáy” thêm 1 dòng game nào khác của họ nữa.
Kể từ lần đầu ra mắt đến này, dòng game WWE 2K vốn đã quá quen thuộc với nhà phát triển Yuke’s khi khi các phiên bản chất lượng được tung ra đều đặn hàng năm. Thế nhưng năm 2019 đánh dấu một mốc mới khi Yuke’s rời bỏ dòng game này, để lại nó vào tay Visual Concepts vốn là 1 studio chuyên hỗ trợ phát triển WWE 2K. Và trong tay nhà phát triển mới, WWE 2K20 đã trở thành phiên bản tồi tệ nhất trong dòng game này. Khuôn mặt của các đô vật trông như những kẻ biến dạng so với ngoài đời cùng bug và glitch gần như tàn phá hoàn toàn tựa game.
Các fan của dòng game WWE 2K hoàn toàn có lí do để bỏ qua phiên bản WWE năm nay. Với việc đây là một loạt game phát hành thường niên thì không biết được năm sau game sẽ ra sao.
Khi mà Metal Gear bị biến thành 1 game zombie nhàm chán, Silent Hill trở thành game cho máy đánh bạc và Castlevania trở thành sản phẩm game di động thì Konami dường như vẫn chưa muốn chấm dứt việc hủy hoại các nhãn hiệu game kinh điển của mình. Còn nhớ huyền thoại Contra, tựa game đã gắn bó với tuổi thơ của không biết bao nhiêu game thủ chứ? Thật không may lần này đến lượt Contra bị Konami sờ tới. Ngay từ khi được công bố, giới game thủ đã không hề ủng hộ tựa game này bởi nó chả hề mang tinh thần của phiên bản gốc từ 1987.
Đến khi ra mắt thì Contra: Rogue Corps lại càng chứng tỏ rằng mọi người không sai với gameplay đơn điệu, điều khiển gây ức chế và cơ chế bắn súng thiếu chuẩn xác. Công bằng mà nói đây chỉ là 1 tựa game tồi nào đó ngẫu nhiên được Konami gắn thêm cái tên Contra. Và nếu không kèm theo cái tên Contra thì sẽ chả có ai quan tâm đến sự tồn tại của nó.
Generation Zero có thể coi 1 một trong những bất ngờ lớn nhất của 2019, theo hướng tích cực là kì vọng mà các game thủ đặt vào nó, đặc biệt là khi Avalanche Studios (nhà phát triển đứng sau dòng game Just Cause và Mad Max) thực hiện tựa game này. Còn theo hướng tiêu cực đó là khi game chính thức ra mắt. Lấy bối cảnh khá độc đáo là tại Thụy Điển hậu tận thế, khi mà những con robot sát thủ trỗi dậy truy sát loài người buộc những người chơi phải đứng dậy chiến đấu.
Là một game sinh tồn thế giới mở với yếu tố co-op, Generation Zero vốn được hứa hẹn là sẽ làm được những gì mà Fallout 76 không thể. Thế nhưng công bằng mà nói thì 2 game đều cùng đẳng cấp cả mà thôi. Ngoại trừ cơ chế chiến đấu tốt và phong cách nghệ thuật của game là được khen ngợi, còn lại thì đây là 1 game với cốt truyện cùng gameplay nhàm chán kinh khủng, đã vậy còn liên tục lặp lại khiến người ta nhanh chóng phát ngán. Ít ra người ta dường như cũng đã nhanh chóng lãng quên về thất bại của Generation Zero khi mà game đang dần tốt lên từng ngày, không như Fallout 76 với chuỗi phốt ngày càng dài thêm.
Dòng game Front Mission của Square Enix từng có 1 quá khứ khá thành công cho đến năm 2010 thì tạm chững lại với phiên bản Front Mission Evolved. Từ đó đến nay, các fan vẫn mong mỏi 1 tựa game Front Mission mới. Left Alive đã mang hi vọng đó khi được hứa hẹn sẽ học hỏi từ tinh hoa của Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain, không chỉ ở gameplay mà còn ở cả phong cách nghệ thuật.
Thế nhưng những gì Left Alive mang lại cũng đủ để chấm dứt hi vọng cho sự trở lại của dòng game Front Mission ngày nào. Đồ họa lỗi thời, AI vừa ngu ngốc vừa ức chế, cốt truyện vừa lằng nhằng vừa vô nghĩa, combat thiếu hiệu quả, checkpoint quá xa nhau và game liên tục nói ra những lời cảnh báo vừa thừa vừa khó chịu là tất cả những thứ mà người chơi sẽ phải trải qua. Thật vô cùng đáng tiếc cho 1 dự án đầy tiềm năng và được kì vọng nhiều như Left Alive. Có vẻ như các fan của Front Mission nên quay về chơi các game cũ thì hơn, còn không thì vẫn còn Metal Gear Solid 5 đó thôi.
Như đã nói ở phần trên, thị trường game looter shooter đã khá là bão hòa với không ít game cả hay cả dở. Sự xuất hiện của Anthem được cho là khá muộn, tuy vậy cũng vẫn rất hứa hẹn với hệ thống combat cùng cơ chế bay lượn ấn tượng. Anthem cũng được kì vọng là sẽ phục hồi danh tiếng của Bioware sau thất bại mang tên Mass Effect: Andromeda. Cuối cùng thì những ai hoài nghi về IP mới nhất của EA cũng có thể vỗ ngực tự đắc rằng ta đã đúng. Sau 7 năm phát triển, Anthem lại là 1 nỗi thất vọng mới của Bioware.
Nền đồ họa đẹp cùng gameplay đã mắt không thể cứu vớt 1 sản phẩm thiếu hoàn chỉnh, nội dung nửa vời, nhiệm vụ lặp lại, yếu tố nhập vai yếu kém, bug glitch cùng vấn đề kĩ thuật triền miên và trên hết là cái màn loading hiện ra liên tục mọi lúc mọi nơi khiến cho việc chơi được game 1 cách đàng hoàng là cái gì đó xa vời. Với những ai lạc quan thì Anthem có thể vẫn còn hi vọng được EA cứu vớt, đặc biệt là gần đây EA khẳng định sẽ không sớm từ bỏ Anthem. Còn với Bioware thì Dragon Age 4 sẽ là cơ hội cuối để phục hồi danh tiếng của mình.