Phụ Lục
Ngoài những cú ngã “sấp mặt” đã được Mọt game nhắc đến trong hai bài viết trước, còn có những tựa game khác khá khẩm hơn đôi chút nhưng cũng bị mang danh là "cú lừa" vì hứa hẹn thật nhiều, làm chẳng bao nhiêu.
Sau thất bại của The Crew (2015), một tựa game tham vọng chinh phục những game thủ đam mê tốc độ bằng cách biến toàn bộ nước Mỹ thành trường đua, Ubisoft không bỏ cuộc và tung ra The Crew 2. Người kế nhiệm này thậm chí còn tham vọng hơn – Ubisoft muốn tích hợp cơn cuồng mạng xã hội của người trẻ với những cuộc đua tốc độ giữa xe cộ, máy bay và cả tàu thuyền trên mọi cung đường nước Mỹ.
Để hiện thực hóa sự kết hợp này trong game, Ubisoft đưa ra chỉ số “Follower” (người theo dõi), trên lý thuyết sẽ tăng trưởng khi bạn thực hiện những pha hành động điên khùng, liều lĩnh xứng đáng được đi kèm câu nói “đừng thử làm ở nhà” và đăng tải lên MXH kiểu Facebook hay Instagram. Nghe hấp dẫn không? Sao lại không, bởi chúng ta ai chẳng mơ làm người nổi tiếng, một post nghìn like và vài trăm chia sẻ? Nhưng thực ra thì Follower chỉ là một cú lừa, bởi bản chất nó là… điểm kinh nghiệm nhưng được mang một cái tên khác. Mỗi cuộc đua sẽ thưởng cho bạn một ít điểm Follower, và sự hào phóng này khiến nó kém hào hứng hơn rất nhiều.
Bản thân những cuộc đua của game cũng khá nhàm chán. Trong trường hợp lý tưởng, game thủ sẽ tham gia vào các cuộc đua từ điểm A đến điểm B bằng ba loại phương tiện không – thủy – bộ và thay đổi tùy ý thích bất kỳ lúc nào. Khi được sử dụng, cơ chế này đem lại sự hào hứng và giúp game thủ không cảm thấy đơn điệu nhờ được liên tục thay đổi giữa các môi trường đua, từ sự căng thẳng khi cầm lái trên cao tốc, cảm giác thư giãn lúc lướt máy bay trong không trung và sự tự do khi lướt sóng trên mặt sông. Tuy nhiên trong phần lớn thời gian chơi, các cuộc đua chỉ cho bạn dùng một loại phương tiện duy nhất và vì thế khiến lối chơi của game hơi nhàm chán.
Bù lại, Mọt vẫn phải nói rằng phần đồ họa của game rất xuất sắc. Dù nước Mỹ đã được thu nhỏ lại để vừa với dung lượng của một trò chơi, game thủ vẫn có thể dùng nó như một cách du lịch và nhìn ngắm những công trình nổi tiếng trong game, từ các tòa nhà chọc trời ở California, biển xanh Florida đến vùng Grand Canyon hùng vĩ. The Crew 2 không phải là một tựa game quá tệ, chỉ là nó không đủ sức thực hiện tất cả những lời hứa đầy hấp dẫn của mình.
Nói rằng đây là một tựa game “cú lừa” thì cũng hơi oan cho EA, bởi thực ra họ chẳng hứa hẹn gì cả. Họ chỉ đơn giản là gây choáng váng cho tất cả những fan của Command & Conquer. Thật vậy, đây quả là một “độc chiêu” khi hồi sinh một thương hiệu RTS đỉnh cao mà ai cũng tưởng là đã chết, nhưng đem nó lên mobile thay vì đưa trò chơi trở lại với PC truyền thống. Bởi Mọt tui là một game thủ cuồng RTS nói chung và Command & Conquer nói riêng, nên Rivals được đưa vào danh sách này.
Nói về mặt chất lượng, tác giả phải thừa nhận rằng trò chơi không phải là một tựa RTS tệ. Gameplay của Rivals khá cân bằng (cho đến khi bạn nạp tiền), lối chơi đơn giản nhưng thực sự có tính chiến thuật, và EA đã xuất sắc bảo lưu yếu tố xây nhà – mua quân – micro dù nó chỉ là một game mobile. Tuy nhiên khi một dòng game đã vắng bóng trên PC suốt 8 năm trời lại trở lại trong vai trò là một tựa game free to play (thường đồng nghĩa với pay to win), các fan của series tin rằng EA đang cố gắng dụ dỗ họ “nhắm mắt đưa chân” vào một trò hút máu mới bằng thương hiệu Command & Conquer.
Thật may mắn là có lẽ nhờ sự phẫn nộ của game thủ khi biết về sự tồn tại của Command & Conquer: Rivals, chúng ta sắp được thấy phiên bản làm lại hai tựa game Command & Conquer kinh điển, dự kiến ra mắt vào năm 2020 nhân kỷ niệm 25 năm thương hiệu chiến thuật này. Thôi thì ráng cùng Mọt chờ thêm hơn một năm nữa và hi vọng rằng mình sẽ không phải ăn hai cú lừa to tướng, bạn nhé!
Khi Valve công bố tựa game mới toanh của mình tại The International 2017, nó được chào đón bằng một vài tiếng vỗ tay thưa thớt (có lẽ là của các nhân viên Valve bên dưới) và tràng “ồ…” đầy thất vọng từ phía khán giả. Các fan của Gabe Newell và Valve đã chờ đợi biết bao năm với hi vọng nhìn thấy một con số 3, bất kể nó là Team Fortress 3, Half-Life 3 hay Portal 3, nhưng đành phải ồ lên thất vọng khi nhìn thấy dòng chữ “A Dota Cardgame” xuất hiện.
Nhưng đó chưa phải là điều đáng thất vọng nhất từ Valve và Artifact. Khi trò chơi ra mắt, game thủ mới có được cái nhìn rõ hơn về kinh tế trong tựa game này. Không giống như Hearthstone, Artifact là một tựa game được bán với giá 470.000 đồng tại Việt Nam, (không được trợ giá). Nó đem lại cho bạn 10 booster pack chứa 12 lá bài, 5 “vé” để chơi các chế độ đấu draft và 2 bộ bài. Và đó là tất cả những gì bạn nhận được khi chi 470.000 đồng, và sau đó phải gồng mình chờ đón một loạt chiêu kiếm tiền đầy thâm độc của Valve.
Thật vậy, nếu muốn tiến bộ trong Artifact, người chơi luôn luôn phải bỏ thêm tiền vào Artifact. Bạn chỉ có thể nhận thêm bài bằng cách dùng tiền thật: mua booster pack, hoặc mua lá bài mình muốn qua Steam Marketplace, và Steam ăn một phần không nhỏ của các giao dịch này. Để so sánh, Hearthstone cho bạn mua bài bằng tiền in game, và “đập” những lá bài không thích lấy nguyên liệu chế bài mới. Chưa hết, game thủ còn phải bỏ tiền ra mua vé để được chơi game: một gói 5 vé được bán với giá 5 USD! Ngoài ra, lối chơi của Artifact còn bị kéo lùi vì nhiều vấn đề khác, chẳng hạn sự ngẫu nhiên (RNG) can thiệp quá sâu vào game. Gần như mọi yếu tố chiến thuật quan trọng trong game đều ngẫu nhiên, từ các lá bài đến kỹ năng của các hero. Nếu muốn hiểu sâu hơn về vấn đề này, bạn có thể xem một bài viết khác của Mọt game.
Vì những vấn đề trầm trọng trên, lượng người chơi Artifact đang sụt giảm mạnh mẽ, và dòng chữ “A Dota Cardgame” cũng không thể giữ chân những game thủ Dota 2. Phần điểm số đánh giá của game trên Steam cũng đang ở mức “Mixed” - đây quả là một chuyện khó ai ngờ sẽ xảy đến với một tựa game mang trên mình mác Valve, nhưng hoàn toàn xứng đáng với một tựa game "cú lừa" Pay to Play, Pay to Pay và Pay to Win.