Tuần trước, Sony đã công bố ngoại hình của PS5 cũng như tiết lộ cho game thủ biết về các loại phụ kiện kèm theo như camera, remote, tai nghe, đế sạc… Tuy nhiên với các game thủ có dự định sở hữu PS5, điều họ quan tâm hẳn là giá cả chính thức của cỗ máy này. Hiện giờ vẫn chưa có ai dám xác nhận số tiền chính xác để sở hữu cỗ máy đó ngoại trừ mấy tay chim lợn chuyên nghiệp. Vần đề đặt ra là việc Sony sẽ sản xuất hai phiên bản khác nhau: bản PS5 bình thường với ổ đĩa Ultra HD Blu-ray, và bản PS5 Digital Edition không có ổ đĩa sẽ ảnh hưởng đến giá bán như thế nào? Phiên bản không có ổ đĩa hẳn sẽ rẻ hơn nhiều (khoảng 50-100 USD), và game thủ mua bản này sẽ chỉ có thể chơi game mua từ cửa hàng của Sony.
Nhưng theo Mọt Game, phiên bản Digital Edition là một sai lầm lớn cả với game thủ lẫn Sony. Hãy để Mọt tui trình bày những suy nghĩ lẫn chứng cứ đã dẫn mình đến kết luận này.
Mua game từ cửa hàng online có một lợi thế không thể chối cãi khi bạn có thể tải game về máy ngay lập tức và chơi game mà không cần phải chờ đợi ship từ nước ngoài về như khi mua đĩa. Đây cũng là phương thức hợp lý nhất để mua game trên PC, đặc biệt là các tựa game indie không có kinh phí để in đĩa phát hành rộng rãi mà buộc phải phụ thuộc vào các nền tảng online như Steam, Epic Games Store, itch.io, GOG… Game thủ console cũng sẽ được tận hưởng sự tiện lợi tương tự khi mua game từ các cửa hàng của nhà sản xuất console, trong trường hợp này là Sony và PlayStation Store.
Nhưng khi mua PS5 Digital Edition, bạn sẽ bỏ mất một lợi thế cực lớn là khả năng chơi và đọc các nội dung được ghi trên đĩa. Ngay cả khi phiên bản này rẻ hơn so với bản đĩa 50-100 USD, bản thân ổ đĩa Ultra HD Blu-ray mà Sony lắp cho PS5 cũng đem lại giá trị lớn, chẳng hạn khả năng phát phim 4K HDR. Nó giúp bạn không cần phải chi thêm tiền cho những cỗ máy khác mà vẫn có thể thưởng thức bộ sưu tập âm nhạc, phim ảnh mà mình đã dày công thu thập suốt nhiều năm trời.
Trong khi đó, việc có một ổ đĩa trên máy cho phép bạn mua lại đĩa game từ những người chơi khác. Đây là một giải pháp giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền về lâu về dài. Khi bạn bỏ ra 60 USD để mua game A, chơi chán và đổi nó lấy game B, rồi lại đem game B đổi game C, bạn đã tiết kiệm được 120 USD. Chúng ta cũng có thể tìm mua các đĩa game cũ ở mức giá khoảng một nửa đến 2/3 giá game mới, tức là khoảng 30-40 USD. Chỉ cần mua 5 game cũ như thế này, bạn đã tiết kiệm được 100-150 USD, bằng hoặc vượt xa số tiền tiết kiệm được từ việc mua PS5 Digital Edition không có ổ đĩa.
Ngay cả khi không tính đến việc được mua lại game giá rẻ từ những người muốn mua bán/trao đổi game, việc sở hữu một đĩa game đem lại cho chủ sở hữu của chúng khả năng chơi game không phụ thuộc vào đường truyền internet. Chúng cho game thủ quyền được lựa chọn phương thức lưu trữ và chơi game, trong khi bạn có thể tận hưởng các lợi thế mà việc trực tiếp tải game từ internet đem lại. Bên cạnh đó, game thủ hẳn cũng sẽ tiết kiệm được khá nhiều dung lượng ổ cứng và đường truyền, một điều khá quan trọng khi các tựa game ngày nay càng lúc càng phình to, và game 100-200 GB không còn là hiếm.
Máy chơi game không có đầu đọc đĩa chẳng có gì mới: cả Microsoft lẫn Sony đều đã thử nghiệm với thị trường này, và đều thất bại. Bên phía Microsoft, họ từng tung ra một phiên bản Xbox One không có đĩa gọi là Xbox One S All Digital (thường được viết tắt là Xbox One SAD) với mức giá rẻ hơn 50 USD so với Xbox One S bình thường. Game thủ không mặn mà gì với phiên bản này vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn dung lượng quá nhỏ so với nhu cầu (1TB), hay mức giá chả có gì hấp dẫn (hiện tại là 250 USD) bởi đôi khi bản Xbox One bình thường còn được bán rẻ hơn.
Chính Sony cũng từng thử nghiệm ý tưởng “100% digital” trước đây, và có thể bạn không biết về đợt thử nghiệm này vì đó là một thất bại thảm hại. Mọt tui đang nói tới PSP Go, một phiên bản PSP phụ thuộc hoàn toàn vào việc tải game và vứt bỏ đĩa / thiết bị lưu trữ vật lý. Chiếc máy này có dung lượng lưu trữ 16 GB, có thể được mở rộng lên 32 GB qua khe cắm thẻ nhớ trong khi game của nó có dung lượng tối đa vào khoảng 1,8 GB. Như vậy, một chiếc PSP Go có thể chứa được tối thiểu 9-18 game tùy vào việc game thủ có lắp thêm thẻ nhớ hay không.
Chiếc máy chơi game này được Sony cho ra mắt vào tháng 10/2009 với mức giá 250 USD, nhưng chỉ 3 tháng sau, có tin đồn nói rằng game thủ không hào hứng với hệ máy này và doanh số cũng rất nghèo nàn. Tin đồn đó nhanh chóng được chứng minh khi Sony liên tục tung chiêu kích cầu như tặng kèm một loạt game miễn phí cho mỗi máy PSP Go được bán ra vào tháng 6/2010 hay công bố giảm giá máy xuống còn 200 USD vào tháng 10/2010. Tuy nhiên những biện pháp này cũng chẳng cứu vãn được PSP Go và đến tháng 4/2011, Sony công bố “nghỉ chơi” với PSP Go.
Quả thật vào thời điểm PSP Go ra mắt, việc phân phối game qua internet vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng vấn đề về sức chứa và đường truyền internet vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Các tựa game đang ngày một phình to, chẳng hạn Call of Duty: Modern Warfare đã vượt mốc 200 GB, Final Fantasy 7 Remake là 85 GB, The Last of Us Part 2 gần 80 GB,… Khi có đĩa, bạn không cần phải lo lắng đến việc trữ chúng trong máy để không cần chờ đợi khi muốn chơi, và đó là lợi thế mà PS5 Digital Edition không thể có được. Những game thủ đang sống ở những quốc gia thuộc “thế giới thứ 3” về đường truyền internet như Mỹ hẳn không thể chấp nhận được việc bỏ qua lợi thế này.
Mọt tin rằng trong tương lai, khi các ổ cứng dung lượng lớn như 8TB, 16TB phổ biến đến mức “mọc trên cây” và ai cũng có đường truyền internet không giới hạn băng thông, không bóp dung lượng, việc phụ thuộc hoàn toàn vào kênh phân phối qua internet là hoàn toàn khả thi. Nhưng vào thời điểm hiện tại khi chỉ vài tựa game cũng có thể nhét đầy ổ cứng 1TB và internet còn nhiều giới hạn, PS5 Digital Edition không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Các phương tiện lưu trữ như đĩa Blu-ray và đầu đọc đĩa vẫn là lựa chọn hàng đầu cho game thủ muốn thưởng thức game, phim ảnh, âm nhạc, và chúng thậm chí còn giúp bạn tiết kiệm những khoản tiền lớn về lâu dài.