Vào thời điểm mà những dòng chữ này được viết ra, đang có một con bò lang thang trong một cái chuồng nhỏ hẹp chỉ 16m vuông ngay giữa tòa soạn Mọt Game. Ba phần tư diện tích của cái chuồng đó được dành cho… hàng rào, bởi Mọt tui dùng những khúc gỗ to kềnh có đường kính đến 1m để ngăn con bò thoát khỏi chuồng của mình.
Trước khi bạn kết án Mọt là kẻ ngược đãi động vật hay thần kinh bấn loạn vì quay tay quá độ, hãy bình tĩnh bởi cả con bò lẫn cái chuồng cùng những khúc gỗ đều không có thật. Nó chỉ tồn tại trên server của Microsoft dành cho Minecraft Earth, tựa game thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) mà Microsoft đang phát triển và mở cửa Early Access cho game thủ một số nước trong đó có Việt Nam. Dù đã bỏ hàng ngàn giờ vào các tựa game Minecraft, từ bản Minecraft truyền thống đến Minecraft Dungeons vừa ra mắt gần đây, Mọt tui không có nhiều hứng thú với Minecraft Earth bởi nó là một tựa game mobile và gameplay của nó đòi hỏi Mọt phải rời khỏi căn phòng ấm cúng của mình để bước ra đường.
Phải đến vài ngày trước đây sau khi đã chơi xong phần cốt truyện của Minecraft Dungeons, tác giả mới tải Minecraft Earth về máy để chơi đủ cả bộ ba game Minecraft. Trò chơi thực sự tạo ra cảm giác xa lạ và mới mẻ cho Mọt tui, và công trình đầu tiên mà Mọt xây dựng chính là cái chuồng bò mà bạn vừa được thấy mô tả (không có hình, bởi nó sẽ dính vào rất nhiều đồng nghiệp của Mọt, những người không muốn lộ mặt).
Dù mang tên Minecraft, trò chơi này không được phát triển bởi đội ngũ chủ chốt của Mojang ở Thụy Điển. Nó là sản phẩm của một đội ngũ mới của Microsoft, làm việc ngay tại tổng hành dinh ở Redmond, Mỹ. Cách mà game hoạt động khá giống với Pokemon Go, khi những khối vuông và sinh vật trong thế giới Minecraft (gọi chung là “tapable”) được thả khắp nơi trên bản đồ nơi game thủ sống, và chúng ta sẽ phải đi lòng vòng thu thập tài nguyên, mở khóa các loại đồ vật lẫn hình khối để sử dụng trong việc xây dựng. Sau khi đã hoàn thành những công trình khá vừa ý, bạn có thể “đặt” nó vào thế giới xung quanh (như Mọt tui đặt cái chuồng bò vào giữa tòa soạn) thông qua công nghệ thực tế tăng cường, để bất kỳ ai sở hữu một tài khoản Minecraft Earth cùng smartphone ở gần đó đều nhìn thấy qua chiếc điện thoại của họ.
Sức hấp dẫn của Minecraft đến từ hai khía cạnh, một là cho game thủ khả năng thể hiện sức sáng tạo vô biên của mình, và hai là đem lại cơ hội cùng làm điều gì đó với bạn bè. Minecraft Earth nâng cấp khía cạnh thứ hai của Minecraft lên một tầm cao mới, khi game thủ có thể chơi game và “khoe hàng” công trình của mình với những người xa lạ, mời họ cùng xây dựng hoặc tạo thành party để khám phá các chuyến phiêu lưu mà game đặt ra. Nhờ xuất hiện ngay trong không gian ba chiều với nền tảng là hình ảnh của đời thực, thế giới ảo mà Minecraft Earth xây dựng bỗng trở nên chân thực đến bất ngờ, nhanh chóng cuốn Mọt tui vào cuộc, dù đó là một đàn quái vật vuông vức trào ra từ lòng đất (trong điện thoại), một căn nhà trên cây cao ngất hay một công trình đơn giản mà đồng nghiệp của Mọt tạo ra.
Khi tìm hiểu sâu hơn về tựa game đang cuốn hút mình, Mọt tui nhận ra rằng trò chơi này khởi nguồn từ một dự án từ thiện được Mojang và Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc khởi động vào năm 2012. Được gọi là Block by Block, chiến dịch từ thiện này cho phép game thủ ở các nước đang phát triển dùng Minecraft để thiết kế những công trình công cộng và sau đó bình chọn, xây dựng để cải thiện điều kiện sống của những khu vực đô thị nghèo khó, bẩn thỉu, hỗn loạn trên thế giới. Từ hoạt động đó, Torfi Olafsson – game director của Minecraft Earth hiện tại, đã nghĩ đến việc để tất cả game thủ đều có thể tham gia vào chương trình tương tự. Khi biết tin Microsoft đang có những nghiên cứu về thực tế tăng cường, Torfi không mất nhiều thời gian để liên hệ trình bày ý tưởng của mình và dự án Minecraft Earth được khai sinh.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng khi chơi Minecraft Earth là chúng ta đang chơi game trên “mây.” Trò chơi này sử dụng công nghệ đám mây Azure của Microsoft cho tất cả mọi hoạt động, từ việc đặt ra các phụ bản Adventure cho game thủ tại các địa điểm trong đời thực đến việc ghi nhớ ai đặt công trình nào ở đâu. Bản đồ của game lại được tạo ra nhờ OpenStreetMap, một dự án mở với mục tiêu ghi lại các con đường trên toàn thế giới. Microsoft cho biết nhờ lấy dữ liệu các con đường và địa điểm trên toàn thế giới từ OpenStreetMap, họ có thể dùng các thuật toán riêng của mình để đảm bảo an toàn cho game thủ.
“OpenStreetMap là một nguồn tài nguyên tuyệt vời, một bản đồ cực kỳ chi tiết của toàn thế giới và thậm chí còn được gắn tag cảnh báo. Bạn có thể thấy một khu vực nào đó là nghĩa trang, công viên hay căn cứ quân sự" – Olafsson cho biết. Đây là điều mà một tựa game thực tế tăng cường như Minecraft Earth cần có bởi đôi khi việc chơi những tựa game dạng này rất nguy hiểm – không ít game thủ Pokemon Go đã gặp nạn do lạc vào khu vực cấm hay các con phố, đường hẻm thiếu an toàn. Những khu vực này có thể đem lại chút cảm giác nhập vai khi chơi Grand Theft Auto bằng thực tế tăng cường, nhưng việc mạo hiểm chỉ vì game chắc chắn là không khôn ngoan!
Giờ đây khi tận dụng những công nghệ tiên tiến của OpenStreetMap, đội ngũ phát triển không cần phải đau đầu xem xét nên đặt gì ở đâu cho hợp lý, mà chỉ cần tạo ra luật để server Azure biết được rằng loại địa hình nào nên có thứ gì. Nhờ vậy, ngay cả những game thủ tại một ngôi làng hẻo lánh ở Papua New Guinea cũng có thể rút điện thoại ra chơi Minecraft Earth ngay lập tức.
Công nghệ thực tế tăng cường mà Minecraft Earth, Pokemon Go cùng với nhiều tựa game khác đã và đang sử dụng ẩn chứa rất nhiều tiềm năng có thể khai phá. Nó là cách tương đối “bình dân” để game thủ được trải nghiệm trò chơi theo kiểu mà Microsoft từng vẽ ra nhiều năm trước đây với Hololens. Thiết bị thực tế tăng cường đầy tham vọng nay đã ra mắt thế hệ thứ hai khi Hololens 2 được công bố vào đầu năm 2019. Tuy nhiên một chiếc Hololens 2 được niêm yết mức giá đến 3.500 USD và không phải “dân đen” nào cũng có thể cắn răng mua sắm thì smartphone tầm trung lại rẻ và phổ biến hơn rất nhiều. Chính vì lẽ đó những tựa game sử dụng AR hoàn toàn có thể tìm được đất sống khi cấu hình điện thoại ngày càng tăng lên và AR tiếp tục được cải thiện để trở nên chính xác hơn, ổn định hơn.
Sức hút của Minecraft nói chung và Minecraft Earth nói riêng cũng đã được chứng minh qua những con số biết nói. Khi game còn đang Closed Beta, các thành viên đội ngũ phát triển trò chơi đã có một phen bất ngờ thú vị khi thức dậy và thấy game thủ đăng nhập từ khắp nơi trên thế giới. “Qua một đêm, chúng tôi thấy game thủ từ Nam Phi, từ các ngôi làng nhỏ ở Siberia, từ khắp châu Á và một lượng game thủ khổng lồ ở Nam Phi,” ông Olafsson tiết lộ. Ở Nhật, các game thủ cuồng trò chơi đến mức họ… nhảy lên các chuyến tàu điện để nhặt các vật phẩm tapable với tốc độ chóng mặt, buộc nhóm phát triển phải đặt ra giới hạn tốc độ cho trò chơi. Nhờ vào sự hấp dẫn này, Minecraft Earth hẳn sẽ là một nguồn động lực thúc đẩy game thủ thế giới tiếp nhận AR, hệt như Half-Life: Alyx khiến VR cất cánh gần đây.
Có thể bạn không cảm thấy hứng thú với VR, AR và chỉ muốn gắn bó với màn hình truyền thống, nhưng các công nghệ hiện đại này thực sự đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Có lẽ thời điểm mà chúng trở thành một phương thức chơi game phổ biến sẽ chẳng còn xa. Chúng ta chỉ mất chưa đầy 3 năm để đi từ Pokemon Go dùng AR một cách sơ khai đến Minecraft Earth tích hợp AR vào thế giới thực, Mọt tin rằng những bước tiến kế tiếp sẽ đến ngày một nhanh hơn. Hiện tại Minecraft Earth là đỉnh cao của AR khi cho bạn đi vào bên trong các căn nhà để lắp đặt từng món đồ nội thất hay tham gia vào những cuộc phiêu lưu trong hang động ngầm dưới lòng đất. Nhưng rõ ràng biên giới giữa thực và ảo sẽ tiếp tục bị xóa nhòa với tốc tộ kinh khủng hơn khi những tựa game AR mới hơn, hoành tráng hơn xuất hiện trong tương lai.