Phụ Lục
Có rất ít sự cạnh tranh mang tính lịch sử như cuộc cạnh tranh giữa Mario và Sonic. Đây đều là 2 thương hiệu game biểu tượng của ngành công nghiệp game nói chung và thể loại game platform nói riêng. Nếu niềm đam mê video game của bạn bắt đầu từ thập niên 90, bạn chắc hẳn sẽ nhớ những ngày tháng tuyệt vời mà cả Nintendo lẫn Sega đem đến cho cộng đồng game thủ.
Do đó, để lựa chọn ra thương hiệu xuất sắc hơn thật sự rất khó. Bài viết lần này hoàn toàn là quan điểm cá nhân của tác giả. Chắc chắn các quan điểm sẽ có điều giống và khác so với bạn đọc. Nếu bạn đọc có ý kiến khác, hãy cho Mọt tui biết trong phần comment. Vậy giữa Mario và Sonic, đâu mới là ông hoàng trong thể loại game platform?
Như hầu hết các game thủ đều đã biết, trò chơi điện tử đầu tiên có nhân vật chính của Nintendo là Donkey Kong, trò chơi cực kỳ thành công vào năm 1981. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mario được biết nhiều hơn với tên gọi Jumpman và chỉ là một nhân vật phụ bên cạnh Donkey Kong. 4 năm sau, Mario mới có cơ hội được biết tới trên toàn thế giới, bên cạnh cậu em trai Luigi, trong trò chơi Super Mario Bros..
Còn Sonic, phải tới tận 6 năm sau, tức vào năm 1991, Sega Genesis mới có tựa game Sonic the Hedgehog. Do đó, nếu xét về việc có lịch sử xuất hiện lâu đời nhất, Mario là bậc tiền bối của Sonic.
Trong những năm 90 của thời hoàng kim, rất khó để chúng ta chọn ra một cái tên phổ biến hơn khi cả Mario lẫn Sonic đều trở thành những biểu tượng của làng game thời điểm đó. Khi nói tới linh vật của thể loại platform (hay linh vật của một công ty game), Sonic hoàn toàn là đối thủ xứng tầm mà Mario từng có.
Tuy nhiên, trải qua một thời gian phát triển và thay đổi. Cho tới ngày hôm nay, khi Mario vẫn đang giữ vững phong độ của mình, nhượng quyền thương mại Sonic đã tụt dốc không phanh. Anh chàng thợ sửa ống nước vẫn được làm game với rất nhiều sự mới lạ để hợp thời hơn. Chúng ta có thể thấy được thương hiệu Mario thay đổi nhiều như nào trong suốt cả thập kỷ qua. Do đó, về mức độ phổ biến tới ngày nay, Mario chắc chắn hơn Sonic.
Nếu xét riêng về yếu tố cốt truyện, tôi chắc chắn sẽ nghiêng về thương hiệu Sonic. Điều này có thể gây tranh cãi một chút nhưng tôi sẽ giải thích cho bạn đọc hiểu. Các trò chơi Mario gần như đã hoàn thiện theo công thức nền tảng hoạt hình vui nhộn. Thương hiệu này vẫn giữ được bản chất, những yếu tố làm nên thành công như những ngày đầu tiên. Và mặc dù các level, các màn chơi đều có sự sáng tạo đỉnh cao nhưng thực sự, cốt truyện vẫn là thứ còn yếu đối với thương hiệu Mario.
Cốt truyện của Mario được làm gần như theo một lối cũ và dễ đoán. Chỉ cần là game về Mario, người hâm mộ dường như có thể đoán được ngay là Bowser lại ngứa tay đi bắt cóc Peach rồi anh em nhà Mario lại phải đi giải cứu. Còn Sonic the Hedgehog thì sao? Cốt truyện của thương hiệu này được đầu tư hơn rất nhiều, được thay đổi và tạo sự bất ngờ thông qua mỗi phần khác nhau.
Tôi nghĩ phần lựa chọn này sẽ làm dấy lên tranh cãi. Nhưng nếu xét về yếu tố phản diện của 2 thương hiệu, Sonic sở hữu phản diện ấn tượng và ngầu hơn nhiều so với của Mario. Lẽ dĩ nhiên cả 2 thương hiệu đều có những kẻ phản diện truyền kiếp với nhân vật chính, là biểu tượng của cả series.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn thông qua từng phần trong loạt game. Tôi tin rằng các bạn cũng đồng ý loạt phản diện của thương hiệu Sonic gây ấn tượng hơn về cả ngoại hình lẫn tư tưởng. Nội tâm của chúng phức tạp hơn nhiều so với những kẻ phản diện của Vương quốc Nấm trong Mario. Một trong những gã phản diện tôi thấy ấn tượng nhất từ thương hiệu Sonic có lẽ là Mephiles the Dark trong Sonic the Hedgehog năm 2006. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Mephiles the Dark, tôi đã biết đây không phải là một gã mà mình có thể nhờn được.
Một thương hiệu muốn phát triển trong một thời gian dài thì việc tung ra các bản spin-off là điều cực kỳ cần thiết. Nó vừa mang lại cho người hâm mộ sự mới lạ, cũng như có cái nhìn sâu rộng hơn về tuyến nhân vật phụ, vốn cực kỳ có tiềm năng phát triển cốt truyện không kém gì tuyến nhân vật chính. Điều quan trọng nhất là các bản spin-off này vẫn phải đủ sức giữ chân được đa số người hâm mộ ở lại với thương hiệu.
Giữa 2 thương hiệu Sonic và Mario có lẽ nhà Nintendo đã làm tốt hơn trong việc xây dựng các bản spin-off cực đỉnh trong thế giới của anh chàng Mario. Sonic cũng có một số phần game phụ ấn tượng như Sonic The Hedgehog Spinball hay Sega All-Stars Racing. Tuy nhiên, chúng đều không thể hấp dẫn được như Mario Party hay Mario Kart. Đây có thể coi là 2 phụ bản hấp dẫn nhất của thương hiệu Mario, thu hút cũng như cố gắng phá vỡ hàng triệu tình bạn trên khắp thế giới, trong suốt cả thập kỷ nay.
Việc lựa chọn gameplay của Sonic hay Mario hấp dẫn hơn thực sự rất khó khăn. Mỗi thương hiệu đều đi theo những cách riêng của mình trong việc chinh phục game thủ. Về cơ bản, cả 2 thương hiệu này đều thuộc thể loại platform nhưng có những điểm hoàn toàn khác nhau.
Các game Mario thường có xu hướng tiếp cận lối chơi theo nhịp độ chậm hơn, người hâm mộ cần phải nghĩ ra phương pháp chơi hợp lý, hay như buộc phải cân nhắc trong từng đường đi nước bước nếu không muốn reload checkpoint. Trong khi đó, nhịp game của Sonic nhanh hơn rất nhiều, do đó khi chơi Sonic, đôi lúc game thủ sẽ có cảm giác vội vã, dễ hồi hộp và căng thẳng cũng như dễ mất bình tĩnh hơn nhiều so với Mario.
Để cảm nhận được cái hay của gameplay trong từng thương hiệu, có lẽ tôi không thể dựa vào mỗi ý kiến phiến diện của mình. Tùy vào từng cộng đồng game thủ mà sẽ thấy lối chơi của Sonic hay Mario phù hợp với mình hơn. Và Mọt cho rằng cả 2 thương hiệu đều xuất sắc ngang nhau.
Một điều Mọt tui cần lưu ý lại với bạn đọc rằng tất cả ý kiến trong bài viết này đều là của riêng người viết. Chắc chắn tùy từng gu mà mỗi người sẽ có ý kiến giống hoặc khác so với bài viết. Tổng kết lại, Sonic thực sự rất hay nhưng Nintendo biết cách phát triển hơn và đưa thương hiệu Mario thành công trong một thời gian rất dài.
Với Nintendo, không chỉ mỗi mình Mario là ngôi sao, công ty cực kỳ biết cách phát triển tuyến nhân vật phụ thông qua các bản spin-off. Thậm chí đôi lúc, các phụ bản game của Mario còn được chào đón hơn hẳn những phần game chính. Trong suốt bao nhiêu năm qua, Mario vẫn giữ nguyên được yếu tố hút khách như thuở ban đầu của mình. Nintendo cũng thể hiện mức độ sáng tạo quá tốt thông qua việc thay đổi thương hiệu sao cho phù hợp với từng thế hệ game thủ nhưng vẫn giữ nguyên được bản chất vốn có.
Mario đã hoàn toàn vượt qua Sonic, đặc biệt là về tính nhất quán trong cả một thế giới rộng lớn, sự liên kết đặc biệt giữa các phần game với nhau. Đó là điều mà Sonic cũng như công ty Sega còn thiếu và chưa thể làm được.
[box background="success" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]