Khi Call of Duty: Modern Warfare ra mắt vào năm 2007, nó nhanh chóng trở thành tựa game kinh điển trong lòng game thủ thế giới. Với những màn chơi sáng tạo và hấp dẫn, một cốt truyện kịch tính cùng những nhân vật đáng nhớ, Modern Warfare đặt nền tảng cho một series cực kỳ thành công kéo dài qua ba phiên bản khác nhau. Trong số những màn chơi của Modern Warfare 2007, “All Ghillied Up” gây ấn tượng mạnh nhất với game thủ bởi phương thức dẫn dắt game thủ qua màn chơi độc đáo chưa từng được thấy trước đó. Nó có số lượng kẻ địch cố định, đi theo những cung đường vạch sẵn và những tình tiết được thiết kế tạo kịch tính đến mức tối đa. Ngày nay, những màn chơi như vậy không hiếm trong các tựa game bắn súng, nhưng có lẽ chúng đều được khơi nguồn bởi All Ghillied Up. Với bài viết này, Mọt muốn chia sẻ cùng các bạn quá trình thực hiện màn chơi đó qua lời của các cựu binh Infinity Ward.
All Ghillied Up là một màn chơi lạ lùng khi nằm trong bối cảnh Call of Duty. Nó là một màn chơi khai thác thể loại hành động bí mật (Stealth Action) trong một tựa game bắn súng, buộc game thủ phải lần mò qua thành phố bỏ hoang Pripyat trong khi bóng ma của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hiển hiện trên nền trời. Tác giả của nó là Mohammad Alavi, một trong 4 người dẫn đầu đội ngũ phát triển màn chơi cho Modern Warfare, bên cạnh hai nhân vật khác là Mackey McCandlish và Steve Fukuda. Họ là những nhân vật có bề dày kinh nghiệm đáng nể từ Medal of Honor (2002) đến Titanfall 2 (2016).
Mackey nói rằng nguồn cảm hứng cho Call of Duty nói chung và All Ghillied Up nói riêng có lẽ đã khởi đầu từ tận Medal of Honor: Allied Assault, cụ thể là màn chơi Operation Overlord tái hiện cuộc đổ bộ D-Day. Trong màn chơi này, game thủ phải liên tục làm theo những mục tiêu được định sẵn, bao gồm chuyển từ chướng ngại vật này sang chướng ngại vật khác, tụ tập ở một địa điểm cố định trên chiến trường, cài thuốc nổ phá hủy hàng rào trước khi xông vào hệ thống lô cốt của Đức trên bãi biển Omaha. Nó đem lại cho game thủ một trải nghiệm đậm chất điện ảnh, với các tình tiết chặt chẽ và kịch tính được ấn định sẵn nhằm định hướng cho game thủ trong cả màn chơi.
“Khi nhìn lại màn chơi D-Day, bạn có thể thấy rằng nó có ảnh hưởng lâu dài đến việc định ra tầm cao mới cho việc tạo tình huống (scripting),” ông Mackey cho biết. D-Day đã khiến Jason West (giám đốc dự án của các tựa game Call of Duty) đặt ra mục tiêu cho Infinity Ward: mỗi màn chơi của Call of Duty đều là một D-Day, với kịch bản nghiêm ngặt và kịch tính. Đó là một thử thách lớn với Mohammad Alavi - một trong những người thiết kế màn chơi trong Call of Duty 1 và 2, bởi điều này khiến anh phải thực hiện từ 1000 đến 5000 dòng lệnh để tạo ra các tình huống trong mỗi màn chơi. Con số này không ngừng được nâng lên đến 5000 đến 15000 dòng lệnh trong Call of Duty 4: Modern Warfare. “Đó là một dự án của niềm đam mê, khi mọi người đều có động lực muốn làm cho màn chơi ngày càng thú vị hơn, ngày càng rộng lớn hơn,” ông Mohammad nói.
Có thể các bạn đã biết rằng sau khi phiên bản Call of Duty đầu tiên được ra mắt, Infinity Ward đã sẵn sàng để đi đến một bối cảnh hiện đại thay vì tiếp tục làm game về Thế chiến 2. Sau một số tranh cãi với công ty mẹ Activision, Infinity Ward cuối cùng cũng được phép làm tựa game hiện đại mà họ mong muốn, với định hướng là những nhiệm vụ nhỏ kiểu đặc nhiệm, và không có nhiều khung cảnh hoành tráng với lượng binh sĩ đông đảo hay các loại khí tài quân sự. Nhưng khi bản demo đầu tiên của trò chơi này được làm ra, nó… chán không thể tả. Vì vậy, Infinity Ward quyết định gạn lọc các yếu tố hấp dẫn trong phiên bản demo này để làm lại một tựa game mới – màn chơi điều khiển chiếc máy bay AC-130 để yểm trợ hỏa lực từ trên cao là một màn chơi đã có mặt trong phiên bản đầu tiên, trong khi All Ghillied Up lại được khai sinh sau đó.
Khi Infinity Ward quyết định “xé nháp làm lại” Call of Duty: Modern Warfare, một nửa số màn chơi trong phiên bản ban đầu bị xóa bỏ để nhường chỗ cho những màn chơi mới. Theo lời kể của Mackey và Mohammad, ý tưởng về màn chơi All Ghillied Up được đưa ra đầu tiên bởi Dana Mackenzie với những bức hình khách du lich chụp Pripyat và Chernobyl, trong đó có vòng đu quay nổi tiếng mà bạn gặp ở cuối màn chơi. Một chi tiết thú vị trong màn chơi All Ghillied Up là suýt nữa thì bạn đã vào vai đại úy MacMilan kỳ cựu, chứ không phải là tay lính mới Price như trong phiên bản chính thức. Tuy nhiên sau một thời gian suy xét, Mohammad quyết định để game thủ điều khiển đại úy Price nhằm đem lại thêm một chút bối cảnh cho nhân vật này.
Nhưng chỉ như thế là chưa đủ để tạo ra một All Ghillied Up như chúng ta biết đến hiện tại. Bộ khung của All Ghillied Up được “thêm da thêm thịt” bằng ý tưởng của những thành viên khác, chẳng hạn ông Steve Fukuda nảy ra ý tưởng về một nhóm sniper hai người được giao nhiệm vụ lẻn vào thành phố chết này để hoàn thành nhiệm vụ và thoát đi an toàn. Ý tưởng của ông Steve đến từ tựa game Airborne Ranger mà ông rất yêu thích thời còn nhỏ, và đây là cơ hội để tái hiện lại cảm giác của tựa game đó trong Call of Duty.
Ngoài ra, nó còn chịu ảnh hưởng từ tựa game 007 Golden Eye, bởi cảnh những chiến binh Marine Scout chồm dậy từ dưới tuyết ở cuối 007 Golden Eye được chuyển thể thành cảnh Price và McMilan ẩn náu dưới lớp cỏ dày của thành phố Pripyat trong All Ghillied Up. Sau đó, nhóm phát triển quyết định đặt All Ghillied Up thành một màn chơi trong hồi ức nhằm tiết kiệm thời gian và không cần phải kết nối nó với những màn chơi khác trong game.
(Còn tiếp)