Trung Quốc đã kết thúc mùa 6 của LMHT với một kết quả cũng không phải tệ lắm, khi họ có tới 2 đội tuyển vào tới tứ kết. Nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ sự kỳ vọng của người hâm mộ nước này, khi cả RNG lẫn EDG đều bị ăn gạch cho to đầu sau khi cùng thất bại ở vòng tứ kết.
Kể từ sau trận chung kết mùa 4, thành tích tốt nhất mà các đội tuyển Trung Quốc làm được chỉ là vào tới tứ kết CKTG, và năm sau còn tệ hại hơn năm trước. Vậy lý do là đâu, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bất cập trong các giải đấu
Cũng giống như các khu vực khác trên thế giới, Trung Quốc cũng có giải đấu LMHT của riêng họ được chia làm 2 hạng là LPL và LSPL, với hệ thống thăng và xuống hạng theo từng mùa giải, đi cùng đó là các giải đấu dạng giao hữu biểu diễn khác như: Demacia Cup, National Electronic Sports Tournament (NEST)… Nếu một đội tuyển vô danh muốn đi lên LPL thì đầu tiên họ phải thi đấu tại một giải đấu gọi là Tencent Games Arena (TGA) – tương tự như Teemo Cup của Việt Nam, để dành vé lên LSPL và sau đó lại tiếp tục tìm đường lên LPL.
Đó là cả một chặng đường rất dài và thường kéo dài từ 1 tới 2 năm, và nó trực tiếp giết chết các đội tuyển nhỏ tiềm năng khi họ không đủ kinh tế để có thể chạy theo lâu như vậy. Điều này khiến các tài năng mới khó xuất hiện, và các đội tuyển vì để cũng thà tuyển các món hàng từ Hàn Quốc để cố gắng trụ hạng thành công. Đến cả các tuyển thủ thuộc dạng “loại thải” ở LCK như: Ggoong, Kakao hay Nagne thì sang LSPL vẫn được chào đón như thường.
LMHT khác các khu vực còn lại ở chỗ, các ông lớn hay chủ tịch đứng sau các đội tuyển mạnh như EDG, IG hay Snake Esports đều là con cái của những doanh nhân lớn tại Trung Quốc, hay từ thường được dùng là các “Phú nhị đại”. Đối với những người này thì tiền là thứ họ không thiếu nhất, LMHT chẳng qua chỉ là một trò chơi trong lúc rảnh rỗi mà thôi. Do đó những bản hợp đồng khổng lồ lên tới 7 con số cho Marin hay Easyhoon, hoặc lương tháng khủng gấp mấy lần LCK cho Imp là thứ quá dễ dàng.
Những đội tuyển với nguồn vốn hùng hậu như vậy, nhưng mục tiêu của họ nhiều khi chỉ là trụ hạng thành công là đủ. Điển hình là những đội tuyển như IG hay LGD, tuy thi đấu không thành công ở 2 mùa giải gần đây, nhưng tiền vẫn đổ về ùn ùn không ngừng nghỉ. Điều này vô tình làm các tuyển thủ sinh ra tâm lý bất cần, khiến họ đánh rất vô thưởng vô phạt. Đó là lý do khiến tại sao LPL là giải đấu có nhiều điểm hạ gục nhất thế giới, nhưng lại hoàn toàn vô dụng trong chiến thuật.
Marin là MVP của CKTG 2015 và LGD vẫn thua sấp mặt ở LPL
Truyền thông và người hâm mộ
Đi cùng một lượng người chơi LMHT khổng lồ ở và sự thành công của LPL, thì không thể không nhắc tới đội ngũ truyền thông ở Trung Quốc. Có một vấn đề rất buồn cười là mỗi lần nhắc tới ai là tuyển thủ giỏi nhất thế giới, truyền thông Trung Quốc sẽ thổi ngay cho Clearlove và Uzi thành thánh luôn. Và mỗi khi các đội tuyển LPL thất bại ở một giải đấu quốc tế, người đầu tiên được đem ra xỉ vả sẽ luôn là Clearlove, nhưng nếu có bầu cho ai đó được đi Allstars hàng năm thì Clearlove lại là cái tên có nhiều bình chọn nhất.
Nghịch lý này đến từ các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, hay nói đúng hơn là của LPL. Họ luôn cố gắng làm nóng không khí trước những trận đấu quan trọng, và tìm cách nâng cao trình độ tuyển thủ Trung Quốc để nhắm vào tâm lý đối đầu với khu vực LCK. Thực ra điều này không có gì sai, vì phương Tây cũng bốc phét đâu có thua gì, thậm chí tại bán kết CKTG 2016 người đi đường trên của H2k là Odoamne còn được tôn thành “Chúa” nữa cơ mà. Cơ mà vì thế cho nên khi thua thì lại càng có chuyện để bàn, và các lời hứa hẹn cho tới năm sau.
Clearlove có số vote đi Allstars cao nhất
Nhưng vấn đề này lại tạo ra một lượng fan phong trào đông đảo cho các tuyển thủ LPL, và họ biết là kể cả có thi đấu tệ đến thế nào thì vẫn có người xem stream của mình. Cộng thêm việc thiếu vắng nhân tài như đã nói ở trên, thì những người như Clearlove và Uzi cứ như là “quốc bảo” của LPL ngày này qua năm khác, bất chấp phong độ dở tệ ra sao. Và với sự nổi tiếng như vậy thì các tuyển thủ người Trung Quốc không sợ thất nghiệp, khi họ hoàn toàn có thể kiếm được hàng đống tiền từ việc làm streamer hoặc bán hàng online (Mysaya là 1 ví dụ).
Với mức lương cao ngất, lượng người xem stream vô cùng nhiều, cộng thêm áp lực về thành tích cũng chẳng phải cao cho lắm… thì có rất ít tuyển thủ LPL chịu “try hard” đúng nghĩa. Còn những tổ chức lớn thì chỉ quan tâm xem làm sao để vắt sữa triệt để đội tuyển khi nó còn đang ở LPL, tức là chỉ cần trụ hạng là đủ. Và kể cả khi xu hướng nhập khẩu các tuyển thủ Hàn đã giảm đi, thì những người này vẫn không thể thay thế. Một phần vì hợp đồng, mặt khác vì họ vẫn còn giá trị quảng cáo. Đó cũng chính là lý do tại sao LMHT Trung Quốc như một đống hổ lốn, còn thành tích thì cứ càng ngày càng đi xuống như vậy.
"Nói chung là cứ kiếm tiền cái đã" - Imp
Theo: CCQ