Vài năm trước đây, Mọt tui cùng vài đứa bạn rủ nhau mua Minecraft bản quyền để cùng xây dựng, đào đắp và khám phá. Sau khi nhận ra rằng Mojang và Microsoft chưa bao giờ khuyến mãi Minecraft, cả nhóm quyết định mua bản Windows 10 của game bởi nó có giá rẻ đến bất ngờ trên Kinguin. Trang web này bán Minecraft Windows 10 với giá chỉ khoảng 2 USD mỗi key, trong khi giá chính thức của nó là 10 USD trong giai đoạn beta, và 27 USD sau ngày phát hành chính thức.
Minecraft không phải là tựa game duy nhất có giá rẻ mạt trên Kinguin. Bạn còn có thể mua rất nhiều tựa game hay phần mềm khác với giá rẻ bèo, từ game indie nhẹ vốn đến những game AAA mới nhất. Chúng có đủ mọi thứ, từ key Steam, key Origin, key Uplay, mã thẻ cào… Kinguin và một vài trang web khác như G2A có thể đáp ứng nhu cầu của bạn với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá của chúng trên các cửa hàng chính thức. Họ có hàng chục triệu khách hàng thực hiện vài triệu giao dịch mỗi tháng, nên dù các tựa game được buôn bán có giá trị rất nhỏ, đó vẫn là một lượng tiền khổng lồ chảy vào túi người bán qua Kinguin và G2A.
Những tựa game đó đến từ đâu? Như Mọt đã nói trong bài viết trước, một phần những món hàng này đến từ những kẻ gian đã lừa đảo các nhà phát triển, phát hành game để có được key miễn phí và sau đó rao bán để kiếm lời. Nhưng có thể chúng chỉ chiếm một phần nhỏ, bởi bản thân các nhà phát triển cũng có thể mang game của mình lên G2A, Kinguin để bán với giá “bèo” hơn dự tính ban đầu. Key giá rẻ cũng có thể đến từ các khu vực có giá game thấp hơn – hẳn game thủ Việt đã quen với điều này kể từ khi Steam hỗ trợ VNĐ cuối năm ngoái.
Một phần khác đến từ những gói (bundle) game giá bèo, các đợt sale, những trang web kiểu Steamgift, thẻ tín dụng bị đánh cắp, những món quà mà game thủ gửi cho nhau… Những game thủ thích của rẻ như Mọt tui sẽ tìm đến với những key này mà chẳng thể nào phân biệt được nguồn gốc của chúng. Một số nhà phát triển ghét Kinguin và G2A ra mặt, trong đó có Devolver Digital hứa sẵn sàng xóa key phi pháp mà game thủ mua từ G2A như bạn có thể thấy trong ảnh trên. Tuy nhiên đây chỉ là lời hù dọa, bởi studio này thú nhận họ chưa từng xóa key của game thủ bao giờ..
Vậy là nhờ những cái chợ như Kinguin và G2A, game thủ được chơi game bản quyền giá bèo, chợ và người bán được tiền, phải chăng chỉ có nhà phát triển là “sấp mặt”?
Thật ra thì không. Với những người vận hành G2A và Kinguin, không phải lúc nào họ cũng được lợi. Hồi đầu năm 2015, Ubisoft đã hủy key game Far Cry 4 của một loạt game thủ trên Uplay, với điểm chung là chúng đều được game thủ mua lại Kinguin và G2A với giá bèo. Theo Ubisoft, lý do của việc hủy key này không phải là vì chúng được bán qua Kinguin và G2A, mà là vì tất cả những key đó được mua bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp thông qua cửa hàng Origin của EA. Điều này khiến tất cả những game thủ đã bỏ tiền mua những trò chơi đó “mất trắng,” và hậu quả của nó được ghi nhận trong một chủ đề dài hơn 61 trang trên forum của Ubisoft.
Nhưng không chỉ game thủ chịu thiệt trong phi vụ này, mà cả Kinguin lẫn G2A cũng lãnh đủ. Những game thủ bị ảnh hưởng không chỉ trút giận lên Ubisoft mà còn lên nơi họ đã mua game. Theo G2A, có khoảng 2.000 khách hàng bị ảnh hưởng trong vụ việc này, khiến đội ngũ chăm sóc khách hàng của công ty “chết chìm” trong những yêu cầu giúp đỡ. Bên Kinguin cũng không khá hơn bởi họ nhận được 4.600 yêu cầu tương tự, khiến công ty này phải trả lại khoảng 170.000 USD cho khách hàng. Trong khi đó, sau một thời gian hứng chịu những lời chỉ trích từ những game thủ đã mua Far Cry 4 trên hai trang web này, Ubisoft buộc phải kích hoạt lại trò chơi cho tài khoản của họ.
Sau vụ việc này, Ubisoft gỡ hết các tựa game của mình trên Origin, trong đó có Far Cry 4 và Assassin’s Creed Unity. Chưa hết, cả EA lẫn Ubisoft đều nhắc nhở những game thủ đã mua hàng “second hand” rằng họ không có trách nhiệm khi người chơi không mua game trên cửa hàng chính hãng mà mua từ những “nơi đáng ngờ” như Kinguin hay G2A. Ngược lại, giám đốc Kinguin chỉ trích EA và Ubisoft là bất tài, vì đã bán ra một lượng lớn key game cho kẻ gian mà không nghi ngờ gì cả. “Chúng tôi không nói rằng mình tiến bộ hơn Ubisoft hay Origin, nhưng chúng tôi xác nhận những giao dịch lớn hoặc bất thường. Chúng tôi tin rằng nền tảng của họ phải có các công cụ chống lừa đảo thương mại điện tử có khả năng báo động trong những trường hợp như vậy.”
Dù đại đa số giao dịch trên Kinguin và G2A đều diễn ra suôn sẻ (chẳng hạn lần Mọt tui mua Minecraft), còn những game thủ vướng vào scandal Far Cry 4 của Ubisoft, EA, Kinguin và G2A cuối cùng thoát ra mà không mất xu nào lại còn được game miễn phí, vẫn có một vài trường hợp người mua “lãnh đủ.” Chỉ cần chịu khó Google, bạn sẽ tìm thấy khá nhiều nghi vấn lừa đảo lẫn những lời phàn nàn từ phía người mua. Trong số những trường hợp bị lừa, cái kết có hậu nhất có lẽ là khi một khách hàng mua key Mafia II trên Kinguin bị người bán gửi cho một key đã kích hoạt trước đó còn đội ngũ hỗ trợ của Kinguin cũng không giúp được gì, nhưng may mắn là anh đã nhận được key Mafia 2 từ một game thủ khác trong topic của mình.
Ngoài game, bạn còn có thể tìm thấy những thứ có giá tốt đến khó tin như Windows 10, bộ Office của Microsoft chỉ hơn 30 USD trên Kinguin và G2A. Rất khó để biết được những phần mềm này đến từ đâu, và cũng không thể nào đoán trước được liệu mua chúng có khiến khách hàng “tiền mất tật mang” hay không.
(Tổng hợp)
(Còn tiếp)