Nhắc tới Lovecraft chúng ta thường hay liên tưởng tới các mẩu truyện kinh dị huyền bí mang nặng tính tâm linh, nhưng trong thế giới game thì Lovecraft cũng là một đề tài được khai thác rất nhiều, hầu hết những sản phẩm có liên quan tới nó đều đi theo phong cách kinh dị hoặc huyền bí khi khai thác triệt để nỗi sợ tiềm ẩn trong con người. Có thể nói trong thế giới chúng ta vẫn có văn hóa Lovecraft riêng biệt, nó chất lượng không kém bất kỳ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nào.
The Sinking City là điển hình cho những game giải đố phiêu lưu cổ điển, tiết tấu chậm, cốt truyện nhức não và không dành cho ai thiếu kiên nhẫn.
Mục tiêu của các tác phẩm game lấy đề tài Lovecraft là chúng luôn hướng tới việc tạo nên nỗi sợ vô hình, về các thứ huyền bí mà mắt thường không thấy được. Điểm chung của các game này là thường tồn tại một “Đấng tối cao”, tôn giáo hoặc cái gì đó tương tự để con người theo đó dựa vào, chúng thường không có hình dạng cụ thể, rất ít khi được nhắc tới một cách chính thống và không mấy khi xuất hiện hoàn chỉnh.
Các game lấy đề tài Lovecraft thường có cốt truyện rất khó hiểu khi nó xen kẽ giữa tâm linh và các yếu tố về văn hóa, chủng tộc hoặc đôi lúc là cả chính trị. Các đại diện tiêu biểu cho thể loại này có thể kể đến như: Bloodborne, Darkest Dungeon và The Sinking City vừa ra mắt… chúng đều tuân theo một công thức cụ thể là sử dụng nhiều hình ảnh quái dị không rõ ràng, các họa tiết về những con quái vật với xúc tu cùng nhiều bộ phận cơ thể chắp vá với nhau và cuối cùng là một “đấng toàn năng” luôn nhìn thấy tất cả mọi thứ nhưng không bao giờ xuất hiện.
Khái niệm “Đấng toàn năng” xuất hiện xuyên suốt qua các game theo đề tài Lovecraft, một điểm kỳ lạ là chúng không xuất hiện dưới dạng hữu hình như bình thường mà tồn tại theo kiểu truyền miệng, qua những ghi chép cổ đại xuyên suốt trong game. Đây là thứ đặc trưng của dòng game này, đó là với những thông tin không rõ ràng làm nó tạo ra một thế giới như tồn tại trong làn sương mù, với người chơi là kẻ phải tìm cách để đi qua nó.
Nếu như bạn để ý kỹ thì các nhân vật chính trong những game Lovecraft đều là các kẻ từ bên ngoài vào, tiếp cận một cộng đồng kín nơi thờ phụng một hoặc nhiều “Đấng tối cao” kể trên, để rồi sau đó mới tìm ra bí ẩn đằng sau. Lấy ví dụ như The Hunter trong Bloodborne vốn đúng nghĩa chỉ là một tên lính đánh thuê bình thường hay The Sinking City là thám tử chuyên nghiệp, bọn họ bị một thứ gì đó thôi thúc phải tìm tới cái cộng đồng khép kín, để rồi đóng vai trò là người kết thúc chúng.
Cái hay của một game Lovecraft là nó hoàn toàn xoay quanh nỗi sợ vô hình, theo kiểu nhiễm độc tâm trí từ từ chứ không phải kiểu hù dọa thông thường. Người chơi phải thực sự tìm hiểu và hiểu được game mình đang chơi thì mới thấy đáng sợ, không phải ngẫu nhiên các game Lovecraft luôn có cốt truyện rất phức tạp, thí dụ như Bloodborne thì người ta luôn nhắc tới nó đầu tiên như một dạng tra tấn hành xác với độ khó dã man (bạn rất khó để tận hưởng cốt truyện khi đang bị nhét hành đầy ass).
Đó là lý do tại sao các game lấy đề tài Lovecraft rất thích sử dụng cụm từ “tâm nhãn” hay “con mắt đến từ bên trong” để hình dung, thế giới xung quanh nhân vật chính bị che phủ bởi các Đấng tối cao, chúng biến các người dân thường trở nên điên dại theo thời gian hoặc tạo cho họ các ảo tưởng vô hình mà mãi mãi không thực hiện được. Việc tạo ra các mục tiêu ảo vừa nhằm che mắt người chơi, vừa khiến họ tò mò để tìm hiểu sâu hơn vào cái cốt truyện vốn đã rất rối rắm này, để rồi tự hỏi bản thân mình đã hiểu đúng hay chưa.
Khái niệm không gian và thời gian gần như không tồn tại trong thế giới Lovecraft, một vài game như The Sinking City còn dùng hiệu ứng vòng lặp vô tận để tạo nên nỗi sợ hãi cho người chơi. Nhân vật chính Charles Reed trong The Sinking City bị tra tấn bởi những ảo ảnh không rõ nguồn gốc suốt ngày đêm, thường xuyên rơi vào trạng thái vô thức và không nhớ được những gì bản thân đã làm. Vòng lặp thời gian là thứ đáng sợ nhất, khi mà bạn không thể chết, không thể trốn thoát và suốt đời bị giam cầm trong cái thế giới bị kiểm soát bởi những con quái vật.
Các vị thần của những game Lovecraft khá đặc biệt, thường là chúng từ những thế giới hoặc chiều không gian khác tiếp cận con người, thôi miên hoặc dụ dỗ họ để thực hiện những ý đồ riêng của mình. Trong Bloodborne thì Đấng toàn năng được gọi là Old God, với mục đích tối thượng là duy trì nòi giống, còn The Sinking City thì hơi dã man hơn khi muốn loại bỏ phong ấn để hủy diệt thế giới.
Điểm đặc biệt ở đây là các Đấng tối cao này không thể tự mình làm việc, chúng phải điều khiển con người, ban cho họ dục vọng hoang đường để những kẻ này mãi mãi phục tùng. Darkest Dungeon là điển hình nhất cho điều này, khi mà các vùng đất trong game đều từng hưng thịnh cho tới khi chủ nhân của nó trở nên cuồng loạn, ám ảnh về tiền bạc, quyền lực hay thậm chí là cả máu rồi dìm tất cả xuống cái chết.
Tha hóa có lẽ là cụm từ dễ hiểu nhất để nói về các nhân vật bị ảnh hưởng trong game Lovecraft, bọn họ đầu tiên sẽ bắt đầu bị ám ảnh về một thứ gì đó, dần dần phát điên và cuối cùng bị chính dục vọng của mình biến thành những con quái vật kinh tởm. Trong Bloodborne chúng ta có thể thấy điều này rất nhiều, với các con quái vật vẫn còn giữ được phần nào đó nhân dạng khi còn sống, với các bộ phận trên cơ thể mọc dài ra hoặc chắp vá lung tung nửa người nửa thú.
Con người bị thao túng bởi sức mạnh và dục vọng, sau đó tự giết chết chính mình là thứ mà các game Lovecraft luôn ngầm nhắn nhủ tới người chơi. Các Đấng tối cao đóng vai trò như chất xúc tác hoặc một cái cớ để những sinh vật bên dưới thờ phụng, nhưng thực chất là lợi dụng chúng nhằm thỏa mãn tham vọng riêng của mình. Các game kinh dị thông thường không thể nào làm được điều này, do đó Lovecraft vẫn luôn có một chỗ đứng tuyệt vời trong lòng game thủ, bất kể số lượng khiêm tốn và cực kỳ kén người chơi.