Phụ Lục
Cuối năm 2018, nhân dịp Giáng sinh và năm mới, tựa game online free to play World of Warships mà Mọt đang chơi mở bán loot box “Gói quà của Santa,” một hộp quà với những mệnh giá 1$, 3$ và 5$. Bên trong chúng là lời hứa hẹn về những chiến hạm premium “bá đạo” mà game thủ nào cũng thèm khát, một số trong đó không còn được bán bằng tiền mặt mà chỉ có thể nhận được trong các gói quà tương tự.
Vốn là một tựa game thu hút những người đã có tuổi trên khắp thế giới – rất nhiều người trong số họ có thân nhân là cựu binh thời Thế chiến 2, những con tàu ảo trong World of Warships có một vị trí đặc biệt trong lòng game thủ của nó. Trên các diễn đàn hay subreddit của trò chơi, người ta khoe với nhau những kỷ vật mà ông cha mình để lại – một mảnh gỗ lót sàn tàu, một mẩu kim loại trên giáp tàu, hay chỉ là những bức ảnh mà người thân của họ để lại trên con tàu đó.
Với đối tượng khách hàng này, nhà phát hành Wargaming rất biết cách kiếm tiền. Một con tàu ảo trong game có giá từ vài USD ở tier 1, 2 đến khoảng 80 USD ở tier 9. Đây là những khoản tiền khá chát mà ngay cả những người đã có công ăn việc làm đôi khi cũng phải chùn tay. Vì vậy, khi chiếc hộp quà của Santa được bán ra, rất nhiều game thủ tin rằng mình sẽ là một trong những người may mắn nhận được những con tàu đắt giá chỉ với vài USD.
Mọt cũng là một trong số này, và dù còn rất xa mới so sánh được với những “cá voi” thực thụ (tiếng lóng chỉ những người chi bạo vào game), tác giả cũng chi hơn 500k để mua 5 gói quà loại to nhất, và rất hài lòng khi nhận được hai con tàu tier 8 – món hời có giá khoảng 40 USD mỗi chiếc.
Nhưng Mọt tui là một ngoại lệ hiếm hoi, bởi khi đánh bạc nhà cái luôn luôn thắng. Trong suốt khoảng thời gian hơn một tháng trời gói quà này được treo trên cửa hàng premium của World of Warships, hàng núi lời than vãn được đăng tải trên các kênh MXH của game, với những game thủ lỡ dại bỏ ra từ vài trăm đến hàng nghìn USD mà chỉ nhận được toàn những thứ họ không muốn. Thay vì những con tàu cấp cao mà họ thèm nhỏ dãi, thứ họ nhận được là những lá cờ, các tàu “dỏm” cấp thấp và đủ thứ sơn ngụy trang mà Wargaming nhồi vào trong hộp quà. Chúng không hoàn toàn vô dụng, nhưng cũng không phải là thứ game thủ trông chờ, và vì thế họ cảm thấy đắng lòng sau khi mua loot box trong game.
Trong khi số khác làm meme vì thua "cháy túi"
Và dĩ nhiên World of Warships cũng không phải là tựa game duy nhất trên thế giới bán loot box. Những ví dụ về các tựa game bán loot box và những game thủ “cháy túi” vì loot box có ở khắp nơi. Có thể đó là anh chàng Nhật chi 70.000 USD vào Fate/Grand Order, hoặc cậu trai 19 tuổi người Mỹ chi 13.500 USD vào những CSGO, SMITE, The Hobbit… Mọt tin chắc bạn cũng từng chi tiền vào loot box đâu đó trong LMHT, Dota 2 hay biết ai đó làm điều tương tự, và sau đó hối hận vì quyết định của mình.
Có thể nói rằng đại đa số những người từng chi tiền vào loot box đều cảm thấy không hài lòng, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người trong số họ lại tiếp tục mở hầu bao khi một loot box mới xuất hiện trong tựa game mà họ yêu thích. Rất nhiều game thủ đã chua chát thốt lên “đây là một trò cờ bạc” và lại tiếp tục lao đầu vào nó, một phần bởi những đồng tiền mà họ chi vào loot box là những con số ảo trong tài khoản, thay vì những tờ tiền chạm được, ngửi được nằm trong tay.
Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất mà Mọt được biết thông qua Reddit. Cadence, một game thủ giấu tên đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính nhà phát hành để trốn thoát cơn nghiện loot box của mình. Là một game thủ Path of Exile, một tựa game free to play bán loot box giá 3 USD, nữ game thủ này đã chi rất nhiều tiền vào các loot box của trò chơi mình yêu thích. Lần nào ít thì 140 USD, cao nhất là 400 USD, và cô vẫn chưa nhận được tất cả những gì mình muốn, trong khi số tiền mình bỏ ra cho trò chơi ngày càng tăng.
Vậy là Cadence nhờ đến sự giúp đỡ của… chính nhà phát triển Path of Exile. Cô gửi một email đến Grinding Gear Games, nhờ họ khóa tính năng mua loot box của mình. Sau một vài bức email, Grinding Gear Games đồng ý và tạm khóa tính năng mua loot box của Cadence đến tháng 8/2019, thời gian mà cô tự đặt ra cho mình.
“Tôi hơi xấu hổ khi thú nhận rằng việc nhờ giúp đỡ này là vừa ăn cướp vừa la làng. Tôi muốn ủng hộ tựa game mình thích, nhưng không ủng hộ cách kinh doanh của họ. Nhưng nói thật lòng thì nếu họ không chấp nhận lời nhờ vả của tôi, tôi sẽ gỡ trò chơi và không bao giờ trở lại.”
Nhưng cho đến thời điểm này, quan điểm của các nhà làm luật trên khắp thế giới về loot box vẫn hết sức không đồng nhất. Một số quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu thắt chặt việc quản lý loot box, sau khi 15 nước thành viên Diễn đàn quản lý cờ bạc châu Âu (GREF) đồng thuận ký tên vào một biên bản bày tỏ sự lo ngại về loot box hồi tháng 9/2018. Trước đó, Bỉ đã xác định loot box là một trò cờ bạc và cấm tiệt chúng ở quốc gia này, khiến các nhà phát hành như Blizzard, Riot, EA, Valve phải ngừng bán loot box ở Bỉ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp game đang có giá trị đến hơn 30 tỉ USD, và các nhà phát hành có thừa tiền cho những phi vụ “vận động hành lang” lobby nhằm ngăn chặn các nỗ lực cấm loot box.
Trong khi đó, Mỹ cũng là một thị trường hết sức quan trọng của các nhà phát hành game, và các chính trị gia của nước này cũng đang hành động. Hồi năm ngoái, nghị sĩ Maggie Hassan của Thượng viện Mỹ đã kêu gọi FTC (Ủy ban thương mại liên bang) vào cuộc điều tra loot box nhằm tránh trẻ em bị nghiện cờ bạc, và giáo dục các bậc cha mẹ về khả năng gây nghiện của loại hình cờ bạc mới này. Tuy nhiên đến cuối năm 2018 – đầu năm 2019 vừa qua, việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động đã khiến nỗ lực của bà Maggie bị tạm hoãn.
Theo Mọt được biết, FTC hiện tại quá thiếu nhân lực nhưng lại quá thừa việc để làm, và chưa có bất kỳ thông tin nào về thời điểm kết thúc cuộc điều tra của FTC về loot box. Nếu khi cuộc điều tra kết thúc, FTC kết luận loot box là một trò cờ bạc, họ có thể đưa ra những điều luật mới. Trong trường hợp xấu nhất, tòa án Mỹ có thể vào cuộc để đưa ra phán quyết liệu loot box có nên bị quản lý bởi những điều luật cũ đã có hay không. Các nhà làm luật Mỹ tỏ ra lo ngại về lựa chọn thứ hai, bởi luật cờ bạc của Mỹ được đưa ra từ tận thế kỷ… 17, và đã quá lỗi thời.
Và dù chúng ta đang ở Việt Nam, Mọt tin rằng khi cuộc điều tra của FTC kết thúc và kết luận cuối cùng được đưa ra, nó ảnh hưởng đến ngành công nghiệp game trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ riêng tại Mỹ.
Nói thì hơi buồn cười, nhưng thực sự chúng ta cần phải hi vọng vào… lương tâm của các nhà phát hành trong việc giảm thiểu tác hại của loot box đến túi tiền của game thủ. Khi các nhà làm game phương Tây nghĩ ra chiêu vận dụng các máy gacha của Nhật vào kiếm tiền trong game, họ đã phần nào giảm bớt sự xui rủi trong trò cờ bạc này khi game thủ luôn nhận được một thứ gì đó (dù chưa chắc nó có giá trị gì) chứ không rời cuộc chơi tay trắng. Khi khui rương trong Wildlands, Mọt nhận được vài câu chat. Khi khui hộp trong LMHT, bạn nhận mảnh tướng. Khi mở thùng trong World of Warships, các cựu chiến binh nhận than. Vân vân và vân vân. Những vật phẩm có thể rất vô dụng với người nhận nó, nhưng ít ra nó là một thứ gì đó có thể dùng được trong game.
Ban đầu, loot box chỉ xuất hiện trong các tựa game free to play, và dù không được game thủ yêu thích, nhiều người trong số họ vẫn chấp nhận sự tồn tại của loot box vì đó là một cách để duy trì trò chơi. Nhưng theo thời gian, các nhà phát hành lớn bắt đầu thử sức chịu đựng của game thủ khi đưa chúng vào các tựa game thu phí, với những lời hứa kiểu “chỉ ra đồ trang trí” hay “không ảnh hưởng đến cân bằng game.” Sức chịu đựng (và ví tiền) của game thủ dần bị ép bẹp dí bởi sự xuất hiện tràn lan của loot box trong thời gian này.
Rồi giọt nước làm tràn ly nhỏ xuống khi EA đưa ra Star Wars: Battlefront II trong năm 2017. Ngay từ giai đoạn thử nghiệm, game thủ đã tức giận bởi mức độ cày cuốc và cách EA khai thác loot box mà họ thấy trong game. Các loot box của Battlefront II rành rành là pay to win bởi chúng trực tiếp đem lại cho game thủ các chỉ số mạnh hơn thông qua Star Card, và việc cày loot box mà không chi tiền mặt gần như là bất khả thi. Còn phải kể đến việc trò chơi ngốn của game thủ 60 USD, chưa tính các kiểu DLC mà EA dự tính sẽ tung ra sau ngày ra mắt.
Chính sự phẫn nộ của game thủ với EA và Star Wars Battlefront II đã dẫn đến sự chú ý của luật pháp cùng một loạt những rắc rối cho các nhà làm game mà Mọt đã nhắc đến ở phần trên. Nó cũng khiến bang Hawaii đưa ra hai dự luật mới nhắm tới loot box trong game: một là cấm game bán loot box cho game thủ dưới 21 tuổi bằng tiền mặt, và hai là buộc các nhà phát hành phải nói rõ tỉ lệ nhận các phần thưởng trong loot box của mình.
Dưới các chiến dịch vận động hành lang của Hiệp hội phần mềm giải trí Mỹ (ESA), cả hai dự luật này đều bị bác bỏ.
Ông Chris Lee, đại diện bang Hawaii nói về những gì đã xảy ra. Sau khi hai dự luật trên được đưa ra, ngành công nghiệp game Mỹ bắt đầu phản đối mạnh mẽ và nói rằng loot box không phải cờ bạc bởi game thủ mua chúng một cách tự nguyện. “Tùy vào thiết kế game, một số loot box được cho miễn phí và số khác có thể mua. Trong một số game, chúng chứa những thứ có thể giúp game thủ vượt qua nội dung của trò chơi. Trong số khác, chúng chỉ là các tính năng tùy chọn không bắt buộc phải có. Trong cả hai trường hợp, game thủ đều tự đưa ra quyết định.”
Nhưng các nhà làm luật Hawaii không chấp nhận luận điểm này. “Chúng ta không cho Joe Camel khuyến khích trẻ em hút thuốc,” ông Sean Quinlan, một trong những người thúc đẩy dự luật trên nhắc lại chuyện hãng thuốc lá Camel từng quảng cáo thuốc lá đến trẻ em, “và chúng ta cũng không nên cho Star Wars khuyến khích chúng đánh bạc.” Dù hai dự luật của bang Hawaii đều thất bại, nó khiến các nhà làm game bị đánh động rằng các hoạt động của họ đang nằm dưới tầm ngắm của luật pháp.
Sau những tình tiết trên, các nhà làm game Mỹ đặt ra một nhãn mới cho hệ thống đánh giá ESRB hồi tháng 2/2018: “in-game puchases,” báo hiệu rằng có microtransaction trong game. ESRB nói “chúng tôi đang tiếp thu ý kiến” khi đặt ra nhãn này, tuy nhiên đây cũng chỉ là một trò lập lờ đánh lận con đen bởi nhãn này gộp chung cả DLC vào cùng nhóm với loot box.
Một số nhà phát hành khác tỏ ra minh bạch hơn, chẳng hạn Riot làm với LMHT. Họ cho game thủ biết rõ tỉ lệ rơi của các vật phẩm trong rương, và phần nào đánh tan ảo giác “biết đâu mình may mắn” của game thủ khắp thế giới.
Câu hỏi này chính là điều mà ngay cả game thủ - người chịu tác hại của loot box – cũng chưa thể đồng ý với nhau. Những người chỉ trích loot box nói loot box tái hiện cơ chế của các máy đánh bạc như Slot machine và Lottery. Ngược lại, những người có quan điểm loot box không phải cờ bạc vin vào cớ rằng game thủ tự nguyện, và loot box cũng như các vật phẩm bên trong là ảo.
“Loot box không phải cờ bạc vì game thủ luôn nhận được một thứ gì đó giúp cải thiện trải nghiệm của họ,” Stanley Pierre-Louis, chủ tịch Hiệp hội phần mềm giải trí Mỹ nói.
Nhưng khi mua loot box, bạn đang dùng tiền của mình để được cơ hội nhận một thứ gì đó có thể có hoặc không có giá trị với bạn. Theo ông Ryan Morrison, “luật sư của ngành game” thì bất kỳ hoạt động nào có đủ ba yếu tố trên đều được xem là cờ bạc trên toàn bộ 50 bang của Mỹ.
Luật pháp Mỹ cũng đang nghiêng về hướng loot box = cờ bạc. Hồi năm 2019, Bộ tư pháp Mỹ đã bắt đầu xem xét lại một điều luật được ban hành hồi năm 2011 cấm mọi hoạt động cờ bạc online. Nếu Bộ tư pháp hay một cơ quan nào đó của chính phủ Mỹ quyết định rằng loot box nằm trong số các hoạt động cờ bạc online, ngành công nghiệp game sẽ mất hàng tỉ USD mỗi năm, một thảm họa thực sự với các nhà phát hành bởi giờ đây Mọt nhìn đâu cũng thấy loot box.
“Nó là một mối đe dọa lớn đến mô hình kinh doanh của các nhà phát hành nếu loot box bị quản lý hoặc giám sát,” ông Keith Whyte, giám đốc Hội đồng quốc gia về vấn đề cờ bạc Mỹ nói: “trong môi trường cờ bạc bị quản lý, các nhà phát hành game sẽ không thể làm hầu hết những gì họ đang làm.”
Cho đến lúc này, cuộc chiến loot box có lẽ còn lâu lắm mới ngã ngũ. Cho đến lúc những điều luật cụ thể hơn được đưa ra, game thủ chúng ta sẽ phải dựa vào sự kềm chế của chính mình cũng như… lương tâm của nhà phát hành để giảm thiểu thiệt hại cho bản thân.