Ngày nay thì khái niệm Gaming Gear hay những phần mềm hỗ trợ game thủ như Logitech G Hub đã là thứ gì đó quá quen thuộc, nó giúp cho trải nghiệm của bạn trở nên tuyệt vời không những là khi chơi game mà làm việc cũng tốt hơn rất nhiều.
Các ông lớn như Logitech, Razer hay SteelSeries… cũng rất chịu khó làm ra các công cụ tùy chỉnh cho gear chuyên dụng, nhưng theo thời gian thì nhiều game thủ đã bắt đầu nghĩ ra nhiều thứ để vọc vạch thay vì chỉ tùy chỉnh chuột và bàn phím. Một trong số đó là tìm cách để chọc phá bạn bè và người quen với Logitech G Hub – phần mềm hỗ trợ của Logitech.
Nếu bạn không biết thì Logitech G Hub là một phần mềm hỗ trợ của Logitech, với nhiều cải tiến hơn so với người tiền nhiệm là Logitech Gaming Software. Như đồng bào cũng biết thì Logitech là cái tên chuyên về Gaming Gear rất quen thuộc với game thủ Việt, với chất lượng khỏi bàn và hay ho nhất là cái giá vô cùng “mềm” khi họ liên tục tung ra các sản phẩm ở phân khúc tầm trung thời gian vừa qua. Chẳng cần nói đâu xa chúng ta có thể kể đến Logitech G103 Prodigy (phiên bản nâng cấp của huyền thoại G102), được cộng đồng game thủ Việt Nam ca ngợi là con chuột giá phải chăng nhưng khỏe vô địch thủ.
Cũng giống như G102 thì phiên bản G103 được đánh giá là cao về mặt thiết kế với vỏ ngoài hơi rám tạo cảm giác đều tay trên bề mặt, với các nút bấm đã tạo nên thương hiệu của Logitech là mềm nhẹ nhưng dứt khoát và có lực. Nó cũng sử dụng một lò xo trợ lực bên trong để tránh tình trạng đè nút (thiết kế độc đáo của riêng Logitech), DPI của G103 có thể được đẩy lên tới 8000 để đảm bảo cho những pha “vẩy chuột” của game thủ FPS. Về vấn đề hiệu năng thì với giá thành còn chưa tới 400 nghìn đồng, G103 thực sự “vô đối” cho những game thủ tầm trung, một con chuột giá hời để trải nghiệm hầu hết mọi thứ.
Và cũng chính vì nó có giá “ngon” như vậy (như rất nhiều phân khúc mới của Logitech), nên bọn rảnh hơi như tôi đã nghịch nó cho nhiều mục đích khác nhau ngoài chơi game với Logitech G Hub. Cũng giống như Logitech Gaming Software thì G Hub được tạo ra với mục đích tối ưu hóa trải nghiệm của game thủ với bàn phím và chuột, bạn có thể tùy chỉnh hầu hết mọi thứ như DPI, đèn led, hỗ trợ streaming và quan trọng nhất là thiết lập các lệnh macro quan trọng.
G Hub dễ sử dụng hơn Logitech Gaming Software vì nó thiết kế giao diện dưới dạng danh sách mở, kể cả một người chưa từng đụng vào phần mềm này cũng có thể thao tác dễ dàng. Nhưng cái mà tôi muốn nói tới trong bài viết này chính là dùng nó làm sao để đi phá đám người khác cơ, vì các tùy chỉnh ảo diệu của G Hub thế quái nào toàn làm tôi nghĩ tới mấy trò bẩn bựa.
Đỉnh cao nhất vẫn là trò dùng macro để hỗ trợ… chửi bậy trong game online, như bạn thấy đấy thì thường khi đã bỏ tiền mua chuột và bàn phím xịn cộng phần mềm hỗ trợ, đại đa số game thủ sẽ nghĩ tới việc set up macro làm sao để thuận tiện khi combat nhất có thể, nhưng tôi lại dùng nó hơi khác một chút. Cộng đồng Dota 2 Việt Nam hẳn đều biết việc bay rank tại server SEA với các người anh em Pinoy nó phiền phức thế nào đúng không, cũng như các lần chửi nhau muốn điên cả đầu khi có thằng mặt nồi nào đó nhăm nhe tranh mid của bố.
Các câu nói thân thương như “Putang ina…” “Bobo” hoặc “Diu nia ma cau hai”… hẳn đã được bạn bè trong nước học thuộc nằm lòng mặc dù méo cần biết nghĩa của nó ra sao. Nhưng trong một combat điên cuồng và thằng óc lợn nào đó cầm PA không BKB nhảy lên tính cân 5 rồi chết ngửa ra, thì bạn làm sao có thể trao yêu thương khi mà tay đang phải micro với tần suất 400 APM, G Hub và macro sẽ giải quyết hết vấn đề này.
Chỉ cần một set macro ưng ý được chỉ định sẵn trên bàn phím và chuột, bạn có thể thốt ra những lời vàng ngọc ngay lập tức với tốc độ ánh sáng. Macro của G Hub Logitech thuận tiện cho việc này tới mức nó có thể set theo rất nhiều thể loại khác nhau, từ dùng 1 lần, lặp lại liên tục, có thời gian chỉ định và cao cấp nhất là combo theo chuỗi.
Hãy tưởng tượng khi câu yêu thương ngọt ngào “Putang” vừa thốt, tiếp đó là “Bobo” nối đuôi rồi tới các thể loại khác như “GG EZ NOOB” bay vèo vèo chỉ bằng một nút bấm (G Hub Logitech hỗ trợ nhiều set combo macro nối tiếp nhau). Đó là một cảm giác “thượng đẳng” vãi cả nồi, khi mà bạn đang trao yêu thương nồng cháy cho đồng đội hoặc đôi khi là cả đối thủ bên kia, mà chúng nó còn lâu mới có thể làm được, với độ thuần thục mà bất cứ chuyên gia ngôn ngữ nào cũng phải ganh tị.
Vậy nên khi đánh Dota 2, chỉ cần các người anh em đồng đội của tôi đánh ngu và có dám nửa lời sủa bậy, một chuỗi những từ ngữ thân thương nhất thí dụ như “Phắc” “Shiet” “Putang Bobo” và rất nhiều thể loại khác sẽ được người dùng thông minh (như tôi) tuôn ra còn hơn cả pháo đại, bảo đảm thời gian đối thủ còn đang mò phím thì nó đã bị ăn chửi tới tối tăm mặt mũi rồi.
Đặc biệt với các chuỗi Macro mà tôi vọc được trong quá trình sử dụng Logitech G Hub thì kể cả khi phải chinh chiến nước ngoài, gặp những thể loại khác khó đỡ hơn như các anh Nga chuyên spawn kênh chat, các đại hiệp Bronzil suốt ngày hú hét hue hue và một vài âm binh nữa với các dòng chat hiện mấy cái dấu vuông mà tôi cũng chả biết thuộc nước nào… thì chúng ta đều có thể giải quyết tất cả.
Chỉ cần một vài giây Google thì những lời chào hỏi cấp cao “Cyka” với các bạn Nga hoặc “Cao ni ma” “ma le gi bi” với thể loại bốn ô vuông, điều tuyệt vời hơn là bạn thậm chí còn có thể copy nguyên xi các dòng chữ bằng chữ tượng hình hoặc bất cứ thứ gì nghĩ ra (phòng trường hợp quên hoặc sai chính tả), để tống thẳng vào mõm bọn ngu si dám ý kiến ý cò với ta.
Như cổ nhân đã nói “Quân tử động khẩu bất động thủ”, thế nên người hiện đại và có học thức như game thủ chúng ta không thể nào làm những hành vi kém sang được, mà hãy dùng marco với những phần mềm hỗ trợ tuyệt vời như Logitech G Hub kết hợp cùng gear chơi game cao cấp của hãng này để trao “yêu thương” và nhận lại vô vàn “yêu thương” khác.