Vào đầu tháng 12 này, chính phủ Trung Quốc đã thành lập “Hội đồng đánh giá đạo đức của game online,” với nhiệm vụ đúng như tên gọi – đánh giá mức độ đạo đức của những tựa game online được phát hành tại Trung Quốc. Kết quả đánh giá 20 game đầu tiên vừa được họ công bố, toàn bộ số này đều không phù hợp để phát hành ở Trung Quốc và đề nghị xử lý bằng cách bị kiểm duyệt, chỉnh sửa hoặc mạnh tay hơn là rút giấy phép, cấm phát hành.
Cụ thể, có 11 tựa game cần phải bị kiểm duyệt, trong đó có LMHT, Blade & Soul, Overwatch, Diablo, World of Warcraft và 6 tựa game khác do các nhà phát triển Trung Quốc thực hiện, bao gồm cả Vương Giả Vinh Diệu. Những lý do phổ biến nhất khiến các tựa game này bị đề nghị kiểm duyệt là “phòng chat không hài hòa,” các nhân vật nữ quá sexy, tưởng thưởng cho game thủ theo thứ hạng tạo ra sự bất công trong xã hội. Lý do “xuyên tạc lịch sử” được nhắc đến trong trường hợp của Vương Giả Vinh Diệu cùng Tây Du Ký, một của NetEase và một của Tencent.
Trong khi đó, những tựa game bị đề nghị cấm phát hành hoặc rút giấy phép có PUBG, Fortnite, H1Z1, AVA, Paladins, Knives Out, Ring of Elysium, Quantum Matrix, Free Fire Battlegrounds – tất cả đều là game Battle Royale hoặc có chế độ BR. Theo hội đồng này, các tựa game đó đều có nội dung thô bỉ, máu me bạo lực nên không thể được phát hành tại một đất nước “hài hòa, xem trọng giá trị nhân văn” như Trung Quốc. 20 tựa game này chỉ là nhóm đầu tiên bị kiểm duyệt, và sẽ còn nhiều trò chơi khác rơi vào tầm ngắm trong tương lai. Tuy nhiên tất cả những biện pháp trên đều chỉ mới dừng lại ở mức khuyến cáo, bởi hội đồng này chỉ có nhiệm vụ đánh giá các trò chơi. Các biện pháp pháp lý (nếu có) sẽ phải thông qua các cơ quan khác của chính phủ Trung Quốc, có lẽ là Bộ Văn Hóa hoặc Cục phát thanh truyền hình nước này.
Rất nhiều game trong số 20 trò chơi trên thuộc về NetEase và Tencent, hai công ty game lớn nhất tại Trung Quốc. Họ cũng là đối tác của hàng loạt công ty lớn nước ngoài muốn phát hành game tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Khi nhìn vào danh sách những tựa game bị đề nghị cấm phát hành hoặc rút giấy phép, có thể thấy rằng chính phủ Trung Quốc có vẻ như đang muốn bóp chết thể loại Battle Royale. Thể loại này đã là tâm điểm chú ý của các cơ quan công quyền nước này từ lâu, chẳng hạn PUBG nhiều lần bị yêu cầu chỉnh sửa cho phù hợp với “các giá trị văn hóa truyền thống.”
Trong số những lý do khiến các trò chơi bị cấm cản, “các nhân vật nữ quá sexy” là một điều sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp game nước này. Qua các tựa game Trung Quốc được phát hành tại Việt Nam, hẳn game thủ đã thấy được các nhà làm game của đất nước “thuần phong mỹ tục” đó bạo dạn ra sao khi dùng hình tượng nhân vật nữ để câu khách. Trước đây, từng có những bộ phim truyền hình bị rút giấy phép chiếu và phải chỉnh sửa vì trang phục của nhân vật để lộ khe ngực.
Trong khi đó, “bảng chat không hài hòa” là một nhận định hoàn toàn xứng đáng với bất kỳ một tựa game có yếu tố tranh đấu nào, chứ không chỉ LMHT. Game thủ đối địch nhau chắc chắn sẽ có những lời khiêu khích hoặc chửi rủa, và dù một phần nhỏ các câu chat bị kiểm duyệt, chẳng ai có thể lọc được tất cả những lời lẽ tục tĩu, dù bằng sức người hay các bộ lọc tự động.
Cuối cùng, đánh giá máu me bạo lực được dành cho các tựa game Battle Royale có vẻ như là một kiểu “vơ đũa cả nắm,” bởi theo Mọt biết, Paladins và Fortnite chẳng có chút máu me nào. “Nội dung thô bỉ” có lẽ nói về lối chơi Battle Royale khi tất cả mọi người đều là kẻ thù và phải tiêu diệt lẫn nhau, một yếu tố quả thật khá nặng nề. Có lẽ những người chịu trách nhiệm đánh giá trò chơi lo ngại trẻ em bị tiêm nhiễm từ các trò chơi này, nhưng đó là lý do tại sao phương tây lập ra những hệ thống đánh giá như PEGI hay ESRB cho các bậc phụ huynh quản lý con em mình.
Nhưng nhìn chung, với những đánh giá tiêu cực dành cho toàn bộ 20 tựa game được xem xét trong đợt đầu tiên này, có thể thấy rằng trong thời gian tới các tựa game phát hành tại Trung Quốc cũng như các nhà phát triển game của họ sẽ phải có rất nhiều thay đổi để được phép tồn tại. Điều này có lẽ sẽ ảnh hưởng chút ít đến chúng ta, bởi 99% game trên thị trường Việt Nam hiện nay đến từ Trung Quốc nhờ ưu thế về giá thành và nội dung.