Little Nightmares có thể được xem như tựa game indie nổi bật nhất trong tháng 4 vừa rồi khi dám so kè với đàn anh Outlast 2 mà vẫn đạt được nhiều thành công và phản hồi tích cực. Điều gì đã khiến cho "Cơn Ác Mộng Nhỏ" đến từ một hãng game độc lập ít tên tuổi tại Thụy Điển trở nên có sức hút mãnh liệt đến như thế? Anh em Mọt Game hãy cùng tui dấn thân mổ xẻ hiện tượng này nhé.
Tựa game độc đáo này khi được giới thiệu lần đầu tiên (vào tầm tháng 5 năm 2014) có tên là Hunger và chỉ dự tính phát hành trên hệ máy PS4. Lúc đó thậm chí game còn chưa có nhà phát hành nào đỡ đầu nên nhanh chóng rơi vào quên lãng ngay khi Tarsier Studio cho ra mắt teaser vào tháng 2/2015. Mãi tận cho đến tháng 8/2016, tựa game bất ngờ được thông báo sẽ phát hành toàn cầu trên PC, PS4 lẫn Xbox One dưới sự "tiếp tay" của ông lớn Bandai Namco Entertainment. Chính lúc này game mới chính thức được đổi tên thành Little Nightmares và trở thành tựa game indie mới cực kì được trông đợi.
Là thể loại người vừa hám của lạ vừa mê của độc, tui đã hoàn toàn đổ gục trước Little Nightmares ngay từ trailer đầu tiên. Ấn tượng ban đầu của tui khi thấy nó là game này thật gợi nhớ đến Inside và Limbo của PlayDead, tui thậm chí còn đinh ninh Little Nightmares chung một nhà với hai cái tên kia. Cũng không khí u ám, cũng một đứa nhỏ bị bao quanh bởi môi trường vừa rộng lớn vừa nguy hiểm, song đến khi thực sự cắm rễ vào chơi thì tui mới dần nhận ra cái sự "độc" của Little Nightmare.
Game được vẽ hoàn toàn ở dạng thức 3D chứ không phải là 2D hay 2.5D như Limbo lẫn Inside, điều này khiến không gian hình ảnh trong game có chiều sâu hơn hẳn. Bản thân Little Nightmares mang chủ đề u ám và có phần ghê rợn nên tông màu chủ đạo được sử dụng nhiều là xanh, xám, đen để tạo cảm giác lạnh lẽo và đe dọa đến cùng cực. Tuy nhiên có những phân cảnh màu sắc lại vô cũng tương phản, bản thân tui đặt biệt thích mỗi khi Six quẹt diêm lên vì lúc đó hiệu ứng ánh lửa lan tỏa vô cùng đẹp, chưa kể bóng sáng của ánh nến cũng rung động theo di chuyển của cô bé một cách chân thực đến nổi da gà.
Đổ bóng và phân bố ánh sáng trong game cực kì chân thực
Little Nightmares cũng là một trong số ít những game tui cảm thấy yếu tố tương quan môi trường được xây dựng tỉ mỉ kĩ lưỡng. Đó là khi bạn đang chui qua một khe cửa hẹp hay đường ống cống để thông qua một khu vực khác, rồi góc nhìn được mở rộng ra hoàn hảo đến mức bạn bị choáng ngợp. Hay thậm chí một lần vì hụt tay, tui để Six bị rơi từ trên cao và cô bé chạm đất tại một địa diểm tận đầu màn chơi. Điều đó chứng tỏ cấu trúc mọi cảnh vật trong game đều kết nối với nhau đầy logic và hợp lí. Có thể đó là dụng ý của bên sản xuất để tạo nên sự trái ngược giữa nhân vật Six bé nhỏ bên cạnh con tàu The Maw rộng lớn, đầy cạm bẫy rủi ro. Nó cũng giống như cô bé tuy đang chạy trốn nhưng lại mặc trên mình chiếc áo mưa màu vàng nổi bật giữa không gian tối tăm bụi bặm của khu hầm giam.
Thêm một điều nữa tui phải cảm thán và tán dương đội ngũ thiết kế game, rằng bọn quái boss trong game đúng nghĩa là khiến người ta muốn gặp ác mộng!
"Thí chủ có muốn ăn thịt không?" - Dạ không em cảm ơn!!
Little Nightmares là kiểu game dễ chơi nhưng khó thắng. Bản thân được giới thiệu là một game kiểu giải đố tìm đường, song tui cảm thấy nó mang hơi hướm stealth khá nhiều, nhất là ở những chương về sau khi mà chúng ta phải đối đầu với các boss. Điều khiển của game đơn giản và chắc chắn sẽ dễ chơi hơn nếu bạn dùng tay cầm, các câu đố trong game cũng không phức tạp như thoạt đầu bạn nghĩ, song điều lắt léo và nhức não chính là ở chỗ thực hiện chúng. Nghĩ trong đầu là một chuyện, để làm và thành công lại là chuyện khác. Thành công vượt ải ngay trong lần đầu tiên với Little Nightmares là một chuyện không hề dễ dàng. Đây có thể cũng là nhược điểm của game vì cơ chế gameplay dựa quá nhiều vào yếu tố thử-chết-thử lại, dễ khiến người chơi bực mình và nản (hoặc chỉ có mấy đứa chơi gà như tui mới vậy).
Đánh đu thế này mà trượt tay là chết ngay
Như đã nói trên kia, việc "đi nhẹ nói khẽ" vô cùng quan trọng trong đoạn sau của game. Bạn đồng thời phải nhanh nhạy, nhưng lại không được gây quá nhiều sự chú ý nếu không muốn bị bọn quái bóp chết. Với tui phần chơi khó chịu nhất là lúc đi ngang mấy con mắt chiếu đèn (nếu bị đèn chiếu phải Six sẽ hóa đá) vì tui ngây thơ tưởng con mắt đó chuyển động theo quy tắc lặp lại, nhưng kì thực nó lại hoàn toàn ngẫu nhiên. Tương tự với chương của gã tay dài The Janitor mà lại còn khoai củ hơn vì... tay gã quá dài, sơ sẩy một cái là đã bị gã túm gọn. The Janitor bị mù nhưng bù lại thính giác của hắn cực kì tốt, lời khuyên của tui cho màn chơi này là hãy luôn đi khẽ và tránh va chạm đồ đạc một cách tối thiểu.
Đừng nhìn em bằng đôi mắt ấy
Cũng đừng ôm em đêm nay...
Tuy góc nhìn rộng của Little Nightmares cực kì đẹp nhưng bù vào đó lại đem tới một khuyết điểm chết người: góc camera. Thề với các anh em Mọt Game, sẽ không dưới 3-4 lần mọi người sẽ chết vô cùng tức tưởi khi vô tình di chuyển vào góc chết của camera. Đó là những khi Six bị che khuất bị một vật thể lớn hơn chắn phía trước, bạn không tài nào xoay chuyển góc nhìn theo hướng mong muốn và hậu quả là sẽ lao thẳng xuống vực, nhảy hụt té chết, hay đá trúng cái gì đó và để bọn quái nhào tới bắt gọn.
Thắp đèn nào rồi mình ôm nhau~
Thêm nữa, các nhiệm vụ thu thập của game khá tủn mủn. Nó bao gồm việc thắp đèn/nến, đập vỡ các pho tượng, và bắt ôm các con Nomes. Những nhiệm vụ này không có gì khó khăn song lại mất thời gian và dễ bỏ sót. Phải kiên nhẫn và thực sự chịu khó sục sạo mọi ngóc ngách nếu bạn muốn hoàn thành 100% game.
Không thể phủ nhận Little Nightmares có nội dung đặc biệt và độc đáo hơn hẳn so với những game ra mắt gần đây. Tuy mang tiếng là game kinh dị, nhưng Little Nightmares không đánh mạnh vào các yếu tố ma quỷ hay giết chóc rợn người, thay vào đó game xây dựng nỗi sợ dựa trên nền tảng của cảm giác mông lung và đấu tranh sinh tồn. Thêm vào đó, sự bí ẩn lẫn các yếu tố ẩn dụ cất giữ trong từng màn chơi kích thích trí tò mò của chúng ta đến mức cùng cực, khiến ai cũng muốn đi tiếp để xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và rốt cuộc toàn bộ chân tướng sự việc là thế nào. Đó vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm, bởi nếu chỉ xét riêng về yếu tố dẫn chuyện thì tui cảm thấy Little Nightmares đã làm không tới nơi tới chốn.
Không có người giải thích đố bạn biết con tàu này tên The Maw
Nếu anh em Mọt Game chỉ chăm chăm chơi game thì thậm chí cho tới cuối cùng khi đã phá băng, đảm bảo hơn 90% người chơi đều không thể hiểu được tường tận về Little Nightmare. Thậm chí tới cái tên của con bé nhân vật chính cũng không được nhắc đến lần nào. Như tui đây, đã kiểu sợ spoil mất vui nên chỉ chăm chăm chờ game ra, down về cắm mặt chơi, chơi xong thì ngu đần hẳn. Tận tới khi lọc cọc đi mò mẫm đọc thông tin này nọ thì mới "À, bây giờ thì em đã hiểu.".
Nghe đâu sắp tới tựa game sẽ được chuyển thể hẳn thành một tập truyện tranh, nên game khó hiểu cũng là trong dự tính chăng? Riêng về nội dung game thì Mọt Game đã có hẳn bài viết giải thích cốt truyện Little Nightmare và phân tích các giả thuyết của nó rồi, các anh em có nhã hứng tìm hiểu đừng quên ghé đọc.
Lộ nghi vấn mẹ con giữa nhân vật chính và trùm cuối, mau đọc Mọt Game!
Túm cái quần lại, Little Nightmares với tui vẫn xứng đáng là một game sáng giá. Nó đã khiến tui chơi không ngừng nghỉ từ đầu cho tới cuối, có chăng chỉ tiếc là game quá ngắn khi 4-5 tiếng là đủ để ta kết thúc game rồi. Game cũng còn một số lỗi glitch, bugs nhưng không đáng kể so với việc tạo được cả một "màu" riêng cho bản thân mình trong thị trường game kinh dị indie đang dần bão hòa. Nếu Outlast 2 quá nặng đô với bạn, thì hãy chơi thử Little Nightmares để trải nghiệm nhịp độ dễ thở hơn nhưng cũng không kém phần lạnh gáy.
Xem cấu hình rồi "múc" ngay nhé!
Kì sau, tui sẽ tiếp tục nói tới những bí mật và cách tìm những trophy ẩn của Little Nightmares, các anh em Mọt Game nhớ đón đọc nghen.