Life is Strange là tựa game từng gặt hái nhiều thành công trong năm 2015 và gây tiếng vang trong cộng đồng yêu game toàn thế giới. Mới đây, chương đầu tiên của phần tiếp theo trong loạt game là Life is Strange: Before the Storm vừa được ra mắt đã mau chóng được đón nhận nồng hậu, nhưng liệu phần này có tiếp tục giữ được phong độ của phần trước đó?
Gọi là phần tiếp theo nhưng kì thực Life is Strange: Before the Storm lại lấy bối cảnh xảy ra trước những sự kiện trong Life is Strange đồng thời tập trung chủ yếu vào nhân vật Chloe Price, nên có thể nói ngay cả với những người chưa chơi qua phần trước thì chúng ta hoàn toàn vẫn có thể bắt kịp nhịp độ trong tựa game lần này. Trung thành với cấu trúc chương hồi, game sẽ không ra hết một lần mà lần lượt từng tập sẽ được phát hành dần trên Steam. Tập đầu tiên của phần này có tên là Awake, đã vừa ra mắt vào 31/8 vừa qua.
Do có sự thay đổi về nhân vật chủ đạo nên gần như Life is Strange: Before the Storm đem lại một góc độ khác hẳn với những gì mà chúng ta từng được trải nghiệm trong phần đầu. Trước đây khi Max Caulfield giữ vai trò dẫn dắt câu chuyện, hầu như mạch truyện luôn dày đặt nhiều câu hỏi và khiến ta có cảm giác đang ở trong một bộ phim trinh thám học đường. Lần này với Chloe Price, cô nàng tomboy ngổ ngáo từng xuất hiện ở phần trước, mọi thứ trở nên khác lạ dù vẫn ở tại ngôi trường đấy, vẫn thành phố ven vịnh nhỏ bé Arcadia Bay. Nội dung game xoay quanh cảm giác cô độc và nổi loạn của Chloe khi mất đi người cha mà cô hằng yêu quý. Trong chính thời điểm khó khăn đó, người bạn thân Max lại chuyển đi và mẹ cô mau chóng tìm bạn trai mới để nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Không quá khó hiểu khi Chloe từ một đứa con ngoan mau chóng trở nên ngỗ nghịch bất trị, nhưng tất cả cũng chỉ để giấu đi nội tâm khao khát được thấu hiểu và yêu thương.
Việc để Chloe làm nhân vật chính khiến cho người chơi dễ dàng thấu cảm hơn với nhân vật này, đồng thời dựa vào tính cách của cô nàng mà lời thoại lẫn không khí của Life is Strange: Before the Storm có phần thú vị hơn hẳn. Chúng ta sẽ được thỏa sức làm những trò nổi loạn, từ trốn nhà đi chơi khuya, gây sự với bọn đầu gấu, nghe nhạc quẩy rock hay thậm chí... phê pha một chút. Có thể ghi nhận đây là một điểm mới lạ, vì rõ ràng ở phần trước Max luôn là một cô bé ngoan ngoãn chỉ có chút máu phiêu lưu chứ không phải là kiểu bất cần gai góc như Chloe. Cũng chính vì vậy nên câu chuyện lần này lại mang tính chất cá nhân tự sự và có chút mang hơi hướng tuyệt vọng như những bộ phim tâm lý tuổi trẻ hoang dại.
Tuy vậy, để nói một cách thật lòng thì tập 1 của phần mới không thực sự cho tui cảm giác thôi thúc thích thú như phần trước. Một phần có thể do tui đã quá nhờn mặt với kiểu nội dung về những thanh thiếu niên nổi loạn lạc lối nên đến khoảng 40 phút chơi game là tui đã bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ. Công nhận được điều khiển Chloe và biết suy nghĩ của cô nàng cũng khá hay ho, chưa kể còn được gặp lại kha khá những gương mặt lạ mà quen trong game, song với tui thì xem ra Life is Strange: Before the Storm đã mở đầu không đủ chất.
Đổi Chloe là nhân vật chính thay cho Max dẫn tới kết quả không thể tránh khỏi: chúng ta hoàn toàn mất đi khả năng quay ngược thời gian. Chắc hẳn cũng như tui, nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi điều đó đã gần như là dấu ấn sâu đậm nhất trong gameplay của Life is Strange. Tuy nhiên, mất đi lựa chọn thay đổi thời gian buộc chúng ta phải suy nghĩ kĩ càng hơn trước những lựa chọn mà mình sẽ đưa ra trong game. Điều này ban đầu sẽ hơi khó nghĩ một chút, nhưng dần dà theo dòng chảy của câu chuyện, tự mỗi người sẽ nhận ra mình nên làm gì và rốt cuộc bạn sẽ muốn Chloe của mình có nhân cách ra sao.
Dĩ nhiên, để bù đắp lại cho sự mất mát trong yếu tố năng lực của Max, Chloe đã được thiết kế riêng một kĩ năng của riêng mình: Arguing - Tranh cãi. Chúng ta mau chóng được thể nghiệm kĩ năng này ngay đầu game khi phải thuyết phục tay bảo kê để cho mình vào quán bar xem nhạc. Để tranh cãi hiệu quả, chúng ta cần chú ý đến những từ khóa được nhấn mạnh chú ý trong mỗi đoạn hội thoại và cả thời gian cân nhắc. Mỗi lời đối đáp "ăn tiền" thì thanh tranh cãi sẽ được tăng lên cho đến khi Chloe đạt được mục tiêu mà cô muốn. Nói thế chứ đôi lúc bạn cũng sẽ không hiểu mình đã đáp sai cái gì và ở đâu, game không thực sự giải thích và cũng không có cơ hội để làm lại (trừ khi bạn muốn đi lại từ checkpoint), lỡ thất bại thì bạn đành tìm cách khác để đạt được mục đích thôi vậy. Kì thực đây là yếu tố rất thú vị và thích hợp với tính cách đanh đá của Chloe, chưa kể xem cô nàng đốp chát với người khác là một trải nghiệm đầy giải trí.
Còn lại có thể xem như Life is Strange: Before the Storm khá trung thành với kiểu gameplay cũ. Những vật dụng có thể tương tác trong môi trường sẽ được đánh dấu, việc của chúng ta là chịu khó lục lọi để thu thập các điểm collectible rải rác trong game. Chú ý đến các bức tranh và tường, vì Chloe được tập trung khá nhiều vào kĩ năng hội họa nên phần lớn các collectible của Life is Strange: Before the Storm là thông qua những hình vẽ của cô. Một cuốn sổ journal cũng được đính kèm với khá nhiều những ghi chép của Chloe, đọc qua nó vừa giúp người chơi hiểu hơn về cốt truyện vừa kiểm soát được những thiếu sót trong việc thu thập của mình.
Ở đoạn kết của tập 1, game có hé lộ về việc Rachel hình như cũng sở hữu một siêu năng lực nào đấy. Tui rất mong chờ ở những tập tiếp theo sẽ có phân đoạn thay đổi nhân vật chơi, biết đâu sẽ có lúc chúng ta được điều khiển Rachel và được dùng siêu năng lực của cô ấy thì sao?
Về mặt đồ họa, chắc chắn 2 năm qua đội ngũ làm game cũng có chăm chút hơn cho đứa con tinh thần của mình song kết quả thì không được nổi bật cho lắm. Chúng ta vẫn nhìn thấy sự thiếu mượt mà trong cử động lẫn biểu cảm, trong vài khung hình thì có thể bắt gặp lỗi bề mặt vật chất trên các vật thể môi trường. Thay vào đó thì game tăng cường các yếu tố ánh sáng và chi tiết của thế giới trong game, khiến nó sống động hơn hẳn. Chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều góc khác của Arcadia Bay mà trước đây mình chưa thấy, những cảnh vật lạ lẫm mà vẫn rất quen thuộc. Những khung hình đẹp vẫn là điểm sáng trong yếu tố đồ họa của Life is Strange từ phần đầu cho tới Before the Storm này, khi nó là một phần giúp việc dẫn dắt nội dung và cảm xúc của người chơi đến với câu chuyện một cách dễ dàng hơn.
Âm nhạc của Life is Strange luôn làm hài lòng những lỗ tai khó tính. Soundtrack trong game ở mỗi tập đều đáng để thưởng thức vô cùng. Những bài nhạc từ rock đến chill đều hoàn toàn thích hợp với mỗi phân cảnh, còn nhạc nền đều được pha trộn hoàn hảo để đem tới sức sống cho từng nơi chốn và diễn biến của câu chuyện. Với kết cấu nặng nội dung và đậm chất điện ảnh, khâu lồng tiếng đã góp phần không nhỏ vào thành công cho công cuộc xây dựng tính cách nhân vật. Thật tốt khi điều này vẫn được duy trì trong Life is Strange: Before the Storm. Có thể fan đã từng rất buồn khi biết Ashley Burch không còn tiếp tục lồng tiếng cho Chloe trong phần mới này, nhưng Rhianna DeVries đã có thể tiếp nối công việc thổi hồn vào rất xuất sắc. Đây là một Chloe khác với phần trước, trẻ con hơn, nhiều rắc rối hơn, dễ đổ vỡ hơn... nên việc thay đổi người lồng tiếng không hẳn là liều lĩnh, vì góc nhìn của nhân vật lúc này khác hẳn với phần trước.
Bài hát cực hay có mặt trong soundtrack lần này
Suy cho cùng, Before the Storm vẫn xứng đáng để tiếp bước Life is Strange với những gì mà nó làm được trong tập đầu tiên của phần mới. Các yếu tố chủ chốt tạo nên thành công của game được bảo toàn và cải tiến, tuy nhiên tui vẫn không khỏi cảm thấy nó không bằng phần đầu, hoặc giả như nó có thể tốt hơn như thế này nữa. Cơ mà đây chỉ mới là tập đầu tiên, mới là viên gạch mở màn, biết đâu những tập tiếp theo chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều chuyển biến hấp dẫn hơn nữa?
Tập 1 của Life is Strange: Before the Storm đã có mặt trên Steam, toàn bộ game có giá 16.99$
Cấu hình game cơ bản:
Hệ Điều Hành: Windows 7 64-bit trở lên
Vi xử lí: Intel Core i3-6100 (3.7GHz) or AMD Athlon X4 845 (3.5GHz)
RAM: 6 GB
Card Đồ Họa: AMD Radeon RX 460 or NVIDIA Geforce 1050
DirectX: Version 11
Dung lượng: 14 GB
Chú ý: Hệ điều hành 32-bit không được hỗ trợ.