Câu chuyện trong Lies of P đặt bối cảnh trong thời kỳ tươi đẹp Belle Époque tại thành phố giả tưởng Krat. Nơi này tồn tại một nguồn năng lượng gọi là Ergo, được tìm thấy từ một tảng đá xanh nằm bên dưới lòng đất, được tạo nên từ ký ức và sinh mệnh của con người. Việc hai nhà phát minh Geppetto và Venigni tìm thấy nguồn năng lượng này đã mở đường cho sự xuất hiện của những con rối robot ở Krat, cũng như khởi đầu cho thời kỳ hoàng kim của thành phố này.
Những con rối này, về cơ bản chính là những con robot vận hành bằng năng lượng Ergo, được tạo ra với mục đích phục vụ con người. Với sự mở rộng của hàng loạt nhà máy sản xuất con rối, những người có trách nhiệm đã nhanh chóng thảo luận để tạo ra một bộ luật mang tên Grand Covenant. Bộ luật này nhằm mục đích kiểm soát cũng như ràng buộc những con rối theo quy chuẩn nhất định của xã hội.
Có bốn điều luật chính được đề cập trong Grand Covenant. Đầu tiên, những con rối phải tuân theo mọi mệnh lệnh của người tạo ra chúng, hay cụ thể là con người. Thứ hai, những con rối không được phép làm nhân loại bị thương. Thứ ba, những con rối có nghĩa vụ phải bảo vệ và phục vụ thành phố Krat nói chung và con người nói riêng. Cuối cùng và quan trọng nhất, những con rối không được phép nói dối.
Sự xuất hiện của những con rối và những ràng buộc của 4 điều luật đã góp phần biến Krat trở thành trung tâm công nghệ lớn nhất thời bây giờ. Mọi thứ tưởng chừng sẽ cứ yên bình như thế cho đến một ngày, cuộc bạo loạn được biết đến với cái tên Puppet Frenzy nổ ra. Những con rối bị kìm hãm bởi bộ luật Grand Covenant vốn vô hại đã bắt đầu phát điên và chủ động tàn sát con người.
P và những cuộc chiến khốc liệt |
Song song với cuộc tàn sát, hoặc trước đó một chút, thành phố Krat cũng phải hứng chịu sự tàn phá do dịch bệnh Petrification gây ra. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân Petrification bùng nổ là vì con người tiếp xúc với Ergo trong một thời gian dài, nhưng không ai biết chính xác dịch bệnh này lây lan bằng cách nào. Người ta chỉ biết chắc rằng đã có ít nhất hai đợt dịch lớn đã từng bùng phát trong thành phố.
Khi bị lây nhiễm, máu và cơ thể của người nhiễm bệnh sẽ chuyển thành màu lam, một số trường hợp còn bị ghẻ lở ngoài da. Ngoài ra, vì cơ thể của các bệnh nhân thường xuất hiện các tinh thể cứng hoặc vảy đá nhìn rất giống Ergo nên căn bệnh này còn được dịch tạm là dịch bệnh “hóa đá”. Người bệnh sẽ bị cách ly và cấm nói chuyện, giao tiếp với người khác. Đến giai đoạn cuối cùng của căn bệnh, họ biến thành một loại quái vật tên là Carcass và lang thang ngoài khu vực đầm lầy.
Cuộc tàn sát nổ ra đi kèm với dịch bệnh đã khiến dân số ở Krat suy giảm đáng kể, rất nhiều người đã thiệt mạng, số còn lại thì tìm cách sinh tồn dưới điều kiện khắc nghiệt ở nơi này. Đó cũng là lúc nhân vật chính của chúng ta - một con rối đặc biệt tên Pinocchio thức tỉnh. Và Lies of P chính là hành trình khám phá sự thật và giải quyết những mối nguy ở Krat của Pinocchio. Từ đó đưa cậu bước lên con đường tìm kiếm cách để từ một con rối trở thành con người thật sự.
Có thể thấy, giống với tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của cậu bé người gỗ Pinocchio” do nhà văn người Ý Carlo Collodi chấp bút. Ngoài bầu không khí căng thẳng truyền thống của thể loại soulslike, Lies of P của Neowiz Games và Round 8 Studio còn mang đến những giá trị nhân văn mà bạn có thể tìm thấy trong xuyên suốt câu chuyện. Nhưng mà stop ở đây, hôm nay chúng ta không nói sâu về những giá trị đạo đức và ánh sáng tích cực. Thứ Mọt muốn tìm hiểu là sự đen tối trong các phiên bản gốc của chuyện cổ tích.
Những trận đối đầu không đẹp như cổ tích |
Lies of P và câu chuyện của Carlo Collodi giống nhau chỗ nào? Và ngoài Pinocchio thì những câu chuyện cổ tích khác, có thật là dành cho trẻ con hay không? Hãy cùng đến với phần tiếp theo để
Tuy nhiên, video hôm nay của chúng ta sẽ không nói sâu về những giá trị đạo đức và ánh sáng tích cực mà sẽ hướng đến sự đen tối của những câu chuyện đồng thoại, và sự tương đồng của Lies of P với câu chuyện Pinocchio bản gốc của Carlo Collodi.
Tại sao các nhà làm game lại có sở thích biến những câu chuyện cổ tích vốn dành cho trẻ em thành những tựa game mang đầy màu sắc tăm tối? Điều này bắt nguồn từ việc, con người luôn tò mò về những thứ đen tối và ngoài tầm với của họ. Nếu để ý bạn sẽ thấy, những game có chủ đề đen tối, kinh dị hay sở hữu yếu tố bạo lực, rùng rợn luôn thu hút người chơi hơn những tựa game mang màu sắc tươi sáng và đầy ánh sáng tích cực.
Thêm một điều nữa là, những câu chuyện cổ tích rất quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người. Vậy nên, khi người ta gán một thứ gì đó có vẻ kỳ lạ cho một tựa câu chuyện gắn liền với tuổi thơ, chúng ta đều sẽ vô thức cảm thấy tò mò với những gì có thể xảy ra trong tựa game đó. Và đấy cũng là một cách giúp các nhà làm game có thể giật tít câu chuyện và truyền thông hiệu quả hơn đến những game thủ khác.
Pinocchio thật ra cũng không dễ thương như vẻ ngoài |
Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ qua một chuyện. Đấy là trước khi đến với tay những đứa trẻ, xuất hiện trên các chương trình hoạt hình của Disney hay trong những câu chuyện kể hằng đêm, truyện cổ tích vốn không hề mang màu sắc đáng yêu và vô tội như ta tưởng tượng.
Không nói đâu xa, chính bản gốc “Cuộc phiêu lưu của cậu bé người gỗ Pinocchio” do Carlo Collodi viết cũng từng bị gọi với cái tên “Câu truyện cổ tích đáng sợ nhất dành cho trẻ em”. Nếu chỉ xem bản hoạt hình đã được cắt xén và chỉnh sửa rất nhiều chi tiết của Walt Disney, bạn chắc chắn sẽ tự hỏi, Pinocchio thì có gì đáng sợ? Nhưng câu chuyện thật sự, đen tối hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Trong tác phẩm gốc, cậu bé người gỗ của chúng ta có thể cử động được là vì nó được thợ làm rối Gepetto tạo nên từ một khúc cây thần kỳ. Còn trong đoạn mở đầu của trò chơi, ta lại thấy hình ảnh một con bướm xanh đậu lên người Pinocchio và cậu ta tỉnh dậy trên chiếc ghế gỗ.
Phân cảnh này được tham khảo gần như nguyên bản cảnh nàng tiên xanh xuất hiện và trao sự sống cho Pinocchio của Walt Disney,. Tuy nhiên sự ban phát nhưng đồng thời, chính sựmạng sống không tự nhiên này lại mang đến rất nhiều rắc rối trong tương lai. Và, dù không được xác nhận, nhưng ta đều thấy được sự tương đồng của phép thuật trong bản của Walt Disney và Ergo trong game, chúng là thứ ban cho người dân Kart sự phồn thịnh, nhưng, cũng là thứ phá hoại tất cả.
Trước khi thành người, cậu bé đã bị dụ dỗ nhiều lần |
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nàng tiên xanh không tồn tại trong bản gốc. Sau khi trải qua khá nhiều biến cố, Pinocchio sẽ được tiên xanh cứu vào đúng thời khắc cậu sắp chết vì bị treo trên cây. Tiên xanh sau đó cũng là người tiết lộ cho Pinocchio rằng, cậu có thể biến thành người nếu ngoan ngoãn và trung thực. Yeah, nếu bạn đã nhận ra thì hình tượng của Sophia - cô gái đánh thức Pinocchio trong trò chơi được lấy từ hình mẫu của nàng tiên xanh trong bản gốc. Vì là tiên nên dù ở bản gốc hay bản game, nhân vật này đều rất trong sáng và tích cực, thứ duy nhất khiến nhân vật tiên xanh trở nên hơi đen tối là vì, cô luôn xuất hiện mỗi khi Pinocchio cận kề cái chết mà thôi.
Khi Pinocchio đặt chân đến ga trung tâm của thành phố sau khi thức tỉnh, cậu ta sẽ tìm thấy một vật phẩm mang tên “Cây đèn của Monad”, có công dụng chiếu sáng và tiết lộ vị trí của bướm Dimensional, giúp ta thu thập những nguyên liệu cần thiết. Nếu đọc mô tả của món vật phẩm này, bạn sẽ biết bên trong cái đèn có nhét một con dế rối tên Gemini, đảm nhận vai trò hướng dẫn Pinocchio trong suốt quá trình chơi.
Con dế này được lấy nguyên bản từ chú dế biết nói trong bản gốc và chú dế Jiminy của Walt Disney. Cả hai đều tượng trưng cho lương tâm của Pinocchio, nhưng thay vì còn sống để khuyên can cậu bé người gỗ sa đà vào những tệ nạn như trong Walt Disney và game, trong bản gốc, chú dế này đã bị chính Pinocchio dùng búa đập chết ngay khi vừa xuất hiện vì giảng đạo lý quá nhiều.
Trong hành trình khám phá thế giới của Lies of P, ta sẽ phải đối mặt với khá nhiều những con trùm khác nhau, và việc nâng cấp vũ khí là thứ vô cùng cần thiết, đấy là lúc ta cần tìm Eugenie. Nhân vật này được lấy cảm hứng từ cậu bé Eugene, bạn cùng lớp của Pinocchio khi cậu bé bắt đầu đi học trong bản gốc.
Pinocchio trả giá cho những lời dối trá của mình |
Theo nguyên tác, Eugene đi ngang qua lúc Pinocchio đang xô xát với một nhóm bạn học, cậu bé vô tình bị quyển sách của Pinocchio ném trúng và bất tỉnh. Cuối cùng, cậu bé người gỗ đã phải vào tù vì cáo buộc làm bị thương Eugene của phía cảnh sát.
Ở một chiều hướng khác, những con trùm mà bạn buộc phải chạm mặt trong Lies of P cũng được tham khảo từ rất nhiều nhân vật được xem là “chướng ngại” trên hành trình trở thành con người của Pinocchio. Đầu tiên, ta có thể kể đến “Cáo và Mèo”, trong game, hai nhân vật này xuất hiện dưới cái tên “Red Fox” và “Black Cat”, là thành viên của một tổ chức những người sinh tồn ở thành phố Kart. Họ từng lừa gạt Pinocchio, nhưng hậu quả cho hành động đó tôi đánh giá trong game là không quá lớn. Còn ở bản gốc, mèo và cáo đã lừa Pinocchio rằng chúng là những người tàn tật đáng thương để lừa gạt cậu. Và cuối cùng, cả hai đã phải trả giá cho hành động đó, cáo bị gãy chân, mất lông và đuôi, còn mèo thì bị mù vĩnh viễn.
Cái tên khác tôi cảm thấy khá ấn tượng là King of Puppets, một con trùm mà Pinocchio bắt buộc phải chạm mặt khi đặt chân vào nhà hát Opera Estella. Con trùm này được lấy cảm hứng từ cậu bé Candlewick, một trong những người bạn của Pinocchio. Ở bản gốc, Candlewick đã dẫn Pinocchio đến Toyland, và cả hai có một khoảng thời gian tuyệt vời tại đó. Pinocchio đã chơi rất vui và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Kết quả là sang ngày hôm sau, cậu bé phát hiện mình đã bị biến thành một con lừa.
Pinocchio sau đó bị bán cho một rạp xiếc và phải làm trò để mua vui cho người khác, rồi bị bong gân ở chân. Chủ rạp xiếc cảm thấy Pinocchio hết giá trị lợi dụng nên đã bán cậu cho một người đàn ông, người này đã dìm Pinocchio xuống nước với mục đích dìm chết và lột da cậu làm trống. May thay, Pinocchio còn sống và vẫn có thể trở lại thành người, còn bạn của cậu thì không được may mắn như thế. Chú lừa Candlewick sau đó bị bán đi, và cuối cùng bị bán cho một người nông dân rồi chết rục ở đó mà không thể quay về gặp lại cha mẹ của mình.
Cuối cùng là những bài học đắt giá |
Đương nhiên, những điều tôi kể trên không phải tất cả mà chỉ là những chi tiết mà tôi cảm thấy ấn tượng và nghĩ có lẽ bạn sẽ muốn biết. Còn nếu muốn Mọt tôi làm một bài phân tích chi tiết và đầy đủ hơn về cốt truyện cũng như những ẩn ý của Lies of P thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết nhé.
Giờ thì, qua những tình tiết trên, có thể thấy những câu chuyện cổ tích không hề trong sáng như bạn tưởng, mà chúng chứa đựng rất nhiều yếu tố đen tối, bạo lực và máu me. Nên nói theo mặt nào đó, nếu có ý định dấn thân vào thị trường game kinh dị, thì việc lấy cảm hứng đề tài từ những câu chuyện cổ tích dân gian, chắc hẳn sẽ là một nước đi khá thông minh của các nhà làm game. Bởi vì ngoài Pinocchio, vẫn còn những câu chuyện cổ tích mang màu sắc tăm tối khác, và tiếp sau đây, Mọt tôi sẽ liệt kê một vài ví dụ tiêu biểu cho bạn biết nhé.
“Da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun” là những từ mà bạn thường nghe về nàng công chúa Bạch Tuyết trong câu chuyện “Bạch Tuyết và 7 chú lùn” của anh em nhà Grimm. Sau khi hạ sinh cô con gái, mẹ của Bạch Tuyết đã không may qua đời, và đức vua đã cưới một người vợ mới để có người chăm sóc mình.
Nhưng, mẹ kế của Bạch Tuyết lại là một người cuồng sắc đẹp, bà ta có một chiếc gương thần và thường xuyên hỏi nó ai là người đẹp nhất. Ban đầu, câu trả lời luôn là “Nữ hoàng là người đẹp nhất thế gian”, nhưng rồi đến một ngày, khi Bạch Tuyết đã trưởng thành, câu trả lời lại bị đổi thành “Bạch Tuyết mới là người đẹp nhất”.
Nàng Bạch Tuyết cũng chả khá khẩm hơn |
Điều này đã vô tình chọc giận hoàng hậu, bà ta sai một người thợ săn moi tim, có dị bản bảo là moi gan về cho bà ta ăn, nhưng kết quả người thợ săn lại thả nàng Bạch Tuyết đi và tìm một quả tim gan giả thay vào.
Hoàng hậu không hề nghi ngờ cho đến khi gương thần tiết lộ Bạch Tuyết đang còn sống và ở chung nhà với bảy chú lùn. Bà ta đã đến đó, dùng quả táo độc để sát hại Bạch Tuyết. Tiếp theo, thì như ta đã biết, có một hoàng tử đi ngang, say đắm với vẻ đẹp của Bạch Tuyết, trao cho nàng nụ hôn giúp nàng tỉnh lại, và cả hai sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Nhưng, liệu bạn có biết câu chuyện phía sau chứ? Ở bản gốc, sau khi tỉnh dậy, Bạch Tuyết đã kết hôn với hoàng tử nước láng giềng, cả hai cùng nhau tổ chức một hôn lễ long trọng, và thư mời được gửi đến cho hoàng hậu. Trong đám cưới, Bạch Tuyết đã tặng nữ hoàng một đôi giày được nung đỏ, bắt bà ta mang nó vào trước mặt mình. Kết quả, nữ hoàng đã nhảy múa cho đến chết, với đôi bàn chân bị nướng chín hoàn toàn.
Một câu chuyện khác của anh em nhà Grimm cũng khá nổi tiếng là câu chuyện “Cô bé lọ lem với đôi giày thủy tinh”. Về cơ bản, câu chuyện kể về cô bé Lọ Lem đáng thương có cha mẹ mất sớm, bị dì ghẻ và hai người em bắt nạt.
Cho đến một ngày, hoàng tử mở hội kén vợ, mời các cô gái trong vương quốc đến tham dự, Lọ Lem mới được tiên đỡ đầu ban cho bộ váy và chiếc giày thủy tinh mặc đi dự tiệc. Nhưng khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ, cô đã vội vã rời đi và để lại chiếc giày.
Nàng Lọ Lem cũng có một dị bản đẫm máu chẳng kém |
Hoàng tử vì tương tư Lọ Lem nên đã mang chiếc giày đi khắp nơi để tìm cô, cuối cùng, chàng dừng lại trước cửa nhà Lọ Lem. Và theo dị bản chúng ta thường biết, Lọ Lem mang vừa chiếc giày và trở thành vợ của hoàng tử.
Tuy nhiên, trong bản gốc, ba mẹ con dì ghẻ vì muốn mang vừa chiếc giày đã tự cắt gót chân, ngón chân của mình, khiến chiếc giày thủy tinh nhuốm đầy máu đỏ. Và Lọ Lem đã tự xỏ chân vào chiếc giày đẫm máu đó, chứng minh cho hoàng tử thấy cô chính là người con gái đã khiêu vũ cùng chàng hôm đêm dạ hội. Nhưng, câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi Lọ Lem rời khỏi đó, mẹ con của dì ghẻ đã bị những con chim đậu trên cái cây mọc ra từ mộ mẹ ruột của Lọ Lem bay đến móc mắt, biến thành người tàn phế, và sống cơ cực đến cuối đời.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có một câu chuyện khác tương tự mang tên Tấm Cám. Tấm sau khi trải qua nhiều kiếp nạn, trở thành vợ vua thì đã giết Cám bằng nước sôi, sau đó chặt thịt, ngâm vào lu cho cơ thể trương phình lên để làm mắm và gửi về cho mẹ kế để trả thù.
Nếu từng chơi thử series game Creepy Tale hay xem qua những video phân tích của Mọt tôi thì chắc chắn các bạn đều biết đến câu chuyện cổ tích này. Nó kể về hai anh em tên Hansel và Gretel, bị cha mẹ bỏ lại trong rừng vào chạm mặt mụ phù thủy ăn thịt người tàn ác.
Mụ ta đã nhốt Hansel lại với mục đích vỗ béo để ăn thịt và bỏ đói Gretel, nhưng cuối cùng vẫn quyết định ăn thịt cả hai, Nhưng nhờ vào sự nhanh trí của mình, Gretel và Hansel đã đẩy mụ ta vào chiếc lò nướng đang đỏ lửa, để ngọn lửa thiêu rụi bà ta trong tiếng gào thét kinh hoàng.
Hansel và Gretel cũng không hề ngây thơ |
Những chi tiết trên được khắc họa tương đối rõ nét trong tựa game Creepy Tale, hay phần nào đó có thể còn kinh khủng hơn cả bản gốc. Và vì phân tích ra ở đây thì video sẽ khá dài, nên nếu bạn muốn biết chi tiết thì có thể xem lại video “Creepy Tale có đen tối hơn chuyện cổ tích” của Mọt tôi nhé.
Chuyện cổ tích kinh dị thì nhiều vô kể, nhưng tôi phân vân với việc nên kể cho bạn nghe chuyện về Công chúa ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, hay Gã chằn tinh, và cuối cùng, tôi nghĩ chúng đã quá quen thuộc nên sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện mới mẻ hơn, đó là “Peter Pan, đứa trẻ không bao giờ lớn của tác giả “James Matthew Barrie”, một trong những tượng đài của tiểu thuyết dành cho trẻ em.
Khác với những dị bản trên thường chỉ tìm được trên mạng, câu chuyện tiếp theo về Peter Pan có thể tìm thấy trong bất kỳ kệ sách nào ở thời điểm hiện tại. Dù tác phẩm được gắn mác cho trẻ em 12 13 tuổi, nhưng tôi nghĩ bạn nên nghe hết video này để xem có nên mua nó về không nhé.
Về cơ bản, câu chuyện trong Peter Pan gần giống với những gì mà phiên bản Walt Disney đã thể hiện. Peter Pan xuất hiện ở London, đưa Wendy và những đứa em của cô đến Neverland, rồi tại đấy, họ có những chuyến phiêu lưu kỳ lạ đến khó tưởng. Và sau khi đã chơi chán và thấy nhớ gia đình, Wendy và các em đã tạm biệt Peter Pan để quay về với gia đình của mình.
Peter Pan không phải tác phẩm dành cho trẻ em |
Nghe qua, câu chuyện hoàn toàn không có gì đen tối, nhưng nếu đọc quyển sách được xuất bản, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy lạnh người với những gì đám trẻ đã trải ở ở Neverland. Giới thiệu sơ lược thì Neverland có 3 thế lực chính, là đám người gia đỏ, đám cướp biển của thuyền trưởng Hook và nhóm những cậu bé đi lạc của Peter Pan.
Không dưới 2 lần, bạn sẽ thấy ba thế lực này đánh nhau trong tác phẩm gốc, nhưng không phải kiểu đánh nhau bình thường. Đám cướp biển của thuyền trưởng Hook thích hành hạ và sát hại đám trẻ đi lạc bằng móc câu, súng, hay bất kỳ cách thức ghê rợn nào bạn có thể tưởng tượng được. Đám người da đỏ thì thực tế hơn, chúng dùng dao, cứa cổ, cắt đầu hoặc lột da đám cướp biển. Và những đứa trẻ đi lạc thì dùng mọi cách chúng có để chống trả những đòn tấn công của thuyền trưởng Hook.
Trong các cuộc chiến, có rất nhiều người của cả ba phe đều chết theo nhiều cách ghê rợn, thậm chí một số còn bị treo lên để thị uy với phe còn lại. Nhưng đáng sợ hơn là, những đứa trẻ tỏ ra cực kỳ bình thường, vô tư, hay thậm chí là hả hê khi sát hại được đối thủ truyền kiếp của mình.
Đương nhiên, bạn có thể nghĩ rằng tôi đang nói quá, sao một tác phẩm cho trẻ con lại có thể như thế được? Nhưng đó là những gì tôi cảm nhận được khi đọc Peter Pan, và phải nói là tôi khá sốc khi biết câu chuyện gốc nó trông như thế này, đương nhiên bên cạnh đó, Peter Pan vẫn truyền đạt những bài học khá nhân văn, nhưng… nói nó là truyện cho thiếu nhi thì tôi không đồng tình lắm đâu. Nếu bạn vẫn không tin những gì tôi nói, có thể tìm mua và trải nghiệm thử nhé.
Cuối cùng, tôi nghĩ mình sẽ kết thúc video ngày hôm nay với câu chuyện về “Alice ở xứ sở thần tiên” của tác giả người Anh Lewis Carroll. Câu chuyện về Alice thì có một nhà làm game đã chuyển thể thành một tựa game tên là “Alice Madness Return” rồi, Mọt tôi cũng mới làm luôn một video về tựa game này, anh em có thể xem video để ủng hộ Mọt tôi nhé.
Alice là cổ tích của người phê cần |
Giờ thì, nói về bản gốc của Alice, đây là quyển tiểu thuyết thiếu nhi được đánh giá là “Chỉ có trẻ em hoặc kẻ điên mới hiểu được”. Và đúng vậy, nếu bạn là một người bình thường, suy nghĩ theo một logic bình thường, bạn chắc chắn sẽ không hiểu được chuyện quái gì đang xảy ra với Alice.
Tại sao hoa lại biết hát? Tại sao một con rùa đầu bò lại thích dẫn mọi người chạy vòng tròn và nói đạo lý về sự phát triển của thế giới? Và tại sao những con cá lại thích xem một con hải mã biểu diễn? Rất nhiều câu hỏi tại sao có thể nảy ra trong đầu khi bạn đọc câu chuyện về Alice.
Với trẻ em, nơi Alice lạc vào là xứ sở thần tiên, nhưng với người lớn, cô bé đã đặt chân đến xứ sở đen tối. Rất nhiều chi tiết triết lý và đen tối được cài cắm mà bạn chẳng thể hiểu nếu không đọc lại nó nhiều lần. Chính vì lẽ đó mà nó cũng trở thành đề tài khai thác thú vị của nhiều hãng làm game khác nhau, vì như nhiều người nhận định, Alice có rất nhiều thứ để khai thác, và qua từng thời đại, ta sẽ lại có cái nhìn khác về nó, hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn.
Đương nhiên, không chỉ những câu chuyện trên mà trong kho tàng truyện cổ thế giới, vẫn còn rất nhiều câu chuyện cổ tích mang màu sắc đen tối. Nhưng với tôi, những câu chuyện ấy không đen tối chỉ để thu hút độc giả, mà nó là tấm gương phản ánh mặt tối của thế giới. Một thế giới lúc nào cũng có hai màu trắng và đen, và màu đen sẽ làm nổi bật điểm sáng. Chính điều đó đã khiến các nhà làm game chú tâm vào những chi tiết đen tối, nhưng qua đó, thứ họ thật sự muốn gửi gắm là những bài học nhân văn luôn tồn tại, đó là điều mà Lies of P đã làm.
Theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ bài viết hay về game nhé~