Phụ Lục
Do gần đây có nhiều bạn hỏi Mọt Game E3 là gì, vậy nên bọn mình sẽ làm một bài tổng hợp toàn bộ những gì cần biết về hội chợ về game lớn nhất hàng năm, cũng như lịch sử E3 cho mọi người dễ hiểu.
Trước khi E3 xuất hiện thì làng game có 2 sự kiện chính để các hãng phát triển quảng bá sản phẩm của mình là Hội chợ điện tử tiêu dùng quốc tế (Consumer Electronics Show - CES) và Hội chợ triển lãm máy tính Châu Âu (European Computer Trade Show). Đến năm 1995 khi ngành công nghiệp game phát triển như vũ bão, họ nhận ra mình cần một hội chợ cho riêng các nhà phát triển chứ không phải chỉ là đi theo “ăn ké” 2 hội chợ kể trên.
Một trong những lý do để E3 ra đời là câu chuyện của hãng Sega được đích thân Tom Kalinske – CEO của Sega America kể lại: “Các nhà tổ chức của CES đã trực tiếp kéo lùi ngành công nghiệp game đi xuống. Vào năm 1991, họ quẳng Sega vào một túp lều tồi tàn và người xem phải đi qua một dãy các gian hàng bán đồ khiêu dâm mới tìm ra chúng tôi.
Khi đó trời đang đổ mưa to và nước thì nhỏ từng giọt xuống qua các lỗ thủng của căn lều vào chiếc Genesis mới nhất của hãng, tôi đã thực sự tức giận với cách điều hành của CES và nhận ra chúng ta cần được đối xử tốt hơn thế rất nhiều”.
Gian hàng khiêm tốn của Sega tại CES 1990
Sega sau đó đã bỏ CES, không tiếp tục góp mặt ở những lần tổ chức sau nữa, các hãng game khác cũng lần lượt vắng bóng khỏi CES một cách ngán ngẩm.
Đúng lúc này, một sự kiện khác xảy ra, đó là việc Mortal Kombat do Acclaim phát hành đạt được thành công lớn và ngay sau đó vấp phải sự phản đối của các tổ chức xã hội Mỹ vì mức độ bao lực của nó. Quốc hội Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần tập hợp hàng loạt hãng game lớn có mặt tại Mỹ để giải thích về vấn đề kiểm soát bạo lực trong nội dung game vào cuối năm 1993. Tuy nhiên, Sega và Nintendo đã tranh thủ thời cơ này tố xấu nhau trước mặt quốc hội Mỹ và buổi điều trần không đi đến đâu.
Kết quả của việc thiếu đoàn kết trên là quốc hội Mỹ tuyên bố nếu nền công nghiệp game không tự đưa ra định chế quản lý nội dung của game mà họ sản xuất ra, chính phủ sẽ tự làm. Các hãng game lúc này giật mình bừng tỉnh vì nếu để chính phủ kiểm soát nội dung game, có thể sẽ là thảm họa kiểm duyệt. Các ông lớn như Sega, Nintendo, Atari, 3DO, Philips and Electronic Arts nhanh chóng bỏ qua xung đột cạnh tranh nhiều năm để ngồi lại với nhau thành lập nên hiệp hội chung là Interactive Digital Software Association (IDSA) vào năm 1994, tiền thân của ESA sau này. Từ đó họ thành lập một hệ thống đánh giá game với tên gọi Entertainment Software Rating Board (ESRB) trực thuộc quản lý của IDSA và đệ trình lên quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ sau đó chấp thuận sử dụng ESRB như hệ thống đánh giá, kiểm soát nội dung game chính thức và hợp pháp. Làng game thở phào sau khi nguy cơ bị chính phủ kiểm soát được giải quyết êm đẹp.
Sau khi "tai qua nạn khỏi" hiệp hội IDSA quay sang công việc phát triển nền công nghiệp game và ngay lập tức, mối hận CES được nêu ra. IDSA nhận ra rằng họ cần một hội chợ cho riêng mình, nơi các game thủ và khách hàng được trải nghiệm đúng nghĩa, từ đó có những quyết định mua sắm thông minh hơn khi trực tiếp tương tác với các nhà phát hành. Đồng thời nó cũng trùng với thời gian hàng loạt các hệ máy console mới huyền thoại như: Sega Saturn, PlayStation, Virtual Boy và Neo-Geo CD chuẩn bị ra mắt. Thế là lịch sử E3 được khai mở với kỳ hội chợ đầu tiên được IDSA lên kế hoạch và thực sự diễn ra vào năm 1995, thu hút hơn 50.000 ngàn người tham dự và đánh dấu cột mốc lịch sử của một kỳ hội chợ chỉ chuyên về game đầu tiên trên thế giới.
Kỳ E3 đầu tiên vào năm 1995
E3 là viết tắt của Electronic Entertainment Expo, đây là một hội chợ giới thiệu sản phẩm của các hãng game trong nền công nghiệp game. Đây là một sự kiện độc quyền, được tổ chức bởi Hiệp hội phần mềm giải trí (Entertainment Software Association – ESA), tại đây các hãng sản xuất game trên toàn thế giới sẽ giới thiệu các sản phẩm tâm đắc nhất, các mũi nhọn kinh doanh mà họ ấp ủ cả năm trời. Các sản phẩm này bao gồm các tựa game, máy chơi game, các thiết bị công nghệ hỗ trợ chơi game, các ấn phẩm sản phẩm tiêu dùng liên quan đến game...
Theo truyền thống của hội chợ, các hãng game sẽ có những buổi trình diễn, thuyết trình trước báo chí (họp báo) để giới thiệu những thành tựu mà mình mang đến hội chợ trong sân khấu chính của địa điểm tổ chức hoặc một sân khấu ở gần đó. Sau đó, họ sẽ mở các gian hàng của mình tiếp đón khán giả đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về các sản phẩm quan trọng của các hãng game. Một truyền thống khác trong lịch sử E3 là Game Critics Awards, các tựa game được giới thiệu tại E3 sẽ được một hội đồng gồm 35 giám khảo đến từ các tạp chí game uy tín chấm điểm và trao giải sau khi E3 kết thúc. Có khoảng 20 hạng mục trao giải dành cho các game xuất sắc nhất theo thể loại, theo hệ máy, theo đồ họa âm thanh v.v...
Tính tới nay thì E3 đã trải qua hơn 22 lần tổ chức thành công kể từ năm 1995, là kỳ hội chợ game lớn và được mong chờ nhất trong năm. Nó đem tới tất cả các tin tức, thông tin các tựa game bom tấn và cả các hệ máy mới nhất mà các fan hâm mộ chờ đón trong cả năm. Có thể nói nếu là một game thủ chân chính, thì không có sự kiện nào đáng mong chờ bằng E3 cả. Hội chợ E3 thường được tổ chức vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tại Trung tâm hội nghị Los Angeles ở thành phố Los Angeles – Hoa Kỳ. Kỳ E3 2018 năm sau dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 12 tới 14/6.
Sau 22 năm tổ chức, E3 đã trở thành một sự kiện thường niên về game được toàn thể người hâm mộ toàn thế giới mong chờ và đón nhận. Mặc dù vẫn có những hội chợ về game khác được tổ chức thường niên như Gamescom hay Casual Games Association, nhưng chúng vẫn không thể sánh được với E3 và độ chuyên nghiệp cũng như tầm quan trọng. Đặc biệt là tính chính danh khi E3 là sự kiện được ESA, một tổ chức tối cao được lập ra bởi những công ty hùng mạnh nhất của nền công nghiệp game quản lý.
Số lượng người xem đến tham dự các kỳ E3 luôn trong khoảng trên 40.000 và cao nhất là vào năm 2005 với 70.000 ngàn người, đó là chưa tính hàng chục triệu game thủ theo dõi online cũng như trên sóng truyền hình, cũng như hàng chục ngàn tin, bài các loại liên tục cập nhật trong thời gian diễn ra sự kiện.
Độ hoành tráng của E3 2016
Các ông lớn như: Microsoft, Sony, Activision, Ubisoft, Nintendo… luôn là “khách quen” thường trực tại E3, đây cũng là nơi họ giới thiệu những sản phẩm chủ lực hàng năm của mình như các tựa game mới, các hệ máy console mới nhất của mình. Đó là chưa kể các công ty phát hành game lâu năm như: EA, Ubisoft, Activision, Bethesda, 2K Games… cho tới các nhà phát triển độc lập khắp nơi trên thế giới đều tề tựu tại E3 để giới thiệu sản phẩm của mình.
Tại E3, khán giả sẽ có cơ hội tiếp cận những tựa game bom tấn mới nhất sắp xuất hiện, thậm chí là được chơi thử các bản demo nóng bỏng tay, những thứ chỉ độc quyền xuất hiện tại E3. Thông thường sẽ có trên dưới 70 game mới được giới thiệu tại E3, hầu hết trong số chúng đều là các sản phẩm bom tấn từ những nhà phát triển nổi tiếng. Tại lần E3 2017 này, có thể kể đến các cái tên nổi bật như: Anthem của BioWare, Monster Hunter World từ Capcom, God of War của Sony hay Beyond Good & Evil 2 của Ubisoft…
Trailer Anthem
Các buổi họp báo hoành tráng cũng là nơi những ông lớn giới thiệu những thế hệ phần cứng mới cũng mình. Thí dụ như 2010 là Nintendo 3DS, Kinec cùng PlayStation Move, 2013 là Xbox One, còn 2016 là chiếc kính thực tế ảo PlayStation VR của Sony và E3 2017 vừa rồi tới phiên Microsoft ra mắt thế hệ console mới Xbox One X.
Xbox One X của Microsoft tại E3 2017
Trên đây là sơ lược về lịch sử E3, cung cấp các thông tin về sự hình thành cũng như quá trình phát trình phát triển của nó, còn rất nhiều thứ mà Mọt Game không thể nói hết về mức độ hoành tráng của hội chơi game này. Nếu bạn là một game thủ thứ thiệt thì chắc chắn không thể bỏ qua các thông tin công bố tại E3, vì thật là đáng tiếc khi chỉ nghe những thông tin về game mà bạn yêu thích được thuật lại ở đâu đó sau khi đã trễ mất nhiều ngày đúng không nào ?