Phụ Lục
Konami, khởi đầu vốn là một công ty cho thuê máy hát tự động. Vào năm 1973, Kagemasa Kozuki đã đưa Konami bước chân vào ngành công nghiệp game với các sản phẩm arcade. Không lâu sau đó, công ty dần có một chỗ đứng vững chắc với các trò chơi cho thế hệ Atari 2600 cùng các thế hệ máy Nintendo. Metal Gear, Contra, Castlevania đều là những trò chơi đã in sâu vào tâm trí mỗi game thủ.
Tuy nhiên, nếu bạn có ước mơ làm việc cho Konami, tôi khuyên thật rằng hãy từ bỏ giấc mơ đó càng sớm càng tốt. Môi trường làm việc trong Konami không phải là tốt nhất và nếu dùng 2 từ để miêu tả cách mà công ty đối xử với người cống hiến cho mình, tôi sẽ nói đó là xấu xí và tai tiếng.
Nhờ một tầm nhìn vượt xa thời đại, nhờ phong cách làm game độc đáo, Hideo Kojima cùng series Metal Gear và mới nhất là Death Stranding đã được người hâm mộ tôn lên làm thánh. Rõ ràng Kojima là người mà các hãng game đều rất muốn có. Nhưng Konami thì lại khác. Vụ chia tay ồn ào giữa Kojima và Konami đã tốn biết bao giấy mực của giới truyền thông. Lẽ dĩ nhiên, chẳng ai có thể bênh nổi Konami cả.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi chia tay Kojima, Konami đã có những hành động cực kỳ trẻ con và bẩn tính. Hãng đã cấm Kojima tới dự sự kiện The Game Award 2015, nơi vinh danh Metal Gear Solid V: The Phantom Pain. Dù không còn Kojima, Konami vẫn quyết phát triển tiếp thương hiệu Metal Gear với Metal Gear Survive. Trong một bài phỏng vấn, Kojima đã nói lên một vài suy nghĩ của mình về dự án đó khiến Konami tức giận. Họ gọi Kojima đã cố tình hạ thấp uy tín của công ty. Sau đó hãng còn vịn vào lý do đó để giữ lại toàn bộ số tiền lương của Kojima.
Chưa dừng lại ở đó, Konami còn ngăn chặn việc Kojima Productions gia nhập ITS Kenpo (tổ chức bảo hiểm xã hội dành cho ngành game tại Nhật). Vì lẽ đó, studio mới tách riêng của Kojima phải hoạt động mà không có bất cứ phúc lợi bảo trợ nào dành cho nhân viên.
Thậm chí, Konami còn gửi khiếu nại, ngăn cản những người buộc phải rời khỏi hãng không được phép gia nhập công ty mới. Khó có thể tin được rằng Konami lại muốn triệt hạ đường sống của các nhân viên cũ tới như vậy. Và hậu quả Konami phải gánh chịu sau đó là gì? Các dự án mới của hãng phải nhận sự phẫn nộ của cộng đồng, dẫn tới thất bại đầy cay đắng.
Trong các trò chơi thể thao, thỏa thuận độc quyền về giấy phép không phải là điều hiếm gặp. Ví dụ như loạt game Madden của EA đã sở hữu bản quyền của giải đấu NFL trong hơn một thập kỷ. Quay trở lại với Konami, hãng đã ký một thỏa thuận độc quyền tương tự vậy với Tổ chức Bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, thỏa thuận độc quyền này lại đi kèm với việc yêu cầu Konami phải chia sẻ bản quyền cho các công ty game khác.
Điều này có nghĩa Konami vẫn giữ hoàn toàn những giấy tờ liên quan tới Tổ chức Bóng chày chuyên nghiệp (như tên các giải đấu, các câu lạc bộ hay cầu thủ,...), nhưng họ có nghĩa vụ phải chia sẻ khi cần thiết, ngay cả khi các công ty khác tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Nhưng Konami lại không muốn điều này. Rõ ràng họ muốn độc bá bản quyền trí tuệ về bóng chày. Do đó, Konami đã hành xử không đẹp một chút nào. Hãng vẫn ký giấy phép chia sẻ bản quyền như trong điều lệ, nhưng họ sẽ tìm cách trì hoãn việc ký kết cho tới khi các công ty kia trì hoãn lại hoặc hủy bỏ hoàn toàn dự án cạnh tranh với Konami.
Cuối cùng, Konami phải nhận một cảnh báo từ Ủy ban Thương Mại Công bằng của Nhật Bản trong việc vi phạm Đạo luật chống độc quyền. Thông cáo từ Ủy ban đã đề cập rõ ràng rằng Konami “thực hiện hành vi trì hoãn ký kết việc cấp phép với một số nhà phát triển khác khiến họ từ bỏ các dự án tương tự.”
Nikkei, một trang tin tức của Nhật Bản, đã nhận được một lượng lớn thông tin về các hoạt động khắc nghiệt diễn ra bên trong Konami. Các thông tin này đều cho thấy hãng đang đối xử với những tài năng của mình ra sao. Tôi sẽ tóm tắt lại cho bạn đọc thấy được sự xấu xí của công ty game này.
Đầu tiên, công ty sử dụng địa chỉ email ngẫu nhiên bao gồm hỗn hợp chữ cái và số. Họ liên tục thay đổi ngẫu nhiên các địa chỉ mail này cho nhân viên của mình sử dụng, mục đích là không cho nhà tuyển dụng khác liên lạc với người đang làm việc cho mình. Tức, một khi đã làm việc cho Konami, cơ hội để các công ty khác tìm tới bạn gần như bằng không.
Tiếp theo, những người quản lý sẽ theo dõi rất sát sao các nhân viên. Và họ sẵn sàng nêu tên công khai bất cứ ai đi muộn thông qua email của toàn công ty. Việc theo dõi sát sao này là để cho những ai đứng dậy và đi đâu làm việc khác trong văn phòng, họ phải làm xong và về chỗ ngồi càng nhanh càng tốt. Thậm chí nếu ăn bữa trưa quá lâu, nhân viên đó cũng phải chịu sự bêu rếu từ công ty.
Thậm chí Konami còn thường xuyên sắp xếp lại vị trí các nhân viên, giao cho họ làm những công việc trái với chuyên môn. Ví dụ như một lập trình viên hoàn toàn có thể đi làm công việc của người gác cổng. Hay một người chuyên làm về phân tích thị trường cũng có thể bị điều đi lắp ráp máy pachinko.
Đó còn chưa kể tới việc Konami bị tố đã cắt hết toàn bộ internet với các nhà phát triển. Hay như công ty có một đội ngũ chuyên giám sát, ngồi quan sát camera trong một căn phòng và có quyền truy cập vào tất cả thông tin cá nhân của toàn bộ nhân viên trong Konami. Nhân viên ngay cả khi muốn đi tới cửa hàng tiện lợi cũng phải báo cáo với quản lý, người nào đi ra quá nhiều sẽ bị khiển trách,....
Những điều trên làm người ta tưởng tượng Konami giống như một nhà tù hơn là một công ty về game. Có thể nói công ty này đã dập tắt đi ước mơ được làm việc cùng đam mê của biết bao game thủ.
Nếu như mục ở trên khiến bạn còn đang chưa hết sốc về văn hóa công ty Konami, thì tôi sẽ tiếp tục mang tới cho bạn đọc một bất ngờ khác. Đó là Konami có rất nhiều hành động ngược đãi nhân viên của mình, cụ thể hơn là nhân viên nữ Yoko Sekiguchi.
Sekiguchi mang thai vào năm 2008, sau đó cô nghỉ thai sản ở Konami để sinh con rồi chăm sóc bé sơ sinh. Tới đầu năm 2009, Sekiguchi quay trở lại công ty làm việc, cô được thông báo rằng đã bị giáng chức từ vị trí mà cô vốn nắm giữ trước khi nghỉ phép công ty. Hành động này của Konami khiến thu nhập của Sekiguchi giảm mất khoảng 2000 USD một tháng.
Khi Sekiguchi yêu cầu ban lãnh đạo của công ty làm rõ việc này, họ đã nói đó là do đứa con vừa mới sinh của cô ấy trở thành gánh nặng cho việc cống hiến với Konami.
Sau cùng, Sekiguchi đã kiện Konami với mức bồi thường 422.000 USD với lý do phân biệt đối xử với người vừa làm mẹ. Sau 3 năm kiện tụng, Sekiguchi cuối cùng đã chiến thắng. Nhưng thật không may số tiền cô nhận được lại chỉ là 12.000 USD.
Nếu đã từng làm việc cho Konami, có lẽ nhân viên đó đừng mơ tưởng tới chuyện làm việc cho các bên khác. Vào năm 2016, Nikkei đã báo cáo rằng một số trường hợp của nhân viên cũ đã bị Konami đưa vào danh sách đen. Thậm chí người đó không thể tìm được việc ở các công ty khác. Có trường hợp một nhân viên cũ của Konami còn không thể được thuê bởi công ty bảo hiểm y tế Nhật Bản bởi chủ tịch hội đồng quản trị cũng là thành viên quản trị của Konami.
Quá đáng hơn, công ty còn tích cực vận động một mạng lưới truyền hình, khiến cho các công ty khác không được thuê bất cứ ai là nhân viên cũ của Konami. Thậm chí, các cựu thực tập tại Konami còn không được phép đề cập tới tên công ty trên CV xin việc của họ. Một nhân viên đã từng nói: “Nếu bạn rời Konami, bạn không thể dựa vào cái tên đó để tìm việc làm.”
Dường như, điều tốt nhất cho sự nghiệp của một con người đó là họ không làm việc cho Konami.
Theo Nikkei