Thường thì khi chơi một game RPG dạng cày cuốc nào đó, người ta chỉ chú ý tới vũ khí, trang bị, đồ đạc hay mấy món vật phẩm để đánh trùm. Nhưng có một thứ còn quan trọng hơn nhiều, đó là một kho đồ vô hạn cho phép bạn trữ bất kì cái gì mà không có giới hạn, đây mới là nhân tố quyết định khiến bạn có thể đánh thắng trùm, chứ không phải đám đồ đạc lòng thòng trên người đâu.
Không phải lúc nào trang bị hay vũ khí mới là thứ quyết định xem bạn mạnh tới đâu trong game, mà thực tế là việc chúng ta có thể vác được bao nhiêu thứ đồ trên người mới quan trọng. Nếu là một người đã từng chơi qua các game thế giới mở hay có cày cuốc, thì khái niệm sức mang vác hẳn không còn xa lạ gì với bạn nữa. Lấy seri Fallout làm ví dụ thì việc bạn rong ruổi hàng tỉ dặm ở cái thế giới hậu tận thế, nhưng chỉ cầm được vài món bọ trên người nó là một sự ức chế gọi là vãi nồi.
Trong Fallout thì kho đồ càng mang nặng thì khả năng di chuyển của nhân vật càng khó khăn, thậm chí khi vượt quá giới hạn chúng ta còn chẳng thể Fast Travel được. Chuyện đi tới dẹp loạn một cái trại Raider nào đó và loot hằng trăm món ve chai, tới khi nhận ra khẩu súng xịn nhất đã không còn chỗ mà chất lên người. Việc bỏ cái gì lại hay đem theo thứ gì luôn là điều làm đau đầu game thủ, lúc đó chắc chắn bạn chỉ ước giá như có một cái túi vô tận nào đó, thứ giúp chúng ta có thể tống táng tất cả tài nguyên trong vũ trụ thật là quá tốt.
Death Stranding cũng chính là hình mẫu sống động nhất cho tầm quan trọng của một kho đồ vô hạn là như thế nào, vì ai cũng biết shipper càng chở được nhiều đồ thì càng có giá trị đúng không. Chẳng hề ngẫu nhiên mà meme của cái game này là về một thằng cửu vạn với 200kg hàng hóa trên lưng chất cao như núi, lặc lè từng bước đi trong khổ nhọc qua trăm sông ngàn núi như phu khổ sai, để rồi lỡ đâu té chổng cẳng xuống sông và trôi sạch hàng hóa… mức độ khó chịu còn lên tới vãi nồi khi chúng ta phải tìm cách giữ thăng bằng, không cho Sam ngã lăn quay ra đất như một thằng ngố với từng đó đồ trên người.
Vì thế nên khi mà game thủ bắt đầu tiếp cận với các phương tiện văn minh hơn như xe moto hoặc xe tải, cảm giác thỏa mãn thực sự cứ như là từ thời đồ đá được bắn thẳng lên thế kỉ 21. Mặc dù chỉ là một cái xe ghẻ với sức chứa khiêm tốn, chạy như rùa bò và cứ 5 phút phải sạc điện một lần… nhưng nó cũng đem tới niềm hạnh phúc lớn vô bờ cho bất kì ai.
Ở phần sau của Death Stranding cảm giác chất cả tấn hàng hóa lên xe, sau đó bon bon trên đường thực sự vô cùng thỏa mãn và dễ gây nghiện, nó sẽ thực sự khiến bạn yêu thích công việc cửu vạn này đấy. Nhưng kể cả như vậy kho chứa đồ trong Death Stranding vẫn chưa phải là vô hạn, vẫn có những lúc bạn phải leo lên những đỉnh núi tuyết cao đúng kiểu méo thể đi xa được, khi đó thì vẫn cứ phải là còng lưng ra mà vác nặng.
Nếu là một người thích đọc tiểu thuyết mạng đặc biệt là thể loại võng du hoặc dị giới, thì sau khi nhân vật chính tỉnh lại và bắt đầu đi farm quái luyện cấp, thứ hữu dụng mà anh ta nhận được méo phải kỹ năng truyền thuyết hay gì khác mà chính là một cái “không gian giới chỉ” – hay ngắn gọn hơn là kho đồ có sức chứa vĩnh cửu, nhét gọn trong một chiếc nhẫn.
Không thể nói hết sự tiện dụng của cái thứ này, vì không những nó giúp bạn vừa chứa đồ nhặt được, tủ lạnh di động, tiện dụng để đổi trang bị cũng như giấu hết đồ xịn. Tôi đang nói tới các game RPG cho phép người chơi vác vô số vũ khí áo giáp trong kho và có thể chuyển đổi bất cứ lúc nào, tức là muốn trở thành đấu sĩ, pháp sư, sát thủ, xạ thủ, đỡ đòn, hỗ trợ... tất cả trong một chỉ với một cái nút bấm pause.
Cần phân biệt giữa đồ đang mặc trên người và đồ trong kho, hiển nhiên bạn không thể tròng mọi thứ lên được vì giới hạn mang vác, nhưng việc cho phép chuyển đổi tự do nó đem tới cả tỷ cơ hội để hành hạ boss bất cứ lúc nào có thể. Hãy nhớ lại những lần mà chúng ta bước vào trận chiến cuối cùng với con trùm bí mật mạnh nhất game, có phải việc mà bạn thường xuyên làm nhất sẽ là bắt đầu mở thanh item và cuộn giữa hàng trăm món đồ chơi, sau đó ném chúng ra còn hơn cả liên thanh không nào – thử giới hạn một trận đấu chỉ được mang 5 thứ xem, chả phát rồ lên ấy.
Giới hạn số lượng kho đồ có thể mang theo cũng là cách mà nhà phát hành điều chỉnh độ khó trong game, những ai chơi Resident Evil chắc chắn đã từng trải qua cảnh cầm một mả item để mở khóa chạy vòng vòng tìm đường, chưa kể vài tá đạn dược cùng mấy cái cây hồi máu, cho tới khi nhận ra cái thứ mình đang cần nhất thì lại hết chỗ. Không phải ngẫu nhiên mà các game RPG hay hành động – kinh dị đều có xuất phát điểm là ô đồ cực nhỏ, sau đó mới từ từ nâng cấp theo thời gian, độ khó càng lớn thì cái “túi vạn năng” này càng ít lại.
Vậy nên nếu có một lúc nào đó bạn than thở rằng game quá khó, thì có thể là do kho đồ của mình ít chỗ trống đến độ chẳng còn nhét cái gì vào được cũng nên.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]