Khi mới xuất hiện, video game với mục đích tạo ra thêm một thứ gì đó giúp con người ta giải trí và thư giãn. Càng về sau, trò chơi điện tử giống như một thứ kết nối con người lại với nhau. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn nhớ những buổi tụ tập cùng nhau chơi điện tử đầy vui vẻ và hạnh phúc đó sao?
Nhưng hiện giờ, cũng giống như âm nhạc và điện ảnh, video game đã vượt xa khỏi yếu tố giải trí "vui vẻ" ban đầu, trở thành một thứ có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Nó là nơi truyền cảm hứng, là nơi tạo động lực, và truyền tải những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc nhưng cũng thông qua đó lột tả rất rõ sự tàn nhẫn, phũ phàng của cuộc sống này.
Vậy game có còn là game nữa không khi nó chứa đầy sự khó khăn của cuộc sống hay xã hội này?
Game chỉ rõ những ranh giới trong cuộc sống
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều The Line ở nhiều khía cạnh. Đó là những ranh giới mong manh giữa điều thiện và điều ác của một con người. Tuy nhiên, nó không hề thể hiện ra một cách chi tiết mà mờ ảo, đôi lúc khiến cho chúng ta hiểu sai về bản ngã của mình.
Có những người tự xưng mình là kẻ ác nhưng bên trong họ ẩn chứa sự vị tha, lòng quả cảm, một tâm hồn hướng thiện thực sự. Còn có những người tưởng rằng mình đang gánh vác trên vai trọng trách cao cả của cuộc sống, nhưng thực ra họ chỉ đang làm hại người khác mà thôi.
Tựa game Spec Ops: The Line là ví dụ rõ nét nhất cho những ranh giới mong manh trong bản ngã của một con người. Và nó cực kỳ gây sốc. Mặc dù game có nhiều kết thúc, Walker tự sát, Walker trở về hay Walker trở thành kẻ thống trị; tất cả đều tựu chung lại một kết quả, Dubai đã trở thành một thành phố chết và Walker là một kẻ tâm thần, hoang tưởng.
Khi chúng ta nhận ra được The Line - lằn ranh trong chính bản thân mình, có người sẽ đón nhận nó một cách nhẹ nhàng, nhưng cũng sẽ có người bị sốc đến độ hoang tưởng. Vì khi biết được một sự thật nào đó quá tàn khốc, não bộ chúng ta sẽ tự động có những suy nghĩ bảo vệ bản thân mình, xóa tan đi cái sự thật đang sờ sờ trước mắt đó. Nó khiến ta tin những gì não bộ tự vẽ ra mới là sự thật chứ không phải cái điều đang diễn ra ở thực tại.
Hay như với tựa game Fable III, “The Line” trong trò chơi này bắt người chơi phải đứng giữa sự lựa chọn: Hoặc trở thành một tên bạo chúa, giúp đất nước chống lại The Crawler; Hoặc lo cho bá tánh, trở thành vị vua anh minh nhưng lực lượng quân sự yếu kém, đất nước sẽ phải đổ máu trước thảm họa The Crawler. Vậy bạn nghĩ nhân vật chính trong Fable là người tốt hay xấu, hay thậm chí khái niệm thiện - ác trong trường hợp này cũng mong manh và mờ ảo?
Video game cho người chơi thấy rằng cuộc sống này không hề dễ dàng, nó tồn tại “The Line” - những lằn ranh mong manh có thể khiến mỗi con người thấy được rằng mình đã hiểu sai về bản thân, rằng mình đã sống một cuộc sống dối trá ra sao. Những “The Line” đó ẩn chứa những sự thật quá tàn nhẫn đối với mỗi con người và chỉ cần hụt một bước qua nó, chúng ta sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác.
Game cho chúng ta thấy hậu quả, sự tàn nhẫn của xã hội
“Quả báo thường đến muộn nên nhiều người nghĩ rằng nó không tồn tại”
Mọi hành động, quyết định của chúng ta trong cuộc sống đều để lại hậu quả trong tương lai, chỉ là nó đến sớm hay đến muộn, ảnh hưởng ít hay nhiều tới bản thân mỗi người mà thôi.
Đây cũng là yếu tố đang được các hãng phát triển tập trung hơn để xây dựng cốt truyện cho video game. Các trò chơi bắt game thủ phải đưa ra quyết định theo từng tình huống và nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ mạch truyện về sau. Game thủ cũng không thể biết được quyết định của mình có gây hại gì tới các NPC khác hay chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Thật không khó để nhận ra rằng đó là điều tồn tại ngay trước mắt mỗi con người trong cuộc sống thực tại.
Detroit: Become Human, Red Dead Redemption 2 có lẽ là 2 ví dụ rõ nét nhất cho yếu tố này.
Trong Detroit: Become Human, việc xã hội trở nên loạn lạc bởi sự nổi dậy của các Android hay con người sẽ chung sống hoà bình với các Robot, tất cả đều do một tay người chơi tự quyết. Không hề chỉ dẫn, không hề cho thống kê hay cho biết trước các nhánh rẽ của cốt truyện, mọi thứ đều diễn ra theo ý muốn và lựa chọn của game thủ. Để rồi đến cuối cùng chúng ta nhận ra rằng, quá khó để con người có được một happy ending hoàn chỉnh mà không trải qua khó khăn, chịu đựng, đau khổ nào.
Còn Red Dead Redemption 2 thì sao? Nó đã lột tả rõ những cơ chế tàn bạo thối nát của xã hội miền viễn tây nước Mỹ trong những năm của thế kỷ XIX. Điều đáng nói nữa là trò chơi hiện lên như cuộc sống thường nhật của con người, đặc biệt là việc tương tác với các NPC để hình thành nên hình ảnh của nhân vật chính trong xã hội. Từng hành động, quyết định người chơi đưa ra có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội. Sống như thế nào là do chính chúng ta quyết định chứ không ai sống hộ được cả.
Nhắc tới việc lột tả sự tàn nhẫn của xã hội phải kể tới các trò chơi lấy đề tài chiến tranh. Đó không chỉ là các game bắn súng thông thường, đó là chiến tranh, thứ mà chính nhân loại đã tạo ra để khẳng định chủ quyền của mình. Sự hoang tàn, lạnh lẽo, xác người la liệt, cuộc sống của mỗi con người khi chiến tranh xảy ra có lẽ chỉ được tính bằng giây bằng phút. Bản thân series Fallout cũng tồn tại suốt thời gian dài với câu nói kinh điển: "War, war never changes" (Bản thân chiến tranh thì không bao giờ thay đổi).
Còn những người dân thường cũng không khá khẩm hơn là bao. Khi sự khốn khổ bao trùm, con người phải chà đạp lên nhân phẩm, phá vỡ các giá trị đạo đức với mục đích sinh tồn. Mất nhà cửa, mất gia đình, chiến tranh đã lấy đi toàn bộ cuộc sống của họ. Có lẽ bạn đọc cũng đã rõ tôi đang nhắc tới trò chơi This War of Mine hay Valiant Hearts: The Great War. Những cái tên dù chỉ có nền đồ hoạ đơn giản, nhưng khắc hoạ rất thành công sự tàn bạo mà chiến tranh gây ra.
Sự tàn nhẫn của xã hội luôn được các nhà phát triển đưa vào trong cốt truyện của mình. Các tựa video game khi đó không hề mang lại tính giải trí, thư giãn kiểu vui vẻ mà đó là những bàng hoàng về cuộc sống mà có thể nó sẽ xảy ra với người chơi trong tương lai hay với những gì mà thế hệ đi trước của ta đã phải chịu đựng như một cuốn phim nghệ thuật. Và nó đọng lại trong chúng ta câu hỏi khi hoàn thành game: Nếu như rơi vào hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ làm như thế nào? Đối mặt với nó ra sao?
Video game - Chạm tới cảm xúc, lòng trắc ẩn của con người
Có lẽ tôi đã nói tới những sự phũ phàng trong các trò chơi mà quên mất rằng, nó cũng có thể chạm tới cảm xúc hay lòng trắc ẩn của game thủ. Nó khiến tôi khóc cùng nhân vật, dành cho các NPC những thương cảm giống như họ chính là bạn bè hay người thân của mình vậy.
Nếu nhập tâm hoàn toàn vào một trò chơi, theo dõi những hành trình mà các nhân vật phải trải qua, bạn sẽ thấy mình có thể lo lắng, đau xót khi các nhân vật gặp chuyện chẳng lành. Hay đó là các NPC, khi có cho mình một câu chuyện quá khứ riêng, chúng ta hiểu được phải biết lắng nghe và cảm thông với thế giới xung quanh. Có những người trước khi bạn nhìn thấy là một con người khác, nhưng xã hội này đã khiến họ buộc phải thay đổi để sống sót.
Game còn là công cụ để chúng ta thông qua đó, có thể truyền tải được ý nghĩa sâu sắc hay dồn toàn bộ những tâm tư, nỗi đau mình phải trải qua để có sự đồng cảm với nhân vật.
Trò chơi That Dragon, Cancer đã khiến bao người phải rơi lệ. Đó là câu chuyện mà gia đình nhà Green dành tặng cho cậu con trai nhỏ của mình bị mắc bệnh ung thư. Người chơi có thể nhận thấy từng tình tiết trong thời lượng 2 giờ đồng hồ của That Dragon, Cancer thực sự ý nghĩa. Nó là tất cả tình cảm mà gia đình Green dành cho cậu bé, là tất cả những đau khổ 2 vợ chồng phải gánh chịu khi nhìn đứa con bé nhỏ của mình đang dần đi tới thế giới bên kia.
Ngoài âm nhạc hay phim ảnh, video game cũng là một loại hình nghệ thuật mà con người ta muốn phơi bày ra những tiếng lòng của mình, chạm tới cảm xúc hay lòng trắc ẩn của người chơi. Khi đã gửi gắm toàn bộ tâm tư của mình vào game, họ không cần lợi nhuận, chỉ cần tiếng nói của mình được đông đảo cộng đồng đón nhận và đồng cảm mà thôi. Và game, với đặc tính của mình sẽ khiến người chơi trực tiếp nhập vai vào câu chuyên thay vì thưởng thức thụ động như xem một quyển sách hay một tập phim. Trong game, bạn là một phần trong câu chuyện.
Vượt qua giới hạn giải trí thông thường - Video game là nghệ thuật
Tất nhiên tính chất và mục đích các trò chơi điện tử đem lại vẫn là yếu tố giải trí, cho mọi người có những phút giây thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Nhưng với sự phát triển vượt bậc như ngày nay, video game đã được nâng tầm lên, vượt xa hơn cái giới hạn giải trí thông thường. Nó là công cụ cho mọi người truyền tải tâm tư của bản thân, nói lên những phi lý áp bức của cuộc sống.
Thậm chí có những trò chơi đã hoàn toàn loại bỏ đi yếu tố giải trí vui vẻ, thay vào đó là yếu tố xã hội - nhân văn. Chúng chứa đựng những bài học mà không một trường lớp nào hay một ai có thể dạy cho người chơi cả. Về con người, về lịch sử, về luật nhân quả, cách đối nhân xử thế,... Video game hiện giờ đã bao hàm rất nhiều ý nghĩa.
Mặc dù ngành công nghiệp game vẫn còn đó những hạn chế nhất định. Với nhiều người, video game vẫn chỉ là một thứ gì đó bạo lực, làm tha hóa đi con người hay cần phải bị lên án bài trừ. Nhưng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, đó là những thành phần lấy video game ra để làm mục đích cho những hành động bỉ ổi, vô nhân đạo hay làm bình phong để che đi sự thối nát bên trong con người mình. Những con người đó đã bước qua "The Line" của mình khi chọn một hướng đi tiêu cực.
Các trò chơi điện tử đang ngày càng phát triển hơn về đồ họa, gameplay và cách xây dựng cốt truyện. Vượt xa hơn cả yếu tố giải trí thông thường, video game đã gắn kết mọi người trên thế giới lại với nhau, đem tới một thứ giá trị vô hình nhưng quý giá không đâu có được. Video game giờ đây không còn chỉ là các trò chơi điện tử mang ý nghĩa giải trí thông thường nữa, nó chính là nghệ thuật.
Nhưng cuối cùng nếu bạn hỏi tôi rằng "sâu sắc" như thế liệu có còn là giải trí không? Câu trả lời vẫn là "có". Nếu giải trí thông thường dùng niềm vui để người ta giải tỏa căng thẳng thì một game sâu sắc nhưng bi tráng cũng như một vở bi kịch hay một cuốn phim kết thúc mở. Bạn sẽ không giải trí bằng thỏa mãn hay vui vẻ mà giải trí bằng một bài học thâm sâu và khám phá ra những triết lý tuyệt vời về cuộc sống này.