Ending là một phần cực kỳ quan trọng của bất cứ trò chơi nào. Nó đóng vai trò cô đọng lại toàn bộ cảm xúc của game thủ sau quá trình trải nghiệm trước đó. Một trò chơi hay dĩ nhiên cũng phải có một cái kết xứng đáng và trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải cảm nhận của game thủ với các phần kết game đều giống nhau và cũng không phải kết game nào cũng khiến người ta hài lòng.
Có những nhà phát triển đã lợi dụng cái kết của một trò chơi để “ép buộc” người dùng phải mua những phụ bản tiếp theo, hay cố vẽ rắn thêm chân kéo dài thời lượng của game (mà đáng lý là không cần thiết). Cũng có những cái kết dường như thể hiện sự mệt mỏi của nhà phát triển với toàn bộ series khiến các game thủ thấy hụt hẫng hoặc ức chế.
Khi người dùng đã bỏ ra tận 60 USD cho một trò chơi, thứ họ cần là một tựa game hoàn chỉnh từ phần mở đầu cho tới kết thúc. Tuy nhiên, một số trò chơi lại có xu hướng “bắt buộc” game thủ phải mua thêm DLC (bản mở rộng) mới "được" chứng kiến một phần kết thúc trọn vẹn. Đây thực sự là một điều gây ức chế tột độ bởi bản mở rộng vốn chỉ mang ý nghĩa là cơm thêm, người dùng không nhất thiết phải sở hữu nếu như nó không miễn phí hoặc chất lượng không tương xứng. Quả thực, người dùng sẽ chẳng thể nào vui nổi nếu biết cái kết mà mình mong chờ lại nằm ở một bản mở rộng có giá lên tới 15 USD.
Khi một trò chơi có kết thúc mở, đóng vai trò tiền đề cho nhiều câu chuyện hấp dẫn hơn trong phần tiếp theo, nó chắc chắn khiến game thủ thấy hào hứng. Đây là một cách không lạ của nhà phát triển nhằm giữ chân người dùng luôn nhớ và chờ đợi những phần game trong tương lai. Tuy nhiên, chuyện tương lai chẳng ai nói trước, phần game tiếp theo lại phụ thuộc vào doanh số của phần trước. Vậy nên nếu phần trước bán ế thì sẽ chẳng nhà phát triển nào được đầu tư cho phần tiếp theo cả. Hoặc đôi lúc, trong quá trình phát triển, nhiều chuyện đã xảy ra khiến dự án không còn được đầu tư nữa.
Đây mới là lúc họ khiến người dùng thấy ức chế vì mình đã phải chờ đợi suốt bao nhiêu năm cho những câu chuyện nối tiếp, rồi cuối cùng lại chẳng bao giờ có thể thành sự thật. Call of Duty: Ghost là một ví dụ. Trò chơi nhận phải nhiều chỉ trích nhưng vẫn là một tựa game đáng để chờ đợi các phần tiếp theo. Tuy nhiên, việc nhồi nhét một cái kết mở, gợi ý cho phần tiếp theo quá sức vô nghĩa khi Ghost 2 không bao giờ được làm nữa.
Đối với một người không có nhiều thời gian chơi game như tôi, việc phải tìm tòi hay chơi đi chơi lại để tìm ra hết những thứ còn ẩn giấu trong trò chơi không phải là thứ bản thân thật sự mong muốn. Vậy nên sau khi chơi xong, lên các diễn đàn hay fanpage, tôi có cảm giác khá khó chịu khi thấy các bài thảo luận về việc kết thực sự của trò chơi đã bị ẩn giấu. Những lúc như này có lẽ tôi chỉ còn cách lên Youtube để xem cho biết chứ không thể nào quay lại trò chơi cũ nữa, bởi thời gian có hạn và tôi phải để dành trải nghiệm các tựa game khác. Tôi tin rằng nhiều người cũng sẽ có chung suy nghĩ giống tôi vậy.
Mặt tốt của một trò chơi có nhiều kết thúc là tạo ra giá trị chơi lại, khiến người dùng cảm thấy số tiền mình bỏ ra mua game xứng đáng hơn. Tuy nhiên, để có thể trải nghiệm được kết thúc như mình mong muốn lại không phải điều dễ dàng bởi bạn còn phải trải qua vô vàn tình huống khác nhau, và mỗi tình huống lại ảnh hưởng, đưa bạn tới một cái kết khác. Ví dụ như Detroit: Become Human, để có được một cái kết hạnh phúc nhất cho tất cả các nhân vật không phải dễ. Dù đã chơi đi chơi lại nhiều lần nhưng cuối cùng những quyết định tôi đưa ra lại luôn dẫn tới một kết cục đau lòng nào đó. Dĩ nhiên, việc phải chứng kiến những tình huống bi thương dù bản thân mình đã cố gắng (dù hết sức) vẫn là một việc quá khó chịu.
Cho tới giờ, cứ mỗi khi nghĩ về những gì mình đã phải trải qua trong Spec Ops: The Line, tôi vẫn còn thấy bị ám ảnh và không dám chơi lại thêm một lần nào nữa. Quả thực, đó là một trong những cái kết game gây sốc và ngỡ ngàng nhất. Và dĩ nhiên nó không hề cho người chơi một cảm giác dễ chịu. Những kết game dạng “cú plot twist gây sốc” này gần như đã phá hỏng toàn bộ trải nghiệm của game thủ trước đó với trò chơi. Tôi không nói rằng cách làm này không hay nhưng nó khiến chúng ta nhớ về một trò chơi theo một cách tương đối tiêu cực.
Rõ ràng khi một series game cần nhiều phần để có thể kể hết một câu chuyện, người chơi sẽ phải bỏ nhiều tiền để mua, và họ có quyền đòi hỏi phải có một cách kết xứng đáng. Tuy nhiên, nhiều nhà phát triển game khi thấy series game đó không thể làm ra nhiều tiền nữa, họ sẽ muốn nó kết thúc càng chóng vánh càng tốt để dành vốn cho những dự án khác. Kết quả là chúng ta có một phần ending như mớ hổ lốn nhảm nhí, nó khiến người hâm mộ cảm giác mình bị lừa sau suốt bao nhiêu năm chờ đợi. Hãy nhìn vào tấm hình minh họa ở trên bạn sẽ biết tôi muốn nói tới tựa game nào rồi đấy, có điều chán chả buồn nhắc tên mà thôi.
Có lẽ với mỗi người, cảm nhận về phần kết thúc của game sẽ khác nhau. Có người thấy thích cách làm này nhưng có thể họ sẽ thấy ức chế với cách làm kia. Những ý kiến mà tôi đưa ra ở trên hoàn toàn dựa trên cảm nhận cá nhân của tôi. Suy cho cùng, bất cứ ai đã bỏ 60 USD ra để mua một trò chơi đều mong muốn tận hưởng một cách kết trọn vẹn nhất, xứng đáng nhất và đáng nhớ nhất. Chứ không phải thứ khiến người ta có cảm giác mấy chục hay thậm chí là vài trăm tiếng đồng hồ trải nghiệm mình bỏ ra thật sự phí phạm.