Khi các game thủ khắp thế giới nhìn thấy Cyberpunk 2077 lần đầu tiên vào năm 2013, họ nhìn thấy một thành phố sáng rực rỡ ánh đèn màu, một cô nàng nửa người nửa máy hở hang, các nhân viên cảnh sát đang nhả đạn. Tất cả mọi thứ được hòa vào nhau trong một pha quay chậm đầy nghệ thuật khiến game thủ lập tức “hype” tựa game này dù vào thời điểm đó, The Witcher 3 thậm chí còn chưa ra đời. Sau 6 năm chờ đợi giờ chúng ta đã biết rằng game sẽ ra mắt vào đầu năm sau, và hứa hẹn sẽ là một trong những tựa game đình đám nhất không chỉ của năm 2020, mà còn của cả thể loại thế giới mở. Nhiều game thủ - trong đó có Mọt tui – đang hi vọng rằng Cyberpunk 2077 sẽ khiến Rockstar thôi ngủ quên trên chiến thắng và phát triển một tựa game mới cho series GTA của mình.
Teaser của game ra mắt vào năm 2013.
Để có thể làm được điều đó, CD Projekt RED sẽ phải chinh phục được game thủ về mọi phương diện, từ nhân vật, cốt truyện đến thế giới trong game. Nói không ngoa, trong một trò chơi open world thì thế giới mà bạn vùng vẫy và nghịch phá quan trọng chẳng kém gì các nhân vật chính: nó là sân chơi của bạn, là nơi mà toàn bộ mọi sự kiện diễn ra, là nền tảng của câu chuyện. Việc tạo ra một thế giới chân thực, đáng tin và đầy sức sống không phải là điều dễ dàng, nhưng nó là điều kiện tiên quyết cho một tựa game thế giới mở hấp dẫn. Theo những thông tin được công bố, bản đồ của Cyberpunk 2077 sẽ nhỏ hơn The Witcher 3 một chút, nhưng dày đặc và nhiều tầng lớp hơn rất nhiều. Nó chỉ bao gồm một thành phố duy nhất là Night City và khu vực xung quanh gọi là Badlands, nơi chứa các dấu ấn của quá khứ, với những công trình cổ xưa bị chôn vùi trong cát bụi bao quanh Night City nhộn nhịp và hào nhoáng ở trung tâm. Bạn có thể khám phá toàn bộ bản đồ này bằng xe hơi, xe máy hoặc đi bộ, nhưng trọng tâm của game dĩ nhiên là thành phố khổng lồ mà bạn đã thấy trong các traler và demo.
Với vai trò quan trọng như vậy trong Cyberpunk 2077, đội ngũ CD Projekt Red biết mình cần phải biến Night City thành địa danh thật hơn cả cuộc sống.
Toàn bộ khu vực mà game thủ nhìn thấy trong đoạn trailer hồi năm 2013 được tạo nên bởi bà Marthe Jonkers và các đồng nghiệp trong nhóm thiết kế địa điểm và nội thất của CD Projekt Red. Đội ngũ này chịu trách nhiệm tạo ra từng mảnh của Night City, và sau đó ghép chúng lại với nhau sao cho game thủ cảm thấy rằng mọi thứ đều hết sức chân thực và hợp lý, mặc dù tất cả chúng đều không hề tồn tại ngoài đời và nhân vật chính của chúng ta có thể bật một lưỡi dao hình bọ ngựa từ cánh tay của anh ta/cô ta.
Để có thể tạo ra một Night City vừa tuân thủ các mô tả trong phiên bản gốc (board game Cyberpunk 2020), vừa giống với trí tưởng tượng của game thủ về một thế giới Cyberpunk sặc sỡ đèn màu và phù hợp với gameplay, Marthe tìm sự giúp đỡ của Mike Pondsmith, người đã tạo ra boardgame Cyberpunk 2020. Được mô tả là “quyển tự điển cyberpunk biết đi,” Mike giúp đội ngũ phát triển nhận ra rằng thế giới trong game có một sự khác biệt căn bản với những tựa game thế giới mở trước đó như GTA, Just Cause hay Saints Row: nó phải có nhiều tầng lớp hơn và phức tạp hơn tất cả những thành phố trong các tựa game đó. Đây là một điều dễ hiểu bởi với những công nghệ mà chúng ta có thể thấy trong game, xe bay, drone và những kỹ thuật cấy ghép đã trở nên quá phổ biến, khiến người ta có thể mở ra những con đường trên cao, leo trèo như khỉ trong rừng già, xâm nhập vào mọi ngóc ngách thông qua kỹ thuật hacker và robot.
Bản demo năm 2018.
Trước Cyberpunk 2077, đã có rất nhiều phim ảnh và game cũng lấy bối cảnh cyberpunk nên đội ngũ phát triển có khá nhiều nguồn tham khảo, nhưng họ muốn tạo ra một thế giới mang dấu ấn của riêng mình. Vì vậy, Marthe và các đồng nghiệp tham khảo những quyển sách lịch sử và các công trình ngoài đời thực để kết nối những hình ảnh trong game với lịch sử, tạo ra cảm giác về một thành phố đã tồn tại lâu dài qua nhiều biến động của thời gian. Và thế là chúng ta có những tòa nhà cũ kỹ, được xây dựng từ các loại nguyên liệu tái chế hoặc nhựa rẻ tiền, màu sắc nhạt nhòa vì mưa nắng. Chúng nằm ở những tầng dưới cùng, thấp bé và lụp xụp chỉ vừa đủ để người ta trú ẩn bên trong.
Nhưng nếu nhấc tầm mắt lên cao để nhìn ra xa hơn, bạn sẽ được thấy những công trình hào nhoáng, ưu tiên vào phong cách và vẻ ngoài hơn là mức độ thực dụng. Các tòa nhà đó có thể cao chọc trời hoặc chiếm một diện tích đất khổng lồ, với những bức tường bóng loáng và các khu vườn được chăm chút kỹ lưỡng, được bao phủ bằng sắc vàng, hồng tạo ra sự nổi bật và sang trọng vừa tách biệt lại vừa hòa hợp với những công trình không kém phần lộng lẫy xung quanh.
Hai phong cách chủ đạo này còn được hỗ trợ bằng hai lối kiến trúc khác để tạo thành một Night City dựa trên các sự kiện lịch sử mà nhà phát triển đã tạo ra trong cốt truyện của game, để ngay cả những game thủ khó tính nhất cũng có thể nhìn vào Night City và gật gù “ừ, trông khá hợp lý.” Bà Marthe cho biết rằng một trong những nguồn tham khảo mà CD Projekt RED dùng để tạo nên Night City là thành phố Cologne, một địa điểm nổi danh với những công trình đến từ rất nhiều niên đại khác nhau.
Nhờ vào những tư liệu đã có và sự phối hợp các phong cách kiến trúc, Marthe tự tin rằng cả 6 khu vực trong thành phố Night City đều có những nét riêng biệt, độc lập nhưng vẫn là một chỉnh thể khi bạn nhìn vào nó từ xa. Pacifica – khu vực xuất hiện trong bản demo mới nhất sắp được chiếu vào cuối tháng 8 này – đã trải qua sự phát triển bùng nổ khi các tập đoàn lớn đổ tiền vào nó nhưng lại rút lui không lâu sau đó vì nhiều vấn đề khác nhau, nên bạn sẽ tìm thấy các công trình chắp vá, tạm bợ ở khắp nơi.
Ngược lại, khu trung tâm thành phố đã có lịch sử lâu đời nhưng cũng là nơi mà các tập đoàn tài chính đặt tổng hành dinh, nên chúng trông rất hiện đại, gãy gọn với rất nhiều sắc trắng – đen và những mảng kim loại phủ khắp nơi theo phong cách neo-militarism (tân quân sự) tập trung vào những thiết bị hiện đại.
Santo Domingo, một khu vực khác chưa từng xuất hiện trong các trailer của Cyberpunk 2077 từ trước đến nay lại khác. Nó là trái tim của Night City, chứa hầu hết các nhà máy công nghiệp không ngừng bơm các nhu yếu phẩm vào thành phố. Vì vậy, khu vực này trông u ám, nặng nề và đầy áp lực bởi nền trời bị bóng ma của các nhà máy xé nhỏ thành nhiều mảnh, và cũng ẩn chứa những mối nguy hiểm rất khác biệt so với những gì bạn có thể tìm thấy trong các khu vực trung tâm.
Một điều đặc biệt là dù mang phong cách cyberpunk, Night City sẽ không có nhiều ánh đèn neon như bạn tưởng. Dù xuất hiện trong rất nhiều hình ảnh đã được công bố và trong bản demo năm ngoái, neon thực ra chỉ phổ biến tại Watson, một trong 6 khu vực của Night City với rất đông cư dân châu Á. Theo bà Marthe, đó là dấu ấn đặc trưng mà cộng đồng người Nhật và con cháu của họ sinh sống tại đây tạo ra cho quận này. Các quận khác cũng sẽ có những ngọn đèn neon rực rỡ, nhưng không bao giờ tràn lan và thống trị mọi góc nhìn như tại Watson.
Cho đến thời điểm này, công việc của đội ngũ xây dựng Night City vẫn chưa hoàn tất. Họ cần phải tiếp tục hợp tác với các đội ngũ khác trong nội bộ CD Projekt Red cũng như với những người thiết kế màn chơi để đem lại cho game thủ một cuộc chơi cuốn hút hết mức có thể, khiến bạn chìm đắm vào thế giới ảo của game. Điều này lại càng quan trọng hơn khi game thủ sẽ trải nghiệm tất cả mọi ngóc ngách của thành phố dưới góc nhìn người thứ nhất, góc nhìn có khả năng làm nổi bật các chi tiết của thế giới xung quanh. Dù vậy, bà Marthe vẫn rất tự hào về thành quả đã đạt được. “Nếu bạn chụp một tấm screenshot của Cyberpunk 2077, sẽ chẳng ai hiểu lầm rằng nó đến từ Bladerunner (một thương hiệu cyberpunk khác). Với tôi, đó là một điều rất thú vị vì chúng tôi đã tạo ra được một thế giới độc đáo và đáng tin.”