Phụ Lục
Sau khi xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2017 tại triển lãm Game Awards, Sekiro: Shadow Die Twice, tựa game mới nhất của From Software sẽ được ra mắt vào ngày 22/3 tới trên PC, PS4 và Xbox One. Game lấy bối cảnh đầu thế kỷ 16 tại Nhật Bản, là thời kỳ chiến loạn khi các Đại Danh (Daimyo) chia cắt Nhật Bản thành hàng chục mảnh nhỏ và chỉ chấm dứt khi nhà Tokugawa đánh bại mọi chư hầu.
Trailer chính thức của trò chơi
Cốt truyện
Với bối cảnh thời Chiến Quốc quen thuộc, nhân vật chính của Sekiro: Shadow Die Twice là “Độc Thủ Lang” Sekiro, một chiến binh ninja (Shinobi) cụt tay trên đường tìm về thiếu chủ của mình. Vị thiếu chủ này bị nhắm đến bởi dòng máu của cậu bé có khả năng phục vụ cho một âm mưu đen tối của những kẻ bắt cóc. Với một cánh tay thật, một cánh tay giả và một thanh kiếm “Mortal Blade,” người chiến binh của chúng ta sẽ phải băng qua nhiều lãnh địa, đánh bại nhiều kẻ thù từ những tên du thủ du thực, các samurai thiện chiến đến những con ác quỷ khổng lồ.
Cốt truyện của game do chính giám đốc phát triển Hidetaka Miyazaki viết ra, nhưng ông cho biết mình đã “phóng tay” cho các thành viên khác thực hiện những tình tiết cụ thể trong câu chuyện. Mục tiêu của điều này là làm cho game thủ được thưởng thức một câu chuyện gắn kết, nhưng với một phong cách mới lạ mà game thủ chưa từng được thấy trước đây, theo lời giám đốc quảng bá và truyền thông của From Software, ông Yasuhiro Kitao. Game thủ sẽ vẫn có thể khám phá thêm về thế giới trong game thông qua mô tả của các vật phẩm, môi trường xung quanh hay các câu chuyện được kể qua các trang sách, nhưng nội dung của trò chơi sẽ xoay quanh Độc Thủ Lang và cuộc phiêu lưu của anh chàng.
Gameplay khác lạ
Khi Sekiro được công bố, hẳn rất nhiều game thủ đã nhanh chóng gọi nó là một Dark Souls phiên bản Chiến Quốc. Nhưng thật ra From Software không hề muốn nghe thấy sự so sánh này – họ đã rất cố gắng tạo ra sự khác biệt giữa Sekiro với Dark Souls hay Bloodborne, cả về mảng chiến đấu lẫn khám phá.
Thật vậy, hãy nhìn vào phần combat. Trong Dark Souls, game thủ có thể lăn tròn hoặc dùng khiên đỡ đòn, còn trong Bloodborne bạn cần đến phản xạ để nhảy khỏi nhát chém của đối thủ. Trong Sekiro, Độc Thủ Lang sẽ dùng thanh kiếm Mortal Blade để đỡ đòn, khiến những pha giao chiến có tốc độ nhanh hơn và hung hiểm hơn bởi anh chàng chỉ là một con người tương đối bình thường. Mục tiêu của hệ thống chiến đấu này là để game thủ được cảm thấy sự căng thẳng của những pha đọ kiếm như một samurai thực thụ.
Form Software luôn nói tuy Sekiro: Shadows Die Twice sẽ có độ khó cao, nhưng nó không phải là một phiên bản khác của Dark Souls hay có lối chơi tương tự
Khả năng đỡ đòn trong Sekiro không thực sự giống như trong các game đối kháng hay các bản Dark Souls nơi bạn có rất nhiều thời gian. Theo giám đốc thiết kế gameplay là ông Masaru Yamamura, game thủ cần phải có khả năng timing (canh thời gian) cực chuẩn xác để có thể chặn đòn tấn công và phản kích. Để game thủ có thể học hỏi được kỹ năng này, mọi đòn đánh của kẻ địch đều được tinh chỉnh theo từng khung hình một, thêm – bớt tùy tình huống nhằm đảm bảo game thủ có thể phản ứng sau một vài lần quan sát.
Bên cạnh tốc độ của các pha chiến đấu, yếu tố độ cao cũng được xem trọng hơn hẳn so với Bloodborne hay Dark Souls nhờ vào chiếc móc mà game thủ có trong cánh tay giả. Nó cho phép nhân vật chính phóng lên nóc nhà để ẩn náu (khiến Mọt gợi nhớ Tenchu), hoặc kéo đối thủ đến gần bên cho những pha kết liễu đẹp mắt. Bạn thậm chí có thể kéo cả những con trùm nếu chúng để lộ sơ hở, nên việc dùng chiếc móc này một cách khôn ngoan sẽ giúp ích rất nhiều trong giao tranh.
Nhắc đến Tenchu, cơ chế “Death Blow” của Sekiro chính là một phiên bản của các đòn tất sát đầy bạo lực trong Tenchu: Fatal Shadows. Để thực thi những tuyệt chiêu này, game thủ cần phải chú ý đến thế đứng của mình và kẻ địch. Khi chặn được đòn tấn công của đối thủ, bạn có thể khiến hắn mất thăng bằng, tạo cơ hội để tiếp cận và ra đòn tiêu diệt đối phương.
Ngoài thanh kiếm Mortal Blade trên tay phải, cánh tay trái của game thủ là một công cụ tuyệt vời. Ngoài chiếc móc đã được nhắc đến bên trên, nó còn có thể biến hình thành một chiếc búa có khả năng phá thế phòng thủ, bắn pháo hoa gây choáng kẻ địch hoặc khiến chúng ngã ngựa, phóng phi tiêu… Nếu thích chơi kiểu kiếm + khiên như Dark Souls, bạn có thể học kỹ năng để khiến cánh tay giả này tỏa ra thành một tấm khiên trông khá giống những chiếc mũ rộng vành mà các tay lãng khách thích giấu mặt thường sử dụng.
Trong khi đó, kẻ địch cũng có một “độc chiêu” là những đòn đánh không thể bị ngăn cản, mà chỉ có thể bị né tránh bằng cách… nhảy. Đây có lẽ là một trong những khác biệt lớn nhất của Sekiro với những tựa game trước đây. Cả tốc độ giao tranh lẫn các đòn đánh không thể đón đỡ này khiến Mọt cảm thấy game khá tương đồng với Vindictus, một MMO hành động mà tác giả đang chơi.
Hệ thống kỹ năng
Khi đánh bại kẻ địch trong Sekiro, game thủ sẽ góp nhặt được vàng và điểm kinh nghiệm. Từ đây, bạn sẽ nhận được các điểm kỹ năng cần thiết để nâng cấp nhân vật của mình theo một trong hai hướng là Shinobi (ẩn náu và ám sát), Samurai (đối đầu trực diện) cộng thêm một nhánh thứ ba tập trung vào cánh tay giả và các trang bị trong đó. Việc nâng cấp này diễn ra tại các bức tượng Sculptor’s Idol, giống hệt như các đống lửa trại trong Dark Souls. Tuy nhiên bạn không thể học kỹ năng mình muốn ngay lập tức, mà phải tìm được những vật phẩm cần thiết ở đâu đó trong thế giới của game.
Ngoài ba cây kỹ năng, game thủ còn có một vài kiểu nâng cấp khác, chẳng hạn các tuyệt chiêu, lượng máu của nhân vật hay các linh kiện cho cánh tay giả, những thứ bạn se tìm được khi lùng sục các ngõ ngách trong game. Theo ông Miyazaki, những thứ này là vừa đủ để game thủ cảm nhận được sự tiến bộ của nhân vật và tìm ra cách chơi của riêng mình dù nhân vật chính là một chiến binh nên Sekiro có phần bị hạn chế về cách build. Còn lại, Sekiro không có những lớp nhân vật hay chỉ số mà bạn phải bận tâm theo dõi và min-max như một tựa game RPG truyền thống.
Chết là hết?
Cái tên “Sekiro chết 2 lần” của game có lẽ ám chỉ một điều gì đó về cái chết của nhân vật chính trong game, nhưng các sếp của From Software đều rất kín miệng khi được hỏi về điều này. Mọt không rõ liệu họ có định “hù” game thủ như Senua’s Sacrifice hay không, nhưng chúng ta đã biết một điều: dù bạn có thể lợi dụng cái chết của nhân vật chính để ám toán kẻ địch sau khi hồi sinh (vì chúng nghĩ bạn đã chết), việc bị hạ gục sẽ có một ảnh hưởng xấu nào đó chưa được tiết lộ.
Thế giới trong game tỏ ra rất rộng lớn, với những cánh đồng bạt ngàn dập dờn theo gió, những ngôi làng nghèo khó đến các tòa lâu đài nhiều tầng của các vị Đại Danh. Kẻ thù của bạn cũng rất đa dạng, bình thường như chó, sát thủ, đến các sinh vật trong thần thoại như quỷ (Oni), thầy tu xương, samurai khổng lồ, đến một con rắn to như một quả núi mà bạn có thể xem trong video bên dưới. Để đánh bại hoặc vượt qua những kẻ địch này, bạn cần phải có kỹ năng vượt bậc, hoặc khôn khéo lợi dụng môi trường để đánh bại chúng một cách dễ dàng hơn.
Sekiro sẽ không có multiplayer (kể cả tính năng Invasion), và cũng không có tùy chọn độ khó. Ông Miyazaki nói rằng lý do của những quyết định này là để mọi game thủ đều gặp mức độ thử thách như nhau, và có được cảm giác thành tựu khi đánh bại lũ quái vật. “Đây là điều mà chúng tôi rất xem trọng khi thiết kế game. Nó đã như vậy trong những tựa game trước, và cũng sẽ như vậy trong Sekiro.”