Phụ Lục
Sau hai ngày phát hành, hẳn game thủ Việt đã có dịp trải nghiệm Call of Duty: Warzone, phiên bản Battle Royale miễn phí của Call of Duty: Modern Warfare. Việc phát hành trò chơi hoàn toàn miễn phí là một nước đi khôn ngoan của Activision bởi nó giúp xây dựng một cộng đồng game thủ lớn ngay từ đầu, tránh việc tạo ra một ngưỡng cửa quá cao (60 USD) ngăn chặn đại đa số game thủ đến với trò chơi. Trong bài viết này, Mọt tui muốn nói sơ qua về những cảm nhận của mình trong quá trình chơi thử Warzone, bao gồm cả ưu điểm và khuyết điểm.
Với số lượng người chơi trong mỗi trận đấu lên đến 150, Warzone được thiết kế cho những đội 3 người tương tự Apex Legends nhưng không quá phụ thuộc vào kỹ năng, và súng ống vẫn là yếu tố chủ đạo (nếu đủ liều, bạn hoàn toàn có thể chơi solo). Sự may rủi vẫn hiển hiện hết sức rõ ràng trong Warzone khi game thủ cần phải tìm kiếm và nhặt nhạnh vũ khí trang bị, những gì bạn nhặt được được chia thành nhiều cấp độ khác nhau, nhưng các cấp độ này không trực tiếp quyết định sát thương mà ảnh hưởng đến số lượng linh kiện (attachment) được lắp đặt sẵn trên vũ khí. Vì vậy, một khẩu súng cấp cao hơn hoàn toàn có thể gây sát thương thấp hơn vì nó có lắp hãm thanh. Game thủ không thể tự thay đổi các linh kiện này, nên không phải lúc nào súng cấp cao hơn cũng tốt hơn hẳn.
Nhưng bên cạnh yếu tố may rủi đã là “kinh điển” trong một tựa Battle Royale, Infinity Ward đã đưa ra khá nhiều nỗ lực nhằm giảm bớt tầm quan trọng của sự may rủi đó. Hẳn bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra những yếu tố này, chẳng hạn việc tất cả các game thủ tham chiến đều sẽ có một khoảng thời gian ngắn để luyện tập trong lobby trước trận đấu. Khu vực này được chọn ngẫu nhiên và tạo điều kiện cho người chơi làm quen với vũ khí, cơ chế di chuyển và các đặc tính của vũ khí trong game, một điều rất đáng giá nếu bạn chưa từng chơi Warzone trước đó. Game thủ cũng luôn được trang bị sẵn một khẩu súng lục và hai mảnh giáp thay vì tay không, điều giúp họ có cơ hội phản kháng khi hạ cánh xuống mặt đất hoặc khi vừa hồi sinh sau khi bị hạ gục.
Nhưng có lẽ nỗ lực quan trọng nhất trong việc giảm bớt mức độ ảnh hưởng của may rủi vào game là sự xuất hiện của nhiều phương thức hồi sinh khác nhau trong game. Nếu như trước đây Battle Royale đồng nghĩa với “chết là hết” thì giờ đây, nhiều tựa game đã tạo ra cơ chế hồi sinh để đem lại cơ hội làm lại cuộc đời cho game thủ. Warzone cũng tương tự, nhưng nó không chỉ có một mà đến… ba phương thức hồi sinh khác nhau. Bạn có thể đánh bại kẻ địch trong những trận đấu 1vs1 trong Gulag (có thể xem là phiên bản rút gọn của Gunfight), gom góp tiền của trên bản đồ để mua túi tự hồi sinh giá 4.500 đồng hoặc chờ đồng đội gom đủ số tiền đó để hồi sinh bạn.
Kết quả là game thủ có được không chỉ một phương thức để trở lại với trận đấu, một điều Mọt chưa thấy xuất hiện trong các tựa game trước đây. Nó đồng nghĩa với những tình huống bất ngờ - nhóm kẻ địch mà bạn tưởng rằng đã bị loại có lẽ sẽ trở lại để báo thù, và tình huống thất bại mười mươi hoàn toàn có thể bị đảo ngược thành chiến thắng thuyết phục. Đôi khi bạn còn có thể tái ngộ kẻ địch trong Gulag, và… ném đá nhau (đúng nghĩa đen) để giúp đồng đội chiến thắng trong pha đọ súng tay đôi đầy căng thẳng. Sự hỗn loạn khó lường này có lẽ là một trong những phần quan trọng nhất trong gameplay của Warzone.
Tương tự như vậy, hệ thống vật phẩm, máu và giáp của Warzone cũng có một số thay đổi để làm nhạt vai trò của may rủi. Infinity Ward đã không chọn biện pháp hồi máu bằng vật phẩm mà để thanh máu của nhân vật tự phục hồi theo thời gian, và giáp trụ cũng chỉ đóng vai trò tăng số lượng máu của bạn (mỗi mảnh giáp tương đương với 50 máu). Họ cũng rất hào phóng trong việc ban cho game thủ những mảnh giáp dự phòng: bạn có thể nhặt nó từ môi trường, trong rương, từ xác đối thủ,…
Trong khi đó, game không có túi đồ như thường thấy mà chỉ có giới hạn về lượng vật phẩm mang theo. Đạn cũng không được chia theo kích thước mà chia theo loại vũ khí (chỉ có 5 loại đạn là súng máy, súng bắn tỉa, đạn cỡ nhỏ, shotgun, rocket) nên bạn hoàn toàn có thể nhặt tất cả đạn dược mình thấy để dự phòng.
Một yếu tố khá đặc biệt mà Mọt tui nhận ra khi chiến Warzone là sự tồn tại của các tòa nhà cao tầng trong game đã được đơn giản hóa, có lẽ là nhằm làm tăng nhịp độ của trò chơi. Bạn sẽ chỉ bị bắn từ tầng trệt hoặc mái nhà, giúp game thủ không cần phải canh chừng từng cửa sổ hay leo từng bậc cầu thang, thăm dò mọi ngóc ngách. Điều này phần nào thu hẹp không gian của cuộc chơi nhưng khi bạn nhớ đến kích thước khổng lồ của bản đồ Verdansk, sự giới hạn về số tầng của các tòa nhà không còn quan trọng nữa. Game thủ cũng luôn luôn có số lượng dù... vô tận trên lưng, nên bạn hoàn toàn có thể kích hoạt dù nhiều lần trong một cú nhảy, tạo ra sự linh hoạt trong di chuyển mà không cần phải dùng đến các thiết bị tương lai như Black Ops.
Dù vậy, vẫn có một chút bất công (không phải may rủi) trong gameplay của Warzone, thể hiện qua sự xuất hiện của Loadout. Tương tự như “thính” của PUBG, các thùng hàng Care Package chứa Loadout của game thủ sẽ được thả xuống và đánh dấu trên bản đồ. Nếu tiếp cận được nó, bạn sẽ được sử dụng loadout mà mình đã tạo sẵn. Sự thử thách ở đây là việc các Care Package của nhiều người rơi xuống cùng nhau, buộc game thủ phải đọ súng trước khi đến được với phần thưởng. Bạn cũng có thể chi tiền (6.000 $) để mua một Loadout Drop Marker, nhưng đây là một khoản tiền khá lớn và bạn còn cần phải mua túi hồi sinh để phòng trường hợp xấu nhất.
Ở đây, những game thủ đã cày Call of Duty: Modern Warfare sẽ có lợi thế lớn hơn so với các tân binh chỉ vừa tham dự vào trò chơi qua bản Warzone miễn phí. Trong khi các game thủ đã chơi trước có thể sử dụng các loadout mà họ đã dày công mở khóa và chỉnh sửa, người mới chỉ có thể sử dụng một số loadout cơ bản và không có bất kỳ vũ khí hay perk nào được mở khóa cho họ. Vì vậy nếu bạn là một game thủ mới thì những thùng Airdrop chẳng hề có sức hấp dẫn lớn như “thính” trong PUBG.
Theo Mọt nhận thấy, để dành tiền để mua loadout đang là “meta” trong Warzone, vậy nên bạn hãy sẵn sàng để “sấp mặt” khi chạm trán với những game thủ đã chơi Modern Warfare từ trước. Đây là một vấn đề khá lớn trong giai đoạn đầu khi game mới phát hành bởi sự chênh lệch về vũ khí, trang bị, perk giữa người chơi cũ và mới là rất lớn, nhưng chúng sẽ dần được san bằng theo thời gian. May mắn là hiện tại Activision đang có sự kiện x2 kinh nghiệm cho cả vũ khí lẫn nhân vật nên bạn có thể vượt qua giai đoạn này nhanh hơn đôi chút.
Sau những trải nghiệm ban đầu, Mọt nhận thấy rằng Infinity Ward thực sự đã dành nhiều tâm huyết vào việc cân bằng sự may rủi, kinh nghiệm của game thủ cũ với trải nghiệm của tân binh. Warzone hẳn sẽ là một thế lực mới trong làng Battle Royale, và hi vọng rằng trò chơi sẽ không bị thay thế một cách chóng vánh khi tựa game Call of Duty 2020 (có tin đồn rằng là Black Ops 5) ra mắt.