Phụ Lục
Những game nói về người trầm cảm và tâm thần luôn mô tả thế giới nội tâm của người bệnh theo một màu sắc buồn. Nhưng riêng In Sound Mind lại khai thác dưới hình ảnh đầy ma quái và đe dọa. Mặt khác, người đối mặt với nó không phải là nạn nhân mà lần này chính là người bác sĩ chữa cho họ.
In Sound Mind đã làm một việc thật khéo léo là kết hợp 3 yếu tố: góc nhìn FPS, câu chuyện về người trầm cảm và yếu tố kinh dị thành một sản phẩm. Bạn sẽ không phải đối mặt với người bệnh trầm cảm mà đối mặt với một bóng ma khủng khiếp, chính là căn bệnh trầm cảm bên trong họ.
Bác sĩ tâm lý Desmond Whales tỉnh lại trong tầng hầm của một căn nhà. Anh không nhớ gì về quá khứ của mình, bên ngoài là một thành phố bao trùm bởi lũ lụt mênh mông nước chỉ còn mỗi ngôi nhà nơi anh đứng là nguyên vẹn. Anh lần mò lên các tầng trên và nhận ra rằng đây là căn nhà mình đang thuê để ở và đặt văn phòng làm việc. Nhưng có một cái gì đó không đúng, không ổn trong căn nhà 2 tầng này.
Có một người lạ nào đó liên tục gọi điện và miệt thị anh về nhiều thứ. Anh tìm được dấu vết của từng bệnh nhân cũ của mình và cảm thấy ray rứt khi không kịp cứu họ. Có người đến chữa trầm cảm ở chỗ anh và khi đang trong thời gian tư vấn thì họ bỗng dưng gây ra chuyện rồi tự sát. Desmond cảm thấy tội lỗi vì không giúp họ thoát khỏi con ma trầm cảm bên trong, anh quyết tâm đi tìm nguyên nhân đã đẩy các bệnh nhân của anh đến chỗ phải chết.
Căn nhà mà anh đang đứng cũng có nhiều biểu hiện đáng ngờ khi có các bóng ma lang thang ẩn hiện trên hành lang, các căn phòng sắp xếp kỳ lạ và cả những chất lỏng 7 màu khiến anh cảm thấy đau đớn khi bước phải chúng. Liệu người đàn ông bí ẩn thường gọi điện miệt thị kia có phải là thủ phạm của tất cả chuyện này?
In Sound Mind khai thác bệnh trầm cảm dưới góc độ là một bóng ma ám lấy tâm trí nạn nhân. Chính vì vậy, khi đi vào nội tâm của người bệnh qua các cuộn băng ghi âm, Desmond đối mặt trực tiếp với những bóng ma đầy quyền năng đó.
Bên trong thế giới tưởng tượng đó là những gì còn sót lại trong tâm trí người bệnh và anh phải giải tất cả các mối đe dọa rồi dẫn dắt bóng ma đó đối diện với sự thật. Qua đó anh cũng hiểu được hoàn cảnh của người bệnh và lý do sâu xa đưa họ đến thảm cảnh hiện tại. Thêm vào đó sẽ là các bóng ma đại diện cho người đàn ông bí ẩn kia luôn xuất hiện phá rối và giễu cợt anh vì sự bất lực của mình với tư cách một bác sĩ.
Khác với cách tiếp cận nhẹ nhàng, In Sound Mind đã dùng những hình ảnh gớm ghiếc nhất để mô tả căn bệnh trầm cảm và cách mà nó bào mòn một người. Desmond sẽ phải chống lại và chạy trốn khỏi bóng ma của bệnh trầm cảm nhưng anh không tiêu diệt nó. Anh phải dẫn dắt nó vào những cái bẫy để nó nhận ra những sai lầm của mình từ đó hóa giải bóng ma và giúp người bệnh tìm lại sự tỉnh táo của chính mình.
Bên cạnh việc cụ thể hóa căn bệnh trầm cảm thành bóng ma, In Sound Mind cũng kết hợp rất nhiều màn jumpscare không chỉ để hù dọa mà còn là một trợ lý cho việc giải đố. Chuyện quay đi quay lại thì một số thứ sai vị trí là bình thường. Đôi khi bạn sẽ gặp cả một hình nộm ma quỷ đại diện cho gã đàn ông bí ẩn đang lù lù sau lưng mình.
Một số khái niệm về ma quỷ như nhìn qua gương cũng được áp dụng. Desmond đã nhặt một mảnh gương vỡ làm dụng cụ thoát hiểm cho mình và qua việc soi tấm gương đó, anh phát hiện những thứ ma quái mà khi nhìn trực tiếp không thể thấy.
Gameplay của In Sound Mind hầu hết tập trung vào giải đố. Tuy nhiên không phải loại giải đố đơn giản như các game thuần puzzle mà nó là giải đố phức hợp kiểu Resident Evil. Có những tình huống và bối cảnh bạn phải đi tìm các vật có liên quan ở nhiều phòng khác nhau, đôi khi phải giải 1 câu đố nhỏ để lấy được. Có những đồ vật nằm ở những nơi không thể lấy thì phải nghĩ cách để đi đến bằng đường khác.
Nhìn chung về gameplay giải đố kinh dị, In Sound Mind đã học hỏi khá nhiều từ Resident Evil 7. Từ góc nhìn FPS, không gian u tối cho đến kiểu giải đố trong một căn nhà rộng với nhiều phòng và nhiều câu đố tìm đường lồng ghép vào nhau.
Tuy nhiên có một ngoại lệ và cũng có thể gọi là chỗ dựa tinh thần cho người chơi. Đó là con mèo trắng mà Desmond nuôi. Nó bỗng dưng thành một người bạn và cũng là cố vấn tình huống cho chủ trong hoàn cảnh ngặt nghèo này. Một điểm cộng cho cô mèo!
Đầu tiên, nhìn vào cấu hình game có thể khiến bạn “hết cả hồn”. In Sound Mind đòi hỏi tối thiểu phải có card màn hình từ GTX 960 trở lên. Đây là dòng card khá là “nặng tiền” nhưng đồ họa bên trong game lại không được tương xứng. Các thiết kế mô hình khá là sơ sài và ít chi tiết sâu, nếu muốn tận hưởng một mức đồ họa tối đa bạn cần GTX 1060 để chạy cấu hình chuẩn và cao hơn thế nữa để đạt mức cao nhất.
Mặt khác, góc nhìn FPS vốn có thể làm nhiều fan kinh dị mệt mỏi lại kết hợp với tông màu tối âm u của game càng làm giảm sức chịu đựng của những người chưa quen với góc nhìn chơi game này. Bạn sẽ dễ bị các cảm giác như choáng váng, chóng mặt, nôn nao nếu chơi lâu.
Kế đến, các câu đố cùng với việc giải đố cần người chơi có tư duy, óc quan sát và kinh nghiệm sục sạo xung quanh. Gợi ý chỉ thực sự rõ khi bạn tinh mắt, tìm đủ các vật phẩm liên quan và đọc hầu hết các mảnh giấy ghi thông tin bỏ rải rác trên bản đồ. Một số vật dụng có thể dùng chung ở những nơi khác nhau theo trình tự cụ thể cũng sẽ tạo nhiều thử thách cho người chơi. Nếu có kinh nghiệm chơi dòng kinh dị tìm đường kiểu Resident Evil thì bạn sẽ dễ thích nghi hơn nhưng nếu không, sẽ khá là khó nhai đấy!
Nhìn chung, In Sound Mind là một game kinh dị khá chất lượng. Ngoài yếu tố ma quỷ được đặt trong tâm trí người trầm cảm tạo ra một lý giải đầy hợp lý thì các pha jumpscare không những giật mình mà đôi khi còn tạo cảm giác thú vị nữa. Cấu hình có lẽ là rào cản lớn nhất và việc các bài toán giải đố có độ khó nhất định cũng sẽ góp phần kén người chơi.
Nếu bạn có một cỗ PC khá mạnh và niềm đam mê chơi game tìm được kết hợp kinh dị thì đây sẽ là một lựa chọn không tệ.
Ưu điểm:
Nhược điểm: