14 năm trước đây, Illusion – một trong các hãng game người lớn Nhật Bản – phát hành tựa game thứ 18 của họ sau 9 năm hoạt động (chưa tính 16 tựa game trước đó được phát hành dưới một tên gọi khác). Cũng như tất cả những tựa game trước đó, tựa game thứ 18 này chỉ có tiếng Nhật và phát hành trong lãnh thổ Nhật Bản.
Tuy nhiên vào thời điểm 2006, internet đã phát triển rộng rãi trên toàn cầu và **p*lay cùng nhiều game khác của Illusion được đăng lên internet, cho phép những game thủ bên ngoài nước Nhật tải về. Đến lượt mình, các game thủ này lại chia sẻ những tựa game đó với nhau qua các diễn đàn và các dịch vụ chat phổ biến thời bấy giờ, khiến trò chơi lan rộng hơn so với dự tính của bản thân nhà phát triển Illusion.
Khác với những tựa game khác trước đó, **p*lay chọn một chủ đề rất nhạy cảm khi cho phép nhân vật chính tấn công ba nhân vật khác trong trò chơi. Tuy nhiên phải đến năm 2009 khi một “thiên tài” nào đó nảy ra ý tưởng in đĩa bán trò chơi này trên Amazon, nó mới thu hút sự chú ý của Keith Vaz, một thành viên Nghị viện Anh.
Là một nhân vật luôn xem game là nguyên nhân của nhiều tội ác, Keith Vaz thề sẽ đưa vấn đề này ra trước công lý và cấm bán trò chơi, dù thực sự game không hề được bán bởi Illusion một cách chính thức. Những thông điệp của Keith Vaz nhanh chóng được nhiều tờ báo lớn “đánh hơi” được và từ thời điểm này, cả một chiến dịch anti-**p*lay bùng phát.
Đầu tiên, Amazon gỡ bỏ tựa game trên ra khỏi trang bán hàng của mình, trong khi tổ chức đòi quyền bình đẳng Equality Now khuyến khích các nhà hoạt động nhân quyền viết thư cho nguyên thủ tướng Nhật Taro Aso và Illusion để phản đối. Tại Úc, trò chơi bị cấm bán vì chiến dịch của Women’s Forum Australia, còn tại Argentina nó trở thành tựa game duy nhất bị cấm trong lịch sử.
Một lần nữa Mọt phải nhắc lại với các bạn rằng **p*lay được Illusion bán ra một cách hoàn toàn hợp pháp tại Nhật và tuân thủ các điều luật của nước này, và nó hoàn toàn không được phát hành ở bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới!
Trước làn sóng chống đối và chỉ trích này, hãng Illusion hoàn toàn “choáng” vì tai vạ bất ngờ. Ông Makoto Nakaoka, người phát ngôn của Illusion nói rằng họ “hoàn toàn choáng váng vì phong trào này. Illusion làm các tựa game người lớn cho thị trường trong nước và tuân thủ các điều luật tại đây. Chúng tôi không thể bình luận gì về (phong trào chống đối) vì mình không bán nó ra nước ngoài và không nghĩ rằng có vấn đề gì với trò chơi vì nó đã qua được khâu kiểm duyệt.” Dù vậy, Illusion vẫn rút **p*lay khỏi trang chủ của mình và ngừng bán trò chơi.
Một chính trị gia Nhật cũng nhanh chân vào cuộc để kiếm điểm khi tuyên bố rằng “khả năng rất cao là ảnh hưởng của các tựa game người lớn bạo lực vượt xa ảnh hưởng của các bộ phim người lớn bình thường.” Các phương tiện truyền thông bản địa cũng nghe tin và vào cuộc, thực hiện những phóng sự và mẩu tin về trò chơi, còn nhà bán lẻ Sofmap nói rằng bản đĩa của game đã bị ngừng sản xuất từ lâu.
Và dù bản thân **p*lay không vi phạm bất kỳ điều luật nào của Nhật Bản, Hiệp hội Đạo đức trong Phần mềm Máy tính Nhật Bản cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tháng 6/2009 để bàn về vụ việc.
Trong cuộc họp này, gần 100 đại diện từ rất nhiều công ty chuyên làm game 18+ trên toàn lãnh thổ Nhật Bản đã tụ họp và đồng ý rằng họ sẽ ngừng việc phát triển và bán những tựa game có nội dung tương tự.
Đây hoàn toàn không phải là một đạo luật hay thông tư từ chính phủ, mà chỉ là một chính sách do họ tự đưa ra để tự quản lý mình. Tuy nhiên cũng có tin nói rằng hiệp hội này không đưa ra quyết định đó mà chỉ là tin vịt từ đài truyền hình TBS.
Nhưng có một điều rõ ràng là từ thời điểm này, các studio làm game Nhật quyết định không làm tựa game nào giống với **p*lay nữa.
Một số studio đang phát triển những game cùng thể loại đổi tên chúng sang những thứ “hiền lành” hơn rất nhiều, chẳng hạn “địa ngục” thành “nhà tù,” và nhiều công ty như Minori, Yuzusoft, Visual Arts,… chặn không cho người nước ngoài truy cập vào trang web của mình để giảm bớt các vấn đề tương tự.
Riêng trang chủ của Visual Arts còn hiển thị một thông báo đầy nhạo báng nếu phát hiện IP truy cập từ nước ngoài: “làm ơn chơi game do nước của mấy người làm ra nếu muốn hòa bình thế giới! :-)”
Nhưng vui nhất có lẽ là thông báo trong tựa game đề tài quản lý làng ninja Shinobiryuu do Softhouse Chara phát triển. Họ tuyên bố rằng “tất cả các nhân vật trong game đều đã đồng ý với tuyên bố này. Họ đã trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt và mọi hành động được thực hiện đều có sự đồng ý của các bên. Ngay cả nếu bạn là đồ vô nhân tính và cho rằng nhân vật ảo trong game không có quyền con người, làm ơn đừng bỏ qua điều này. Chúng tôi cũng rất cảm ơn những người tốt bụng đã tin rằng khi nhân vật trong game kêu cứu, họ thực sự cần được cứu giúp. Tuy nhiên hãy nhớ rằng đó chỉ là kịch bản và họ không nói thật lòng. Chúng tôi xin lỗi vì các diễn viên của mình đã giỏi đến mức làm bạn nghĩ điều này đang thực sự xảy ra!”
Trong những bài viết về **p*lay, các trang tin và đài truyền hình nói cứ như thể **p*lay nói riêng và game 18+ Nhật Bản nói chung là thủ phạm gây ra tội ác, nhưng có một điều rất buồn cười là nếu bạn đọc số liệu của Liên Hiệp Quốc thì sẽ nhận ra rằng vào năm 2009, trung bình 100.000 người Nhật mới có 1,1 vụ trong khi tỉ lệ này ở Mỹ và Úc là 29 vụ, Anh là 17 vụ,… Tóm lại, tỉ lệ tội phạm này ở Nhật thấp hơn rất nhiều và nằm ở cuối bảng xếp hạng.
Mà thật ra nếu bạn xem xét rộng hơn, các sản phẩm mô tả “chuyện người lớn” ở Nhật dù hợp pháp nhưng thường bị kiểm duyệt gắt gao hơn hẳn. Tại Mỹ, những bộ phim mô tả điều xảy ra trong **p*lay là hoàn toàn hợp pháp và chẳng cần bị bôi bớt “chỗ ấy,” nhưng ai đã từng xem qua các phần mềm Japanese Anti Virus đều biết rằng chúng bị bôi xóa nhiều đến mức nào.
Cũng ăn theo scandal về **p*lay, hồi năm 2010 chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật dự tính đặt ra một điều luật mới trong đó cấm tiệt mọi hình ảnh “hơi khêu gợi” của các nhân vật 18 tuổi và nhỏ hơn trong mọi thể loại manga, còn chuyện định nghĩa như thế nào là hơi khêu gợi thì bàn sau.
May mắn là điều luật này đã không được thông qua khi một loạt họa sĩ nổi tiếng nhất của nền công nghiệp manga Nhật đứng dậy phản đối điều này. Có thể kể đến Go Nagai – người khai sinh thể loại Super Robot, Tetsuya Chiba – tác giả bộ Teppei đang phát hành tại Việt Nam, Machiko Satonaka – tác giả của gần 500 bộ truyện khác nhau. Cuối cùng, đạo luật này vẫn ra đời vào năm 2011 với một số chỉnh sửa và ảnh hưởng đến việc phát hành của một số bộ truyện hoặc game về sau.
Và một điều “tréo cẳng ngỗng” khác là trong luật pháp, tội ác được mô tả trong **p*lay nhẹ hơn so với tội giết người, nhưng những hình ảnh giết chóc vẫn đầy rẫy trong game và có hàng chục ngàn trò chơi cho phép bạn làm điều này.
Mọt không viết câu này ra để dùng một cái sai để bào chữa cho cái sai khác (dù chúng ta biết thừa rằng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa bạo lực và tội ác trong game với bạo lực và tội ác ngoài đời), mà chỉ để chỉ ra sự “té nước theo mưa” của các tổ chức và cá nhân trong vụ việc này.
Sau vài năm “nằm im” chờ phong ba mà **p*lay khuấy động qua đi, các hãng game Nhật có vẻ như đã quên điều xảy ra hồi năm 2009. Theo kết quả Google của Mọt tui, Illusion đã làm một tựa game khác với đề tài khá giống **p*lay vào khoảng 3 năm trước đây, trong khi các studio khác mở cửa website của mình trở lại như Yuzusoft, Visual Arts,...
Đặc biệt, Illusion thậm chí còn bán vài tựa game của mình ra thị trường nước ngoài nhờ vào Steam và Fakku. Tóm lại, người ta đã quên chuyện của thập kỷ trước, các studio Nhật vẫn cứ làm game như bình thường, **p*lay và những tựa game tương tự vẫn nằm trên internet, tất cả đều hệt như xưa!