Phụ Lục
12 tháng gần đây là một quãng thời gian đầy biến động với các studio làm game. Với việc Telltale phá sản, đã có đúng 10 studio đóng cửa trong vòng một năm qua, và khiến nghề làm game trông có vẻ hết sức bấp bênh. Thật vậy - rất nhiều người làm ra những tựa game mà chúng ta yêu thích thình lình bị sa thải, phải làm việc trong điều kiện tệ hại 70-80 giờ mỗi tuần, và không có một công đoàn nào để bảo vệ họ.
Trong bài viết này, Mọt game xin điểm lại những studio đóng cửa chỉ trong vòng 12 tháng vừa qua, và số lượng người bị ảnh hưởng vì những biến động đó.
Là tác giả của Battlefield Hardline, Dead Space và một tựa game Star Wars bị hủy bỏ không cứu được Visceral khỏi bàn tay đao phủ của EA. Studio này chính thức đóng cửa vào ngày 17/10/2017. 80 người mất việc khi studio đóng cửa, trong khi EA nói rằng tựa game Star Wars họ đang phát triển sẽ được chuyển sang cho một studio khác và được “tái chế” để thành một game online. Một phần lý do của hai quyết định đóng cửa Visceral và chỉnh sửa tựa game Star Wars do họ đang phát triển là vì EA cho rằng “game chơi đơn, tuyến tính đã chết.”
Ngành công nghiệp game tỏ ra không đồng ý với điều này, khi chỉ vài tuần sau đó, Legend of Zelda: Breath of the Wild – một tựa game chơi đơn thuần túy – giành lấy vài chục giải Game of the Year. Như một cú tát vào mặt EA, nhỉ?
Studio này có thể “lạ hoắc” với game thủ Việt, và tựa game họ làm ra cũng thật sự lạ lẫm. Sản phẩm của họ là Gigantic, một tựa game MOBA góc nhìn người thứ ba được phát triển nhờ sự giúp đỡ của Perfect World. Khi trò chơi không nhận được sự chú ý mà game thủ mong chờ, ông chủ từ Trung Quốc đóng cửa Motiga. 75 người mất việc khi studio đóng cửa vào ngày 3/11/2017, trong khi một vài người được giữ lại để vận hành Gigantic cho đến khi trò chơi chính thức ngừng hoạt động vào ngày 31/7 vừa qua.
Cũng thuộc về Perfect World, Runic Games – cha đẻ của series Torchlight và Hob bị đóng cửa cùng ngày với Motiga. Studio này bị Perfect World mua lại vào năm 2010, và trải qua một thời gian ngắn “mặn nồng” với ông chủ mới. Perfect World cho biết “chúng tôi đóng cửa văn phòng Seattle của Runic Games như một phần của chiến lược tập trung vào game online như một dịch vụ.”
Cha đẻ của tựa game Marvel Heroes bị dẹp tiệm vào ngày 24/11/2017, trong khi trò chơi do họ phát triển dự kiến sẽ hoạt động đến hết năm 2017. Tuy nhiên chỉ 4 ngày sau đó, Marvel Heroes bị “cắt điện” sớm hơn rất nhiều so với dự kiến. Lý do của điều này là bởi Marvel cảm thấy trò chơi không thành công như mong đợi của mình, và quyết định ngừng hợp tác với Gazillion.
Studio có cái tên dài như xe lửa này được thành lập bởi David Jaffe, một người từng góp sức vào sự thành công của series God of War. Trước khi đóng cửa vào ngày 28/2/2018, studio chỉ có hai tựa game là Drawn to Death được phát hành trên PS4 nhưng không được hoan nghênh, cùng một tựa game chưa được công bố đã bị hủy bỏ. Việc chẳng mấy ai biết về việc studio đóng cửa có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng tựa game duy nhất của studio này.
Sau khi rời khỏi Epic Games, cựu giám đốc sáng tạo Cliff Bleszinski thành lập Boss Key Production. Sản phẩm đầu tay của studio này là một game bắn súng có tên LawBreakers, nhưng nó không thật sự thành công và vì thế họ nhanh chóng bám theo xu thế Battle Royale bằng tựa game Radical Heights. Tựa game đã từng được Mọt tui đánh giá, với số điểm... khá là thấp.
Tuy nhiên điều này là quá trễ, theo nhận định của nhà sáng lập. “LawBreakers là một tựa game hay nhưng không may là không nhận được sự chú ý, và trong nỗ lực cuối cùng, chúng tôi gom góp lại để làm Radical Heights - một tựa game Battle Royale theo cách của mình. Trò chơi được chào đón nồng nhiệt, nhưng đã quá trễ.”
Sau khi studio đóng cửa vào ngày 14/5/2018, Cliff Bleszinski nói rằng mình sẽ trở lại làm game vào một ngày nào đó, nhưng hiện tại ông muốn dành thời gian nghỉ ngơi và suy ngẫm. Việc Boss Key ngừng hoạt động ảnh hưởng đến khoảng 60 người.
Sau khi được Wargaming mua lại vào năm 2013, Gas Powered Games đổi tên thành Wargaming Seattle trong khi nhà sáng lập Chris Taylor rời đi vào năm 2016. Là cái tên gắn liền với những tựa game ăn khách như Supreme Commander, Dungeon Siege; studio này được giao thực hiện một tựa MMORPG không được công bố cho Wargaming. Vì thế, việc studio bị công bố đóng cửa vào ngày 23/5/2018 trong một cuộc họp có sự hiện diện của Victor Kislyi, tổng giám đốc Wargaming là một điều bất ngờ với tất cả mọi người và khiến người ta đặt ra nghi vấn về tình trạng tài chính của công ty mẹ Wargaming.
Trong thông báo của Wargaming, họ chỉ nói rằng việc studio đóng cửa là một phần trong chiến dịch tái cấu trúc. Tuy nhiên toàn bộ 150 nhân viên bị mất việc đều được đền bù và hỗ trợ tìm kiếm vị trí mới trong nội bộ Wargaming.
Vào đầu tháng 9 vừa qua, Carbine Studios – tác giả tựa MMORPG đầy tham vọng Wildstar ngày nào – công bố đóng cửa. Công ty mẹ của Carbine là NCSoft nói rằng những game thủ đã chi tiền vào Wildstar kể từ ngày 1/7/2018 trở lại đây sẽ được trả lại tiền, trong khi các nhân viên Carbine sẽ được chuyển sang các vị trí khác trong nội bộ NCSoft.
Wildstar là một tựa game hấp dẫn, nhưng thất bại của nó có lẽ nằm ở chỗ cố gắng cạnh tranh với World of Warcraft, và sử dụng mô hình thu phí tháng. Trò chơi buộc phải chuyển sang free to play chưa đầy một năm sau ngày phát hành, rồi sau đó lên Steam để cố gắng kiếm thêm game thủ. Tuy nhiên, ở thời điểm cao nhất, Wildstar chỉ có 5.000 người chơi trên Steam và con số này nhanh chóng rơi xuống thảm hại: kể từ tháng 10/2017, số người chơi Wildstar trên Steam chưa từng vượt trên 200.
Wildstar sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 28/11 tới.
Bị đóng cửa vào ngày 18/9/2018 (chỉ vài ngày trước Telltale), Capcom Vancouver là studio đã tạo ra thương hiệu zombie ăn khách Dead Rising. Trong thông báo chính thức của studio, họ nói rằng “sau quá trình đánh giá các tựa game đang được phát triển ở Capcom Vancouver, Capcom (công ty mẹ) đã quyết định hủy các dự án đang phát triển và tập trung vào việc làm game ở Nhật. Một đội ngũ nhỏ sẽ được giữ lại cho đến tháng 1/2019 để hoàn tất việc đóng cửa studio.”
Dead Rising 4 được tung ra vào năm 2016 là một tựa game khá thành công, nhưng sản phẩm gần đây nhất của hãng là tựa game mobile Puzzle Fighter lại bị chê bai khá nhiều. Điều này khiến studio phải sa thải khoảng 50 người vào tháng 2/2018, sau đó gỡ luôn Puzzle Fighter khỏi các cửa hàng vào ngày 1/7 và đóng cửa trò chơi vào ngày 31/7 vừa qua, cùng lúc với Gigantic.
Hiện tại, chưa rõ số phận dòng game Dead Rising sẽ ra sao sau khi có tin đồn một phiên bản mới đang được phát triển hồi giữa năm 2017. Sau khi studio đóng cửa, có 158 người đã mất việc làm.
Chúng ta đã biết về bi kịch của 275 nhân viên Telltale khi studio đóng cửa và công bố phá sản vào ngày 21/9/2018. Hiện tại, tình trạng của studio này là một đống hỗn loạn: dù phá sản và không thể đền bù cho các nhân viên mất việc, họ vẫn giữ 25 người để làm Minecraft Story Mode cho Netflix. Vì vậy, một cựu nhân viên của studio đã nộp đơn kiện với hi vọng nhận được khoản tiền đền bù mình xứng đáng có được.
Chưa hết, The Walking Dead: The Final Season cũng còn “nợ” game thủ 2 chương, và họ đã tạm gỡ trò chơi khỏi các cửa hàng để tìm kiếm người giúp đỡ phát triển 2 chương cuối cùng đó, nhưng chưa rõ họ sẽ chi trả cho người nhận “củ khoai” nóng phỏng tay này ra sao, và đền bù cho game thủ thế nào nếu không ai chịu hỗ trợ.
Ngoài 10 studio trên, còn có hàng loạt đợt sa thải lớn của các công ty trong ngành công nghiệp game như Big Fish Games, Harmonix, Hangar 13, Robot Entertainment, Volition, Twitch…
Điều may mắn với những người bị ảnh hưởng là dù họ không có công đoàn như các ngành sản xuất khác, các studio có lẽ đã trở nên kết dính với nhau hơn sau hàng loạt đợt sa thải và mất việc. Rất nhiều hãng sẵn lòng vươn tay hỗ trợ những người thất nghiệp tìm đến công việc mới. Gần đây nhất, một danh sách hơn 20 cựu binh Telltale bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi studio đóng cửa, kể về tình trạng của họ và chỉ ra cách để những người tốt bụng có thể tìm đến giúp đỡ đã được lan truyền trên mạng xã hội.
Có lẽ đó là chút ánh sáng cuối đường hầm.