Thế giới công nghệ đang phát triển không ngừng nghỉ mỗi ngày. Ngành công nghiệp game cũng đang đổi mới liên tục với tốc độ chóng mặt. Mới ngày nào, trò chơi điện tử chỉ là những hình ảnh 8-bit chạy từ trái sang phải của màn hình thì nay, video game đã được nâng tầm thành nghệ thuật.
Hình ảnh 3D, thiết kế nhân vật, môi trường của game ngày càng chân thực hơn; các trò chơi cũng được đầu tư cốt truyện không khác gì bộ phim điện ảnh; lưu trữ game cũng từ các hộp băng sang đĩa bluray rồi giờ là kỹ thuật số;... Nhưng trên hết, chúng ta đang thấy sự phát triển chóng mặt của của khái niệm stream game, hay còn gọi là phát trực tuyến.
Về cơ bản, hình thức này phát triển nhằm thay đổi toàn bộ cách chơi game truyền thống. Thay vì phải bỏ tiền ra mua đĩa hay download game, sau đó cài đặt rồi xem xét cấu hình máy tính so với từng trò chơi, Stream game cho phép game thủ có thể bỏ qua toàn bộ các bước đó và chơi được game luôn. Cách làm này khá giống với dịch vụ stream phim như Netflix hay Hulu.
Trên thực tế, phát game trực tuyến không phải là một ý tưởng quá mới mẻ. Trong quá khứ, rất nhiều hãng đã cố gắng thử với thiết bị của mình và ít nhiều đạt được mức độ thành công khác nhau như trên Wii U, PSP, PS Vita hay Nvidia Shield. Ở thời điểm hiện tại, Microsoft cùng Nintendo và Sony cũng đã phát triển được các dịch vụ phát game trực tuyến của riêng mình. Khi Google Stadia được công bố, toàn bộ cộng đồng đều đổ dồn sự chú ý và hi vọng đó chính là tương lai hoàn hảo nhất của dịch vụ stream game này. Tuy nhiên, có vẻ như mọi chuyện không hề dễ dàng dành cho Stadia.
Ban đầu, dự án này gặp rất nhiều tín hiệu tích cực. Như chúng ta biết nó đem lại một sự tiện lợi hơn hẳn trong trải nghiệm game. Google Stadia giúp nhiều người có thể chơi được nhiều game AAA khủng mà không cần phải bận tâm tới cấu hình phần cứng hay dung lượng ổ đĩa của máy mình.
Việc người dùng trả tiền để trải nghiệm stream game không giống như việc bỏ tiền ra mua và sở hữu một trò chơi. Khi bạn mua tức là bạn đã sở hữu gần như hoàn toàn trò chơi đó. Ngay cả với các game digital, miễn là bạn đã trả tiền ra mua thì nó vẫn sẽ luôn nằm trong thư viện, không ai có quyền động vào nó. Với nhiều tựa game sau khi mua, người chơi còn có thể trải nghiệm ngay khi không có kết nối internet.
Nhưng Google Stadia thì khác, về lý thuyết dịch vụ này có thể lấy một trò chơi từ bất cứ máy chủ và vị trí nào, bất cứ lý do gì. Mặc dù bạn đã trả tiền để sử dụng dịch vụ nhưng lại không phải sở hữu nó, mà chỉ là bỏ tiền ra thuê mà thôi. Và bạn đang nghĩ rằng nếu thuê thì mức giá sẽ rẻ hơn đúng không? Rất tiếc là Google không thích làm như vậy.
Điều tôi thấy thực sự băn khoăn là về mức giá của Stadia. Bởi đây có lẽ chính là nguyên nhân khởi đầu cho các rắc rối xoay quanh dịch vụ này. Chúng ta đều biết Gói phổ thông của Google Stadia không tính phí hàng tháng, nhưng bạn vẫn sẽ phải mua game với giá bán lẻ mặc dù không thực sự sở hữu chúng. Dịch vụ ở gói cơ bản sẽ cho người chơi trải nghiệm độ phân giải 1080p và âm thanh Stereo. Nâng cao hơn một chút với gói Stadia Pro, nếu chịu bỏ thêm 10 USD hàng tháng bên cạnh tiền mua game, bạn sẽ được trải nghiệm độ phân giải 4K cùng hệ thống âm thanh vòm 5.1. Ngoài ra, cũng giống như PlayStation Plus, gói Pro cũng sẽ cho người chơi trải nghiệm miễn phí một tựa game có trong bộ sưu tập, nhưng vẫn không hoàn toàn sở hữu nó.
Nhìn chung, với Google Stadia, dù bạn đã bỏ tiền ra mua game với giá bán lẻ nhưng thực chất, bạn chỉ có quyền truy cập nó chứ không phải là sở hữu nó hoàn toàn. Điều này khiến mọi thứ trở nên khó hiểu một cách không cần thiết với những người chơi bình thường, đang muốn tìm một phương pháp chơi game không rắc rối nhất.
Một điều khá thú vị về Google Stadia là nó có thể được trải nghiệm trên TV, máy tính hay thậm chí cả một số smartphone chạy được dịch vụ này, miễn là có đường truyền internet ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, Google Stadia gặp phải vấn đề khá rắc rối: đó là hiệu suất hoạt động không thể nhất quán. Thật không may là không phải quốc gia nào trên thế giới này cũng sở hữu đường truyền internet lý tưởng để chạy dịch vụ. Đây không phải lỗi của Stadia mà là tình trạng chung chưa thể được giải quyết của tất cả các dịch vụ stream game.
Thậm chí ở buổi chạy thử nghiệm, tốc độ mạng đã khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Destiny 2 còn không thể đạt được độ phân giải 4K như quảng cáo, dù tốc độ mạng ở buổi ra mắt đạt tiêu chuẩn. Đó còn chưa kể tới việc có lúc Stadia phản hồi lại thao tác của người dùng rất chậm, luôn xảy ra độ trễ gây khó chịu. Google nói rằng họ chưa bao giờ gặp các vấn đề đó trong những lần thử nghiệm nội bộ, nên sẽ không thừa nhận đó là những vấn đề thực sự.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói rằng Google Stadia đã chết. Tuy nhiên, tôi có thể chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ được như kỳ vọng của cộng đồng game thủ. Thậm chí Stadia còn có thể đem lại nhiều thất vọng hơn là niềm vui. Nhưng tôi vẫn tin rằng trong tương lai, chúng ta có thể hi vọng vào dịch vụ chơi game này. Tốc độ internet là điểm yếu nhất của nó thì đang được khắc phục theo từng ngày. Thư viện game ít ỏi cũng đang được Google bổ sung thêm với số lượng nhiều hơn hẳn.
Tôi nghĩ sự kiên nhẫn chính là chìa khóa ở đây. Google đã hứa sẽ triển khai hỗ trợ cho nhiều thiết bị hơn trong tương lai, nâng cấp hệ thống gói miễn phí và sẽ dần loại bỏ những điểm hạn chế đang tồn tại của Stadia. Tôi rất mong sẽ được sớm nhìn thấy nó hoàn thiện. Có thể Google Stadia không dành cho tất cả mọi người, nhưng một ngày nào đó, nó sẽ có đủ khả năng để khẳng định vị trí riêng của mình, và cạnh tranh sòng phẳng trong ngành công nghiệp game.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]