Là một người từng chơi qua 2 siêu phẩm góc nhìn top-down (nhìn trực tiếp từ trên xuống) là GTA II và Counter Strike 2D, tôi cảm thấy có chút hứng thú khi nhìn thấy Glitchpunk. Đây là một game 3D góc nhìn từ trên xuống được sản xuất bởi Dark Lord và phát hành bởi Daedalic Entertainment.
Thế giới bên trong Glitchpunk là một bối cảnh tương lai được xây dựng theo phong cách cyberpunk. Cyberpunk ở đây nói về phong cách thiết kế game kiểu tương lai với máy móc, đèn neon và không khí tối tăm, không phải nói về game Cyberpunk nhé. Người chơi sẽ vào vai một sát thủ đánh thuê được đưa vào thành phố New Baltia. Đây là một thành phố phức tạp đầy tội lỗi, nơi người ta có thể giết nhau vì đủ lý do và tỷ lệ sử dụng ma túy xấp xỉ 50% dân số.
Nhân vật chính sẽ được khuyên giấu vũ khí phòng thân, luôn luôn đề phòng và giết trước hỏi sau. Bên cạnh cảnh sát thì các thế lực băng đảng trong thành phố hoạt động rất mạnh. Bọn chúng có lý tưởng riêng như tội phạm, tôn giáo, nhóm lợi ích chủng tộc và có đội quân riêng sẵn sàng thanh toán bất cứ ai phạm đến chúng.
Glitchpunk được xây dựng hệ thống hoạt động tương tự như các tựa game phong cách sandbox tội phạm. Người chơi sẽ đảm nhiệm vai trò một tay đánh thuê nhận lệnh từ các phe nhóm từ buôn ma túy đến thanh toán, phá hoại đối thủ. Một đặc trưng không thể thiếu của thể loại game này cũng xuất hiện, đó là quậy phá tự do kèm theo hệ thống truy nã, thoát tội.
Glitchpunk có một lý giải rõ ràng hơn một chút cho hệ thống này. Đó là nếu đang làm nhiệm vụ cho phe nhóm nào mà bị cảnh sát đuổi bắt thì khi chạy về trả nhiệm vụ sẽ được xóa tội do phe nhóm thuê làm sẽ dùng quyền lực dàn xếp với cảnh sát. Còn nếu đang quậy tự do bị truy đuổi thì chỉ cần trốn vào một chỗ vắng hoặc trốn về nhà chờ qua thời gian truy lùng, cũng có thể dùng các tiệm sơn xe để thay đổi ngoại hình chiếc xe cắt đuôi cảnh sát.
Tất nhiên một tay giang hồ đi quậy thì không thể tay không rồi. Glitchpunk cung cấp một hệ thống bán hàng khá dày đặc khắp thành phố. Súng sẽ được bán từ các máy bán hàng tự động dễ dàng tiếp cận, các túi cấp cứu và thức ăn cũng vậy. Hạn chế của các máy này so với cửa tiệm truyền thống ở các game khác là mỗi máy chỉ bán 1 loại, muốn loại khác phải đi tìm máy tương ứng.
Như vậy thì Glitchpunk có khác gì GTA? Câu trả lời là nó có những tính năng riêng dành cho thế giới cyberpunk, đó là các cấy ghép. Ngoài súng và túi máu thì nhân vật có thể trang bị các chi tiết cấy ghép giúp tăng các kỹ năng hack cũng như tăng chỉ số nội tại. Vì đây là thế giới tương lai nơi người máy android và con người có cấy bộ phận máy móc cùng sinh sống nên hack là một kỹ năng, không phải bug.
Người chơi sẽ dùng một thanh năng lượng riêng gọi là Focus để thực hiện hack những người xung quanh. Các công dụng sẽ tùy vào thiết bị hack mà bạn trang bị lên nhân vật. Bạn có thể dễ dàng hack một người đi đường bằng “KillFrenzy” làm người đó nổi điên lên và tấn công bất cứ thứ gì ở gần để tạo hỗn loạn giúp mình trốn thoát.
Ngoài thành phố New Baltia được xây dựng như một thành phố tội lỗi thì game còn cung cấp 3 thành phố khác sẽ mở dần sau thành phố khởi đầu. Nó lần lượt là Moskow, Neo Tokyo và Outpost Texas. Mỗi thành phố sẽ có một số lượng nhiệm vụ để hoàn thành và tính bằng % hoàn thiện cho thành phố đó.
Mặc dù thiết kế tốt là vậy nhưng trải nghiệm thực tế khi bước vào cuộc đánh đấm thì quả là đời không như mơ lắm. Bắn súng ở góc nhìn 2D top down sẽ khá là lúng túng đối với người mới làm quen, thường là do nghịch phím xoay hướng và cách ngắm bắn bằng chuột. Nhưng nếu tập trung làm quen bạn sẽ dễ dàng thích nghi không quá khó.
Cái khó chịu nằm ở điều khiển xe và góc nhìn. Vì là thiết kế tương lai nên xe trong Glitchpunk hầu hết đều chạy bằng từ trường lơ lửng thay vì bánh xe. Chính vì vậy nó phải thiết kế cho cảm giác “lơ lửng” trên mặt đất kèm theo sự… trơn trượt trong điều khiển. Xe phóng và tăng tốc rất nhanh nhưng bù lại đánh lái rất dễ bị trượt và chuyện tai nạn tông va ngoài ý muốn là không tránh khỏi. Rắc rối nhất là lỡ tay tông vào xe cảnh sát chỉ vì qua ngã rẽ hơi nhanh một tí hay đụng phải một thành viên trong băng mà mình đang chơi thân, mọi thứ sẽ đảo ngược rất nhanh.
Cái cực kỳ khó chịu là va chạm với xe rất nhạy, bạn chỉ cần lướt nhẹ vào ai đó là họ sẽ lăn đùng ra và sau đó thì sẽ đuổi cùng giết tận không buông. Ngược lại, nếu bạn chạy dưới lòng đường, xe sẽ cán bạn thẳng tay mà không chần chừ, nếu là xe đang chạy nhanh nó cán những 2 lần mất rất nhiều HP.
Góc nhìn top down nhưng không kèm thiết kế “làm trong” phần bị che nên người chơi sẽ gặp nhiều rắc rối khi đi qua các đoạn khuất camera. Vật thể bên trên che mất nhân vật khiến bạn không biết mình đang xoay hướng nào, nhất là khi lái xe vào gara. Bạn hoàn toàn bị mù không biết chiếc xe đang quay về hướng nào nếu lỡ đánh lái sai một tí và bị kẹt. Góc nhìn này cũng khiến rất nhiều chỗ khuất bị hiểu nhầm, bạn không thể biết lối rẽ đó đi vào cửa hầm hay đơn giản là tông thẳng vào tường cho đến khi bạn… thực sự tông vào đó.
Tóm lại, Glitchpunk là một sản phẩm được thiết kế khá tốt với một thế giới dạng tương lai máy móc bao quanh một xã hội u ám do băng đảng tội phạm và sự suy đồi của nhân tính. Nó sẽ khá là khó với người mới nhưng nếu bạn thực sự thích phong cách game này thì việc “tryhard” một chút có khi lại tăng thêm sự thú vị. Đặc biệt nếu bạn là kiểu người thực sự thích thử thách. Nếu nhà sản xuất thêm phần làm trong những vật thể che khuất khi nhân vật đi qua các góc chết camera thì game sẽ còn tốt hơn nữa.