Mọt tui sinh ra trong thời kỳ những năm đầu 80 của thế kỷ 20, tính đến bây giờ cũng gần 40 cái xuân xanh rồi. Thời điểm mà Mọt tui bắt đầu đi học cũng là thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với những thay đổi tích cực. Một trong số đó chính là hiện tượng là người người học tiếng Anh, nhà nhà cho con học tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà ngày xưa lắc vẫn được mặc định là không dành cho bình dân đại chúng.
Nói về sự học tiếng Anh của Mọt tui thì cũng năm bảy đường lận đận, tui học văn cũng ổn mà kèn sáo cũng hay mỗi tội tiếng Anh nó biết tui mà tui không biết nó, vỡ lòng “I like apple” còn khá, bắt đầu nâng cao thì ù ù cạc rồi. Vận may run rủi, cứu tinh của môn tiếng Anh của tui một ngày bất chợt xuất hiện. Không râu tóc trắng phau, tiên phong đạo cốt như mấy cha già biến thái hay dụ mấy cô gái trẻ nuôi cá bống đem xuất khẩu. Cũng chẳng váy công chúa luộm thà luộm luộm rồi vung vẩy cây đũa để mang tới mấy món hàng kỳ diệu nhưng hạn sử dụng hơi ngắn. Cứu tinh của tui mang hình dáng vuông vắn, nho nhỏ xinh xinh trong lòng bàn tay, được dân chơi cầu ba cẳng thời đó trìu mến định danh với cái tên “dĩa mê-tư”.
Dĩa "mê tư" kèm tiếng quay dĩa "ù ù cạc cạc" có thể đang xuất hiện trong đầu bạn
Ai sinh trước đẻ sớm đọc tới đây chắc đều vỗ đùi khoái trá khi nhớ tới cái tên floppy disk 1.4mb nhỉ? Lúc đó dĩa mê-tư là thiết bị để phục vụ công việc vi tính văn phòng nhưng với một Mọt game chánh hiệu nó thuần túy là công cụ giúp cài vào máy những trò chơi yêu thích. Nhớ lại đâu đó khoảng năm 96 hay 97 của thế kỷ 20, sau một thời gian thảo mai với papa của tui thì cuối cùng cũng được papa duyệt cho mua cái máy 586. Cấu hình của thời đó là như sau:
Cái cấu hình này hồi xưa nếu card đồ họa lên 4MB thì nó được gọi là đỉnh của đỉnh tầm 20 năm trước rồi các bạn nhé, nên về mức độ vô đối của cái bộ này thì không cần phải bàn cãi nữa. Thời đó, cái máy PC là một cái gì đó nó hoàn toàn mới mẻ, để phổ cập kiến thức máy tính, Mọt tui đã được nhà tài trợ papa cho tu nghiệp một khóa học nửa năm để học mọi võ công căn bản từ MS – DOS, Windows 311, Windows 95 rồi tới Microsoft Word và Microsoft Excel 95. Sở dĩ kể quá trình học tập mòn mỏi cho các bạn là muốn nói rằng hồi xưa lúc còn bé thơ thì muốn chơi game cũng được nhưng phải tỏ ra thượng đẳng quý tộc bằng cách biết hết tất cả các chương trình cơ bản của Windows để thiên hạ thấy à thằng Mọt cũng biết dùng Word để gõ văn bản, soạn mấy cái giấy tờ cho công việc của gia đình chứ không phải cứ ngồi máy là auto chơi game đâu.
Nếu ai có theo dõi loạt bài viết này của tui thì sẽ biết là tui được học tiếng Anh từ bé (và nhà rất giàu), nhưng thực sự là học hoài nó không có vô, bước ngoặt của việc học tiếng Anh nó đến từ một cái game Phiêu lưu Point-and-click cổ điển “The Curse of the Monkey Island”. Vào cái thời trước đây, việc chia sẻ game nó khá là khó khăn (không như bây giờ chỉ cần lên internet tìm kiếm là có). Game nó được chia sẻ thông qua dĩa mềm 1.4 MB là chủ yếu. Chính vì vậy mà hồi xưa việc phát triển các chương trình nén siêu cấp nó giống như việc làm mấy cái ứng dụng start-up triệu đô vậy. Mình sẽ tính vầy cho các bạn dễ hiểu, 1 cái game như Monkey Island có dung lượng tầm 2 cái dĩa CD ROM (Tầm 600 – 800 MB thời đó), các anh tài crack game không biết dùng thủ thuật kỳ diệu nào, cắt hết tất cả các cut scene đi thì nó còn tầm 300 – 400MB và bằng cách gì đó có thể nén lại và nhét vào tầm 7 – 10 cái dĩa mềm 1.4 MB.
Vì vậy mà thời đó khi chơi game thường gặp 2 lỗi cơ bản xảy ra: Một là trong 7 đến 10 cái dĩa mềm khi cài vào máy thỉnh thoảng sẽ có một cái dĩa bị lỗi ghi, mà dính cái này thì phải chép lại những đĩa bị hỏng. Hai là chép vào được hết, nhưng các trình nén lại đôi khi nó gặp lỗi trời ơi đất hỡi gì đó, lúc giải nén ra nó lại không được hoàn thiện dẫn đến thiếu sót file, lỗi này thì phải nén và chép lại toàn bộ. Vào thời đó không có khái niệm ổ USB hay ổ cứng di động đâu, ổ đĩa mềm hoặc dĩa CD là lựa chọn duy nhất để chia sẻ file, nhưng ngặt nỗi 1 cái dĩa CD thì quá mắc và chép vào xong là không có xóa hay ghi gì nữa hết, trong khi dĩa CD có thể ghi chép nhiều lần (re-write) thì siêu đắt, đó là chưa kể đến việc đầu tư một cái đầu đọc dĩa CD cũng là một vấn đề khá nan giải với nhiều người.
Ban đầu khi tui tiếp cận với game “The Curse of the Monkey Island” cũng theo cách nói trên, chép game vào máy, cài đặt, nó cũng ra game, chơi được nhưng bị lỗi tùm lum và cơ bản là không thể hiểu được cái game này nó là cái gì vì các đoạn video cut scene bị cắt sạch chưa kể là voice và audio cũng bị cắt luôn. Tuy nhiên, về mặt hình ảnh của game này thì thuộc loại siêu dễ thương khi nó sử dụng hình ảnh 2D animation. Chính vì vậy mà Mọt tui quyết tâm phải mua được bộ 2 dĩa CD của game này. Sau một thời gian tích cóp tiền bạc, thì cuối cùng Mọt tui cũng mua được game ở cửa hàng bán game huyền thoại Thúy Vy Computer và trải nghiệm được trọn vẹn chất lượng của trò chơi. Nhưng đến lúc này khó khăn mới thật sự xuất hiện vì lượng text dày đặc của nó. Nếu ai là fan của các game phiêu lưu giải đố thì sẽ hiểu lượng thông tin của một game nó đồ sộ đến mức nào và hầu như tất tần tật các vật phẩm mà bạn nhặt được trong game đều có vai trò của nó cả chứ không phải để chơi. Mà đặc sản của series Monkey Island đó chính là các câu từ và thoại trong game nó hay theo vần, châm biếm và đôi khi hay dùng mấy thành ngữ mà chỉ có người bản xứ mới biết.
Tui nghĩ có lẽ series Monkey Island là một trong những series đầu tiên đưa ra khái niệm text-based combat, bạn vẫn đánh nhau, nhưng sát thương dựa trên lựa chọn các câu thoại của bạn, hiểu theo đúng nghĩa đen là đấu võ mồm. Trong phần “The Curse of the Monkey Island” có một đoạn thủy chiến buộc bạn phải đi đấu võ mồm, level up chính là bạn có 1 cơ số các câu đấu võ mồm để có thể bật lại đối thủ mà các câu này thì nhiều khi mình đọc cũng không hiểu luôn. Các bạn có thể xem clip dưới đẩy để hiểu mức độ hack não của nó.
Thời đó việc trao đổi thông tin của game cũng thực sự rất rất hạn chế, ngoài một vài cộng đồng intranet như Trí Tuệ Việt Nam ra thì hầu như cũng chẳng có diễn đàn nào về game cả (các diễn đàn như VENO hay Games for Viet xuất hiện 1-2 năm sau khi internet chính thức có mặt ở Việt Nam vào cuối năm 97 đầu năm 98). Việc tìm hướng dẫn của game như Mọt tui có nói ở một vài bài trước là rất hạn chế, 1 tháng ở Sài Gòn, bạn sẽ tìm mua được 1 quyển tổng hợp hướng dẫn và cheat code tại Thông Tấn Xã Việt Nam số 116 – 118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3. Giá của một quyển này khá là chát mà nhiều khi còn không có hướng dẫn game mình muốn chơi. Chính vì vậy mà cứ 1 quyển tổng hợp được anh em game thủ thời đó xem như bảo bối và phải thân lắm mới cho mượn photo ra chứ không phải ai cũng mượn được đâu.
Quay trở lại việc chơi game, thời điểm chơi game này là thời điểm mà Mọt tui tập trung cao độ vào việc học tập ngoại ngữ. Các bạn cứ thử nghĩ là việc chơi game nó giống như cuộc chiến vậy, bạn có thể mò bừa để hoàn thành, nhưng nếu vậy thì không hiểu các lựa chọn của mình tại sao mà nó đúng. Vì vậy mà để hiểu và chơi trọn vẹn game thì tui phải tra từng con chữ, đến nỗi mà ngồi chơi game phải có cuốn tự điển kế bên. Điều này vô tình làm cho các vị phụ huynh của Mọt có cái nhìn đỡ gay gắt hơn. Đầu tiên là thấy hình ảnh nó cũng tươi sáng và dễ thương, thứ hai là thấy thằng con mình suốt ngày cắm đầu vô vi tính rồi tra tự điển, thôi thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, cứ để yên cho nó chơi không có cấm đoán gì.
Và thế là sau 2 tháng luyện game thì vốn tiếng Anh của tui vượt trội hơn hẳn, ít nhất là tui học thêm được hơn 1.000 từ tiếng Anh mới, điều này là một trong những nền tảng để sau này tui chọn ngành nghề ngôn ngữ ở đại học. Sau game này, tui đâm ra mê mệt những dòng game phiêu lưu giải đố và luôn tìm kiếm để chơi. Tui có cơ hội được chơi siêu phẩm Broken Sword và cũng chịu khó cày hết toàn bộ các phiên bản của nó, sau đó là Indiana Jones, Dark Earth và một cơ số các game phiêu lưu khác. Cũng nhờ vốn tiếng Anh kha khá đó mà sau này khi chơi các game RPG tui cảm thấy nó hết sức bình thường như cân đường hộp sữa.
Tuổi thơ các bạn ấn tượng những game gì, hãy chia sẻ với Mọt tui nhé.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]