Đến với game thủ với mục đích đơn thuần chỉ là giải trí và xua tan những cảm xúc lo âu bực dọc mà họ phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày, thực tế game không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mà còn phát triển vượt trội trở thành một nghề có thể vừa giải trí vừa nuôi sống game thủ. Qua đó lối chơi, cảm xúc và giá trị nhân văn của những tựa game không mấy thay đổi so với ngày đầu nhưng dần dần việc đặt nặng tâm lý chơi game để kiếm tiền nuôi sống bản thân đang khiến game thủ có suy nghĩ sai lệch và hành động ngược lại với đam mê giải trí ban đầu. Hãy cùng Mọt Game tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi game thủ quá đặt nặng việc kim tiền và xem game như một công cụ kiếm sống nhé.
Ban đầu khi Esports còn chưa phát triển thì cộng đồng đã rộ lên nghề farmer (cày thuê). Doanh thu chủ yếu của những nông dân chuyên cần bán mặt màn hình, bán lưng tiệm net này chủ yếu đến từ những hợp đồng "nhờ vả" của người quen để cày cuốc nguyên liệu giúp bạn bè chế được món đồ cao cấp hoặc chuyên nghiệp hơn thì đứng ra nhận hợp đồng nguyên một món đồ khủng hoặc cày thuê cấp độ cho những game thủ thừa tiền nhưng bận rộn công việc. Đến khi Esports bùng nổ với những tựa game chiến thuật như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2... thì nghề cày thuê lại được biết đến nhiều hơn. Thậm chí đã từng có thời gian nghề cày thuê "ăn nên làm ra" và hấp dẫn đến mức những game thủ trẻ đầy tài năng của LMHT nghỉ thi đấu hàng loạt để đi theo tiếng gọi của đồng tiền.
Về cơ bản thì hành động cày thuê được hiểu đơn giản là bạn dùng tiền thuê một game thủ chơi tài khoản của bạn đạt được bậc xếp hạng mà bạn mong muốn. Nghe qua thì có vẻ đơn giản và không gây hại gì nhiều nhưng ở tựa game thu hút nhất là Liên Minh Huyền Thoại thì cày thuê để lại hậu quả nghiêm trọng khi gây ra tình trạng lệch trình nghiêm trọng, đồng thời khiến game thủ chân chính chơi game tìm niềm vui khó có thể có một trận thắng dễ dàng trong ngày. Bên cạnh đó việc nhờ cày thuê ồ ạt cũng để lại không ít hậu quả bảo mật cho game thủ khi họ trao quyền tự quyết tài khoản của mình cho những gã nông dân này và thậm chí một số trường hợp khổ chủ đã phải chia tay hoàn toàn tài khoản tâm huyết đồng thời ngậm ngùi nhìn ID tài khoản của mình trong một cửa hàng bán tài khoản Liên Minh Huyền Thoại đồng giá nào đó.
Bên cạnh tác hại của việc cày thuê và làn sóng chuyển qua cày thuê của game thủ chuyên nghiệp không có khả năng cạnh tranh để vươn lên top đầu, những game thủ chuyên nghiệp càng khó khăn hơn để sinh tồn và tự nuôi bản thân. Chính trong hoàn cảnh gian khó này khá nhiều game thủ nổi tiếng đã tự nguyện bán đi tôn nghiêm cũng như danh dự và lòng tự hào khi đại diện quốc gia thi đấu ở đấu trường quốc tế để đổi lại là món tiền khổng lồ từ những gã mafia thể thao.
Bán độ không phải chuyện lần đầu xuất hiện trong thể thao, nhất là với thể thao điện tử nhưng dưới con mắt cộng đồng đây chính là hành vi khá vô sỉ khi phụ hoàn toàn lòng tin của người hâm mộ để đổi lấy đồng tiền nuôi sống sự ích kỷ của bản thân. Có rất nhiều hình thức bán độ trong Esports như cá độ, giả vờ sơ hở hiến mạng để đội địch có được lợi thế hoặc bắn hụt liên tục khi thi đấu game bắn súng góc nhìn thứ nhất và game thủ theo dõi giải đấu cũng sẽ khó lòng nhận ra dưới góc nhìn khán giả theo dõi trận đấu. Thường thì những vụ scandal này chỉ lộ ra khi hai bên bất đồng chia chác quyền lợi hoặc sơ ý để lộ bằng chứng và đối với những game thủ bán độ có lẽ đam mê của họ cũng chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ chỉ có tòa án lương tâm và ánh mắt khinh bỉ dai dẳng từ cộng đồng mới có thể trừng phạt những game thủ sẵn sàng từ bỏ tôn nghiêm này mà thôi.
Bên cạnh những mặt trái khi thi đấu của game thủ chuyên nghiệp, đến cả những game thủ bình thường cũng dễ dàng trở thành nô lệ của đồng tiền và sẵn sàng bán mình để đổi lấy danh tiếng và tiền bạc trong giới streamer. Dễ thấy nhất là trường hợp một cậu bé mới tập tễnh stream nhưng thay vì tạo dựng tên tuổi từ từ, cậu bé ôm luôn tên của một streamer nổi tiếng khác và đặt thêm tên mình ở phía trước để dễ dàng dựa hơi và nổi ké cùng thần tượng. Thực tế trường hợp này không hề thiếu khi thu nhập mà những streamer nổi tiếng Việt Nam có thể kiếm được hàng tháng từ việc chơi game lên đến hơn 9 con số.
Một ví dụ điển hình là Thầy Giáo Ba, cùng với thành công khi tạo dựng thương hiệu sau khi tạm nghỉ sự nghiệp game thủ, ngay lập tức có ngay một loạt streamer đặt tên thầy giáo ăn theo nhằm tìm kiếm lợi ích, mà chết cái là mấy ông thầy rởm này còn không nằm trong team của Thầy Giáo Ba nữa chứ. Ngoài ra trường hợp ké danh tiếng kể trên, vẫn còn đó không ít những trò chơi không dùng não hoặc bán rẻ thân thể như vụ lộ hình ảnh nhạy cảm của một cô streamer nóng bỏng nào đó và cái kết của những trò chơi dại thường đến khá nhanh nhẹ thì khóa tài khoản sự nghiệp kết thúc nặng hơn nữa có thể trở thành meme được cả cộng đồng nhớ đến.
Ông bà ta thường có câu "Gieo nhân nào ắt gặp quả đó" khi bạn từ bỏ đam mê để chạy theo kim tiền từ việc cày thuê, đến một lúc nào đó không chỉ bị cả cộng đồng xa lánh mà thậm chí đến cả nhà phát hành cũng từ chối hỗ trợ và hợp tác. Với trường hợp bán độ hoặc những trò "mèo" để nổi tiếng bằng đường tắt đôi khi còn để lại hậu quả thê thảm hơn khi tiền đâu chưa thấy mà game thủ còn chả mặt mũi nào để nhìn lại đam mê. Đành rằng tiền bạc là yếu tố quan trọng để giúp game thủ tồn tại và nuôi dưỡng đam mê nhưng đôi khi game thủ cũng nên nhìn lại liệu bạn đang sống với đam mê hay đã đi lạc sang một lối khác với kim tiền.
Những lúc thế này Mọt đột nhiên nhớ lại lãnh chúa Shimura và những lời dạy của ông với Jin Sakai:"Truyền thống, lòng dũng cảm và danh dự chính là những thứ làm nên samurai" phải chăng game thủ chúng ta đang đi quá xa và bỏ quên quá nhiều niềm vui cũ trên con đường trở thành một game thủ chân chính. Câu trả lời mỗi người tự sẽ khác nhau nhưng mong rằng dù thay đổi ra sao game thủ cũng nên dành ra một phút để tự nhìn lại đam mê và bản thân sau những giờ phút căng thẳng của cuộc sống.