Khái niệm “vũ trụ game” giờ đây không phải cái gì đó quá xa lạ với game thủ, khi mà số lượng seri dài kỳ với số lượng đồ sộ hiện tại là quá nhiều, tuy vậy game Spin-off hay các “phần phụ” của chúng cũng chiếm một vai trò rất quan trọng, cả về mặt doanh thu lẫn góp phần quảng cáo thương hiệu.
Game Spin-off hay chúng ta có thể gọi theo một cách dễ hiểu hơn là các sản phẩm “phụ thêm”, mặc dù vẫn nằm trong vũ trụ của tựa game gốc, nhưng toàn bộ mọi thứ như lối chơi, nhân vật và cả cốt truyện đều được thay đổi hoàn toàn. Đặc điểm chung của game Spin-off là chúng không có chút gì liên quan tới phần gốc, có thể coi như một sản phẩm độc lập riêng biệt luôn cũng được.
Có bao giờ bạn đến với một trò chơi vì ảnh quảng cáo là cuộc chiến sống còn với lũ zombie như They Are Billions, nhưng khi vào game mới té ngửa vì nó giống game quản lý kinh tế hơn.
Điều dễ thấy nhất của một game Spin-off đó là sự khác biệt, khác với các thể loại remaster hay remake dù có sửa đổi tới đâu thì vẫn phải tuân thủ theo đúng những điểm chính mà phần game gốc truyền tải, trong khi đó Spin-off thì hoàn toàn không bị giới hạn này. Các game Spin-off có thể đi theo một thể loại khác hẳn với dàn nhân vật cùng lối chơi riêng của chúng, bạn chỉ có thể phân biệt được sự giống nhau thông qua tên hoặc hình ảnh của chúng mà thôi.
Thực ra các tựa game Spin-off đã xuất hiện rất sớm của ngành công nghiệp game, thí dụ như chúng ta có thể coi Mario cũng thuộc dạng như vậy, khi khởi đầu của anh chàng thợ sửa ống nước là từ tựa game Donkey Kong. Thậm chí ban đầu Mario còn chẳng hề có tên mà chỉ được gọi đơn giản là “Jumpman” mà thôi, nói theo một cách chính xác thì Mario chỉ là một phần “phụ” được tách ra từ Donkey Kong mà thôi. Các bạn có thể thấy sự khác biệt lớn thế nào giữa lối chơi của chúng và tới giờ thì Mario đã trở thành một thương hiệu khổng lồ, còn Donkey Kong tất nhiên cũng thành công nhưng không thể nào bằng được.
Một trường hợp khác na ná như vậy là giữa Simcity và The Sims, vốn ban đầu The Sims chỉ là một trong hàng chục phụ bản nằm trong vũ trụ “Sim” (quản lý ảo) mà thôi, nhưng rồi sức hút khủng khiếp của nó đã đủ biến The Sims thành một hiện tượng toàn cầu, vượt mặt cả phiên bản gốc mãi mãi về sau. Mọt Game còn có thể kể tên ra rất nhiều thứ khác như Portal, Final Fantasy Tactics, Hearthstone hay Persona... tất cả đều là các tựa game thành công vượt trội từ vũ trụ gốc của chính chúng.
Ở đây cần phải nói là việc tạo ra một tựa game Spin-off hoàn chỉnh cần rất nhiều công sức, vì chúng hoàn toàn là một sản phẩm độc lập mới, chứ không phải bạn đơn giản vác mấy cái model vào rồi bôi một chút là xong. Điều mà các nhà phát hành game hướng tới khi làm ra Spin-off, đó chính là kéo một lượng người chơi mới đến tiếp cận sản phẩm của họ, thứ sẽ vô cùng khó nếu chỉ xoay quanh phiên bản gốc (vì chúng quá đồ sộ rồi).
Lấy ví dụ như Hearthstone chẳng hạn, tất cả các quân bài của chúng đều được lấy ý tưởng từ các nhân vật và sự kiện trong thế giới Warcraft, nhưng với lối chơi khác hẳn. Tính tới thời điểm hiện tại Hearthstone đang là một trong những game thẻ bài hay nhất thế giới, với hàng chục triệu người chơi. Điều hay ho là hầu hết game thủ Hearthstone không biết và cũng chẳng cần biết về thế giới gốc của nó, đây là thứ mà các game Spin-off làm tốt nhất – sự lôi cuốn ngoài seri chính.
Một người chơi mới có thể sẽ không thể hiểu nổi cả vũ trụ rộng lớn của các seri huyền thoại, nhưng họ sẽ dễ dàng tiếp cận một phiên bản game Spin-off của chúng với lối chơi độc lập. Lấy ví dụ như loạt game Persona nằm trong seri Megaten (Shin Megami Tensei), trên thực tế vốn dĩ Persona đã là Spin-off của dòng Megaten nhưng cho đến tận trước phiên bản thứ 3 nó gần như hoàn toàn chìm nghỉm, mặc dù có lối chơi vô cùng chất lượng. Có nhiều lý do cho việc này trong đó bao gồm cả việc nó không phát hành phiên bản tiếng Anh, nhưng chủ yếu là do lối chơi quá tăm tối, thiên nhiều về tôn giáo, chính trị và cả triết lý nhân sinh.
Phải đến phiên bản 3 thì mọi thứ mới đổi khác, khi Persona 3 đổi hẳn 100% lối chơi, đưa yếu tố dating-sim vào và khiến mọi thứ dễ tiếp cận hơn. Việc này đã biến seri Persona thành công vượt trội, cho tới các phần 4 và 5 gần đây nó còn được cộng đồng đón nhận lớn hơn nữa. Game Spin-off chính là như vậy, chúng sử dụng vũ trụ gốc và phát triển làm sao để thật dễ hiểu, khiến cho bất kỳ game thủ mới nào cũng tiếp cận được.
Dragon Quest Builders 2 vừa ra mắt cũng tương tự, khi nó là một game xây dựng mô phỏng thế giới mở giống như Minecraft, hoàn toàn không có một chút gì phong cách nhập vai cổ điển cả. Nếu nhìn nhận một chút thì Dragon Quest Builders 2 thậm chí còn chẳng có chút dáng dấp gì của vũ trụ Dragon Quest – ngoại trừ tạo hình nhân vật, nhưng nó vẫn thành công rất lớn với việc bán được hơn 1 triệu bản trên toàn cầu (phần một).
Các game Spin-off khi đã phát triển thành công, chúng đủ sức tách riêng ra thành một vũ trụ riêng độc lập như Mario hay Persona, thậm chí bản thân các tựa game này còn có thể tự mình làm ra các “Spin-off” riêng cho chính mình để tự mở rộng thêm. Tất nhiên cũng phải nói số lượng chất xám cũng như nhân lực đổ vào để khiến một ý tưởng Spin-off thành công không phải nhỏ, nhưng lợi nhuận mà chúng đem lại hoàn toàn đủ để khiến các nhà phát hành game quan tâm.
Chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều những game Spin-off độc lập ra đời dựa trên những sườn gốc, chúng trở thành loại seri dài kỳ được mong đợi như Dead or Alive Xtreme hay Super Smash Bros. Gần đây với sự xuất hiện của thể loại "cờ nhân phẩm", thì chúng ta cũng thấy các ông lớn như Riot Games cùng Valve vào cuộc để thu hút người chơi, đó là lý do mà các bạn sẽ càng thấy nhiều hơn các game Spin-off trong tương lai.