Phụ Lục
Bên cạnh các thể loại NFT được mua bán hiện nay, có một xu hướng mới là crypto game ứng dụng NFT đang bùng nổ. Giá trị thị trường của các loại game NFT này đã là 13 tỷ USD (con số vào ngày 11 tháng 9 2021).
Cũng không có gì quá phức tạp. Game NFT cũng giống như các game mà anh em chơi, nhưng nó hoạt động trên blockchain. Có một cái khác đặc trưng nhất là những vật phẩm, nhân vật trong game là 1 NFT.
Khác với các thể loại pay-to-play mà anh em biết, thường phải tốn rất nhiều tiền để mua các loot box (mấy cái loot box này đang bị các nhà làm luật để ý, vì người chơi tốn quá nhiều tiền vào nó). Các game NFT hiện nay đánh trúng tâm lý của người chơi, ngoài việc chơi giải trí, người chơi còn có thể kiếm được tiền từ các loại vật phẩm, nhân vật trong game.
Do là game trên blockchain, nên anh em không cần phải đăng ký phức tạp như các thể loại game online khác. Tất cả những gì anh em cần là một chiếc "non-custodial wallet (ví tự quản lý)". Vậy là có thể chơi, không cần xin phép ai, không cần phải xác thực danh tính. Đa phần các game NFT hiện nay đều chơi trên trình duyệt web, nên chỉ cần cái máy tính hoặc điện thoại là có thể bắt đầu.
Như mình nói bên trên, các vật phẩm hay nhân vật trong game là một dạng NFT trên blockchain, nên nó cho phép anh em mua bán dễ dàng. Đa phần các game đều có một cái "chợ - marketplace" để đem vật phẩm hay nhân vật lên rao bán. Vậy là xong, anh em không cần thông qua bên thứ 3 nào để thực hiện giao dịch, cũng không cần phải online để bán. Cứ để nó lên sàn là bán được, khi người mua nhấn mua, thì tiền tự vào cái ví thôi.
Nghe có vẻ hơi ngộ ngộ phải không anh em. Để mình giải thích. Như mình là một đứa thích chơi game, mình là Nintendo fanboy chính hiệu (sau này mình sẽ "khoe" cho anh em bộ sưu tập "nho nhỏ" của mình), nhưng mình lại chơi game rất "ngu". Mình chơi game chủ yếu để giải trí, nên thường ít có đầu tư thời gian, đầu óc để chơi một cách có thể kiếm ra tiền như những người chơi E-sport. Vậy làm sao mình có thể kiếm tiền?
Đa phần các game NFT sẽ có một đến hai token như là một loại "currency" trong game (không khác gì các loại currency trong game khác mà anh em biết). Nhưng do làm game NFT, mình có thể mua các loại token của các game đó (chả cần ai cho phép nếu mình không chơi), nếu mình đánh giá game đó tốt. Mình mua token của nó, nó càng phát triển, càng nhiều người chơi, thì cái token của game nó càng có giá, vậy là mình cũng có thể kiếm tiền từ đó.
Nhiều anh em không chơi, không tìm hiểu, nên không biết game NFT nó cho phép anh em làm rất nhiều thứ hay ho. Anh em nhớ mình vừa nói mỗi game NFT nó có cái token trong game không. Ngoài việc mua để đó, mình có thể "stake" rồi từ đó mình nhận cái "rewards", vậy là mình không cần chơi game, chỉ cần tìm hiểu nó đàng hoàng là vẫn có thể kiếm được tiền.
Ngoài việc cái token trong game nó là một dạng "currency", đa phần các game NFT hiện nay nó còn cho phép người giữ cái token cái quyền "vote" để quyết định hướng đi của game sau này. Người chơi có quyền "đề nghị - propose" ra một vài thứ mà anh em nghĩ sẽ có lợi cho game và người chơi, để mọi người vote. Nếu được ủng hộ, nó sẽ được nhà phát triển ứng dụng vào.
Hai điều này là một trong những thứ hay ho mà những game online hiện tại không có.
Các game NFT chỉ mới bùng nổ trong năm 2021 thôi, còn mới dữ lắm anh em, so với thị trường game truyền thống, thì giá trị của thị trường game NFT còn rất nhỏ. Bây giờ, đã có hơn 160 game NFT rồi, miếng bánh này sẽ còn được mọi người dành nhau. Nhà phát triển (developers) sẽ đua nhau tạo ra game, nhiều cơ chế khác nhau để thu hút người chơi. Còn các "chợ" sẽ thu hút người chơi để họ đem vật phẩm, nhân vật NFT của họ lên sàn để bán rồi kiếm hoa hồng từ đó.
NFT nó rất rộng, không đơn giản là các vật phẩm hay nhân vật trong game, nó còn có thể là hình ảnh, video clip, nhạc, tên miền. Năm 2021 này đánh dấu sự phát triển ghê gớm của NFT khi nhiều thứ được bán với giá cả triệu hay cả chục triệu USD. Tại sao? Nó mới và đánh trúng tâm lý "thích sở hữu" của con người, và có nhiều thứ hay ho NFT có thể làm.
Nếu anh em không biết thì hội bóng rổ nhà nghề NBA của Mỹ đang bán các video clip dưới dạng NFT. Một cái video ai cũng có thể xem trên mạng dễ dàng. Mua chi trời? Những người mua này, như mình giải thích trong bài trước, họ mua cái "ownership". Ví dụ NBA họ làm một cái video ngắn dưới dạng NFT, khoảng 100 bản (thiệt ra là 100 cái token), họ để lên bán, vậy là mọi người nhảy vào dành mua do nó được bán bởi NBA. Nếu cái NFT đó qua tay những người nổi tiếng nó lại càng có giá. Những cái giá điên cuồng vậy đó.
Với xu hướng NFT hiện nay, có hai cách tiếp cận. Một là đứng ngoài nhìn, không mất tiền mà cũng không kiếm được tiền, cách mà nhiều người vẫn đang làm. Cách thứ hai, dĩ nhiên làm người sáng tạo nội dung rồi. Anh em KHÔNG NÊN nhảy vào mua mấy cái NFT này rồi mong bán lại kiếm lời rồi. Nếu anh em nào dư tiền, nhiều tiền không biết xài sao cho hết thì mua, chứ còn không mình nghĩ đừng nên mua.
Try to be a creator, not a consumer – Cố gắng là người sáng tạo nội dung, chứ không phải là người tiêu thụ nội dung.
Anh em nào giỏi đồ hoạ, có thể dung trí tưởng tượng của mình làm ra những tranh ảnh 2D, 3D rồi đăng lên bán. Như cậu bé Benyamin Ahmed này bán mấy cái NFT do mình tạo ra được hơn 400,000 USD, rồi gần đây hợp tác với Boring Bananas Co. để làm một collection khác và bán được khoảng 5 triệu USD trong vòng 3 tuần. Kinh khủng ghê không anh em.
Mình biết nhiều anh em vẫn còn nghĩ mấy cái NFT này là scam, rồi rửa tiền. Thật ra anh em để ý vào giá cả nhiều quá. Anh em nghĩ cậu bé Benyamin Ahmed này có nghĩ nhiều vậy không? Dĩ nhiên là không rồi. Cậu bé Benyamin Ahmed này chỉ nghĩ làm sao để làm ra NFT, làm sao để rao bán, nên làm cái NFT gì, và làm sao để nhận tiền, vậy thôi.
Mình thì hiểu biết mấy cái blockchain, NFT, mỗi tội ngơ đồ hoạ (mình không biết photoshop là gì luôn), cũng không có hoa tay. Nên sáng tạo mấy cái này mình thua. Nhưng mình biết nhiều anh em trên đây giỏi mấy cái này. Anh em cứ thử bỏ công sức ra đi, đâu có mất mát gì. Nếu bán được, không được thì cũng đâu có mất tiền gì. Nếu có mất tiền, thì chỉ mất phí giao dịch cho việc đưa các NFT lên blockchain thôi. Nên anh em nào có ý định rao bán sản phẩm của mình thì kiếm blockchain nào phí giao dịch rẻ.
Anh em nào biết làm game, hãy thử làm ra các game NFT xem sao. Mình biết rất nhiều anh em dev giỏi ở Việt Nam đã làm ra nhiều game NFT rồi. Mấy anh em này rất giỏi nhé anh em, không những giỏi làm game, họ còn giỏi tiếng Anh nữa. Nhiều game có những nhóm chat Telegram trên cả 10,000 người, và họ trả lời thắc mắc của người chơi bằng tiếng Anh. Rất giỏi.
Anh em thích làm app thì có thể làm ra vài cái ứng dụng hay ho mà thị trường đang thiếu. Ví dụ nhé. Mình thấy NFT hiện nay mua bán rất nhiều nhé. Nhưng mình chưa thấy có cái mạng xã hội nào để cho mọi người có thể khoe những cái này. Anh em nào làm app giỏi, có thể làm một cái ‘Instagram’ như vậy cho những người chơi NFT.
Theo quyết định số 2117/QD-TTg của chính phủ thì công nghệ blockchain được đưa vào lĩnh vực công nghệ số được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Anh em có thể kiến nghị để một số giấy tờ hành chính, ví dụ, giấy tờ nhà đất có thể là một dạng NFT, như bên Tomochain họ làm với các bằng cấp. Giấy tờ nhà đất dưới dạng NFT sẽ giúp cho việc kiểm tra quyền sở hữu rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn hơn. Nó cũng giúp cho việc giải bài toán mà mình nêu trong bài số 1 dễ dàng hơn.
Xu hướng NFT hiện nay theo mình sẽ còn tiếp tục phát triển. Nó mở ra nhiều cơ hội cho anh em giỏi lập trình, đồ hoạ có thể làm, có thể kiếm tiền. Anh em hãy cởi mở một tí, đừng để ý giá cả nhiều quá, tìm hiểu nó là cái gì, mình có thể làm được gì, thế giới cần cái gì, và thử dấn thân vào làm xem sao.
Nếu ý tưởng, sản phẩm của anh em tốt, blockchain nó là cánh cửa giúp đem những ý tưởng, sản phẩm đó ra thế giới dễ dàng vì ai trên thế giới cũng có thể nhảy vào để mua.
Ở Việt Nam nhiều nhóm đã làm rồi, anh em có quyền chọn đứng nhìn người ta thành công hay mình là một trong những người như vậy. Đừng quên theo dõi Mọt Game để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất về các game hot nhé!