Đời game thủ, bảo đảm ai cũng kinh qua hơn chục game không ít thì nhiều, từ thượng vàng hạ cám đều không thiếu thứ gì. Một vài kẻ tìm được chốn dừng chân với một vài tựa game ưa thích. Kẻ khác lại muốn trở thành một lãng khách, rày đây mai đó không phân rõ sở trường sở đoản gì. Dù mục đích có là khác nhau, nhưng đến tận bây giờ chúng ta vẫn có một câu hỏi vẫn mãi canh cánh trong lòng: game mới và game cũ, cái nào mới là tốt hơn?
Gừng càng già càng cay
Không phải cứ đồ họa thật đỉnh, thật ấn tượng hay được quảng bá rầm rộ thì mới "ghi điểm" trong mắt game thủ. Những tựa game tuy có cũ kỹ, lỗi thời, nhưng vẫn làm cho con người ta chết mê chết mệt khi chơi lại. Không phải vì nó đẹp, mà vì game nó quá hay, quá nhiều thứ kéo bạn trở lại với nó mỗi lần chơi. Có thể là do cơ chế hấp dẫn, có thể là do nhân vật gây ấn tượng hoặc cốt truyện sâu sắc đến không ngờ. Ai mà lại quên được cảnh Aerith ngã gục trước lưỡi kiếm của Sephiroth trong FFVII, hay các màn chơi nghẹt thở trong Mega Man, hay đơn giản hơn là những vòng đua đầy cam go trong Road Rash,... Không lung linh, không đẹp mắt, nhưng nó đủ sức làm bạn dành cả tiếng đồng hồ để say mê. Chứ đâu như bây giờ, game đẹp thì nhiều, nhưng đọng lại trong lòng thì có bao nhiêu. Nó làm cho giá trị chơi lại của tựa game trở nên đáng giá hơn rất nhiều. Khi hỏi một game thủ bình thường về game zombie nào hay nhất, chắc chắn câu trả lời bạn nhận được chính là Left 4 Dead, một tựa game đã tồn tại ngót 1 thập kỷ qua. Chả lẽ trong 10 năm nay chả có một game nào về Zombies ra hồn ra mắt? Không phải! Mà vì chính bản thân Left 4 Dead đã làm cho người ta nhớ mãi về nó rồi. Tới mãi bây giờ, vẫn rất nhiều game thủ mê mẩn, vẫn có hàng tá mod từ các modder được ra mắt dành cho tựa game này, thế mới thấy không phải cứ mới là tốt.
Một ưu điểm khác nữa của game cũ là có thể chơi ở bất kỳ đâu, không phụ thuộc vào tình trạng online hay yêu cầu quá cao cấp gì từ phần cứng. Đâu ai lại chơi CS:GO khi nhà mạng có vấn đề, PC văn phòng thì "yếu đuối" mà người ta hò hét vì mấy trận CS 1.6 hấp dẫn hơn nhiều. Lúc này, đồ họa không còn là một vấn đề quá to tát để chú ý nữa, mà là khoảng thời gian vui vẻ để tận hưởng trò chơi hết mình. Đó là thứ mà game mới hiện giờ có thể không thể vượt mặt được: một tựa game có thể chơi ở bất cứ tình huống nào và đủ hấp dẫn để bỏ qua những thứ còn lại.
Sóng sau xô sóng trước
Nếu ngày đó chúng ta chỉ dùng lửa mà thắp sáng chứ không để Edison chế tạo ra bóng đèn điện, liệu chúng ta có thể phát triển như ngày hôm nay. Và nếu như xưa chúng ta chỉ dựa vào sức người sức vật mà không dùng đến động cơ hơi nước, liệu rằng kinh tế hay đời sống con người có thể đạt những bước tiến vĩ đại thế này không? Tương tự thế, dù biết rằng game cũ có hay có tốt đến mức nào, chúng ta vẫn phải sống cho tương lai. Chắc gì game mới đã tệ hơn game cũ (trừ Fallout 76 ra).
Nhất là những tựa game nhiều phần hay những cái tên lớn trong thế giới game. Assassin's Creed 3 có là game hay nhất của cả dòng đi chăng nữa, thì người ta vẫn hứng thú khám phá thế giới Hy Lạp cổ đại trong Odyssey. Hay quen thuộc với một Kratos dũng mãnh vô song tới mức nào, thì ai lại có thể bỏ qua một Kratos đã làm cha, đã trầm tính và thấu đáo hơn. Game mới có thể sẽ không như bạn kỳ vọng, sẽ không cho bạn lại cái cảm giác bạn muốn như khi chơi các phần cũ hay chỉ đơn giản bạn là một kẻ hoài cổ, nhưng bạn cũng không thể phủ nhận phải có game mới thì tựa game đó mới thực sự là "sống". Hơn nữa, game mới có thể đem đến những thể loại mới, những trải nghiệm mới bởi chính công nghệ cũ kỹ của ngày xưa mà game thủ không thể trực tiếp cảm nhận được. Đó cũng là lý do cho Remake, như một cách hoàn thiện tựa game hoàn hảo hơn (và cũng dễ dàng rút ví game thủ hơn).
Không chỉ game offline, mà các tựa game online cũng phải trải qua quá trình đó, đặc biệt là những tựa game mang tính eSports. Những Dota2, CS:GO, Overwatch hay PUBG là minh chứng rõ ràng nhất. Đương nhiên là có những ngoại lệ như Đế Chế (AoE) khi bản cũ được đón nhận còn nhiều hơn bản mới, thì chính sự đi lên, phát triển và chấp nhận của game và chính bản thân game thủ đã tạo nên thành công cho tựa game đó. Đương nhiên ở đời có những lúc không như mình mong (StarCraft 2 không thành công như phiên bản trước) hay kết thúc không trọn vẹn (gần nhất là Heroes of the Storm vừa "chết" luôn mảng eSports) nhưng chính là phải có thăng có trầm thì ta mới thấy hết được thế giới game muôn màu và sôi động như thế nào.
Thật khó để có thể nói được rằng điều gì tốt hơn: Những giá trị xưa cũ hay sự mới mẻ của tương lai. Bản thân Mọt tui dù rất thích những dòng game cũ, nhưng cũng không thể phủ nhận được những tựa game mới chính là tương lai của thế giới game. Chỉ khi một tựa game mới ra mắt và được đón nhận, những nhà làm game mới có thể đủ động lực và kinh phí để tiếp tục mang đến những gì tốt nhất cho game thủ chúng ta đây. Hãy dành cho game cũ một vị trí thật trang trọng trong lòng bạn, nhưng đừng để nó ảnh hưởng tới trải nghiệm của chính bạn tới một tựa game mới. Vì suy cho cùng, game hay hay dở cũng do chính bạn cảm nhận mà thôi.