Phòng trường hợp các bạn không biết thì Gamescom 2019 sẽ diễn ra vào ngày 20/8, với thông tin mà các fan game kinh dị rất háo hức là khả năng cao Capcom sẽ giới thiệu một sản phẩm mới hoàn toàn – nhiều khả năng có thể là phần tiếp theo seri Resident Evil.
Thực sự thì điều này cũng không có gì là lạ, khi mà Resident Evil 2 Remake đã đại thành công tới vậy, nhưng có một tin đồn rằng phần mới của Resident Evil sẽ xuất hiện tại Gamescom 2019 khả năng sẽ đi theo lối chơi góc nhìn thứ nhất giống như Resident Evil 7. Với những game kinh dị nhắm tới đích đến cuối cùng là hù dọa cho người chơi sợ rơi tim ra ngoài, thì giữa góc nhìn thứ nhất hay thứ ba đâu mới là thứ tối ưu nhất?
Đầu tiên cần phải nói là trong số các game kinh dị xuất sắc đã ra mắt trên thị trường, thì chúng khá là cân bằng giữa việc lựa chọn góc nhìn thứ nhất hoặc thứ ba. Thí dụ như các seri Resident Evil, Dead Space hay The Evil Within... là đại diện cho góc nhìn thứ ba, còn góc nhìn thứ nhất cũng không hề kém cạnh với Outlast, Alien: Isolation hay Fear. Rất khó để nói giữa 2 phong cách này cái nào xuất sắc hơn, nhưng chúng ta có thể định hình một điều là góc nhìn thứ ba thường thiên về kiểu game kinh dị sinh tồn, còn góc nhìn thứ nhất thì chú trọng tới mặt hành động nhiều hơn.
Điểm khác biệt cơ bản mà tất cả mọi người đều thấy đó chính là góc nhìn giữa 2 kiểu chơi này, tuy cùng là game kinh dị nhưng góc nhìn thứ ba lại cho phép người chơi quan sát được cả phía sau lưng nhân vật, trong khi đó góc nhìn thứ nhất chỉ bó hẹp lại trong những thứ phía đằng trước. Chính việc này định hình lối chơi cho tất cả những tựa game kinh dị, đó là chúng sẽ hù dọa người chơi theo kiểu nào để tối đa hóa cái tầm nhìn mà họ đang quan sát thấy.
Nỗi sợ hãi luôn đến từ những thứ mà chúng ta không nhìn thấy được, bất kể đó có là quái vật hay một con ma không rõ hình dạng, chừng nào nó chưa xuất hiện thì lúc đó cảm giác hồi hộp vẫn luôn đè nặng lấy tâm lý game thủ. Không phải ngẫu nhiên mà các game kinh dị góc nhìn thứ ba rất thích lấy sử dụng bối cảnh trong những hành lang hẹp, vì với các góc khuất tầm nhìn, những điểm mù mà game cố tình tạo ra thì đó là lúc mà con quái vật thực sự xuất hiện.
Điểm hay của các game kinh dị góc nhìn thứ ba là người chơi có thể quan sát được phía sau lưng, điều này vô tình khiến tầm nhìn của chúng ta bị phân tán và luôn sợ sệt đối với bất kỳ thứ gì “có thể” xuất hiện trên màn hình. Một cái hành lang đen ngòm, một cánh cửa đóng kín hay cái trần nhà đầy khả nghi ngay trên đầu nhân vật... tất cả đều như đang ẩn chứa những mối nguy hiểm chết người.
Tầm nhìn rộng lúc này lại là vũ khí chống lại chính bạn, vì nó tạo ra cảm giác chúng ta đang bỏ lỡ thứ gì đó (do đôi mắt không tập trung sự chú ý vào được một điểm chính), dẫn đến tình trạng cứ phải dò dẫm từng bước. Hơn nữa ở góc nhìn thứ ba khi nhân vật chính luôn hiện diện trong tầm mắt người chơi, tạo ra cảm giác mình đang “điều khiển” bọn họ hơn là nhập vai hoàn toàn.
Góc nhìn thứ nhất thì khác, vì lúc này khả năng quan sát của người chơi bị hạn chế chỉ có thể thấy những thứ trước mặt. Không phải ngẫu nhiên mà các game dạng này rất thích kiểu hù dọa cận mặt (jumpscare), hãy thử tưởng tượng bạn đang tập trung giải một câu đố để mở cửa, khi mà mọi thứ vừa thành công và quay trở lại con đường cũ bỗng nhiên một thứ gì đó đột nhiên nhảy ra ngoài ngay lúc chúng ta không ngờ tới nhất... vỡ tim mà chết có lẽ vẫn còn nhẹ chán để mô tả cảm giác lúc đó.
Tất cả mọi thứ tại góc nhìn thứ nhất đều trực quan và cận cảnh hơn, lúc này người chơi chính là nhân vật chính để trực tiếp cảm nhận được không khí trong game. Nếu các hành lang và góc chết giống như vũ khí quan trọng của những game kinh dị góc nhìn thứ ba, thì “trốn tìm và sống sót” lại là thứ độc quyền mà chỉ góc nhìn thứ nhất mới có.
Outlast hay Alien: Isolation làm điều này cực tốt, nó tước đi khả năng chống cự của người chơi rồi đẩy họ vào tình cảnh buộc phải sinh tồn bằng việc chạy trốn. Khi mà bạn thấy cái chết đang lừng lững trong hình hài một con Alien chỉ cách mình vài bước chân, thì lúc đó đừng nói là sợ hãi mà ngay cả hít thở thôi cũng là một điều cực kỳ khó khăn rồi. Tầm nhìn bị bó buộc khiến toàn bộ giác quan của người chơi đều phải tập trung, cộng thêm mọi thứ đều ở sát gần làm cho việc sống sót trở nên vô cùng chân thật.
Đối với nhiều game thủ họ cho rằng góc nhìn thứ nhất mới thực sự là game kinh dị, vì chỉ lúc đó chúng ta mới thực sự nhập tâm vào game mà không quan tâm tới ngoại cảnh. Cái này thì chắc chắn là đúng 100%, vì kể cả trong Resident Evil khi bị một con Tyrant dí chạy sát nút, kiểu gì bạn cũng có thể quay tâm cầm ra phía sau để xem nó đang cách mình bao xa. Nhưng với góc nhìn thứ nhất thì khác, chúng ta chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy với những tiếng bước chân nện thình thịch phía sau, mà không thể biết được cái thứ khủng khiếp kia sắp tóm được con mồi hay chưa.
Nhưng bù lại góc nhìn thứ ba tạo nên một không khí ám ảnh và căng thẳng tuyệt đối, vì bạn phải căng mắt ra mà quan sát từng cái chấm nhỏ xung quanh mình. Hơn nữa như đã nói ở góc nhìn thứ ba bạn không thực sự “nhập vai” mà đang “điều khiển” nhân vật chính, nó làm mọi thứ càng đáng sợ hơn nhất là khi kẻ địch xồ ra ngoài mà chúng ta không biết làm sao để tiêu diệt nó (Dead Space).
Các game kinh dị luôn là nỗi sợ thường trực đối với tất cả game thủ suốt mọi thế hệ, dù là với góc nhìn thứ nhất hay góc nhìn thứ ba thì chúng đều tạo ra cảm giác như muốn làm con tim của bạn nhảy ra ngoài. Cá nhân Mọt Game thì vẫn thích góc nhìn thứ ba hơn, vì không khí nặng nề mà chúng ta ra cũng như các góc kẹt hù dọa kinh điển, vậy còn bạn thì sao nào?