Phụ Lục
Game bắn súng, một thể loại trò chơi cực kỳ nhạy cảm vì hầu như nó đều dính đến vấn đề bắn nhau và tính bạo lực trong một cuộc chiến. Trong bối cảnh thế giới văn minh hiện đại khó dung thứ cho hành động bắn giết thả ga, việc chọn một môi trường phù hợp để lý giải cho điều đó là cả một vấn đề. Dòng game Far Cry đặc biệt xử lý tốt vấn đề này và khiến nó trở thành một đặc trưng riêng.
Thế kỷ 21, con người sống trong hòa bình, hoặc phần lớn là vậy. Tuy nhiên vẫn có tiếng súng ở đâu đó, vẫn có đánh nhau xung đột ở một xứ xa xôi nào đó trong tận cùng thế giới. Đó chính là triết lý mà Far Cry đã tận dụng rất tốt trong các phiên bản được đánh giá cao nhất của mình.
Cách đặt bối cảnh này khởi xướng từ Far Cry 2 với một kiểu chọn bối cảnh “cơ bản của cơ bản” – Châu Phi. Lục địa đen này luôn nổi tiếng thế giới về những xung đột triền miên và những bất ổn về dân tộc, phe phái, quyền lực. Việc đặt người chơi vào 2 quốc gia châu Phi giấu tên giữa một cuộc chiến mà thế giới văn minh không muốn can thiệp, hai phe được tự do đấu đá nhau bằng mọi thứ có thể. Đứng trước một cuộc chiến như thế bạn hoàn toàn có lý do để cầm súng và chiến đấu, mục đích cuối cùng là để sống sót.
Bước sang phiên bản được đánh giá cao nhất của series - Far Cry 3, vấn đề được xử lý tinh tế hơn. Nó hoàn toàn gạt bỏ vấn đề chính trị và mô tả một cuộc chiến tự phát giữa một bộ tộc bản địa trên một quần đảo hoang vu ngoài khơi khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Vẫn là một hòn đảo vô danh và một bầu không khí vô pháp vô luật, người thổ dân phải cầm súng chống lại bọn cướp biển đang lợi dụng việc chẳng có ai ngăn cản chúng để bành trướng. Một lần nữa, vấn đề bắn giết được lý giải rất hợp lý, bạn phải sống sót và cứu bạn bè anh em của mình khỏi tay bọn cướp biển trong tình trạng không có một thế lực đại diện luật pháp nào bảo vệ.
Đến Far Cry 4, mặc dù vẫn được nhiều lời khen nhưng hầu hết đều đánh giá cảm giác không “phê” như phần 3. Bối cảnh cũng trở lại nặng tính chính trị hơn khi chọn một cuộc nội chiến tại một quốc gia giả tưởng ở chân núi Himalaya. Người chơi sẽ giúp phe nổi dậy lật đổ kẻ độc tài gian xảo có gốc ngoại quốc (Pagan Min người gốc Hong Kong) đang cai trị quốc gia. Cuộc chiến này, như lời nhắc nhở của đại sứ quán Mỹ ở đầu game, sẽ nằm ngoài sự can thiệp ngoại giao của nước Mỹ và có lẽ cũng là tất cả các nước bên ngoài. Nó cũng tạo ra một môi trường cô lập mà ở đó việc “động dao động kiếm” là tự do và vì sinh tồn.
Có thể nói ở 3 phần game trên cho thấy khá rõ “chất” riêng của Far Cry khi chọn một vùng hẻo lánh cô lập và một cuộc chiến quy mô giữa các thế lực chóp bu tại địa phương để làm lời bào chữa cho những cảnh bắn súng tưng bừng - người ngã như rạ nhưng chẳng bị đặt câu hỏi về đạo đức, về giết người.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải tất cả các bối cảnh của dòng game Far Cry đều hay và tinh tế hay mang chất riêng như những phiên bản được đề cập bên trên. Vẫn có những bối cảnh quá tầm thường hoặc gượng gạo.
Ví dụ đầu tiên chính là phiên bản đầu khởi phát cho dòng game. Thú thật nó vẫn rất hay và có chất Far Cry khá đậm. Cũng là một hòn đảo hoang giữa Thái Bình Dương, vẫn là một cuộc chiến cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài giữa một quân đoàn lính đánh thuê tư nhân và… nhân vật chính. Tuy vậy có nhiều điểm khiến nó lạc ra khỏi chất chung của bối cảnh Far Cry. Đầu tiên là nó có tính giả tưởng quá cao khi có những con quái đột biến, các nghiên cứu khoa học bị xổng chuồng, khiến nó giống chất của… Resident Evil hơn. Nhưng vẫn có thể thông cảm vì phiên bản đầu vốn do CryTek thực hiện trước khi nó được bán cho Ubisoft và từ bản 2 trở đi mới thực sự hình thành cái “chất Far Cry” trong việc chọn bối cảnh game.
Tuy nhiên đến phiên bản thứ 5 thì khó mà bào chữa cho việc mất chất. Far Cry 5 khá gây sốc khi chọn bối cảnh ở Mỹ, một nơi khá khó để bào chữa cho một cuộc chiến loạn đả súng ống quy mô lớn. Bang Montana được chọn với sự bao bọc của thiên nhiên và sự thu mình trong cách sống của người dân. Nó lý giải kha khá việc có một giáo phái tà đạo phát triển quân đội riêng thậm chí cài người vào hệ thống chính trị của toàn bang Montana để phục vụ mục đích của mình. Nhưng việc giáo phái đó chính thức nổ súng cướp chính quyền, bắt giam cảnh sát trưởng và dàn phó của địa phương, phong tỏa liên lạc viễn thông lẫn đường bộ “nội bất xuất ngoại bất nhập” mà không ai hay biết thì quả là… xạo.
Sang đến bản Far Cry New Dawn, mặc dù là bản phụ theo công thức chung một chính chen một phụ của dòng game Far Cry nhưng lần này nó lại là sequel chính của phiên bản Far Cry 5 nên cũng có thể coi là liên quan đến cốt truyện bối cảnh chính của series. Và nó lại lấy một bối cảnh rất… lạc nhịp: Hậu tận thế. Thế là chất của Far Cry chưa thấy đâu đã thấy chất của Mad Max và Rage nổi rõ mồn một.
Mọt tôi rất thích dòng game Far Cry, nhất là các phiên bản kinh điển như Far Cry 2, Far Cry 3 và Far Cry 4. Bối cảnh của chúng khá sát thực tế và chứa khá ít những chi tiết hoang đường như phép màu kiểu “phê xì ke” của Citra trong Far Cry 3 hay thế giới Shangri-La và Yeti trong Far Cry 4. Nó mang một thông điệp rất sâu sắc từ những bối cảnh đó.
Đâu đó trên thế giới này vẫn còn những cuộc chiến đẫm máu, vẫn còn cảnh người ta bắn giết nhau tự do mà chẳng sợ bị kết tội sát nhân. Trong chiến tranh mọi thứ đều có thể xảy ra và người ta phải làm mọi thứ để sinh tồn. Đặc biệt khắc họa rõ thông điệp này là trường hợp Jason Brody ở Far Cry 3 khi anh luôn đấu tranh giữa hai thái cực tâm lý. Một con người văn minh cảm thấy kinh khủng khi hạ sát một người và một phần khác trong anh là một chiến binh cảm thấy sản khoái khi hạ gục những kẻ thù sừng sỏ. Và cuối cùng, bao nhiêu người sẽ chọn làm người văn minh để cùng các bạn mình quay về Mỹ, bao nhiêu người sẽ chọn “cắt cổ” bạn bè mình để trở thành một chiến binh vĩ đại lấy việc hạ sát vạn người làm chiến công uy mãnh?
Chính lựa chọn đó cho bạn thấy bản thân mình dễ biến thành một kẻ sát nhân máu lạnh như thế nào, để rồi khi lựa chọn đó mang lại hậu quả, bạn ngồi đờ ra đó nhận ra rằng “ta đã chọn sai rồi!” – Nhưng muộn rồi, chẳng thể chọn lại được.
Đó là một bài học thú vị về thiện và ác ngay giữa thế giới văn minh thế kỷ 21.