Phụ Lục
Một kỷ nguyên game open world sắp đặt chân lên nền tảng máy chơi game cầm tay. The Elder Scrolls V: Skyrim từng là game nhập vai đỉnh cao của ngành công nghiệp game, ngang hàng với Zelda. Nó là một cuộc phiêu lưu ngập tràn cơ hội khám phá, sở hữu lượng nội dung đồ sộ bậc nhất. Khi game được chuyển thể lên Switch, nhiều game thủ tự hỏi làm sao nhà phát hành có thể nhét một thế giới khổng lồ như của The Elder Scrolls V: Skyrim vào hệ máy chơi game cầm tay bé tí xíu của Nintendo.
Game Awards 2017 đã diễn ra rất mỹ mãn, và The Legend of Zelda: Breath of the Wild là cái tên chiến thắng hạng mục cao nhất Game of the year.
Trước Nintendo Switch, các tựa game thế giới mở cho máy cầm tay hầu hết đều là các phiên bản tối giản với chất lượng đồ họa và nội dung thua kém Console. Nhưng The Legend of Zelda: Breath of the Wild đã đạp đổ "bức tường định kiến" đó bằng việc giành được danh hiệu game xuất sắc nhất năm tại The Game Awards 2017, vượt qua tất cả các game Console cứng cựa nhất. The Elder Scrolls V: Skyrim cũng từng là một huyền thoại với hơn 200 giải thưởng game của năm từ các trang đánh giá nên ắt hẳn chất lượng của trò chơi phải đạt một 9 một 10 so với The Legend of Zelda: Breath of the Wild.
Đặt chân lên Switch, The Elder Scrolls V: Skyrim có thêm một cách điều khiển mới gọi là motion control (điều khiển bằng chuyển động). Nhờ cơ chế mới này mà người chơi có thể cầm hai chiếc tay cầm Joy Con của Switch bằng hai tay như là một tay cầm kiếm và một tay cầm khiên. Cách chơi thú vị này sẽ giúp bạn vận động cơ tay và cảm nhận được trải nghiệm đấu kiếm chân thực hơn, nhưng lại tỏ ra bất tiện hơn việc điều khiển thông thường rất nhiều.
Các tượng đồ chơi amiibo cũng có thể sử dụng được trong phiên bản The Elder Scrolls V: Skyrim y hệt như trong The Legend of Zelda: Breath of the Wild. Nghĩa là người chơi có thể mua tượng đồ chơi Amiibo (có bán ở ngoài) để triệu hồi các rương đồ đặc biệt mỗi ngày. Thậm chí bạn còn có thể dùng tượng Amiibo của Link để săn các món thần khí trong The Legend of Zelda như Master Sword, Hylian Shield hay Champion’s Tunic ngay trong Skyrim. Tất cả các món đồ này đều có thể được nâng cấp và hóa trang nhân vật của người chơi thành một Link thứ thiệt đang chu du trong thế giới của The Elder Scrolls.
Phiên bản trên Switch không hẳn là một bản nâng cấp toàn diện với nhiều thay đổi trong cơ chế đồ họa như The Elder Scrolls: Skyrim Special Edition được ra mắt năm ngoái. Song về nội dung, The Elder Scrolls V: Skyrim trên Switch hội tụ đầy đủ các gói DLC lớn như Dragonborn, Hearthfire hay Dawnguard, cùng với nhiều nhân vật - giáp trụ - hội thoại mà bản gốc không có.
Một niềm vui lớn của các fan The Elder Scrolls V: Skyrim sẽ không thể nào được thỏa mãn vì phiên bản Switch không hỗ trợ Mod. Mod là một công cụ lợi hại có khả năng hô biến bản gốc trên PC đẹp hơn cả bản Special Edition, nó cũng cho phép cộng đồng tự sáng tạo ra nhiều vùng đất, vật phẩm và nhân vật mới để kéo thời lượng chơi của game đến vô hạn. Nhưng đối với The Elder Scrolls V: Skyrim thì, chỉ cần đi hết cốt truyện, tìm hết bí ẩn, diệt sạch trùm cuối sau khoảng vài chục giờ chơi là bạn sẽ chẳng còn gì để trải nghiệm nếu không quan tâm đến metagame (các nội dung sau khi đã hoàn thành cốt truyện).
Về hình âm, trò chơi nằm đâu đó ở khoảng giữa bản gốc và Special Edition, nó sẽ không có các hình họa và hiệu ứng được trau chuốt lại, không có công nghệ góc nhìn sâu (dynamic depth of field) ở bản Special Edition, nhưng vẫn có các hiệu ứng âm thanh được gọt tỉa kỹ càng và truyền tải được cảm giác 3 chiều sống động.
Có một sự thật không thể phủ nhận là The Elder Scrolls V: Skyrim đã 6 năm tuổi, vì vậy dù việc chuyển thể rất tốt, nhưng bản Switch chỉ có chất lượng đồ họa ngang với máy PS3 mà thôi. Khác biệt rõ ràng nhất là game có độ phân giải cao hơn hẳn 720p và 1080p tùy theo việc bạn có xuất hình ra TV hay không. Nhưng độ phân giải cao đồng nghĩa với một số loại hiệu ứng vật lý còn bị cắt giảm tệ hơn bản PS3. Trò chơi luôn chạy ở tốc độ bình ổn 30 khung hình trên giây ở cả hai chế độ cắm dock và không cắm dock.
Mặc dù mang một thế giới mở rộng lớn trù phú lên thế hệ handheld mới của Nintendo, song The Elder Scrolls V: Skyrim thực sự đã là một tựa game già nua mà các thêm thắt về Amiibo hay cơ chế điều khiển mới không thể bù lấp lại điểm yếu về đồ họa (tầm thường). Trò chơi đồng thời có thời lượng chơi ngắn hơn và mất đi ý nghĩa “vọc vạch” do không hỗ trợ mod…
Nhìn chung, việc trải nghiệm The Elder Scrolls V: Skyrim trên đường đi làm, hay trong lớp học đã từng là mơ ước của nhiều người. Nhưng khi ước mơ thành sự thực, nó lại không “đẹp” như tưởng tượng ở thời điểm vài năm về trước.