Phụ Lục
Thông tin EA (Electronic Arts) vừa bỏ ra tới hơn 400 triệu USD để mua lại Respawn Entertainment – cha đẻ của seri game nổi tiếng Titanfall là thông tin gây được nhiều sự chú ý nhất thời gian qua. Có rất nhiều người lo ngại rằng khi mà EA đã chạm tay vào được Titanfall, thì với truyền thống hút máu người chơi như nước lã thường thấy, hãng sẽ biến siêu phẩm này thành một thứ hổ lốn đáng thất vọng.
Nhưng phía sau cái thương vụ mua bán tưởng chừng rất bình thường này, thì đó là cả một đống thứ âm mưu rắc rối, thâm độc và bẩn thỉu nhất mà một nhà phát hành game (ở đây là EA) có thể nghĩ ra để làm lợi cho bản thân. Các bạn sẽ phải ngạc nhiên nếu biết EA sẵn sàng làm những gì để lôi Respawn Entertainment về dưới trướng của họ, và đó là một câu chuyện dài rất là lớp lang như một bộ phim truyền hình vậy…
Đầu tiên chúng ta hãy nói về Respawn Entertainment – nơi khởi đầu của mọi việc, studio này được thành lập bởi Jason West và Vince Zampella, nếu bạn không biết thì Vince Zampella trước đây từng làm việc cho EA, nhưng do một vài vấn đề nên ông cùng nhiều đồng sự đã rời khỏi hãng và tự thành lập nên studio Infinity Ward cùng Jason West.
Trong thời điểm ban đầu Activision đã ủng hộ những người này bằng cách mua lại 30% cổ phần studio, thực ra cũng chả tốt đẹp gì đâu vì ý định của họ là thu phục luôn bộ sậu của Infinity Ward – nơi có những con người từng làm nên tựa game Medal of Honor: Allied Assault huyền thoại. Ý đồ của Activision là nhằm qua đó tạo nên thứ gì giúp hãng nổi lên trong thị trường game bắn súng và cạnh tranh trực diện với Medal of Honor của EA.
Nhờ có cặp đôi này mà Activision mới cho ra đời được siêu phẩm Call of Duty, thứ giúp họ cạnh tranh mạnh mẽ với dòng Medal of Honor của EA bằng chính những người từng làm trong EA (nghe hay ho nhỉ). Nhưng sau khi 3 phiên bản Call of Duty ra đời, giữa Activision và Jason West nảy sinh một số khúc mắc khi một bên thì tiếp tục muốn giữ nguyên kiểu truyền thống thế chiến 2, trong khi một bên thì muốn phát triển thành chiến tranh hiện đại.
Jason West và Vince Zampella
Rốt cuộc thì cái vụ cãi vã này cũng không thể hòa giải được và sau khi Call of Duty: Modern Warfare 2 ra đời, Activision đã lấy lý do “không thể hợp tác được” để tống cổ Jason West và các đồng sự ra đường, một mình phát triển tiếp dòng Call of Duty.
Ờ ra đường thì ra đường, cặp đôi Jason West và Vince Zampella tiếp tục mở ra một cái studio khác là Respawn Entertainment, sau đó họ cho ra đời Titanfall trên nền các ý tưởng cũ của mình, với phong cách chiến đấu hiện đại đậm chất tương lai, đúng như kiểu bảo Activision: “bọn anh tự làm được không cần tới chú”. Vì vậy bạn sẽ không thấy quá khó hiểu khi chơi Titanfall mà cảm giác cứ như chơi Modern Warfare có thêm nhảy nhót và robot. Vấn đề ở đây là bạn có biết ai là người phát hành Titanfall không? Đúng rồi đấy, đó chính là EA và mọi chuyện hay ho nó bắt đầu từ lúc này.
Khi mới thành lập ra Respawn Entertainment, hiển nhiên là Jason West và Vince Zampella cũng đói tiền vêu mỏ chứ chả sung sướng gì, nhưng khổ nỗi lúc này không đào đâu ra mạnh thường quân nào như Activision hồi đó cả. Thế là họ đành phải lê thân về nhà cũ và tìm kiếm nguồn tài trợ thông qua chương trình EA Partners Program, kết quả là EA đồng ý bơm tiền cho Respawn Entertainment và tất nhiên đổi lại là quyền được phát hành các sản phẩm của Studio trong tương lai.
Phiên bản Titanfall ra mắt đầu tiên vào năm 2014 là một thành công lớn cho cả Respawn Entertainment lẫn EA. nó được chấm số điểm 9/10 ở tất cả các trang đánh giá game uy tín, đoạt 60 giải thưởng tại kỳ E3 2013, trong đó phá kỷ lục khi là tựa game đầu tiên có tới 6 giải thưởng quan trọng. Titanfall đã bán được tới 925 ngàn bản copy tại Mỹ chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt, hơn 3 triệu DLC và có những lúc sở hữu hơn 7 triệu người chơi game ở cùng một thời điểm. Số liệu chính thức không được EA công bố, nhưng theo IGN nhận định thì tính tới cuối năm 2015 game Titanfall đã bán ra khoảng 10 triệu bản, một con số rất khủng khiếp.
Sau khi phát hành Titanfall, vào cuối năm 2015 Respawn Entertainment thông báo đã đạt thành thỏa thuận với Nexon (công ty game lớn nhất Hàn Quốc) cho các dự án xây dựng một game ăn theo là Titanfall: Frontline trên Android và iOS. Respawn Entertainment cũng thông báo về phần tiếp Titanfall 2 tiếp theo đang được phát triển, tới E3 2016 các bản demo đầu tiên của game cũng được cho ra mắt.
Đội ngũ của Respawn Entertainment
Thành công không thể tin được của Titanfall đã khiến cho EA nhận ra cái Respawn Entertainment studio này có vẻ là một món hời lớn, do đó họ bắt đầu tính kết hoạch làm sao để chiếm lấy quyền sở hữu studio qua đó đoạt quyền sở hữu tựa game này. Có điều là khi Respawn Entertainment đang ăn nên làm ra ầm ầm như vậy thì đào đâu ra lý do để họ nhượng lại Titanfall cho EA, vậy nên chúng ta phải đi đường vòng một chút.
EA chợt nhớ ra rằng mình đang nắm quyền phát hành Titanfall 2 cơ mà, và nếu như cái tựa game này không thể thành công về mặt doanh thu thì hiển nhiên Respawn Entertainment sẽ gặp khó khăn tài chính, và kiểu gì bọn họ cũng sẽ có cớ để chen vào. Và thế là vào cuối năm 2015, thay vì phát hành Titanfall 2 như bình thường, EA đã cố tình nhét ngày ra mắt của nó vào giữa 2 cái siêu phẩm bắn súng lúc đó là Call of Duty: Infinite Warfare của Activision và Battlefield 1 của… chính EA (troll vãi hàng).
Và tất nhiên mặc dù cũng là một siêu phẩm không thua gì phần một, lại được phát hành đa nền trên cả Playstation 4, Xbox One và PC, nhưng Titanfall lại phải chia sẻ thị phần rất lớn với 2 đối thủ còn lại. Kết quả là Titanfall 2 chỉ đạt được lợi nhuận 1/4 so với phần một, doanh số bán hàng online còn sụt thảm hại. Tính đến báo cáo hết chiến dịch vào năm 2017, thậm chí còn không đạt được 1/3 mục tiêu đề ra ban đầu.
Bất chấp những lời chỉ trích về việc cho ra mắt Titanfall 2 vào thời điểm nhạy cảm như vậy, EA vẫn rất “ngây thơ vô tội” khi giải thích rằng tất cả chỉ là sự trùng hợp? Và họ “không ngờ” doanh số bán ra của Battlefield 1 lại cao hơn rất nhiều so với dự định, còn Titanfall 2 thì lại thấp một cách đáng ngạc nhiên. Theo cách nói của CEO EA - Blake Jorgensen thì: “Hãng đã bảo đảm lợi nhuận trong năm, và hi vọng rằng sẽ có những bước tiến tích cực hơn trong thời gian tới”.
Cũng cần phải nói thêm là trước khi Titanfall 2 ra đời, EA đã tìm cách dụ khị Respawn Entertainment bằng những lời hứa cực kỳ hấp dẫn. Cụ thể là EA đã ký một hợp đồng về việc phát hành phần tiếp theo Titanfall 3 trong tương lai, một game thực tế ảo lấy đề tài Titanfall, thậm chí là giao cho Respawn Entertainment sẽ được phát triển một dự án đang rất ăn nên làm ra của hãng về đề tài Star Wars.
Nói tới vụ Star Wars thì chúng ta lại có một cái phim hài rất hay, số là khi dự án Star Wars Battlefront đột ngột thành công. EA đã đột ngột rút tiền và nhân lực từ Visceral Games (một studio khác của hãng, cha đẻ của seri Dead Space) để dồn cho phần tiếp theo của Star Wars Battlefront II. Điều này đã khiến cho Visceral Games bị ngưng trệ hoạt động, và họ buộc lòng phải làm ra thứ gì đó để thu hút nguồn tiền từ EA trở lại, bất chấp EA đã bòn rút nhân lực ở chỗ này (nghịch lý nhỉ).
Thế là Visceral Games bắt đầu làm các bản demo khác của Star Wars, một số đã được đem công bố tại E3 2016. Về sau thì nhận thấy tiềm năng của vụ này, EA đã đổ thêm người và bật đèn xanh cho Visceral Games để tiếp tục phát triển. Đến quý một năm 2017, các bản demo đầu tiên đã được đưa lên cho EA và sáu tháng tiếp theo thì lại có những thông tin khác sáng sủa hơn. Nhưng đùng một cái chỉ sau đó vài ngày. EA tuyên bố đóng cửa Visceral Games mà chả vì lý do gì cả, chuyển tất cả mọi thứ đang dang dở về EA Worldwide Studios, với mục tiêu được tuyên bố là “sửa đổi lại lối chơi, cốt truyện để các game thủ được trải nghiệm tốt nhất”.
Bản giới thiệu Star Wars của Visceral Games
Thực tế động cơ trong vụ này chỉ yếu là: nếu không đóng cửa Visceral Games thì lấy đâu ra cớ để tống cái dự án Star Wars họ đang làm sang cho Respawn Entertainment, và từ đó dỗ ngọt studio này sau màn Titanfall 2 thảm họa kia. Và thế sau khi cho Respawn Entertainment ăn một đống bánh vẽ, EA coi như đã đưa con mồi của mình vào tròng trong khi đối phương còn chưa hiểu mô tê gì.
Sau màn ra mắt thảm hại của Titanfall 2, Respawn Entertainment gặp khó khăn đáng kể trong việc duy trì lợi nhuận, dẫn tới việc họ buộc phải tìm cách bán Studio (nhờ công của EA cả). Nhưng trước đó Nexon đã liên lạc với Respawn Entertainment để đàm phán thương vụ mua lại studio này, nhưng méo hiểu bằng cách nào đó EA đã có thông tin của cả hai bên và biết được giá mà Nexon đề ra.
EA dùng quyền là nhà phát hành chính thức của Respawn Entertainment, đã nhảy vào phá hôi vụ này, họ ra một cái giá vượt khỏi tầm tiền của Nexon (khoảng chừng 455 triệu USD). Thực tế có con số này là do EA đã chơi rất khôn khi đề nghị Respawn Entertainment mấy cái bánh vẽ ở trên, do đó họ chỉ phải trả 151 triệu USD tiền mặt mà thôi, mấy thứ còn lại sẽ được tính thành cố phiếu và phần lớn ở các dự án của hãng đã bàn giao trong tương lai (không biết tới bao giờ mới có). EA giải quyết rất nhanh vụ này chỉ trong chưa tới 1 tháng, và Respawn Entertainment đã chính thức thuộc quyền của họ vài ngày trước, đi cùng đó là luôn cả seri Titanfall.
Và trên đây là toàn bộ quá trình mà EA đã chơi xấu Respawn Entertainment, cũng như các trò bẩn thỉu mà hãng này làm để có thể thò tay vào nắm seri Titanfall, nói chung đồng bào không sai khi suốt ngày chửi bới EA đâu – vì thực tế là họ còn tệ hại hơn như vậy mấy chục lần cơ.
Về cuộc đời của Respawn Entertainment – cũng như 2 đồng sáng lập Jason West và Vince Zampella thì đây là một câu chuyện dài khác, khi số của 2 đồng chí này còn đen hơn cả chó mực khi đi tới đâu cũng ăn hành, Mọt Game sẽ có một bài khác nói kỹ hơn về bọn họ.