Là một tựa game chất lượng, Apex Legends đã chinh phục hơn 50 triệu game thủ trên toàn cầu chỉ trong vòng 1 tháng đầu sau khi ra mắt. Với những tính năng sáng tạo như hệ thống ping hay các tùy chọn “accessibility” – tức những tính năng đơn giản hóa quá trình chơi như chuyển voice chat thành text và ngược lại, Apex Legends đã khiến những game thủ không ưa thích Battle Royale cũng muốn thử nghiệm trò chơi.
Tuy nhiên kể từ lúc ra mắt đến nay, Apex Legends có vẻ hơi chững lại trên bước đường chinh phục thế giới của mình. Có hai minh chứng rõ rệt nhất cho điều đó: một là việc Respawn ngừng công bố số lượng người chơi kể từ cột mốc 50 triệu, và hai là lượng người xem cùng lúc trên Twitch: từ 200.000 trong những tuần đầu tiên xuống khoảng 25.000 vào thời điểm thực hiện bài viết này. Trong khi đó dù bạn yêu hay ghét Fortnite thì nó vẫn đang có hơn 100.000 người xem cùng lúc, buộc bạn phải công nhận rằng đối thủ lớn nhất của Apex Legends là tựa game từ Epic.
Tại sao một tựa game tưởng chừng như “không thể cản phá” khi được buff bằng danh tiếng của Respawn, gameplay của Titanfall và túi tiền không đáy của EA lại chững lại? Liệu có điều gì mà đội ngũ phát triển Apex Legends có thể học hỏi từ đối thủ của mình để lấy lại phong độ trước đây?
Đáp án cho câu hỏi đầu tiên khá đa dạng, một số đến từ chính bản thân trò chơi và đội ngũ phát triển trong khi số khác là bởi nhân tố bên ngoài và những tựa game mới cạnh tranh người chơi với Apex Legends, chẳng hạn Firestorm của Battlefield V hay Sekiro vừa ra mắt. Đáp án cho câu hỏi thứ hai là có – thực sự có rất nhiều điều mà Apex Legends có thể học hỏi từ Fortnite. Hãy để Mọt tui trình bày cặn kẽ những gì mình nghĩ về trò chơi cho các bạn được rõ.
Đầu tiên, hãy nói về chuyện bug. Các bản patch của game đã giới thiệu một loạt bug nghiêm trọng vào game, chẳng hạn đạn vô tận, nhân vật đã bị hạ… văng khỏi phi thuyền, bug leo tường của Pathfinder, bug bắn nhanh của khẩu Peacekeeper, nhân vật vẫn bắn súng chính được khi đang bò trên đất, bug bay tự do… Chúng được Respawn khắc phục khá nhanh gọn, nhưng có thể nói rằng trò chơi có quá nhiều bug dù chỉ mới ra mắt một thời gian rất ngắn.
Dù những bug nhỏ là một phần không thể thiếu của bất kỳ một đợt cập nhật game nào, Apex Legends đã có khá nhiều bug lớn trong thời gian qua. Gần đây nhất, bản patch 1.1 của game reset toàn bộ tài khoản của game thủ, khiến tất cả những gì họ mở khóa được (nhân vật, skin, chỉ số, tiền bạc…) đều biến mất. Respawn phải tạm tắt server và roll back toàn bộ những gì game thủ đã mất với bản patch này. Những bug lớn nhỏ này khiến game thủ phần nào mất lòng tin vào khả năng vận hành một tựa game multiplayer của Respawn, và không có gì lạ nếu ai đó bất mãn đến mức “rage quit” vì chúng.
Thứ hai, Mọt muốn nói về việc cập nhật nội dung của Apex Legends. Trong thời gian hơn 2 tháng mà trò chơi tồn tại, Apex Legends chỉ bổ sung thêm một nhân vật mới và một khẩu súng mới. Trong khi đó chỉ riêng trong một bản patch 8.10, đối thủ Fortnite bổ sung một loại xe mới là Baller, làm lại động tác hồi máu, chỉnh sửa cơ chế bán súng của Vending Machine, sửa lỗi hàng loạt bug khác nhau. Epic cập nhật tựa game của mình hàng tuần, không ngừng tung ra những vũ khí, xe cộ hay vật phẩm mới và liên tục thay đổi bản đồ của trò chơi trong mỗi mùa giải. Những chế độ chơi mới hay sự kiện mới cũng được đưa ra với tốc độ chóng mặt nhằm giúp game thủ luôn có một điều gì đó mới mẻ để khám phá trong game.
Phải thừa nhận rằng với một tựa game mang yếu tố hero shooter như Apex Legends, việc thiết kế một nhân vật mới là không hề dễ dàng, nhưng "cập nhật nội dung" không nhất thiết lúc nào cũng phải là một nhân vật mới. Bên cạnh đó, đội ngũ Respawn cũng từng nói rằng họ không muốn thay đổi trò chơi quá thường xuyên: “chúng tôi tạo ra những thay đổi được thử nghiệm kỹ lưỡng, có ảnh hưởng lớn và ít thường xuyên để giảm thiểu thời gian mà bạn bỏ ra để làm chủ trò chơi.” Nhưng dựa trên lịch sử bug của Apex Legends, có vẻ như điều duy nhất đúng trong tuyên bố của Respawn là việc họ patch không thường xuyên, còn chuyện “test kỹ” thì cần phải xem lại.
Theo Mọt, sự khác biệt về chỉ số người xem của Apex Legends và Fortnite cho thấy game thủ thích sự thay đổi chóng mặt của Fortnite và không thực sự hài lòng với sự chậm chạp của Apex Legends. Nếu có điều gì đó mà Apex Legends cần phải học hỏi từ Fortnite, có lẽ đó là tốc độ ra mắt những bản cập nhật mới. Bởi theo chiến thuật “chậm mà (chưa chắc đã) chắc,” khi Apex Legends không còn sự mới mẻ và lạ lẫm sau thời điểm phát hành, sự hứng thú của game thủ với trò chơi suy giảm rõ rệt, trong khi Fortnite vẫn thành công khi không ngừng đưa ra những nội dung mới.
Vấn đề thứ ba ảnh hưởng đến sự hứng thú của game thủ với Apex Legends là Battle Pass mùa 1… chán phèo, chứ không được hấp dẫn như mong đợi. Battle Pass này ra mắt hồi tháng 3 vừa qua, nhưng nó bị nhồi đầy các câu thoại, stat tracker và các pose – những thứ chẳng ai thèm để mắt bởi thứ họ cần là những skin hào nhoáng, ngầu ngụa, rực rỡ và lóng lánh. Battle Pass của Apex Legends cũng không có challenge khuyến khích game thủ thử những cách chơi mới. Theo Mọt, các challenge này sẽ là một điều tốt cho Apex Legends bởi nó đem lại cho game thủ một phương thức mới để thưởng thức trò chơi trong những trận đấu mà chỉ có 3 người có thể chiến thắng.
Ngay cả các skin được gọi là “xịn” mà bạn nhận được ở Tier 26, 86 của Battle Pass này thực ra cũng chỉ là những phiên bản đổi màu không hơn không kém. Có lẽ chỉ skin Legendary cho khẩu Havoc mà bạn nhận được khi hoàn tất Battle Pass là một phần thưởng tạm bợ chấp nhận được cho cái giá mà bạn bỏ ra. Vì vậy dù mức độ cày cuốc của Battle Pass này hơi thấp hơn so với Fortnite, những game thủ đã mua nó vẫn cảm thấy mình lãng phí tiền bạc vào những thứ nhảm nhí, vô dụng trong game. Tóm lại, Battle Pass này là một bước đi sai lầm và thiếu suy xét của Respawn sau một đợt ra mắt game mới không thể tuyệt vời hơn của họ.
Cần phải nói thêm rằng Epic và Fortnite chưa từng ngại ngần học hỏi người khác. Khi PUBG ra đời và thành công rực rỡ, Fortnite đã biến từ một tựa game sinh tồn kiểu zombie thành một game Battle Royale, và “đá đít” chế độ chơi gốc để chiếm lấy cái tên Fortnite trong lòng game thủ. Khi Apex Legends ra mắt với hệ thống ping và khả năng hồi sinh, Epic cũng nhanh chóng vay mượn cả hai tính năng này để cải thiện chất lượng trò chơi của mình. Từ khi ra mắt đến nay, chế độ Battle Royale của Fortnite luôn nhanh chóng học hỏi và sử dụng các ưu điểm từ đối thủ, một trong những yếu tố khiến nó vẫn đang là kẻ dẫn đầu cho đến thời điểm này.
Tóm lại, đối với tác giả thì Apex Legends vẫn là một tựa game thú vị với gameplay độc đáo, và điều này không cần phải thay đổi. Thứ mà Respawn cần phải thay đổi để tái hiện lại thành công của trò chơi trong tháng đầu tiên, đồng thời đảm bảo sự sinh tồn của nó trong tương lai là phương thức cập nhật nội dung. Game cần được cập nhật nhanh hơn, nhiều hơn và với những nội dung ý nghĩa hơn, thay vì ngoan cố đi theo lời hứa sáo rỗng “chậm mà chắc” mà Respawn đưa ra ban đầu.
Game thủ bị thu hút bởi những điều mới mẻ, những phần thưởng hấp dẫn mà họ có thể dùng để khoe khoang với bạn bè, còn EA bị thu hút bởi những con số trên trời về số người chơi, về doanh thu Battle Pass mà trò chơi đem lại. Trong tình trạng hiện tại, Apex Legends sẽ vẫn sống khỏe, nhưng mô hình “game as a service” mà Apex Legends và EA đang theo đuổi đòi hỏi những số tiền khổng lồ để vận hành server, tuyển dụng nhân sự, cập nhật nội dung… Respawn càng làm tốt việc thu hút và giữ chân game thủ, trò chơi sẽ càng tồn tại lâu dài và chúng ta sẽ được thưởng thức nó càng lâu.