Năm 2019 có thể xem là năm đại thành công của thể loại Auto Battle với sự lên ngôi của Dota Auto Chess. Từ một bản mod vô danh trong hàng trăm, hàng ngàn Arcade Game xuất hiện trên client của Dota 2, Auto Chess bỗng dưng trở thành một cơn sốt trên toàn thế giới, xô đổ mọi kỷ lục đã tồn tại trước đó trong làng game. Lượng người chơi Dota Auto Chess này đạt mức kỷ lục đối với một tựa game mới ra đời, gián tiếp kéo theo lượng người chơi Dota 2 tăng đột biến thời điểm đó. Nhiều người thậm chí chưa từng chơi Dota 2 nhưng cũng tải về chỉ để được trải nghiệm Auto Chess. Sau một thời gian, Drodo Studio, cha đẻ của Auto Chess, cũng tách ra và kết hợp với Dragonest để tự lực cánh sinh. Kể từ đó, miếng bánh mang tên Auto Battle được hàng loạt các ông lớn nhắm đến, trong đó phải kể đến hai cái tên là Dota Underlords (Valve) và Teamfight Tactics (Riot).
Dota Underlords được phát hành vào tháng 6 năm 2019, là sản phẩm ẩn chứa quyết tâm to lớn của Valve trong việc phát triển một tựa game khác thay thế cho Artifact vốn đã lụn bại. Với sự đầu tư kỹ lưỡng, lâu dài cũng việc quảng bá hợp lý, Dota Underlords nhanh chóng trở thành một cái tên có máu mặt trong giới Auto Battle. Giao diện đẹp, nội dung tuy cũ mà mới cùng với sự xuất hiện của những hero, item quen thuộc khiến Dota Underlords thu hút được lượng lớn người chơi, đặc biệt là những ai từng chơi Dota 2 hay Dota Auto Chess. Thời điểm đó, lượng người chơi Dota Underlords có lúc cán mốc hơn 200.000, cao gấp đôi so với Artifact trước đó. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Dota Underlords lại có dấu hiệu đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm Artifact, khi mà lượng người chơi dần dần tụt giảm. Trong hoàn cảnh đó, Valve quyết định đưa Dota Underlords rời Early Access trong bản cập nhật 1.0, chính thức khởi động mùa giải đầu tiên của tựa game mới toanh này.
Phải nói thêm thì hiện tại, Dota Underlords đang tuột dốc không phanh với số lượng người chơi thấp hơn 90% so với lúc mới ra mắt, mặc dù số người chơi có thời điểm gấp đôi so với Artifact trước đó. Từ con số 200.000 ở thời điểm mới phát hành như đã đề cập ở trên, số người truy cập vào tựa game này trong hai tháng vừa qua chỉ vỏn vẹn 14.000. Bất chấp mọi nỗ lực của Valve trong việc đổi mới nội dung, giao diện thông qua các bản cập nhật, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Vì thế, có thể nói rằng, phiên bản 1.0 lần này có thể sẽ là nước đi quan trọng giúp Valve xoay chuyển tình thế ngay lập tức, hoặc có thể là không bao giờ nữa.
Phiên bản Dota Underlords đã được phát hành trên ba nền tảng là PC (thông qua steam), Android và iOS vào ngày 25/2 vừa qua. Cùng với đó, bản cập nhật cũng bao gồm battle pass, rotate hero/item, cập nhật giao diện, nội dung cùng nhiều thứ khác. Valve cũng ưu tiên thay đổi các item, cũng như cách một game đấu được bắt đầu. Thoạt nhìn, Dota Underlords ăn đứt hai đối thủ là Auto Chess và Teamfight Tactics về giao diện cũng như đồ họa. Mục đích của sự thay đổi này là kéo những người đã từng chơi Dota Underlords trở lại với tựa game này, trước khi có ý định mở rộng ra các đối tượng khác.
Dĩ nhiên, việc rời Early Access không thể khiến một tựa game đang "dead" một bước lên mây. Valve rõ ràng cần phải làm nhiều hơn thế nếu muốn Dota Underlords có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trước hết, Valve cần phải chuyên nghiệp hóa tựa game này, đơn giản bằng cách tổ chức các giải đấu, kích cầu dựa trên những giải thưởng có giá trị. Do đó, mùa giải đầu tiên của Dota Underlords chắc chắn sẽ rất được mong chờ. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng của Dota Underlords có vẻ vẫn chưa đủ, đặc biệt là ở khu vực Châu Á, nơi người chơi có xu hướng chơi Auto Chess nhiều hơn. Đó là lẽ dĩ nhiên khi mà Auto Chess đã có bước đột phá về đồ họa, nội dung cũng như thường xuyên tổ chức các giải đấu lớn nhỏ.
Hi vọng Valve sẽ tiếp tục có những động thái đúng đắn trong việc vực dậy một đứa con tinh thần mang tên Dota Underlords đang dần đi vào quên lãng, để không còn xuất hiện thêm một Artifact thứ hai nào nữa.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]