Dota 2 là một game đồng đội, mỗi thành quả có được đều là công sức chung của cả năm người. Tuy nhiên, có một vài cá nhân lại mang tính quyết định đến thành công chung của cả đội. Do đó, một vài phi vụ chuyển nhượng có khả năng quyết định thành công của đội tuyển trong khoảng thời gian sau đó.
Đây có lẽ là phi vụ chuyển nhượng tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí suốt một thời gian khá dài. Về mặt lý thuyết, đây là một phi vụ khá thành công. Bằng chứng là những kết quả ngoài mong đợi của EG tại The International 2018. Từ chỗ một đội tuyển thường xuyên gây thất vọng, họ cán đích ở vị trí thứ 3 tại Vancouver, vượt qua cả những đối thủ rất mạnh thời điểm đó.
Với đầu tàu Fly, cùng hai carry ngôi sao là Artour “Arteezy” Babaev và Sumail “SumaiL” Hassan, EG thể hiện bộ mặt khác hẳn. Ngoài top 3 TI8, EG còn vô địch The Summit 9 và top 3 Kualar Lumpur Major. Mặc dù có những thành công cùng đội tuyển mới, nhưng có một thứ mà Fly đã mất đi mãi mãi: tình bạn với Notail.
Chúng ta đang nói về phi vụ chuyển nhượng thành công nhất không chỉ của năm 2018 mà còn của cả lịch sử Dota 2. Sau khi Fly và s4 dứt áo ra EG, họ để lại bộn bề ngổn ngang cùng sự tổn thương về mặt tinh thần cho Notail. OG còn quá ít thời gian để tìm kiếm người thay thế, chưa kể phải đảm bảo đội hình mới hoạt động trơn tru. Cực chẳng đã, Notail bắt buộc phải gọi lại người họ từng ruồng bỏ Anathan “ana” Pham. Đồng thời, họ chiêu mộ một pubstar không mấy tên tuổi thời điểm đó là Topson, người thậm chí còn chưa có kinh nghiệm chơi chuyên nghiệp.
Notail nghiễm nhiên là đội trưởng và phải chơi ở vị trí support 5. Coach 7ckngMad chuyển sang chơi offlane, nhường midlane cho tân binh Topson và pos 1 cho ana. Ấy thế mà đội hình tạm bợ ấy đã làm được điều vô tiền khoáng hậu: phá bỏ lời nguyền, viết nên câu chuyện cổ tích. Từ vòng loại khu vực, đến vòng bảng và vòng main event, rồi đi đến trận đấu cuối cùng và nâng cao chiếc Aegis danh giá, tất cả như một giấc mơ không chỉ với OG, mà còn với người hâm mộ toàn thế giới. Đáng tiếc thay, đội hình này đã không còn nguyên vẹn khi ana quyết định sẽ nghỉ ngơi vô thời hạn ngay sau TI8. OG bây giờ lại giống với OG của ngày xưa: bất ổn và phập phù.
Sau khi Rasmus “MISERY” Filipsen quyết định rời OpTic để đến EG với tư cách là Captain, ban lãnh đạo OpTic đã gây bất ngờ khi tuyên bố chiêu mộ 33. Đối với EG, bước đi này không mấy thành công, nhưng với OpTic lại hoàn toàn khác. Ban đầu, 33 được giao vai trò support 4. Cho đến ESL One Katowice, anh chuyển sang chơi ở vị trí offlaner. Kể từ đây, 33 dần thể hiện được khả năng của mình và trở thành một người không thể thay thế của đội.
Thành công của 33 cũng trực tiếp đưa Ludwig “zai” Wahlberg sang vị trí pos 4 sở trường. Và một khi các cá nhân đã chơi đúng phong độ, OpTic trở nên nguy hiểm và đáng sợ. Từ chỗ không thể vượt qua vòng bảng, họ vô địch StarLadder ImbaTV Season 5 Minor, Á quân ESL One Birmingham và top 6 The Summit 9.
Trước thềm TI7, Virtus.Pro là một trong những đội top đầu của thế giới. Mặc dù chỉ đạt hàng 5th-6th tại giải đấu năm đó, VP tiếp tục thể hiện phong độ ổn định suốt thời gian sau này. Giai đoạn còn lại của năm 2017 và đầu năm 2018, VP vô địch hai giải đấu lớn là ESL One Hamburg và và Dota Summit 8. Dù với những thành tích như vậy, ban lãnh đạo VP vẫn không cảm thấy hài lòng. Họ mong muốn đội tuyển của mình phải là số một thế giới. Điều này đòi hỏi phải có một sự thay đổi trong đội hình, và RodjER đã đến như một tất yếu.
Thời điểm RodjER gia nhập, anh được xem là pos 4 giỏi nhất của CIS và một trong những support hợp meta game nhất. Ngay lập tức, anh chứng tỏ giá trị của mình khi nhanh chóng thích nghi với đội. Thậm chí, anh còn đạt MVP với phần thưởng là một chiếc Mercedes Benz ở giải đấu đầu tiên trong màu áo mới. VP với RodjER liên tục đứng đầu bảng xếp hạng suốt mùa giải năm ngoái, và kể cả năm nay cũng vậy. Tuy thi đấu không mấy thành công tại TI8, nhưng sức mạnh của VP là không phải bàn cãi. Có thể nói, đây là phi vụ chuyển nhượng theo kiểu swap player thành công nhất lịch sử Dota 2.
Chỉ với ba mảnh ghép là Ame, Maybe/Somnus M và FY, PSG.LGD không thể phát huy tối đa khả năng của mình. Chiến thuật kém đa dạng, khả năng thích nghi với meta game chậm chạp khiến thành tích của PSG.LGD khá bết bát. Kết quả đáng chú ý nhất của PSG.LGD là vị trí á quân tại PGL Open Bucharest. Cả năm 2017, họ chưa một lần lọt vào top thế giới.
Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi Chalice và xNova gia nhập. Chalice là mẫu offlaner không cần quá nhiều đồ để quẩy, cho phép Ame và Maybe có tài nguyên tối đa để farm. Fy thì vẫn thể hiện sự siêu đẳng của mình ở vị trí support 4 sở trường. Trong khi đó, xNova mang lại khả năng kiểm soát bản đồ và macro (kêu gọi giao tranh) cực kỳ tốt. Tựu chung những điều này đã mang đến cho PSG.LGD một luồng gió mới, trực tiếp mang lại thành công ngoài mong đợi cho Thiên Triều. Điển hình là họ chỉ mất hai tháng để try hard suất dự TI8, thậm chí còn suýt chút nữa vô địch giải đấu chục triệu đô này nếu không có sự xuất sắc khó tin của OG.
Chuyển nhượng luôn là một phần không thể thiếu của bất kỳ môn thể thao nào, từ thể thao truyền thống đến thể thao điện tử. Có những phi vụ chuyển nhượng thất bại, có những phi vụ chìm vào quên lãng, cũng có những vụ thành công ngoài mong đợi. Một năm 2019 với nhiều điều thú vị và những thử thách mới đang chờ đón những đội tuyển hàng đầu thế giới. Liệu trong năm tới đây sẽ có phi vụ chuyển nhượng nào đáng ấn tượng?!