Disney Afternoon Collection tiếp nối thành công của Mega Man Legacy Collection từ Capcom, cố gắng tái hiện lại chân thật nhất có thể cái cảm giác chơi game 8 bit của những năm 80 và 90. Và ở khía cạnh này, nhà phát triển Digtal Eclipse đã làm rất tốt.
Câu chuyện mở đầu
Giả lập game thế hệ cũ là một câu chuyện không mới. Về mặt kỹ thuật, các chương trình giả lập luôn có thể giúp bạn trải nghiệm những game xưa cũ trên màn hình LCD đời mới không hề khó khăn gì. Tuy nhiên, những ai lớn lên cùng thế hệ game 8 bit đều dễ dàng chỉ ra những trải nghiệm này không hề giống như những gì họ vẫn nhớ.
Thực vậy, công nghệ pixel hoàn hảo trên màn hình LCD rõ ràng không thể tái hiện được sự quyến rũ hoài cổ của những game 8 bit. Bởi lẽ, những tựa game này vốn được thiết kế để tận dụng những hình ảnh mờ mờ, không sắc nét của TV CRT, trở thành nét đẹp của chúng. Đây cũng chính là điều khiến Disney Afternoon Collection của Capcom thật đặc biệt. Bộ sưu tầm này không chỉ là tập hợp những tựa game kinh điển nổi tiếng từ thập niên 80, 90, nó còn mang đến trải nghiệm với đầy đủ những hạn chế của thời xa xưa đó.
Disney Afternoon Collection gồm có những game nào?
Vào năm 2015, Capcom từng phát hành Mega Man Legacy Collection. Trò chơi nhận được sự quan tâm lớn từ người chơi. Với định hướng tương tự, Disney Afternoon Collection tiếp tục được ra đời. Nó gồm sáu tựa game kinh điển, phát hành trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1993, cho hệ Nintendo Entertainment System. Đó là DuckTales (1989), DuckTales 2 (1993), TaleSpin (1991), Darkwing Duck (1992), Chip 'n Dale Rescue Rangers (1990) và Chip 'n Dale Rescue Rangers 2 (1993). Mà tôi nói này, đừng có Mọt Game nào dại dột trải nghiệm Disney Afternoon Collection bằng bàn phím nhé!
Gameplay khó nhưng đã có "cheat" chính chủ
Ngoại trừ TaleSpin, các game còn lại trong Disney Afternoon Collection đều có chung kiểu đi cảnh leo trèo nhảy nhót. Darkwing Duck chẳng hạn, mang nhiều nét gameplay giống với Mega Man nhất. Người chơi điều khiển nhân vật Darkwing Duck tiêu diệt kẻ thù trong màn chơi, và cuối màn sẽ là trận đánh trùm khá gây cấn. Riêng TaleSpin thì thuộc thể loại máy bay bắn súng, khá giống LifeForce thời NES. Còn lại DuckTales và Chip 'n Dale đều có chút gì đó vay mượn từ gameplay của Mega Man, với điểm nhấn là những đoạn nhảy nhót leo trèo khó nhằn. Mà không phải khó xoàng đâu, chúng đều khó lòi mắt luôn, nhưng điều đó không còn là vấn đề to tát ở bản chơi mới này.
Để "giảm" độ khó cho chúng, nhà phát triển đã tích hợp tính năng save state (save bất kỳ lúc nào) giống các trình giả lập và rewind (tua ngược) để hỗ trợ người chơi. Cá nhân tôi đánh giá cao tính năng rewind hơn save state. Vì save state buộc người chơi phải mở menu lên rồi chọn lựa khá lằng nhằng. Trong khi đó, bạn dễ dàng "tua ngược" chỉ bằng một phím tắt trên bàn phím hoặc tay bấm, nhanh hơn nhiều. Thậm chí, ngay cả khi nhân vật điều khiển lọt hố chết, bạn đang chơi lại bằng "mạng mới" thì rewind vẫn có tác dụng quay ngược về hoàn cảnh khó khăn của "mạng cũ" trước đó, khá tiện để gian lận thoải mái.
Bên cạnh "cải tiến" để giảm độ khó cho bộ sưu tầm game 8 bit, Digital Eclipse còn bổ sung thêm Time Attack và Boss Rush dành cho những Mọt Game thích "leo thang". Về cơ bản, Time Attack là phần chơi bấm giờ từ đầu đến cuối toàn bộ các màn chơi. Trong khi đó, Boss Rush lại chỉ tính giờ tất cả các trận đánh boss của trò chơi. Người chơi sẽ đấu boss liên tục từ con đầu tiên của game đến tận con cuối cùng. Tất nhiên, để công bằng, hai chế độ chơi này khóa các tính năng "gian lận" chính chủ nói trên. Nghĩa là không có rewind hay save state gì cả, bạn phải tự lực cánh sinh. Nếu thích, bạn có thể "đua" cùng thành tích của bạn bè hoặc theo dõi trình độ "leo thang" của họ. Ngoài ra, bộ sưu tầm này còn kèm theo một số artwork của sáu trò chơi này, nhưng cá nhân tôi không thấy gì hấp dẫn cho lắm.
Đồ họa và âm nhạc giữ nguyên
Không có gì lạ khi phần hình ảnh và nhạc vẫn giữ nguyên hoàn toàn, kể cả những đoạn bị tụt tốc độ khung hình khi trải nghiệm trên máy NES hồi xưa. Thế nhưng, nhà phát triển bổ sung thêm một số bộ lọc (filter) và cho phép chỉnh khung hình hiển thị để chiều lòng người chơi. Trong khi các bộ lọc giúp tạo cảm giác hoài cổ được "giống như xưa" hơn, việc cho phép thay đổi khung hình hiển thị khiến tôi cảm thấy dư thừa, nhất là khung hình Wide làm hình ảnh méo mó đến dị dạng làm sao. Nhưng đấy chỉ là nhận định của cá nhân tôi. Những ai đã quen xem truyền hình 4:3 trên TV 16:9 có lẽ sẽ không thấy vấn đề gì.
Kết
Ở khía cạnh trải nghiệm và tái hiện cảm giác hoài cổ, Disney Afternoon Collection đã thực hiện rất tốt điều này. Đến nay, chỉ có Capcom vẫn còn quan tâm đến trải nghiệm hoài cổ của fan, điều này thật đáng trân trọng. Với trào lưu game 8 bit đang phát triển mạnh thời gian gần đây, hy vọng sẽ có nhiều tựa game xưa cũ được tái phát hành. Tất nhiên, không phải theo cách mà Nintendo đã và đang làm với Virtual Console.
Disney Afternoon Collection hiện có trên Windows, PlayStation 4 và Xbox One.