Thế hệ console thứ 9 đang cận kề. Và bên cạnh việc phải mất công sức và tiền của để đầu tư vào những tựa game mới, các hãng game chắc hẳn cũng không quên đào lại các game cũ của mình rồi port lên nền tảng mới như cách kiếm tiền nhẹ nhàng, nhanh gọn và hiệu quả. Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta tiếp tục thấy những tựa game đình đám của thế hệ thứ 8 tiếp tục được port hoặc remaster lên thế hệ 9 dù cho cả PS5 và Xbox Series X/S đều tương thích ngược. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ thời điểm PS5 được công bố chính thức, không ít người mừng hụt khi thấy logo Rockstar Games để rồi ra vẫn là GTA V trên PS5 mà thôi. Hay việc công đồng châm biếm việc Bethesda quanh năm xào đi xào lại Skyrim trên đủ các hệ. Sau đây Mọt Game xin được điểm qua những tựa game được port lên nhiều hệ máy nhất, biết đâu chúng lại tiếp tục lên hệ console sắp tới. Số lượng nền tảng có thể chưa đầy đủ bởi các bản port trên các nền tảng ít được biết tới.
Kể từ lần đầu phát hành vào năm 2009, PvZ đã tạo nên cơn sốt lớn trong làng game toàn cầu. Với lối chơi tower defense chiến thuật đơn giản nhưng có chiều sâu và vô cùng hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi, PvZ nhanh chóng thu hút đông đảo game thủ trên toàn thế giới. Cũng bởi sự đơn giản và phổ biến của tựa game mà cũng như hầu hết các game khác của PopCap Games, PvZ ban đầu phát hành trên PC được port lên rất nhiều hệ máy khác nhau sau này, bao gồm hệ console Xbox 360 và PS3, các hệ máy cầm tay như PS Vita và Nintendo DS, các nền tảng di động như Android, Windows Phone, iOS, BlackBerry,... Đó là chưa kể vô vàn bản nhái của tựa game này xuất hiện trên vô số các hệ máy khác. Hơn 10 năm sau, chúng ta vẫn có thể dễ dàng thấy được sức ảnh hưởng mãnh liệt của PvZ đối với làng game khi mà bên cạnh những phiên bản mới vô cùng hấp dẫn thì phiên bản gốc vẫn tuyệt vời như ngày nào.
Lần đầu phát hành vào năm 2005, dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu Resident Evil 4 có khiến dòng game kinh dị huyền thoại này lấn sân quá nhiều sang hành động không, thế nhưng không thể phủ nhận được tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng to lớn của phần 4 tới thể loại bắn súng góc nhìn người thứ 3. RE4 giống như rượu vang vậy, càng theo thời gian nó càng chứng tỏ giá trị không phai mờ của mình. Cũ bởi những gì mà phiên RE xuất sắc nhất đã làm được mà Capcom không ngừng khai thác nó. Ban đầu Shinji Mikami khẳng định rằng RE4 sẽ chỉ độc quyền trên GameCube, mỉa mai thay Capcom không nghĩ vậy. Bằng chứng là kể từ đó đến nay gần như chưa có nền tảng nào chưa có RE4 khi mà cứ ra hệ console mới là lại có phiên bản HD cho hệ máy đó. Bên cạnh các hệ console chính thống, RE4 còn được port lên cả Android và iOS, cùng với đó là nền tảng lạ hoắc tên Zeebo, Mọt sẽ để bạn tự tìm hiểu về nó. Và việc Capcom quyết định remake RE4 cho thấy rằng hãng chưa muốn dừng việc khai thác cái mỏ vàng này.
Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với tựa game xếp kim cương của nhà phát triển PopCap Games vốn một thời hấp dẫn mọi lứa tuổi. Sở hữu gameplay đơn giản mà hấp dẫn đến kì lạ, tựa game nhanh chóng trở nên phổ biến đến mức có lúc tưởng như mọi chiếc máy tính hay điện thoại đều có nó (hoặc ít ra là sản phẩm mang phong cách tương tự). Nó đồng thời cũng là khuôn mẫu cho các tựa game sau này tiếp bước, điển hình và nổi tiếng nhất có lẽ là Candy Crush. Với tựa game phổ thông như Bejeweled chắc chắn sẽ xuất hiện trên rất nhiều hệ máy khác nhau. Hiện tại có vẻ như Bejeweled 2 đang có nhiều bản port nhất dòng game với ước tính vào khoảng 19 nền tảng khác nhau, từ các hệ console, handheld cơ bản cho tới các hệ điều hành di động khác nhau và cả trên nền web và flash. Dù giờ đây phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ mới, thế nhưng chắc chắn rằng Bejeweled sẽ luôn luôn phổ biến.
Nếu như Nintendo có Mario là linh vật thì Sega có Sonic. Dù không thể duy trì sức hút trong làng game như đối thủ, thế nhưng Sonic vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định trong văn hóa đại chúng với vô vàn sản phẩm ăn theo như sách truyện, hoạt hình và phim ảnh cũng như là một trong những biểu tượng bất diệt của ngành công nghiệp game. Phiên bản Sonic the Hedgehog đầu tiên ra mắt vào năm 1991 góp phần vô cùng lớn cho sự thành công của hệ máy Sega Genesis cùng những chiếc máy game thùng arcade, đồng thời biến Sonic trở thành hiện tượng văn hóa những năm 90. Bởi sức ảnh hưởng khủng khiếp đó mà đến nay Sega vẫn không ngừng port Sonic The Hedgehog lên gần như tất cả các nền tảng lớn nhỏ từ trước đến nay, từ console cho tới handheld, gần như mọi nền tảng di động và thậm chí cả các nền tảng truyền hình như Apple TV và Amazon Fire TV. Bởi số lượng bản port quá nhiều và trên cả những nền tảng lạ hoắc mà Mọt tui không thể ước tính chính xác được nên công bằng mà nói thì cái gì cũng có thể chơi được Sonic The Hedgehog.
Còn tiếp...